Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Hôm nay là ngày Rằm, ngày chính của Saga Dawa, tháng thứ tư của lịch Tây Tạng, là ngày mà người dân Tây Tạng tưởng nhớ đến sự kiện Đản Sanh và Giác Ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ cổng Dinh thự của Ngài đến Tsuglagkhang - Chùa Chính Tây Tạng, để ban Pháp thoại dưới hình thức lễ kỷ niệm này. Khi quang lâm đến giữa sân chùa, Ngài đi từ bên này sang bên kia để chào và vẫy tay với những người đang vân tập ở đó.
Khi quang lâm đến Chùa, Ngài chào một nhóm Chư Tăng Theravada đang an toạ phía bên phải Pháp Toà và ở hàng đầu tiên của Chư Tăng an toạ phía trước Pháp toà. Từ các bậc thang lên Pháp tòa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chắp tay kính Lễ Đức Phật và dừng lại một lúc để im lặng cầu nguyện. Sau khi Ngài an toạ, chư Tăng đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Tây Tạng, sau đó là lễ cúng dường Mạn đà la. Trà và bánh mì đã được phục vụ cho mọi người.
Ngài bắt đầu: “Kính thưa chư Huynh Đệ Pháp Hữu! Hôm nay là ngày mà chúng ta - những người đệ tử của Đức Phật - tưởng nhớ đến sự Giác ngộ của Ngài.
“Như đã nói:
Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
“Được thúc đẩy bởi lòng từ bi, mục đích của Đức Phật là giáo hóa để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Trong nhiều đại kiếp, Ngài đã nghĩ đến việc làm lợi lạc cho chúng sinh và cuối cùng Ngài đã đạt được sự giác ngộ. Ngài dạy rằng đau khổ xảy ra là kết quả của nguyên nhân và điều kiện. Những nguyên nhân và điều kiện đó không liên quan đến một tác nhân bên ngoài - chẳng hạn như một vị thần sáng tạo - mà nó xuất hiện do tâm phóng túng của chúng sinh. Vì chúng ta có xu hướng bị lấn át bởi tham lam và sân hận, nên chúng ta tham gia vào các hành động và tạo nghiệp, dẫn đến khổ đau.
“Mặc dù các pháp chỉ là do bị định danh và không có sự tồn tại khách quan hay độc lập, nhưng chúng xuất hiện như có sự tồn tại từ phía riêng của chúng; và chúng ta bám chấp vào sự xuất hiện của sự tồn tại độc lập đó. Điều đó có nghĩa là, chúng ta nắm bắt ở một cái nhìn méo mó sai lệch. Để giúp cho chúng sinh làm sáng tỏ quan điểm lệch lạc này, Đức Phật đã dạy về Tứ Diệu Đế, đó là “khổ” (Khổ) phải được nhận biết; “nguyên nhân của khổ” (Tập) phải được đoạn trừ, “sự chấm dứt của khổ” (Diệt) phải được thực hiện bằng “con đường tu tập” (Đạo).
“Ngài cũng dạy rằng đau khổ xảy ra ở nhiều cấp độ vi tế khác nhau: khổ do đau khổ (khổ khổ); khổ do sự thay đổi (hoại khổ) và khổ liên quan đến sự hiện sinh (hành khổ). Nguyên nhân và điều kiện trực tiếp của đau khổ nằm trong hành động và phiền não của chúng ta. Quan điểm sai lệch méo mó của chúng ta cho rằng mọi thứ có một sự tồn tại khách quan, độc lập - chính là gốc rễ của những phiền não tinh thần của chúng ta. Đức Phật dạy rằng, ngược lại với điều này, là tất cả các hiện tượng đều không có cốt lõi hay bản chất thực chất - chúng không có sự tồn tại cố hữu. Hiểu ra được điều này thì sẽ hành động như một sự đối trị, và khi chúng ta càng hiểu rõ về nó thì phiền não của chúng ta sẽ càng được giảm thiểu.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng về “Tám bài Kệ luyện Tâm”, Ngài chỉ ra rằng hầu hết chúng ta đều có tính kiêu căng và ngạo mạn, nhưng bản văn này khuyên chúng ta không nên tự cho mình là tốt hơn hoặc cao hơn người khác. Câu kệ thứ hai nói: ‘Bất cứ khi nào con ở cùng với những người khác, con đều xem mình thấp kém hơn tất cả’. Ngài chỉ ra rằng những con người khác cũng giống như chúng ta; họ cũng có lỗi lầm, nhưng không có lý do gì để bác bỏ hay khinh thường họ. Nếu quý vị nghĩ mình thấp kém hơn những người khác, thì quý vị sẽ gieo hạt giống của những phẩm chất tốt hơn. Sự khiêm cung sẽ đưa chúng ta đến địa vị đáng quý hơn.
