Shewatsel, Leh, Ladakh UT, Ấn Độ, ngày 21 tháng 7 năm 2023
Mọi người bắt đầu đổ về Sân bãi thuyết Pháp Shewatsel ngay sau khi mặt trời mọc sáng nay. Cuối cùng, ước tính có khoảng 45.000 người chật kín cả Sân bãi. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe từ Shewatsel Phodrang đến gian Lều thuyết Pháp trên một chiếc xe golf. Phía trước Ngài là Chư Tăng đội chiếc mũ màu vàng nghi lễ và đang thổi tù và. Một chiếc lọng bằng lụa màu vàng đặc trưng bay phấp phới trên nóc xe. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười và vẫy tay chào đám đông khi Ngài đi ngang qua. Trong khi đó, phía trước Pháp Toà, học sinh địa phương đang thể hiện kỹ năng tranh luận của mình.
Trong gian Lều thuyết Pháp, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kính lễ và thắp một ngọn đèn trước hình ảnh của Đức Phật. Những vị khách vân tập lại để cung đón khi Ngài bước ra phía thềm của khán đài phía trước Pháp Toà. Ở đó, Ngài lại mỉm cười và vẫy tay với đám đông ở bên trái, bên phải và phía trước, và thực hiện động tác cử chỉ hướng về khoảng không trung trống ở phía trên. Hàng vạn người chắp tay đáp lại sự chào đón của Ngài.
Các Vị Lạt Ma và Tulku địa phương ngồi xung quanh Pháp tòa khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa. Nghi lễ cúng dường Mandala trang trọng đã được thực hiện bởi các quan chức của Hiệp hội Phật giáo Ladakh (LBA) và Hiệp hội Tu viện Ladakh (LGA) và các nhà tài trợ của sự kiện này.
Đức Ngài bắt đầu: “Hôm nay, tại Ladakh này, tôi sẽ thuyết giảng về những lời dạy của Đức Phật. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy chúng ta phải tử tế và giúp đỡ lẫn nhau, đây là điều mà tôi vô cùng cảm kích. Tôi trân quý và tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo. Khi tôi đến viếng thăm những nơi khác nhau ở các quốc gia khác nhau, tôi cố gắng đến thăm viếng những nơi thờ phụng của những người khác - nếu có thể.
“Con người trên trái đất này đánh đấu nhau vì nhiều lý do, nhưng khi họ làm như vậy dưới danh nghĩa tôn giáo thì thật là điều đáng tiếc! Đây là một trong những lý do vì sao tôi nỗ lực thiết lập sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
“Ví dụ như ở Ladakh này, phần lớn dân số theo đạo Phật, nhưng cũng có một cộng đồng đáng kể gồm những người theo đạo Hồi, cũng như một số người theo đạo Thiên chúa và những người khác theo các truyền thống của Ấn Độ không phải đạo Phật. Tất cả họ có thể có những cách giải thích triết học khác nhau về truyền thống của họ, nhưng chung quy - tất cả họ đều đi đến những phương cách khác nhau để phục vụ tha nhân. Chẳng hạn, những người theo Cơ đốc Giáo thì được biết đến qua công việc cung cấp giáo dục và chăm sóc sức khỏe, và tất cả những truyền thống này đều lợi lạc. Vì lý do đó, điều quan trọng là họ phải có quan hệ tốt với nhau. Và họ có thể đạt được điều đó bằng cách thỉnh thoảng gặp gỡ tụ hợp lại để hiểu nhau hơn.
“Hôm nay, thời tiết tốt hơn. Không quá nóng cũng chẳng lạnh nhiều. Tôi cảm thấy rằng các vong linh, các vị thần và chư thần địa phương cũng đã vân tập về đây để lắng nghe giáo lý, mặc dù chúng ta không nhìn thấy họ.
“Hôm nay, chúng ta sẽ học về ‘Ba mươi bảy Pháp hành của Bồ tát’ của Gyalsé Thogmé Sangpo. Tác giả là một vị Bồ tát đã thiền định trong các hang động Ngulchu. Trong nhiều khía cạnh của thực hành Phật giáo mà Vị ấy đã thực hiện; Vị ấy chủ yếu tập trung vào Bồ Đề Tâm, trau dồi Tâm Giác Ngộ vị tha. Ngày mai, tôi sẽ ban quán đảnh Quán Thế Âm, Vị Bổn Tôn của Tâm Từ Bi.
