Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Mặt trời vừa mới nhô lên sáng nay khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu tản bộ từ cổng Dinh thự của Ngài đến Tsuglagkhang. Như thường lệ, Ngài mỉm cười và vẫy tay chào những người dân ở bên trái và bên phải của sân. Thỉnh thoảng Ngài dừng lại để trao đổi vài lời với những em bé ở phía trước đám đông.
Khi đến Chùa, như Ngài đã thực hiện ngày hôm qua, trước tiên Ngài an toạ trên chiếc ghế quay mặt về phía Mạn đà la, quay lưng về phía khán giả để thực hiện các nghi lễ tự phát cần thiết để ban Quán đảnh Chakrasamvara. Khi đọc những bài kệ liên quan, Ngài nhìn lên bức thangka cao trên bức tường phía trên và chào các vị thần khác nhau được miêu tả ở đó.
Trong khi đó, hội chúng trì tụng bài Xưng tán 21 Taras.
Sau khi đã hoàn tất nghi thức chuẩn bị, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an toạ trên Pháp Toà và tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’.
Ngài nhận xét: “Bát Nhã Tâm Kinh rất có ý nghĩa và thật hữu ích khi chúng ta trì tụng nó để suy nghĩ cẩn thận về giáo lý vĩ đại mà Đức Phật đã ban, giải thích tính Không và vạch ra những con đường đạt đến đỉnh cao của sự giác ngộ.”
Khi dâng một chiếc bánh nghi lễ cho những đối tượng có thể cản trở việc tiến hành lễ quán đảnh, Ngài đã nói rằng, như Ngài đã thực hiện ngày hôm qua, rằng những cản trở và can thiệp thực sự không phải ở ngoài kia mà là ở bên trong chúng ta. Trở ngại lớn nhất là sự chấp thủ và bám víu mạnh mẽ vào sự tồn tại thực sự hay cố hữu của các sự vật, cũng như thái độ ích kỷ và ái trọng tự thân cực độ. Những chướng ngại như vậy phản ánh những cảm xúc tiêu cực của chúng ta.
Ngài giải thích: “Mọi thứ không có sự tồn tại độc lập, chúng chỉ đơn thuần là được định danh mà thôi. Khi nhận ra điều này, chúng ta có thể giải thoát bản thân ra khỏi vòng luân hồi.
“Tôi không tuyên bố rằng mình có bất kỳ sự chứng ngộ nào như vậy, nhưng tôi có thể suy ngẫm về trạng thái của sự vật, và thấy rằng chúng không có bất kỳ sự tồn tại độc lập hay khách quan nào từ phía chúng. Tôi nhận ra sự thiếu vắng của sự tồn tại độc lập của chúng. Về điều này, chúng ta có thể có thêm ước muốn giải thoát cho tất cả chúng sinh. Yêu thương tha nhân hơn chính bản thân mình là một khát vọng to lớn, trong khi chỉ nghĩ đến bản thân mình thì thật là hẹp hòi ích kỷ.
“Tác phẩm ‘Cúng dường Đạo Sư’ hay ‘Lama Chopa’ thể hiện điều này một cách rõ ràng trong những bài kệ sau:
"Căn bệnh mãn tính của ái trọng tự thân
Là nguyên nhân của khổ đau ngoài ý muốn.
Hiểu được điều này, nguyện con luôn ghét bỏ
Và triệt tiêu ác quỷ ích kỷ này.
Chăm sóc những người mẹ (chúng sanh) và bảo vệ họ trong hạnh phúc;
Là cửa ngõ đưa ta đến với vô vàn thiện đức;
Nhận ra điều này, cầu mong con luôn được truyền cảm hứng;
Trân quý họ hơn cả mạng sống của chính mình.
Cho dù họ có đối xử với con như những người thù địch.
Vì ái trọng tự thân là cánh cửa dẫn đến bao phiền muộn,
Trong khi chăm sóc mẹ (chúng sanh) là nền tảng của vạn sự cát tường,
Xin hãy truyền cảm hứng cho con để sự hành trì cốt lõi
Là đặt mình vào hoàn cảnh của người; hoán đổi ngã - tha."
"Nếu quý vị trân trọng người khác, thì quý vị sẽ không có kẻ thù.
“Tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta đều có giá trị, nhưng lời dạy của Đức Phật là duy nhất trong việc xác định những yếu tố chính gây ra đau khổ.
“Tôi từng có một giấc mơ được đi vào Jokhang ở Lhasa, nơi có bức tượng Quán Thế Âm rất được tôn kính. Ngài dường như đang vẫy gọi tôi đến với Ngài, nên tôi bước tới và ôm lấy Ngài. Và trong giấc mơ, Ngài khuyên tôi đừng bao giờ mất hy vọng mà phải thực hành giáo pháp một cách tinh tấn.
“Tôi nhận ra rằng nếu quý vị có sự bình yên trong chính mình thì bầu không khí yên bình xung quanh quý vị sẽ lan tỏa đến người khác. Có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng được nền hòa bình trên thế giới.
