Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Sau khi ngày thứ hai của Pháp Hội bị hoãn lại do những trận mưa dữ dội ngày hôm qua, thì vào sáng sớm hôm nay mọi người đã bắt đầu tập trung tại Sân bãi thuyết Pháp Shewatsel. Cuối cùng, các nhà tổ chức ước tính, khoảng 65.000 người đã vân tập chật kín bên trong và xung quanh sân bãi, nhiều người trong số họ đứng lên để tránh cơn mưa nhẹ. Vào lúc 6:30 sáng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện từ dinh thự của mình trên một chiếc xe golf, Chư Tăng đội mũ vàng đi phía trước mang theo nhang và thổi tù và để cung đón Ngài. Một chiếc lọng nghi lễ - biểu tượng của sự tôn kính - bay phất phới bên trên trần xe.
Từ bục nơi Ngài bước ra khỏi xe, Ngài mỉm cười và vẫy tay chào đám đông gần đó. Bên trong gian Lều, Ngài đảnh lễ tượng Phật và thắp ngọn đèn ở trước tượng. Đi thẳng ra phía trước khán đài, Ngài vẫy tay chào đám đông trước mặt và nhiều người trong số họ đã vẫy tay chào lại Ngài. Sau đó, Ngài an toạ trên Pháp Toà và nói chuyện với hội chúng.
“Hôm nay, ở tại Leh, Ladakh này; là những người cư sĩ và tu sĩ có đức tin vững chắc. Tất cả quý vị có thể có những việc khác cần phải làm, nhưng quý vị đã chọn đến nơi đây để tham dự lễ quán đảnh Quán Thế Âm - Đấng Đại Bi, tôi xin cảm ơn quý vị về điều đó.
“Trước hết, tôi sẽ thực hiện các nghi lễ chuẩn bị và trong khi chờ đợi, quý vị có thể trì tụng thần chú Lục Tự “Om mani padme hum”. Đối với Đức Quán Thế Âm, tất cả chư Phật đều ca ngợi Ngài. Với đầy đủ những phẩm chất tích cực tuyệt vời, Ngài là hiện thân của lòng từ bi, cũng giống như Đức Văn Thù Sư Lợi được coi là hiện thân của trí tuệ. Ngài cũng nổi tiếng khi tham gia đối thoại với Xá Lợi Phất trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’.
“Đấng Toàn giác Gendun Drup và các Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp cũng giống như Đức Quán Thế Âm. Tôi không có những phẩm chất của các Vị ấy, nhưng tôi trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Lời cầu nguyện hàng ngày của tôi là:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
“Người dân Tây Tạng có mối liên kết đặc biệt với Đức Quán Thế Âm, cũng như người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn. Quý vị cũng cầu nguyện Ngài ấy với niềm tin vững chắc đến từ một mối liên kết chặt chẽ như vậy. Tôi sẽ truyền quán đảnh này cho quý vị. Một cơ hội tốt như vậy để làm cho cuộc sống con người này trở nên đáng giá; điều đó khiến trái tim tôi ngập tràn niềm hoan hỷ.
“Tôi có thể có danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma và có thể là một phần của dòng truyền thừa đó, nhưng điều quan trọng là sự thực hành chính của tôi là trau giồi Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tính không. Tôi thực hành cả hai Pháp ấy như những sự thực hành cơ bản hàng ngày của mình. Cũng giống như tất cả quý vị có niềm tin ở nơi tôi, quý vị trì tụng thần chú ‘manis’ với niềm tin vào Đức Quán Thế Âm.”
Khi bắt đầu tiến hành quán đảnh, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên các đệ tử trước tiên hãy điều chỉnh động cơ của mình. Ngài nêu lên rằng, một số người tìm cách bước vào mạn đà la chỉ để đạt được những lợi ích trong cuộc sống này - chẳng hạn như sự giàu có và danh vọng. Những người khác tìm cách nhận quán đảnh như một phương tiện để tích luỹ công đức. Động cơ đúng đắn để bước vào Mạn đà la là để cuối cùng có thể làm lợi ích cho tha nhân bằng cách đạt được cảnh giới của Đức Quán Thế Âm.