Đoạn kệ tiếp theo khuyên: “Chớ để phiền não khuất phục mình”. Đức Phật và các bậc Thầy vĩ đại đến sau Ngài đã chỉ ra cách để khắc phục những cảm xúc tiêu cực.
Ngài nhận xét: “Sau khi Phật giáo được truyền đến Tây Tạng, một số truyền thống khác nhau đã xuất hiện, chẳng hạn như truyền thống Sakya, Nyingma, Kagyu và Kadampa theo sau bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ, Atisha. Các bậc thầy Kadampa nổi tiếng về sự khiêm cung. Một trong số họ, tác giả của ‘Tám Bài Kệ’ này - Geshé Langri Thangpa được biết đến với cái tên Lang-thang có khuôn mặt dài. Ngài thường khóc trước cảnh ngộ của chúng sinh. Sự trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm của Ngài ấy đến mức Ngài ấy kiên định quyết tâm giúp đỡ tha nhân. Tôi đọc những câu thơ này của Ngài ấy mỗi ngày.
“Như bài kệ thứ ba nói:
Trong mọi hành động, xin tự mình soi xét,
Và ngay khi phiền não vừa khởi sinh -
Gây hiểm nguy cho người khác và chính mình -
Nguyện đối diện và phá tan mạnh mẽ.
Khi người khác, với bản tâm ganh tỵ
Lạm dụng con, vu khống và miệt khinh,
Con nguyện xin nhận thua thiệt về mình
Hiến dâng người phần quang vinh chiến thắng.
“Ở bài kệ thứ sáu nói:
"Khi một người con đã từng giúp đỡ,
Hoặc người mà con hy vọng lớn lao,
Ngược đãi con gây tổn thương tàn bạo,
Nguyện xem như bậc Hướng Đạo - tôn Sư."
điều đó có nghĩa là thay vì tức giận với họ, hãy phát tâm từ bi. Có những nhà lãnh đạo cộng sản ở Trung Quốc chỉ trích tôi và lên án văn hóa Tây Tạng, nhưng họ hành động như vậy là vì thiếu hiểu biết, thiển cận và hẹp hòi - đó là lý do tại sao tôi cảm thấy thương họ.
“Bài Kệ thứ bảy nói:
"Tóm lại, xin dâng ích lợi, niềm vui
Đến Mẹ chúng sanh trực - và gián tiếp,
Xin nguyện riêng con âm thầm nhận lãnh
Những đớn đau, bất hạnh của người."
và đề cập đến việc kín đáo tham gia thực hành cho và nhận một cách lặng lẽ trong lòng.
Cuối cùng, bài Kệ thứ tám kết luận,
"Nguyện cầu cho hết thảy hạnh nguyện này
Không bị tám pháp thế gian làm ô nhiễm;
Nguyện con nhận ra mọi thứ đều hư huyễn,
Tâm chẳng buộc ràng, thoát khỏi luyến trần gian!"
Ngài hỏi: “Nguyên nhân chính của một vị Phật là gì? - bodhichitta - Bồ Đề Tâm. Trên nền tảng của Tâm như vậy, Đức Phật đã tích lũy công đức và trí tuệ trong ba A Tăng Kỳ kiếp. Nhờ vào Bồ Đề Tâm mà Ngài đã đạt được sự Giác ngộ. Chúng ta cũng nên lấy Bồ Đề Tâm làm sự thực hành chính yếu của mình.
