Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, vào ngày cuối cùng của Đại Lễ Cầu Nguyện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến Tsuglagkhang để đọc Truyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện về một trong những tiền kiếp của Đức Phật.
Các Tăng Sĩ thổi tù và dẫn lối Ngài quang lâm qua sân chùa, chiếc lọng vàng phấp phới trên đầu che nắng cho Ngài. Trên đường đi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hoan hỷ giao lưu và mỉm cười với hội chúng. Tới cuối sân, ngài chào Ganden Tri Rinpoché rồi an tọa trên Pháp tòa.
Vị Pháp sư chủ xướng, vạm vỡ từ Drepung Gomang dẫn tụng nhanh “Bát Nhã Tâm Kinh”, sau đó tới “Cầu nguyện chư Đạo Sư trong dòng Truyền thừa”. Trong lúc đó, đám đông hơn 12.000 người được phục vụ trà và cơm ngọt.
Ngài Ganden Tripa trịnh trọng thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng; đứng sau là nhà lãnh đạo chính trị Tây Tạng, đã dâng cúng dường ba biểu tượng của thân, khẩu và ý giác ngộ. Sau đó, các vị Trụ trì và cựu Trụ trì của các Tu viện lớn thuộc phái Gelukpa cùng nhau đảnh lễ Ngài.
Thuyết giảng trước hội chúng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ, theo thông lệ, vào dịp Mönlam Chenmo, Đại Lễ Cầu nguyện, một sự kiện đã được tổ chức hơn 600 năm, mọi người sẽ tề tựu tại Lhasa. Tuy nhiên, hiện tại rất khó để tổ chức lễ hội này tại Xứ Tuyết. Dù vậy, những người Tây Tạng lưu vong, được truyền cảm hứng từ lòng dũng cảm của người dân Tây Tạng trong nước, đã lưu truyền truyền thống này. Một phần rất quan trọng của nghi lễ, vào ngày trăng tròn đầu tiên của năm này, là đọc một câu chuyện trong cuốn Truyện tiền thân của Đức Phật, trong đó kể về các tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói đùa rằng tên của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, Thupten Gyatso, có nghĩa là Đại dương Giáo lý của Đức Thích Ca Mâu Ni. Tên của Ngài còn hay hơn vậy, Tenzin Gyatso, nghĩa là Người giữ vững Giáo lý. Ngài cũng chia sẻ rằng Ngài và Đại sư Tông Khách Ba đều sinh ra ở vùng Siling, đông bắc Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tán dương: “Đại sư Tông Khách Ba đã phụng sự Giáo Pháp viên mãn. Ngài đã tinh chỉnh các giáo lý và chỉ ra phương pháp học cùng cách thực tập Tam Tạng Kinh Điển. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khẩn nguyện mình có thể đi theo được dấu chân Ngài.
“Vùng tôi sinh ra do nhà quân phiệt Trung Quốc Ma Bufang cai trị. Tôi gặp ông ta khi tôi khoảng ba hoặc bốn tuổi và khi đó ông ấy đặt tôi ngồi cạnh bên ông ấy. Mặc dù tôi còn bé, nhưng thái độ không sợ hãi và trang nghiêm của tôi đã khiến ông ấy tuyên bố rằng tôi chính là tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13.
“Kể từ đó, được thôi thúc bởi những lời cầu nguyện sau đây, tôi cũng đã dốc hết sức mình để phụng sự Giáo Pháp:
"Ở những nơi mà Giáo Pháp trân quý tuyệt vời chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!"
Ở phương Tây, các nhà khoa học mà đang khao khát tìm hiểu về tâm thức và cảm xúc thì ngày càng quan tâm về những lời dạy của Đức Phật. Ở Tây Tạng, Trung Quốc và Mông Cổ, Phật giáo đã từng hưng thịnh, đã từng suy tàn và giờ đây đang dần dần hồi sinh.
“Là một người có pháp hiệu là Đạt Lai Lạt Ma, tôi quyết tâm phụng sự giáo lý của Đức Phật bằng cách khuyến khích việc học tập và thực hành Tam Vô Học Lậu - Giới, Định và Huệ.
“Ở Tây Tạng, nhờ những nỗ lực của Ngài Tịch Hộ, chúng tôi đã duy trì được Truyền thống Nalanda một cách thuần tuý. Điều quan trọng là luyện tâm và kiểm soát cảm xúc của mình - tích hợp những gì mình nghiên cứu và học hỏi được với tâm mình.