“Tôi đã nhận được sự giải thích về bản văn này từ Vị Lama của xứ Kinnaur - Khunu Lama Rinpoché. Đó là một giáo lý rất lợi ích liên quan đến Bồ đề Tâm và Bồ tát Đạo. Tôi thiền định về Bồ Đề Tâm mỗi sáng ngay khi vừa thức dậy. Để hoàn thành mục tiêu của chính chúng ta hoặc của người khác thì không có cách nào tốt hơn cách đó cả! Nó cho tôi dũng khí để phụng sự cho tất cả chúng sinh cho đến tận cùng không gian.
“Khi tôi nghĩ đến việc mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh và không làm tổn hại bất kỳ ai, điều đó làm nảy sinh tâm trạng vui vẻ. Nó góp phần giúp cho tôi được khỏe mạnh về thể chất và đảm bảo rằng tôi có được giấc ngủ yên bình.”
Ngài đề cập rằng khắp nơi trên thế giới mọi người đều nói về hòa bình. Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai của thế kỷ trước là thời kỳ vô cùng bạo lực. Rất nhiều vũ khí đã được sử dụng để phá hủy và giết chóc. Nhưng chỉ tuyên bố rằng chúng ta cần chấm dứt chiến tranh - là chưa đủ - nếu chúng ta còn hướng đến mục tiêu chiến thắng của chính mình và đánh bại người khác. Ngài chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều là một phần của xã hội loài người và tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào người khác.
Ngài nói rằng, ngay cả khi chúng ta có những cách suy nghĩ khác nhau, thì đó cũng không phải là lý do để đánh đấu lẫn nhau. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần ý thức về sự thống nhất của nhân loại và mong muốn thiết lập hòa bình. Ngày nay, vì tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn nên chúng ta cần có ý thức mạnh mẽ về tình huynh đệ.
Ngài lưu ý rằng từ khi chào đời, tất cả chúng ta đều được nuôi dưỡng bằng tình cảm và lòng yêu thương. Trẻ em có sự phản ứng rất cởi mở với bạn bè của chúng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Chỉ đến khi lớn lên, chúng mới học cách phân biệt cái này với cái khác.
Chúng ta có thể có những sự khác biệt về thể chế kinh tế, nhưng chúng ta vẫn cần chung sống hòa bình và hợp tác với đồng loại. Ta nên nghĩ đến lợi ích chung, không phải chỉ nghĩ về ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’.
Ngài nhắc lại rằng chỉ nói về hòa bình thôi - là không đủ. Hòa bình thế giới thực sự sẽ chỉ xảy đến khi chúng ta giảm bớt sự kiêu ngạo và ghen tị, tức giận và thù hận; và tăng cường ý thức về tình yêu thương và lòng từ bi. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều phải chịu đựng cuộc khủng hoảng khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, do đó chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau.
Ngài tiếp tục: “Bản chất cơ bản của con người là tình cảm. “Ngay từ lúc bắt đầu của cuộc đời, chúng ta đã không muốn đánh nhau. Nhưng khi lớn lên, ta học cách suy nghĩ về 'chúng ta' và 'bọn họ'. Thay vào đó, ta nên nghĩ về tất cả con người như một phần của 'chúng ta'. Hòa bình thế giới sẽ không từ trên trời rơi xuống hay mọc lên từ trái đất theo cách riêng của nó. Trong ‘Nhập Trung Quán Luận’ Ngài Nguyệt Xứng đã tán dương giá trị của Bồ Đề Tâm ở đầu, giữa và cuối của Đạo Lộ. Vì vậy, chúng ta nên tăng trưởng lòng từ bi và giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực trong tâm thức của mình - đó là điều đã được giảng dạy trong bản văn này.
