Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Tsuglagkhang vào sáng sớm hôm nay, thì trong Chánh Điện, mái hiên xung quanh và sân bên dưới đã chật kín người, bao gồm khoảng 5000 Tăng ni, 600 người Mông Cổ và các thành viên khác của cộng đồng.
Đầu tiên, Ngài an toạ đối diện với mạn đà la và im lặng tiến hành các nghi lễ sơ khởi chuẩn bị cho việc ban quán đảnh Chakrasamvara. Sau khi những thực hành này hoàn tất, Ngài an toạ trên Pháp toà.
Ngài chỉ vào một cậu bé ngồi bên trái và nói với Hội chúng: “Hôm nay chúng ta có hóa thân của Khalkha Jetsun Dhampa Rinpoche của Mông Cổ. Những vị tiền nhiệm của Rinpoche có mối liên hệ chặt chẽ với dòng truyền thừa Krishnacharya của Chakrasamvara. Một trong số các Vị ấy đã thành lập một Tu viện ở Mông Cổ dành riêng cho việc thực hành này. Vì vậy, sự hiện diện của Rinpoche ở đây hôm nay là một điều khá tốt lành.
“Ở Tây Tạng Mật tông được truyền bá một cách rộng rãi. Đối với Chakrasamvara, truyền thống Ghantapada và Luipa rất phổ biến, nhưng dòng Krishnacharya này khá hiếm. Tôi đã nhận Chakrasamvara từ Tagdrag Rinpoche và từ lâu đã cảm thấy rất yêu thích pháp tu này. Hôm nay, tôi sẽ thực hiện các nghi lễ nhập môn cho lễ quán đảnh chính thức mà tôi sẽ ban vào ngày mai.
“Chakrasamvara được phân loại là thuộc tantra mẹ. Nó thuộc về những tantra yoga cao nhất. Trong khi Guhyasamaja nhấn mạnh vào thân huyễn, thì Chakrasamvara tập trung vào tịnh quang. Tuy nhiên, nếu quý vị lấy thân huyễn làm thực hành chính của mình thì tịnh quang cũng xuất hiện.
“Như tôi đã nói, tôi cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ với truyền thống Krishnacharya. Tôi đã nhận quán đảnh và tiến hành nhập thất cần thiết. Điều này có vẻ hơi khoe khoang, nhưng tôi cũng cảm thấy mình có mối liên hệ nào đó với Đại thành tựu giả Krishnacharya vĩ đại.
“Việc quán đảnh này đòi hỏi những thực hành sơ khởi mà chúng ta sẽ thực hiện hôm nay. Tôi đã thực hiện quá trình tự phát triển và quán tưởng mình là Chakrasamvara.
“Trước hết, chúng tôi cúng dường một chiếc bánh nghi lễ để đoạn trừ bất kỳ trở ngại nào có thể có đối với việc tiến hành lễ quán đảnh. Tất nhiên, chướng ngại thực sự chính là sự vô minh bên trong chúng ta, nên có lẽ chúng ta có thể coi chiếc bánh nghi lễ đang được dâng cho những người không biết rõ bản chất thực sự của mình.
“Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người độc đáo trong số các vị thầy tâm linh và những người sáng lập các truyền thống tâm linh; bởi lẽ Ngài dạy về lòng từ bi và việc làm để giúp đỡ người khác. Ngài chỉ ra con đường để ta noi theo, đòi hỏi phải hiểu rõ hành vi nào nên áp dụng và hành vi nào cần từ bỏ. Ngài đã tiết lộ những phương tiện mà nhờ đó chúng ta có thể chuyển hóa chính mình.
“Trong mật tông, chúng ta hiện thực hóa tâm tịnh quang. Nếu có thể làm được điều đó thì chúng ta cũng có phương tiện để đạt được thân huyễn và tập hợp chúng lại ở mức độ một người thực tập. Những lời dạy này rất khoa học. Nó phù hợp với thực tế.
“Phật quả là một trạng thái thoát khỏi mọi lỗi lầm và chướng ngại và có đủ mọi phẩm tính. Làm thế nào để chúng ta đạt được Phật quả? Bằng cách sử dụng tâm tự nhiên của tịnh quang. Chúng ta có tâm này bên trong mình và có thể chuyển hóa nó thành con đường dẫn đến giác ngộ.
“Tâm tịnh quang luôn đi kèm với năng lượng khí vi tế chuyển hóa thành huyễn thân ở cấp độ thực tập. Những thành tựu cao như vậy là có thể đạt được. Trong tâm chúng ta có khí và tâm với nhiều mức độ vi tế khác nhau. Khí và tâm đã tồn tại từ vô thỉ là cơ sở để định danh một con người. Bằng cách chuyển hóa khí thô và tâm, chúng ta có thể hiện thực hóa tâm tịnh quang vi tế cùng với năng lượng khí đi kèm.
“Về phần quán đảnh này, chúng t thực hiện nó không phải để đạt được tái sinh cao hơn, mà như một phương tiện để đạt được giác ngộ. Để thực hành Mật tông, chúng ta cần có một tầm nhìn rõ ràng về bản thân mình như một vị thần. Vì vậy, chúng ta xóa tan ý tưởng cho rằng mình là một chúng sinh bình thường và chuyển hóa thành Heruka hay Chakrasamvara.”
Trước khi ban truyền Bồ Tát giới, Ngài đã nói về tầm quan trọng của việc trau dồi Bồ đề Tâm. Ngài đề cập rằng nó mang lại sự bình yên trong tâm hồn, đồng thời nói thêm rằng tất cả hàng ngàn vị Phật của kiếp may mắn này sẽ trở nên giác ngộ nhờ vào Bồ Đề Tâm. Ngài nói, đây là lý do tại sao Ngài phát Bồ đề Tâm và quán chiếu về tánh Không ngay khi thức dậy vào mỗi buổi sáng. Ngài khen ngợi cuốn “Nhập Bồ Tát Đạo” của Ngài Tịch Thiên là cuốn sách làm sáng tỏ tốt nhất những phẩm chất của Bồ đề Tâm và những phương pháp để trau dồi nó, đồng thời tiết lộ rằng Ngài luôn giữ một bản sao của tác phẩm này bên giường của mình.
Ngài khuyến khích các thành viên của hội chúng hãy quán tưởng Đức Phật trong không gian trước mặt họ được bao quanh bởi Tám vị Bồ Tát và các Đạo sư vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng. Trước những nhân chứng này, Ngài yêu cầu các thính giả thọ Bồ Tát giới hãy lặp lại bài kệ ba lần theo Ngài.
Để hoàn tất các nghi lễ nhập môn, Ngài yêu cầu Jhado Rinpoche ném chiếc que nhành dương đã rơi về phía đông. Nước gia trì được phân phát bằng cách rót vào bàn tay khum khum của tín đồ. Những sợi dây gia trì bảo vệ may mắn đã được trao cùng với những cọng cỏ kusha ngắn và dài. Những cọng cỏ này sẽ được đặt tương ứng dưới gối và nệm để giúp các tín đồ có một giấc ngủ rõ ràng. Cuối cùng, chư tín đồ được khuyên nên kiểm tra những giấc mơ của mình tối nay.
Sau khi kết thúc buổi sáng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có cuộc gặp gỡ nhanh với một nhóm đông đảo người Mông Cổ là những người bảo trợ cho buổi giảng dạy này. Đám đông giải tán và tầm nhìn từ mọi hướng tràn ngập những thân cỏ kusha thẳng đứng mà chư tín đồ đang cầm trên tay.