“Người Tây Tạng chúng tôi có thể là những người tị nạn, sống lưu vong, nhưng chúng tôi đã bảo tồn được tốt các truyền thống của mình.”
Chuyển sang ‘Jataka-mala’, trước tiên, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc một bài kệ tóm tắt câu chuyện phía trước đề cập đến vị Bồ tát phản đối việc hiến tế động vật.
"Làm hại động vật chẳng bao giờ đưa ta đến với niềm vui hạnh phúc,
Nhưng bố thí, tri túc, thúc liễm và những đức hạnh như thế sẽ có được an vui.
Thế nên những ai khát khao kiếm tìm niềm an vui thật sự;
Phải cống hiến hết mình để giồi trau những đức tính này."
Cứ như thế, từ trong tiền kiếp, Đức Thế Tôn đã thể hiện khuynh hướng quan tâm đến lợi ích của vạn vật.
Lần này, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc về Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vua của các vị thần, Chúa tể của cõi trời Đao Lợi. Trước khi đọc, Ngài đề cập rằng Đức Phật được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc và vì muốn tìm cách đoạn trừ khổ đau, Ngài đã tu khổ hạnh trong vòng sáu năm và cuối cùng đã đạt giác ngộ hoàn toàn.
Người xưa đã nói, các bậc Thánh nhân không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước; cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay; không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác. Các Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này. Điều cần lưu ý là những gì Đức Phật đã dạy đều dựa trên những gì chính Ngài đã thực hành và trải nghiệm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tiếp cận với những lời dạy của Đức Phật. Chúng ta có thể áp dụng lời Phật dạy cho chính mình và giải thích cho người khác. Chúng ta không nên chỉ dựa vào kinh điển, mà còn phải dựa vào lập luận như Ngài Long Thọ và các học trò của Ngài đã làm. Chỉ trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, chúng ta mới tìm thấy sự nương tựa vào logic và lập luận như vậy. Trung Quốc và Mông Cổ cũng từng có cách tiếp cận như vậy, nhưng đã bị mai một. Ở những nơi ấy, tôi mong có thể góp phần làm sống lại truyền thống đó.
“Như tôi đã nói, được sinh ra cùng nơi với Jé Rinpoché, nhưng ở một thời điểm khác, tôi đã cố gắng hết sức để giữ gìn và duy trì giáo lý.”
Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc Chuyện Tiền Thân Đức Phật. Trong một kiếp trước, Đức Phật đã trở thành Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vua của các vị thần. Là Chúa tể cõi trời Đao Lợi, Ngài uy nghi, lông lẫy như một toà lâu đài mới rạng rỡ vầng nguyệt.
Bấy giờ, các A-tu-la, vì ghen tị với diễm phúc và danh tiếng của Ngọc Hoàng Thượng Đế nên đã gây chiến với Ngài. Ngài đã cưỡi chiến xa hoàng kim ngàn mã của mình để tham chiến. Một trận đại chiến đã diễn ra, nhưng cuối cùng, đội quân của Ngài đã bỏ chạy. Ngọc Hoàng Thượng Đế vẫn một mình cầm cự với quân địch trên chiến xa của mình. Đột nhiên, Ngài bắt gặp thấy trên những cây bông lụa có những tổ chim đại bàng, sắp sửa bị chiến xa của Ngài nghiền nát.
Ngài ra lệnh cho Matali - người đánh xe của mình, rằng: “Những tổ chim trên cây bông lụa kia chứa đầy những con chim non chưa một lần tung cánh. Hãy quay đầu chiến xa để những chiếc tổ kia không bị cán. Ta thà chết dưới tay A-tu-la, còn hơn sống một cuộc đời dằn vặt và nhục nhã vì đã sát hại những sinh vật đáng thương đang khiếp đảm kia.”
Matali quay đầu chiến mã, và kẻ thù đã rút lui như những đám mây đen bị gió cuốn đi, trong khi Shakra đã quay trở lại thành phố của mình.
Những kẻ thấp hèn làm điều xấu ác do bởi chúng tàn ác. Người thường làm điều xấu ác, dù đáng khinh, nhưng là do bởi họ đang khốn cùng. Còn những người đứng đắn, ngay cả khi mạng sống của họ gặp nguy hiểm, cũng không thể vượt quá những giới hạn đạo đức thể như đại đương không thể vượt quá giới hạn của bãi bờ.
