Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Sáng nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe một đoạn ngắn đến Làng Thiếu nhi Tây Tạng (TCV), các nhóm nhỏ của công chúng đã tập trung trên đường để cung tiễn Ngài quang lâm ngang qua. Khi Ngài rẽ vào trường học, trẻ em và sau đó là một hàng người lớn mặc trang phục truyền thống của Tây Tạng, ca hát và nhảy múa vui vẻ để cung đón Ngài ở bên đường. Gần khán đài, các vũ công trong trang phục yak và sư tử tuyết cũng nghênh đón Ngài.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng các vị quan khách và các vị chức sắc khác, bao gồm Leh DC, Santosh Sukhadeve, CEC của Hội đồng Phát triển Miền núi Tự trị Ladakh (LAHDC), Tashi Gyaltsen, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Ladakh (LBA) và Hiệp hội Tu viện Ladakh (LGA) Thubten Tsewang và Thượng toạ Tsering Wangdus và Trưởng đại diện của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA) Dhondup Tashi đã tập trung trong một hội trường nhỏ. Nơi đây có thể nhìn ra sân thể thao của trường, nơi có khoảng 5000 khán giả hùng hậu. Mọi người đứng lên trong khi những bài Quốc ca của Tây Tạng và Ấn Độ được mở lên.
CRO Dhondup Tashi đã cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và cảm ơn Ngài đã hoan hỷ dành thời gian để nói chuyện với tập thể của những người Tây Tạng ở Ladakh. Ông đề cập rằng có khảong 5200 người Tây Tạng ở khu vực Leh và 2000 người du mục khác ở Chang Thang. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chính phủ Ấn Độ và chính quyền Lãnh thổ Liên minh (UT) địa phương về tất cả sự giúp đỡ mà họ mang lại cho cộng đồng Tây Tạng. Ông cũng ghi nhận sự hướng dẫn và hỗ trợ mà cộng đồng Tây Tạng ở Ladakh đã nhận được từ CTA do Sikyong Penpa Tsering đứng đầu.
CRO đề cập rằng ông đã biên soạn một báo cáo bao quát hơn mà ông đã đệ trình lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng văn bản. Ông cầu nguyện cho Đức Ngài được trường thọ.
Người điều hành viên thông báo rằng sẽ có các màn trình diễn ca hát và nhảy múa - một số cũ, một số mới. Đầu tiên, một nhóm học sinh Tây Tạng trình diễn những vũ điệu theo một bài hát liên quan đến việc cúng dường các Lạt ma và các bậc Thầy. Theo sau đó là 113 người lớn đến từ Leh và Chang Thang, những người đã vui vẻ nhảy múa theo một số bài hát hiện đại với nhịp điệu disco đầy cuốn hút.
Một nhóm người lớn khác đến từ Leh và Chang Thang đã biểu diễn một bài hát và vũ điệu truyền thống từ vùng Ngari của Tây Tạng để ca ngợi sự cát tường và thịnh vượng. Các vũ công đã hát mà không có nhạc đệm, họ tạo nhịp điệu cho bài hát của mình bằng phương pháp giậm chân.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được cung thỉnh lên để phát biểu trước Hội chúng.
Đức Ngài bắt đầu, “Các anh chị em Pháp Hữu của tôi! Hôm nay, quý vị đã thể hiện những bài hát và vũ điệu của mình một cách hoan hỷ, tự tin và đầy tự hào. Quan trọng hơn hết là quý vị đã biểu diễn như thế với niềm tin chân thành. Tôi muốn được cảm ơn quý vị.