“Đối với tôi, Bồ Đề Tâm là sự thực hành chính của tôi và lời cầu nguyện hàng ngày của tôi là:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
“Hãy nhìn vào bản văn. Như tôi đã nói trước đó, tôi đã nhận được sự giải thích về bản văn này từ Kinnauri Lama - Khunu Lama Rinpoché, Tenzin Gyaltsen. Khi cả hai Vị vẫn còn ở Tây Tạng, thì Thầy Giáo thọ trưởng thượng của tôi - Kyabjé Ling Rinpoché - đã học thơ với Khunu Lama Rinpoché. Vì vậy, khi tôi bày tỏ nguyện vọng mong được Khunu Lama Rinpoché truyền dạy, thì Ling Rinpoché nói rằng thật rất tốt nếu được như thế.
“Khi gặp Ngài, tôi đã hỏi Khunu Lama Rinpoché rằng liệu Ngài đã nghiên cứu ‘Bodhicharyavatara’ - ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên hay chưa; và Ngài ấy đã nói với tôi rằng đó là sự thực hành chính của Ngài. Khi thời điểm đến, Ngài ấy đã truyền dạy cho tôi; và điều đó vô cùng lợi lạc cho tâm thức của tôi. Kể từ khi tôi nhận được lời giải thích của Ngài ấy về bản văn đó, tôi đã luôn giữ một bản sao ở bên cạnh giường của mình.
“Chúng tôi có những sự thực hành về bổn tôn mà theo đó -chúng tôi quán tưởng mình trở thành những vị thần; nhưng chính ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ đã thực sự mang lại lợi ích cho tâm thức của tôi.”
Chuyển sang “Ba mươi bảy Pháp hành Bồ Tát”; Đức Ngài đã lưu ý rằng những dòng đầu tiên bao gồm sự tôn kính đối với Đức Quán Thế Âm, Bậc hiện thân của lòng từ bi cũng như Đức Văn Thù là hiện thân cho trí tuệ. Chính vì những lời cầu nguyện trong quá khứ mà giờ đây chúng ta cảm thấy gần gũi với Đức Quán Thế Âm và trì tụng thần chú của Ngài.
Bài Kệ tiếp theo bao gồm lời hứa của tác giả về việc soạn tác bản văn. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng vô số chư Phật đã thực hiện Bồ đề Tâm là sự thực hành chính của họ, và do đó đã phục vụ chúng sinh. Vì vậy, là đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta cũng nên trau giồi trưởng dưỡng Bồ đề Tâm của mình.
Ngài nói rằng tất cả chúng ta đều nói, ‘Con quy y Phật’, nhưng chúng ta phải tự hỏi từ “Phật” nghĩa là gì. Âm tiết đầu tiên của thuật ngữ Tây Tạng ‘Sang-gyé’ ngụ ý chỉ cho một người đã khắc phục được mọi phiền não - bao gồm những cảm xúc tiêu cực và những nhiễm ô còn sót lại của chúng. Âm tiết thứ hai tượng trưng cho việc nhìn thấy tất cả các pháp cần được nhận biết - chẳng hạn như Nhị đế - một cách rõ ràng. Do đó, Đức Phật là người đã vượt qua được mọi điều tiêu cực và đạt được sự toàn giác, nhận biết rốt ráo và rõ ràng về mọi điều cần nhận biết.
Ngài tiếp tục, sự đạt được giác ngộ viên mãn sẽ không xảy ra nếu không hội đủ nhân duyên và điều kiện. Chúng ta không thể chỉ cần sự quyết tâm là đạt được Phật quả, mà còn cần phải loại bỏ mọi cảm xúc tiêu cực và sở tri chướng (sự ngăn che tánh biết của mình). Và để thực hiện được điều đó, chúng ta cần sử dụng tâm tịnh quang vốn có của mình.
Ngài khuyên: “Nếu quý vị nỗ lực, thì quý vị sẽ có thể phát triển những phẩm chất này và sẽ tiến bộ từng ngày. Kinh nghiệm của riêng tôi là tôi sinh ra ở Siling và đến miền Trung Tây Tạng để tìm hiểu về Đức Phật. Tôi đã học và thực hành; và bây giờ đã có được một số kinh nghiệm về Bồ Đề Tâm và tánh Không. Tôi không chỉ trở nên quen thuộc với những phẩm chất ấy mà việc tương tác với chúng cũng trở nên dễ dàng hơn.