“Hôm nay, tôi sẽ trao quán đảnh chính thức về Chakrasamvara theo truyền thống Krishnacharya. Nhưng điều chúng ta cần làm, ngày cũng như đêm, là nỗ lực vượt qua sự bám chấp vào sự tồn tại thực sự và thái độ ái trọng tự thân của chúng ta. Ngày qua ngày chúng ta phải cố gắng để giảm bớt sự bám chấp đó. Đây là điều tôi cố gắng thực hiện trong quá trình thực hành của mình và nếu quý vị cũng có thể làm được điều đó, thì quý vị sẽ thực sự trở thành đệ tử của Đạt Lai Lạt Ma.”
Ngài nhận xét rằng có ba truyền thống thực hành Chakrasamvara. Truyền thống Luipa được thực hành ở hai Học viện Mật tông Gyumé và Gyutö. Sau đó là truyền thống Ghantapada hay thực hành Mandala Thân. Thứ ba là truyền thống Krishnacharya. Ngài nhắc lại rằng Ngài đã nhận quán đảnh của truyền thống này từ Tagdag Rinpoche khi Ngài còn trẻ. Kể từ đó, Ngài cũng đã thực hiện việc nhập thất.
Sau đó, Đức Ngài khuyên các đệ tử cúng dường Mandala và thỉnh cầu: “Xin hãy cho con vào cung thành của sự giải thoát” và lễ quán đảnh bắt đầu. Trang phục tượng trưng cho y áo thượng và hạ và nút trên cùng của một hành giả Du Già, cũng như khăn bịt mắt và vòng hoa, được phân phát cho các đệ tử chính trong hàng chư Tôn Giáo Phẩm, trong số đó có Ngài Ganden Tri Rinpoche.
Các Vị đệ tử được khuyên nên quán tưởng chính mình hóa thân thành Bổn tôn và trở thành Heruka màu xanh lam. Họ được khuyên thêm rằng nếu họ có thể vượt qua được ba thị kiến về “hiện tướng” màu trắng, “tăng trưởng” màu đỏ và “cận - thành tựu” màu đen, cũng như tám mươi ý niệm liên quan đến chúng, ý thức về thân vật chất và tinh thần sẽ chấm dứt và tâm tự nhiên của tịnh quang sẽ hiển lộ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban các Giới nguyện Bồ Tát một lần nữa và dẫn dắt các đệ tử đi qua tâm yoga toả khắp. Kết quả là, họ phải tưởng tượng tâm giác ngộ của Bồ đề tâm như một đĩa mặt trăng ở vị trí tim họ, trên đó có một chày kim cương năm chấu tượng trưng cho sự hiểu biết về tánh Không.
Các đệ tử được khuyên hãy tưởng tượng việc đi qua bức màn và tiến vào Mandala. Vị Thầy-Bổn Tôn ban cho họ những lời nguyện Mật tông và khuyến khích họ quán tưởng các hình tướng bình thường của họ tan hòa vào tánh Không và tâm tinh tuý và năng lượng khí của họ chuyển hóa thành Bổn tôn. Vị Thầy-Bổn Tôn đã khuyên rằng việc thọ trì các giới nguyện Mật tông là cơ sở để đi theo bước chân của các Đại thành tựu giả. Các đệ tử được cảnh báo rằng Mật tông được thực hành một cách bí mật, không được truyền bá cho người khác.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban quán đảnh Bình năm phần bao gồm các quán đảnh Nước, Vương miện, Kim Cương Chuỳ và Chuông, Danh hiệu và Kim Cương Đạo Sư. Quán đảnh Bình cho phép tham gia vào các thực hành ở giai đoạn phát triển. Tiếp theo đó là các quán đảnh Bí mật, Trí tuệ và Quán đảnh Thứ tư hoặc Quán đảnh Từ ngữ, cho phép thực hiện các thực hành ở giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra, Quán đảnh Bình thanh lọc về thân, Quán đảnh Bí mật tịnh hóa về khẩu, Quán đảnh Trí tuệ tịnh hóa về ý; và Quán đảnh Thứ tư hay Quán đảnh Từ ngữ là cùng tịnh hóa về tất cả.
Sau khi các quán đảnh đã hoàn tất, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện các nghi thức kết thúc thích hợp trong khi những lời cầu nguyện được tụng trì cho sự trường thọ của Ngài và một đoàn rước dài những người Mông Cổ mang lễ vật đi ngang qua Chánh Điện.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ chùa đến thang máy, nhiều người ở hai bên lối đi đã tìm cách thu hút sự chú ý của Ngài. Một số vẫy tay, một số cổ vũ, số khác lặng lẽ mỉm cười hy vọng. Dưới sân chùa, cảnh tượng ấy cũng diễn ra giống như lúc Ngài đi đến chỗ chiếc xe golf để chở Ngài trở về Dinh thự của mình đúng giờ dùng cơm trưa.