Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay thời tiết quang đãng hơn khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ Dinh thự của Ngài đến Tsuglagkhang. Khoảng sân tràn ngập âm thanh của các câu thần chú “Om ara patsa na dhi” và “Mig-tse-ma”. Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Chùa, chư Tăng truyền thống Nguyên Thủy đã tụng Kinh Mangala bằng tiếng Pali, sau đó chư Tăng Việt Nam tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng ngôn ngữ tiếng Việt của họ. Đại diện của các nhóm Phật tử tham dự khác nhau đã dâng một Mạn đà la và các biểu tượng về thân, khẩu và ý giác ngộ của Đức Phật. ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ được tụng một lần nữa bằng tiếng Tây Tạng trong khi trà và bánh mì được phân phát phục vụ cho Đại chúng.
Để bắt đầu, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kể lại một trường hợp trong một cuộc hội nghị Phật giáo ở Varanasi, Ngài đã có được một linh kiến rõ ràng về Đức Phật. Ngài cảm thấy Đức Phật đã nhận ra cách mà Ngài đã nghiên cứu giáo lý của Đức Phật và trau dồi Bồ Đề Tâm và quan điểm về tánh Không trong sự thực hành của Ngài.
“Mặc dù gần 2600 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Phật còn tại thế, nhưng giáo lý của Ngài vẫn tiếp tục phát triển hưng thịnh vì có những người nghiên cứu, thực hành và chia sẻ Giáo lý ấy với người khác.
“Điều quan trọng trong việc giữ gìn đạo đức và thực hành giáo pháp là làm cho giáo lý phát triển trong chúng ta. Tôi sinh ra gần biên giới Tây Tạng và tôi đã theo đuổi Phật pháp từ khi còn bé. Tôi đã nghiên cứu các tác phẩm từ Tam Tạng Kinh điển và áp dụng phương pháp Tam Vô Lậu Học là Văn (nghiên cứu), Tư (suy ngẫm) và Tu (thiền định). Việc thực hành giáo lý đòi hỏi chúng ta phải trau dồi tâm thức bên trong nội tâm của chính mình.
“Hiểu được sự thật liên quan đến việc hiểu rằng các hiện tượng không tồn tại như cách mà chúng trình hiện đối với chúng ta - là rắn chắc và độc lập. Sự tồn tại của chúng chỉ đơn thuần là do sự định danh mà thôi.
“Ngày nay có rất nhiều người ở các quốc gia có truyền thống Phật giáo đang quan tâm trở lại đến những điều mà Đức Phật đã dạy; vì nó gần giống với khoa học. Cuối cùng, họ có thể nhìn lại và thấy rằng những gì mà ban đầu họ nghĩ là không thể đạt được, thì cuối cùng - việc trau dồi tâm tỉnh thức vị tha (Bồ Đề Tâm) và quan điểm rõ ràng về tính Không là điều có thể đạt được.
“Trưởng dưỡng một trái tim nhân hậu sẽ mang lại lợi ích cho bản thân và người khác. Điều đó đưa đến việc bạn thể hiện lòng yêu thương và tình cảm đối với người khác. Nền giáo dục hiện đại có xu hướng chú trọng về lĩnh vực phát triển vật chất mà bỏ qua những giá trị nội tâm. Nhưng nếu quý vị có thể nuôi dưỡng một trái tim nhân hậu, nó sẽ mang lại cho quý vị sự bình yên trong tâm hồn. Nếu quý vị có trái tim ấm áp, quý vị sẽ thấy mình thu hút được nhiều bạn bè hơn - đó là điều rất tự nhiên.
“Điều cốt yếu là kết hợp lòng bi mẫn dành cho người khác với sự hiểu biết rằng con người (nhân) và các hiện tượng (pháp) đều không có sự tồn tại cố hữu (nhân vô ngã - pháp vô ngã). Tôi đã áp dụng hai nguyên tắc này và điều đó đã mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích. Mọi thứ dường như có sự tồn tại thiết yếu nào đó, nhưng đó chỉ là vẻ trình hiện bề ngoài mà thôi.”