“Ngay khoảnh khắc tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi liền phát Bồ Đề Tâm, điều này cũng thường khiến cho tôi rơi nước mắt. Thông điệp chính của Đức Phật là trau dồi Bồ Đề Tâm. Vấn đề không chỉ là khắc phục những phiền não tinh thần của chúng ta, mà là đi đến cuối con đường bằng cách đạt được Giác ngộ.
“Khi quý vị có Bồ Đề Tâm, quý vị sẽ cảm thấy thoải mái. Sự tức giận, thù hận và ghen tị sẽ bị triệt tiêu bớt, do đó quý vị có thể thư giãn và ngủ ngon. Là người có niềm tin vào Đức Quán Thế Âm, quý vị có thể quán tưởng về Ngài trên đỉnh đầu, mong muốn phát triển những đức tính giống như Ngài và rồi chìm vào giấc ngủ bình yên.
“Đức Phật đã dạy về Tứ Diệu Đế, Bát Nhã Ba La Mật và bản chất của Tâm, nhưng cốt lõi của tất cả những lời dạy của Ngài là Bồ Đề Tâm. Nếu Ngài xuất hiện giữa chúng ta hôm nay, thì lời khuyên của Ngài cũng giống như vậy, hãy phát triển Bồ Đề Tâm. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Cách để đạt được điều đó là trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Hãy nghĩ đến tất cả chúng sinh khắp hư không và nguyện thành Phật vì tất cả họ.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hướng dẫn hội chúng trì tụng bài Kệ sau đây ba lần để thực hiện nghi thức trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm:
"Con xin quy y cho đến ngày giác ngộ
Nương tựa Phật Đà, Giáo Pháp, Chúng Trung Tôn
Công đức tích luỹ nhờ bố thí và hành trì những Ba La Mật khác
Nguyện cho con thành Phật vì lợi lạc của hết thảy chúng sinh!"
Ngài nhận xét: “Đức Phật là vị Thầy của chúng ta. Và chính bởi vì Ngài có Phật tính nên Ngài có thể tu tập trên con đường và trở thành một bậc Giác ngộ hoàn toàn. Chúng ta cũng có Phật tánh và nhờ tu học mà vượt qua mọi chướng ngại để đạt đến giác ngộ như Ngài. Nếu chúng ta phát triển Bồ Đề Tâm một cách đều đặn, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên có giá trị, có ý nghĩa; và chúng ta có thể cảm thấy thoải mái - và đó là tất cả những gì cho ngày hôm nay.”
Vị Thầy Chủ Sám đã chủ trì buổi lễ cầu nguyện bao gồm cúng dường Mạn Đà La tạ ơn, cầu nguyện Đấng Hộ Pháp, cầu nguyện cho sự hưng thịnh của Giáo Pháp và Bài Cầu Nguyện Lời Chân Thật.
Sau khi rời khỏi Pháp tòa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến rìa của khán đài và xướng lên bài Kệ tụng ba đoạn từ phần cuối của 'Đại Luận về Các Giai Trình của Đạo Giác ngộ' của Jé Tsongkhapa:
"Ở những nơi mà Giáo Pháp trân quý tuyệt vời chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!"
Ngài đọc tiếp với hai bài Kệ cuối của Bài Cầu Nguyện Lời Chân Thật:
Xin Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm
Thực hiện lời cầu nguyện thậm thâm
Trước chư Bồ Tát và Chư Phật
Ôm trọn dân Xứ Tuyết vào lòng!
Cầu cho lời nguyện trĩu ước mong
Sớm mau viên mãn, chóng thành công,
Nguyện cho thành tựu ngay hiện tại;
Ở tại nơi đây, phút giây này;
Nhờ sự uyên thâm từ duyên khởi
Kết hợp hài hòa với tánh không.
Nguyện Lời Chân Thật nơi Tam Bảo
Với bao năng lực của thiện hành
Sớm mau thành tựu điều toàn hảo
Không gặp chướng duyên, chóng viên thành!
Mỉm cười và vẫy tay chào các thành viên của khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục lặp lại bài kệ cuối cùng khi Ngài đi bộ từ Chùa về Dinh thự của mình.