Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào đón 120 sinh viên đại học Ấn Độ mới tốt nghiệp và các thành viên của Tổ chức M3M tại sân của Tsuglagkhang, Chùa Chính Tây Tạng, liền kề với Dinh thự của Ngài.
Tổ chức M3M, do nhóm M3M Ấn Độ thành lập, đang nỗ lực vì sự phát triển công bằng để tạo ra một Ấn Độ tươi sáng hơn. Tổ chức này nhằm mục đích giới thiệu sự phát triển bền vững và trao quyền cho các cộng đồng bị thiệt thòi bằng cách tập trung vào giáo dục, y tế, sinh kế và bảo tồn môi trường. Tổ chức này bồi dưỡng các kỹ năng sống cho các học sinh dưới sự chăm sóc của mình, khuyến khích các em coi trọng sự bình đẳng, đồng cảm, hòa nhập, hợp tác và tin tưởng.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa, Chủ tịch của M3M đã chào đón Ngài theo truyền thống của người Hy Mã Lạp Sơn, dâng tặng Ngài một chiếc mũ lưỡi trai và một chiếc khăn choàng. Ông chỉ về phía năm con bò với những con bê được buộc gần đó, ông thưa với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng bốn con sẽ được trao cho các góa phụ và một con trao cho một trường học địa phương.
Được mời phát biểu cho Hội chúng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố:
“Là con người, tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau. Nhưng bên cạnh đó, người Tây Tạng chúng tôi có mối quan hệ đặc biệt lâu dài với Ấn Độ.
“Vào thế kỷ thứ bảy, Đức Vua Songtsen Gampo của Tây Tạng đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc và tôi chắc chắn là Vua rất thích đồ ăn Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi quyết định rằng người Tây Tạng cần học viết chữ, Vua đã chọn mô hình chữ viết Tây Tạng mới dựa trên bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ thay vì dựa trên các ký tự Trung Quốc.
“Một thế kỷ sau, một vị vua Tây Tạng khác - Trisong Detsen đã mời một trong những học giả hàng đầu của Đại học Nalanda đến Tây Tạng. Ngài Tịch Hộ đã giới thiệu kiến thức rộng lớn về Phật pháp bao gồm sự hiểu biết về mọi thứ từ phân tử nhỏ nhất cho đến cả không gian rộng lớn và cả lĩnh vực hoạt động của tâm thức.
“Đôi khi tôi nói đùa rằng trong quá khứ, người Tây Tạng chúng tôi là học trò và người Ấn Độ quý vị là thầy giáo; nhưng bây giờ, khi người Ấn Độ đã chịu ảnh hưởng quá nhiều của tư tưởng phương Tây, thì chính người Tây Tạng chúng tôi đã lưu giữ những kiến thức và giá trị Ấn Độ cổ đại còn tồn tại. Về cơ bản, điều này liên quan đến karuna và ahimsa, lòng từ bi và sự bất bạo động. Xin lưu ý quý vị rằng, mặc dù chúng tôi coi trọng karuna và ahimsa, nhưng người Tây Tạng chúng tôi vẫn rất nghị lực và mạnh mẽ. Karuna mang đến sức mạnh nội tâm đưa đến sự bình an trong tâm hồn, sự tự tin hơn và có thể mỉm cười. Và Ngài cười: Nhờ tôi luyện tập karuna nên tôi luôn luôn mỉm cười.”
Ngài giải thích thêm rằng, với tư cách là một triết gia và nhà logic học, cách tiếp cận Phật giáo của Ngài Tịch Hộ dựa trên việc phát triển sự hiểu biết dần dần dựa trên lý trí và logic. Đồng thời, lúc ấy có các nhà sư Trung Quốc ở Tây Tạng đã dạy rằng thiền định tĩnh lặng là một phương pháp hiệu quả hơn. Vua Trisong Detsen đã tổ chức một cuộc tranh luận giữa nhà sư Trung Quốc Hashang và vị đệ tử của Ngài Tịch Hộ tên là Liên Hoa Giới. Khi tuyên bố Vị học giả Ấn Độ là người chiến thắng, Đức Vua đã tán thành cách nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ của mình. Đức Ngài đề cập rằng đây là cách mà Ngài đã được nuôi dưỡng, bắt đầu tìm hiểu về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc khi Ngài chỉ mới bốn hoặc năm tuổi.