Ngài gợi ý rằng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến những niềm vui của cuộc sống này, chúng ta có xu hướng mang lại rắc rối cho chính mình và những người khác. Ngài nhắc lại rằng động cơ đúng đắn là thọ quán đảnh với mục tiêu đạt được sự giác ngộ để có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Tiếp theo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về cách mà các đệ tử tự quán tưởng mình trở thành Bổn Tôn. Ngài đã đề cập rằng trong phần giải thích về nhận thức thô, tế và vi tế nhất trong Mật tông Du già tối thượng, điều này liên quan đến những linh kiến về sự tan rã của “hiện tướng” màu trắng, “tăng trưởng” màu đỏ và “cận thành tựu” màu đen, đỉnh cao là sự biểu hiện của tâm thức trong sáng (tâm tịnh quang). Và đó là tâm được sử dụng để tập trung vào tánh Không. Ngài xác nhận rằng “nhận thức thông thường của chúng ta về bản thân” bị hòa tan vào trong tánh không, và thực thể của tánh không chuyển hóa thành bổn tôn.
Đưa ra một bản tóm tắt về cách thiền định về tính không, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với các đệ tử: “Hãy cố gắng tìm ra quý vị là ai. Hãy tự hỏi bản thân xem mình là “cơ thể” hay “tâm thức” của mình. Cái ngã của mình ở đâu trong cơ thể và tâm thức của mình? Quý vị sẽ thấy rằng quý vị không hề là một con người có sự tồn tại cố hữu. Quý Vị sẽ thấy mình chỉ tồn tại theo cách được định danh mà thôi.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng sự mô tả về sự tan rã của tâm thô và tâm vi tế có tính chất khoa học mà các nhà khoa học nghĩ rằng họ có thể học hỏi. Tâm thức được tịnh hoá khỏi những ô nhiễm ngẫu nhiên - cuối cùng có thể được chuyển hóa thành tâm thức của một chúng sinh thanh tịnh - một vị Phật.
Ngài tiếp tục, “Vì vậy, hãy quán tưởng rằng quý vị đã chuyển hóa thành Đức Quán Thế Âm thanh tịnh - người đã chiến thắng mọi nhiễm ô. Hãy nhớ rằng một chúng sinh thì bị ô nhiễm che lấp, nhưng một bậc giác ngộ là đã vượt qua được tất cả và hiểu biết trọn vẹn (toàn giác).
“Trong kinh điển, chúng ta thấy có đề cập đến Phật tánh, cốt lõi tinh tuý của các Đấng đã đạt được cảnh giới Cực Lạc. Chính từ điều này mà chúng ta biết được rằng tất cả những phiền não trong tâm đều chỉ là ngẫu nhiên và có thể bị xóa sạch. Điều này bao gồm sự vô minh, đó là một cái nhìn lệch lạc về sự thật.
“Bản chất của tâm là tịnh quang sáng suốt; và những ô nhiễm tình cờ bắt nguồn từ vô minh. Trong tâm thức, mọi thứ dường như có sự tồn tại khách quan, nhưng nếu chúng tồn tại theo cách đó, thì chúng ta sẽ có thể tìm thấy điều gì đó khi chúng ta điều tra. Cái nhìn lệch lạc của chúng ta về sự vật tồn tại khách quan dần dần có thể được khắc phục.
“‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng đã nêu rõ rằng, nếu chúng ta kiểm tra bản chất của sự vật, chúng ta sẽ thấy rằng chúng không tồn tại như cách chúng xuất hiện. Chúng tồn tại theo cách thông thường chỉ bằng sự định danh. Quan niệm sai lầm của chúng ta về cách mà mọi vật tồn tại - có thể được khắc phục. Thật vậy, nếu mọi thứ tồn tại theo cách mà quan điểm lệch lạc của chúng ta quan niệm, thì chúng ta sẽ có thể xác định chính xác chúng khi chúng ta tìm kiếm chúng.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ám chỉ đến ba câu thơ trong chương thứ sáu của bộ luận của Ngài Nguyệt Xứng về những điều phi lý sẽ phát sinh nếu mọi thứ tồn tại độc lập. Các đoạn kệ nói rằng tâm thức của thiền giả đắm chìm miên mật trong tánh không, theo sự phân tích của chính mình về việc liệu các sự vật có bất kỳ đặc tính nội tại nào hay không, nên tìm thấy chúng nếu chúng tồn tại. Nhưng nếu chúng có những đặc tính như vậy, thì sự trang bị về tính không của thiền giả sẽ phá hủy chúng (điều này là vô lý về mặt logic).
Nếu sự vật có một bản chất cố hữu, không phụ thuộc vào các yếu tố khác, thì thực tại thông thường sẽ phải chịu được sự phân tích cuối cùng (điều này cũng vô lý về mặt logic). Tuy nhiên, hành giả Du già không tìm thấy gì - cả cái này lẫn cái kia - để chỉ ra. Nếu mọi thứ đều có một cốt lõi thiết yếu bên trong và của chính chúng, thì điều này sẽ dẫn đến sai lầm logic của thực tế thông thường (quy ước hàng ngày - tục đế) chịu đựng được sự phân tích cuối cùng.