Như vậy, Đức Phật từ lâu đã bảo vệ các loài động vật bất chấp sinh mạng mình. Nên nhớ rằng, một người thông tuệ không nên xúc phạm chúng sinh, huống chi là làm hại chúng. Một người hiếu đạo phải hướng tâm thực hành lòng từ bi với tất cả chúng sinh.
Tiếp theo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hướng dẫn hội chúng thực hành phát Bồ Đề Tâm toàn diện, bao gồm Bồ Đề Tâm tương đối và Bồ Đề Tâm tuyệt đối.
“Dù đang sống trong thời mạt Pháp nhưng chúng ta vẫn có thể học tập, suy ngẫm và thiền định về những điều Đức Phật đã dạy. Chúng ta có thể nhận thấy rằng con người ai cũng đều mong muốn hạnh phúc, và hãy suy ngẫm rằng nguyên nhân thực sự của khổ đau là vô minh và chấp ngã trong chính chúng ta. Nếu chúng ta sống ích kỷ, khổ đau sẽ không bao giờ dứt.
“Hãy nghĩ rằng tất cả chúng sinh cũng giống như chúng ta. Tất cả đều không muốn đau khổ; tất cả đều mong muốn hạnh phúc. Chúng ta đang ở nơi tốt lành này, có thiện duyên gặp được lời Đức Phật dạy. Hằng ngày, chúng ta có cơ hội tu tập tâm giác ngộ Bồ Đề và thâm nhập triết lý tính không. Thật là may mắn làm sao!
“Nghĩ được như vậy rồi, chúng ta hãy tự ngẫm rằng nếu tất cả chúng sinh đều vượt thoát được khổ đau và đạt được hạnh phúc thì thật tốt biết dường nào. Đây chính là điều mà tôi muốn giúp đỡ các chúng sinh. Cứ như vậy, hãy phát tâm giải thoát bằng được tất thảy chúng sinh khỏi khổ đau. Hãy phát nguyện mang đến cho chúng sinh sự toàn tri. Hãy phát tâm thành Phật để có thể giải thoát tất cả. Hay hình dung tâm Bồ Đề tương đối này như một mặt trăng tròn trong tâm mình.
“Sau đó, hãy thử hỏi tại sao chúng ta đau khổ, bạn sẽ phát hiện ra rằng đó là bởi vì mọi thứ hiện diện trước mắt chúng ta như thể chúng thật sự tồn tại, và tồn tại một cách độc lập, không phụ thuộc. Sai lầm của chúng ta là bám chấp vào quan niệm sai lầm ấy. Nếu dùng Trung quán ngũ hoặc thất đoạn luận để phân tích vạn vật, quý vị sẽ thấy rằng mình không thể chỉ định được bất cứ thứ gì là cái này hay cái kia. Thực thể tồn tại của vạn vật là phụ thuộc lẫn nhau. Tất cả các sự vật hiện tượng chỉ đơn thuần là bị chúng ta dùng ngôn ngữ gán đặt cho chúng.
“Đức Phật dạy về tánh Không trên đỉnh Linh Thứu. Chúng ta hãy quán tưởng về sự tồn tại phi thường hằng và phi độc lập của vạn vật và hình dung rằng sự chứng ngộ tính không này tựa như một chiếc kim cương chuỳ màu trắng nằm trên mặt trăng tròn mà mình đã tưởng tượng trước đó.
Phật quả dựa trên hai nguyên tắc này, từ bi và chứng ngộ tính không, mà đạt được. Và cũng từ đó mà Ứng Thân và Pháp Thân của Đức Phật hiển lộ.
Điều thực sự chuyển hoá tâm thức của ta là tu tâm Bồ Đề và trí tuệ tính không. Đó là lý do vì sao tôi thiền quán về hai điều đó ngay khi thức dậy vào mỗi buổi sáng. Đây là cốt lỗi của các pháp môn thực tập. Bổn tôn du già là rất tốt, nhưng nếu thiếu đi hai nền tảng là Tâm Bồ Đề và Trí tuệ tính Không thì pháp môn thực tập đó không có ích lợi gì nhiều.
“Bài giảng hôm nay tới đây là kết thúc”
Sau lễ cúng dường mạn đà la, Vị Pháp sư chủ xướng dẫn tụng 'Lời Chân Thật’.
Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước chậm rãi ngang qua sân. Với chiếc lọng vàng uy nghi, phấp phới trên đầu, Ngài vừa đi vừa mỉm cười chào Hội chúng.