Ngài đã chuyển sang phần “Tự luận” về “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng và đọc qua chương thứ tư. Chương này tập trung vào sự tinh tấn hay nỗ lực hoan hỷ, là nguồn gốc của mọi phẩm chất tốt đẹp. Bồ Tát ở địa thứ tư được gọi là Phát Quang (toả sáng). Ngài kể lại rằng Vị Gia Sư cấp dưới của Ngài - Trijang Rinpoché - thường nói đùa rằng; vì Vị Gia Sư trưởng thượng của Ngài - Ling Rinpoché - có một cái đầu hói sáng bóng nên Ngài ấy rất ‘tỏa sáng’.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng Ngài muốn hướng dẫn Đại chúng phát Bồ Đề Tâm. Ngài giải thích rằng cách tốt nhất để đáp ứng lợi ích của chính mình - là nuôi dưỡng một trái tim nhân hậu. Ngài chỉ ra rằng ngay cả chim chóc và động vật cũng cảm kích một tấm lòng nhân hậu.
Ngài nói, tử tế với người khác chính là nguồn hạnh phúc thực sự. Ngài nhận xét rằng hòa bình trên thế giới sẽ không xảy ra nhờ những nghị quyết và những tuyên bố trịnh trọng; mà nhờ vào các cá nhân biết phát triển và trưởng dưỡng một trái tim nhân hậu. Ngài nói rõ rằng việc trải nghiệm lòng yêu thương và tình cảm của mẹ chúng ta ngay từ lúc chào đời là nền tảng để chúng ta có thể xây dựng nền hòa bình trên thế giới. Bản chất của một cuộc sống tốt là có một trái tim nhân hậu.
Ngài yêu cầu khán thính giả nên thiền định một chút về những gì mà Ngài đã nói; và sau đó quán tưởng rằng những suy nghĩ này chuyển hóa thành một đĩa mặt trăng ở tim.
Tiếp theo, Ngài yêu cầu các thành viên của khán giả hãy xem xét bản thân họ, hỏi xem cái “ngã” của họ ở đâu. Đâu là cảm giác về cái ‘tôi’ - cái mà đã xuất hiện để kiểm soát cơ thể và tâm thức của chúng ta? Đức Ngài giải thích rằng - chẳng hạn như - có con người làm việc để giúp đỡ người khác - nhưng người ấy không có một cái “tôi” độc lập, vững chắc như sự trình hiện bề ngoài. Một lần nữa, Ngài mời các thính giả thiền định một chút về những gì Ngài đã nói và quán tưởng tuệ giác này biến thành một chày kim cương năm cánh màu trắng đứng trên đĩa mặt trăng được quán tưởng trước đây ở tim.
Ngài xác nhận rằng hai nguyên tắc này, tâm giác ngộ của bồ đề tâm và quan điểm về tính không, là cốt lõi trong sự thực hành của chính Ngài. Ngài bảo đảm với thính chúng rằng nếu họ thiền định đều đặn về những ý tưởng này, họ sẽ có thể chuyển hóa được tâm thức của mình.
Khi trả lời câu hỏi của khán giả, Ngài đã nói rằng chỉ việc phát huy về thiền chỉ thôi - thì không đủ để đối trị những quan điểm sai lầm. Để làm được điều đó cũng cần phải trau dồi thiền quán.
Khi phần thuyết giảng kết thúc, đại diện của các nhóm Phật tử tham dự đã dâng cúng dường một Mandala Tri Ân. Sau đó là phần đọc lời cầu nguyện Trường thọ dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma do Jamyang Khyentse Chökyi Lodro sáng tác. Cuối cùng, các thành viên của các nhóm Phật tử khác nhau đã có thể chụp ảnh cùng với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.