Cuối cùng, nếu những thứ có cốt lõi thiết yếu được phát sinh từ một nguyên nhân, thì không thể phủ nhận sự sản sinh cuối cùng. Như vậy, lời dạy của Đức Phật rằng các hiện tượng đều không có tự tính sẽ không đúng. Khi chúng ta nói cái gì đó là không, thì chính cái mà chúng ta đang phân tích đó - được cho là không có sự tồn tại cố hữu, hay không có tự tính của chính nó.
Quan điểm của Ngài Nguyệt Xứng là, sự vô minh: bám chấp vào - hoặc quan niệm sai lệch về sự tồn tại thực sự, sẽ bị đối trị (phản bác) bởi sự hiểu biết rằng mọi thứ - thực ra - chỉ do định danh mà thôi!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thảo luận về năm phương thức lập luận được sử dụng để chứng minh rằng các hiện tượng không tồn tại độc lập hay khách quan. ‘Năng Đoạn Kim Cương' được sử dụng để phân tích các pháp từ góc độ nguyên nhân. 'Bác bỏ sự tồn tại hay không tồn tại' phân tích các pháp từ góc độ của kết quả.
Lý luận được gọi là “Khả năng khởi sinh” phân tích sự vật từ quan điểm của nguyên nhân và kết quả, trong khi lý luận “Bác bỏ sự tồn tại không phải là một cũng không phải là nhiều” được sử dụng để phân tích bản chất của mọi hiện tượng. Cuối cùng, 'Duyên sinh' được gọi là Vua của các lý luận và được sử dụng để thiết lập sự thiếu vắng sự tồn tại thực sự của mọi hiện tượng.
Sau khi đưa ra lời giải thích tóm tắt về tính không và cách Quán Thế Âm phát sinh từ tâm quang minh, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu tiến trình truyền pháp quán đảnh chính thức. Ngài đã ban truyền Bồ tát giới mà Ngài nói rằng Ngài đã thọ lại mỗi ngày. Trang phục phù hiệu của hành giả Du già được phân phát cho các Vị Lạt ma an toạ gần Pháp Toà - bao gồm Taglung Matrul Rinpoché, Tatsak Kundeling Rinpoché, Ugyen Chöphel Rinpoché, Gomang Khensur Rinpoché và Gyumé Khenpo Rinpoché.
Khi hướng dẫn các đệ tử thông qua việc tu luyện Tâm Du già Siêu việt Tất cả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lưu ý rằng, tâm nguyện vị tha để giác ngộ là điều không thể thiếu trên Đạo lộ dẫn đến Phật quả. Ngài chỉ ra rằng ngay cả Đức Phật cũng bước vào Đạo lộ như một chúng sinh bình thường; và sau đó Ngài đã chứng minh quá trình tịnh hóa.
Ngài tiết lộ thêm: “Tôi có nhiều bạn bè có kinh nghiệm về sự thực hành. Tôi có thể nói rằng tôi có kinh nghiệm về việc trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và trí tuệ tính Không, điều này đã xảy ra bởi vì tôi đã có được cuộc sống của thân người này và được gặp gỡ giáo lý của Đức Phật; và tôi đã nỗ lực. Tôi - Lhamo Dhondup - từ Amdo đã thực hành với sự nỗ lực đến mức tôi có thể đạt được sự nhất tâm và tôi đang đợi đạt được giai đoạn tư lương đạo.”
Quay trở lại với Tâm Du Già siêu việt Tất cả, Đức Ngài khích lệ các đệ tử trau giồi Bồ Đề Tâm và sau đó hãy quán tưởng Bồ Đề Tâm ấy hình thành như một đĩa mặt trăng ở vị trí trái tim. Khuyến khích họ suy ngẫm về việc các pháp không độc lập như thế nào mà chỉ tồn tại như đã được định danh, Ngài hướng dẫn họ quán tưởng tuệ giác này như một kim cương chuỳ năm cánh màu trắng đứng trên đĩa mặt trăng ở trung tâm. Sau đó, Ngài nhắc nhở họ nghĩ đến việc đạt được Phật quả trên cơ sở Bồ Đề Tâm Nguyện và Bồ Đề Tâm Hạnh được đại diện bởi mặt trăng và kim cương chuỳ này. Ngài hướng dẫn họ tụng thần chú: “Om sarva yoga citta utpatayami.”