“Kể từ khi đến sống ở Ấn Độ, tôi đã có thể gặp đủ loại người, kể cả các học giả và nhà khoa học, những người quan tâm đến các phương pháp đạt được sự an lạc nội tâm mà chúng tôi đã duy trì được. Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể kết hợp được sự tuỳ ý sử dụng sự phát triển công nghệ với sự hiểu biết tốt hơn về tâm thức, chúng ta sẽ có thể sử dụng công nghệ một cách lành mạnh và phù hợp. Chẳng hạn, sẽ là một sai lầm khi hướng sức mạnh công nghệ chủ yếu vào việc phát triển các loại vũ khí tinh vi hơn. Khoa học sẽ được sử dụng tốt hơn để theo đuổi mục tiêu cho hòa bình.
“Tất cả tám tỷ người đang sống hiện nay đều muốn sống trong hòa bình. Bản chất của con người là tình cảm. Khi sinh ra, chúng ta được sống còn và tìm thấy sự bình yên trong sự chăm sóc, quan tâm của mẹ. Rồi thì, lúc còn bé, chúng ta chấp nhận người khác như chính con người của họ. Chúng ta không tìm cách xác định sự khác biệt giữa chúng ta. Sau này, khi lớn lên đến tuổi đi học, chúng ta lại học những điều mà đã khiến cho ta có tâm phân biệt trong cách đối xử dựa trên khái niệm ‘chúng ta' và ‘bọn họ'.
“Vì tất cả chúng ta đều là con người nên ta cần coi nhau như anh chị em. Dựa vào vũ khí để chiến đấu và giết chóc thì chẳng mang lại điều gì ngoài sự hủy diệt. Đặc biệt thật đáng buồn là việc đấu tranh nhân danh tôn giáo, bởi vì cốt lõi của tất cả các tôn giáo đều dạy về tâm từ bi và lòng nhân ái.
“Nếu chúng ta nghĩ về sự thống nhất của nhân loại, ta có thể loại bỏ vũ khí và giải quyết mọi khác biệt giữa chúng ta thông qua phương pháp đối thoại và thảo luận. Chúng ta phải nhắc nhở bản thân về những điểm chung của chúng ta. Tất cả chúng ta đều được sinh ra theo cùng một cách và tất cả chúng ta đều chết đi theo cùng một cách. Tôi hy vọng rằng trong cuộc đời của mình, chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình thực sự không có vũ khí và xung đột bạo lực.
“Hơn nữa, vì hiện tượng nóng lên toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng nên ta phải học cách sống hạnh phúc cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau khi còn có thể.”
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ về cách mà rất nhiều phong tục và quan điểm đa dạng phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ và những người ủng hộ các quan điểm khác nhau ấy đã cùng chung sống hòa bình với nhau. Ngài nói, đây là điều mà thế giới có thể học hỏi.
Ngài đề nghị khuyến khích trẻ em nên ít suy nghĩ về khái niệm ‘tôi’ và nên suy nghĩ nhiều hơn về ‘chúng ta’. Ngài nhắc lại rằng những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta gặp phải do sự biến đổi khí hậu, có nghĩa là chúng ta phải hợp tác và làm việc cùng nhau. Ý tưởng về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’ đã trở nên lỗi thời rồi.
Cuối cùng, khi được hỏi làm thế nào để đạt được sự phát triển về tâm linh, Ngài nói:
“Có nhiều cảm xúc khác nhau ảnh hưởng đến tâm thức của chúng ta. Một số cảm xúc như giận dữ và sợ hãi, gây ra sự khó chịu; những cảm xúc khác - như sự đồng cảm và lòng từ bi - mang lại niềm vui. Nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực một cách tự nhiên sẽ giúp ta giảm bớt những cảm xúc tiêu cực. Như tôi đã đề cập, chính lòng từ bi sẽ đưa đến sức mạnh nội tâm và sự bình yên trong tâm hồn. Vì vậy, chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng - với tư cách là thành viên của cùng một gia đình nhân loại, chúng ta là anh chị em của nhau. Và chúng ta phải noi gương những người tốt đang nỗ lực vì hòa bình chứ không phải những người đang đánh nhau và giết chóc.”
Các thành viên khác nhau của nhóm đã tập trung xung quanh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để chụp ảnh với Ngài.
Khi Ngài chuẩn bị rời đi, trước khi bước lên chiếc xe golf để trở về Dinh thự, Ngài đã dừng lại để quan sát những chú bò sắp được cho đi, và đã nói vài lời từ ái dành cho các chú bò ấy.