“Nếu quý vị làm quen với những sự thực hành này, thì quý vị sẽ có thể cảm thấy một sự chuyển hóa bên trong nội tâm của mình. Cùng với việc thực hành Bồ Đề Tâm, chúng ta nên thiền định về tính Không. Tất cả các trường phái Phật giáo đều dạy về điều đó, nhưng chỉ có trường phái Trung Quán Luận (Prasangika Madhyamaka) dạy rằng không có bất cứ thứ gì có sự tồn tại cố hữu. Mọi thứ chỉ tồn tại theo cách mà nó được định danh; bằng tên gọi. Mọi thứ hoạt động như thế này hay thế khác, nhưng chúng chỉ tồn tại bằng tên gọi hoặc bằng sự định danh mà thôi.
“Truyền thống Phật giáo mà chúng tôi đã bảo tồn ở Tây Tạng và Vùng Hy Mã Lạp Sơn là một sự trình bày hoàn chỉnh, tất cả đều bắt nguồn từ việc trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và quan điểm về tính không.
“Đầu tiên chúng tôi học hỏi và sau đó suy ngẫm về những gì mà chúng tôi đã học được. Điều đó dẫn đến một sự hiểu biết dựa trên sự quán chiếu và bằng cách thiền định về điều đó, chúng ta tạo ra một kinh nghiệm đích thực về giáo lý. Tôi không chỉ lặp lại những lời sáo rỗng với quý vị, mà đây là kinh nghiệm của riêng tôi. Quý vị có thể phát triển Bồ Đề Tâm và tuệ giác về tính không trong tâm của chính mình. Theo sự quan sát của một vị Bồ tát trên con đường tích lũy (tư lương đạo) hướng tới con đường chuẩn bị (gia hành đạo), sự thực hành là chuyển hóa tâm thức của quý vị.
“Khi chúng ta quy y Phật, Pháp và Tăng, điều chính yếu cần hiểu là chính chúng ta phải trở thành Phật, Pháp và Tăng. Cuối cùng chúng ta nên là hiện thân của Phật, Pháp và Tăng.”
Sau khi đọc xong phần lời hứa sẽ sáng tác, Đức Ngài đã đọc qua những bài kệ của bản văn, nêu bật bản chất tinh tuý là những sự thực hành của Bồ Tát - từ bỏ quê hương, tu hành ẩn dật, bởi vì cuối cùng thì tâm thức cũng sẽ rời bỏ thân xác này, buông bỏ cuộc sống này. Những bài kệ tiếp theo khuyên hãy từ bỏ bạn bè xấu ác, noi theo và kính trọng bậc thầy tâm linh, quy y Tam Bảo và không bao giờ làm điều sai trái.
Ngài nhận xét, “Sự tham đắm và sân giận không phải là bản chất của tâm thức. Nếu chúng đúng là bản chất của tâm thức thì chúng ta sẽ không bao giờ có bất kỳ sự trải nghiệm nào khác. Nhưng, khi nó xảy ra, những cảm xúc tiêu cực chỉ là tạm thời, trong khi đó - tình yêu thương và lòng từ bi trở nên mạnh mẽ hơn một khi ta đã quen thuộc với nó. Bản chất cơ bản của tâm thức là sự trong sáng và tỉnh giác.
“Có thể đoạn trừ phiền não và vượt qua chúng được không? Vâng, có thể! Chẳng hạn như - vô minh không phải là bản chất của tâm thức, nhưng chính bởi vì vô minh, nên ta mới thấy mọi thứ đều tồn tại một cách cố hữu, nên sân si và thù hận mới nảy sinh trong ta. Hãy xem xét kinh nghiệm của chính mình và quý vị sẽ thấy rằng mình có thể khắc phục được những cảm xúc tiêu cực và phát triển những trạng thái tâm tích cực như Bồ Đề Tâm.