Một phần của nghi thức liên quan đến việc ném một bông hoa vào mạn đà la. Đại diện cho hội chúng là Chủ tịch Hiệp hội Tu viện Ladakh - Thượng toạ Tsering Wangdus và Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Ladakh - Thupten Tsewang.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục ban quán đảnh, Ngài đã nhắc lại mối liên hệ mạnh mẽ mà các đệ tử đã có với Đức Quán Thế Âm - Bậc có 1000 cánh tay tượng trưng cho 1000 Quốc Chủ và 1000 con mắt của Ngài tượng trưng cho 1000 vị Phật của kiếp may mắn (thời Chánh Pháp) này. Ngài nhấn mạnh nhu cầu của các bậc hành giả là phải cảm thấy tự tin khi dấn thân vào Đạo lộ.
Ngài nói với thính giả của mình, “Tôi không làm hại ai cả! Tôi thậm chí còn không hề có tâm nghĩ đến việc làm hại người khác. Và tôi chỉ cảm thấy thương xót cho những người thường gieo rắc sự tổn hại cho người khác.
“Hôm nay quý vị đã nhận quán đỉnh này từ tôi và mọi người ở đây đều bình đẳng trong việc thọ nhận quán đảnh ấy. Chúng ta không nên tập trung vào bất kỳ sự khác biệt nào về địa vị. Chúng ta không nên coi thường bất cứ ai, mà hãy coi bình đẳng như nhau. Có những trường hợp một số người từ chối nhận thức ăn hoặc đồ uống từ những người mà họ cho là thấp kém hơn họ. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ về bất cứ ai thấp hơn chúng ta. Chúng ta đều là như nhau cả. Mọi người ở đây, như tôi đã nói, đều bình đẳng khi nhận quán đảnh Quán Thế Âm này.
“Khunu Lama Rinpoché là một hành giả tại gia, nhưng tôi đã không ngần ngại nhận lời giải thích cặn kẽ về ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên. Tôi nhất tâm tin tưởng vào Vị ấy như một trong những bậc Thầy Bổn Sư của tôi. Quý vị cũng nên coi tất cả những người đã nhận quán đảnh Quán Thế Âm hôm nay là ngang hàng với Quý vị.
“Tôi trì tụng ‘Tám Bài Kệ Luyện Tâm’ hàng ngày, trong đó có các câu:
‘Bất cứ khi nào con ở cùng người khác,
Con nguyện coi mình thấp kém hơn hết thảy
Nguyện con nhận mọi thất bại về mình
Và hiến dâng mọi thành công cho họ.’
“Tôi ngồi ở đây trên toà cao, và có danh tiếng lớn; nhưng tôi nghĩ mình đang ở vị trí thấp hèn. Đức Quán Thế Âm chắc chắn là có một trái tim tốt lành và ấm áp thể hiện qua ước muốn giúp đỡ người khác. Chúng ta cần nhớ đến tính đồng nhất của nhân loại, không xem thường hay chửi mắng ai, chỉ nên tìm cách đối xử tử tế với người khác.
“Nếu quý vị không chê bai, không coi thường hay bắt nạt người khác, thì quý vị sẽ hạnh phúc và họ cũng sẽ hạnh phúc. Bằng cách tích lũy những phẩm chất tốt đẹp, quý vị sẽ trải nghiệm được Giáo Pháp và đạt được mục tiêu của mình.
“Trong xã hội của chúng ta có thể có một số người đến với ma túy để tìm kiếm niềm vui tạm thời. Một số thì phải sử dụng thuốc và v.v… Nhưng những hành động này không có lợi ích lâu dài, trong khi - nếu quý vị trưởng dưỡng một trái tim tốt lành dựa trên niềm tin của mình vào Đức Quán Thế Âm, thì sẽ có lợi ích lâu dài. Nếu quý vị thấy người khác uống thuốc hoặc sử dụng các chất khác, thì đừng bắt chước họ. Hãy tự mình suy nghĩ, ‘đây không phải là điều mà tôi muốn làm, vì tôi đã nhận quán đảnh của Đấng Đại Bi từ Đức Đạt Lai Lạt Ma.'
“Hôm nay đến đây là kết thúc, chúng ta hãy cúng dường một Mandala tạ ơn.”
Một lần nữa, từ phía sân khấu - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào Hội chúng và đi trên chiếc xe gôn để trở về Dinh thự của mình - và cuối cùng thì mặt trời cũng bắt đầu ló dạng.