“Rõ ràng là chúng ta có thể chuyển hóa được tâm mình. Đây là một ví dụ: Cộng sản Trung Quốc đã gây ra cho người Tây Tạng quá nhiều rắc rối, nhưng thay vì cảm thấy tức giận đối với họ, thì chúng ta có thể ghi nhớ rằng - họ hành động như thế là do vì sự thiếu hiểu biết (vô minh) và chúng ta có thể cảm thấy từ bi đối với họ. Một bài kệ trong ‘Cúng dường Bậc Thầy Tâm linh’ (Lama Chopa) đã tóm tắt điều này.
Do đó, hỡi những bậc Thầy từ bi khả kính!
Xin ban phước cho con - rằng hết thảy chướng duyên
Từ những hành vi sai lầm, đau khổ triền miên
Của mẹ chúng sinh - xin giáng xuống đời con ngay lập tức!
Và nguyện con có thể truyền trao mọi niềm hạnh phúc
Và công đức của mình cho sự an lạc của hết thảy chúng sinh!
Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc nhanh qua các bài kệ còn lại, lưu ý rằng khi bài kệ thứ 22 đề cập đến việc không đem vào tâm thức những dấu hiệu cố hữu của chủ thể và đối tượng - điều đó có thể áp dụng cho quan điểm của cả hai trường phái Duy thức và Trung đạo.
Phần ghi chú ở cuối sách ghi rằng bản văn được soạn tác bởi Bồ tát Thogmé Sangpo, nhưng trong bản sao mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang đọc được xuất bản bởi Lhatsun Rinpoché ở Tây Tạng, nhà xuất bản đã viết:
Mong giúp đỡ tha nhân, nhưng cảm thấy mình không có khả năng,
Nên dòng lệ tuôn trào đẫm ướt khuôn mặt không thể nào ngăn,
Và nỗi lòng trắc ẩn thấm đượm ngập tràn con tim bi mẫn.
Nên tôi khuyên những lời này cho các đệ tử Tăng thân,
Từ sâu thẳm lòng mình nơi cùng tận đáy tim tôi!
Tôi xuất bản bản văn này với mục đích mang lại lợi ích cho tha nhân, đó là nền tảng của việc rèn luyện Bồ Đề Tâm Nguyện và Bồ Đề Tâm Hạnh của Đại Thừa. Nhờ công đức của việc làm như vậy, cầu mong ước nguyện của tất cả những ai hộ trì, bảo tồn và truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Toàn Giác, và đặc biệt là truyền thống tối thượng hợp nhất những lời giải thích và sự chứng ngộ Kinh và Mật, được giảng dạy bởi Đức Hộ Pháp Tsongkhapa, được thành tựu một cách tự nhiên. Nguyện cầu cho chân sen của Ngài được vững bền cho đến khi chấm dứt cõi luân hồi.
Ngài kết thúc với nguyện vọng rằng những mong ước của người bảo trợ ấn phẩm - một Dorjé Tsewang - được thành tựu viên mãn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiết lộ, “Tôi biết Lhatsun Rinpoché. Rinpoche đã nói với tôi rằng - có một lần khi ông ấy đang thực hiện một nghi lễ trường thọ dựa trên Tara Trắng - ông ấy đã linh kiến thấy những tia sáng phát ra từ trái tim của Thánh Tara và chiếu vào bức hình của tôi ở gần đó. Ông ấy đảm bảo với tôi rằng đây là dấu hiệu cho thấy tôi sẽ sống trường thọ.
“Chúng ta đã hoàn thành việc giảng dạy của ngày hôm nay. Ngày mai tôi sẽ ban quán đảnh của Đấng Đại Bi. Bởi vì Pháp hành này thuộc loại Mật điển Hành động, thế nên quý vị hãy kiêng ăn thịt, trứng và cá trong bữa điểm tâm nhé!”
Một lần nữa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến bên thềm của khán đài để vẫy tay chào Hội chúng. Và trước khi lên chiếc xe golf bên dưới để đến cửa gian lều, Ngài đã có ý chào những người đang tập trung gần đó, bao gồm cả một nhóm người Ladakh đang đánh trống. Sau đó, Ngài bước lên xe và được đưa trở về dinh thự của mình, cúi chào các thành viên của công chúng ở mỗi bên khi Ngài đi ngang qua…