“Người dân Tây Tạng có mối liên kết đặc biệt với Đức Quán Thế Âm - Đấng Đại Bi. Kể từ thời vua Songtsen Gampo, chúng ta đã có ngôn ngữ chữ viết của riêng mình. Sau đó, dưới triều đại của Vua Trisong Detsen, vị Viện trưởng vĩ đại và là học giả hàng đầu của Nalanda - Ngài Tịch Hộ - được cung thỉnh đến Xứ Tuyết. Ngài đã khuyên rằng vì chúng ta có ngôn ngữ riêng, cho nên chúng ta nên dịch văn học Phật giáo Ấn Độ từ tiếng Phạn và tiếng Pali sang tiếng Tây Tạng.
“Bộ kiết tập các bản dịch lời dạy của Đức Phật và các luận thuyết của các bậc thầy tiếp theo sau đó - hiện bao gồm bộ kiết tập hơn 300 tập. Đó là tài liệu từ những cuốn sách này mà chúng tôi đã nghiên cứu. Tất nhiên, khi các bậc học giả trưởng thượng của Tây Tạng biên soạn những bài bình luận của riêng họ, thì họ đã tham khảo các nguồn gốc có trong Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng).
“Có một bộ kiết tập các bản dịch trước đây thuộc về truyền thống Nyingma, và một bộ kiết tập sau này dựa trên các truyền thống Kagyu, Sakya và Geluk. Truyền thống Tây Tạng là phương cách trình bày Phật giáo duy nhất dựa vào logic và lý luận. Trong hơn một nghìn năm qua, chúng tôi đã duy trì một phương pháp liên quan đến nghiên cứu, suy ngẫm và thiền định (văn, tư, tu).
“Chúng tôi đã bảo tồn cả về lĩnh vực Giáo lý và Chứng ngộ của Phật giáo. Trên cơ sở các bản văn liên quan đến logic và lý luận, Chapa Chökyi Sengé đã chính thức hóa hệ thống tranh luận Tây Tạng. Chúng tôi dựa trên logic, không dựa trên những ngôn từ được viết chỉ có giá trị bề mặt mà thôi. Chúng tôi kiểm nghiêm và nghiên cứu những gì đã được viết theo cách có thể so sánh với việc người thợ kim hoàn kiểm tra độ tinh khiết của vàng ròng.
“Truyền thống Tây Tạng sử dụng lý luận làm thước đo để đánh giá liệu những gì đã được viết ra có thể được dựa vào như nó vốn dĩ là - hay không. Trong quá trình tranh luận, một người thách thức có thể trích dẫn kinh điển để hỗ trợ cho sự khẳng định của mình. Người trả lời của anh ta sẽ ngả mũ kính phục khi xem xét câu trích dẫn ấy, nhưng nếu điều đó không chứng minh được quan điểm ấy, thì anh ta sẽ đội mũ trở lại và tuyên bố rằng lời trích dẫn đó không nhất thiết phải đúng và không được sự hỗ trợ của lý luận.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng sự nhấn mạnh vào logic và lý luận trong truyền thống Tây Tạng là một trong những khía cạnh khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các nhà khoa học hiện đại. Ngày càng nhiều người trong số họ đã tỏ ra quan tâm đến những gì mà nó đề cập về tâm lý học và sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ngài nhắc lại rằng người Tây Tạng xem xét những gì Đức Phật đã dạy dưới ánh sáng của lý luận và sau đó tìm cách tích hợp những gì họ học được trong chính họ. Ví dụ, mọi thứ có thể trình hiện theo một cách nào đó, nhưng người ta giải thích rằng chúng không tồn tại theo cách đó.
Ngài nói thêm: “Ngày nay, nhiều người không hài lòng với sự phát triển chỉ có vật chất mà thôi. Các khía cạnh của truyền thống Tây Tạng đã thu hút những người như vậy; bởi vì chúng giải thích các mức độ vi tế khác nhau của tâm thức. Chúng bao gồm ý thức về trạng thái thức, ngủ, ngủ sâu và trạng thái trong lúc mơ. Dựa vào những lời giải thích trong các bộ luận Mật tông, người Tây Tạng hiểu được cách mà tâm tan biến vào lúc lâm chung và cách mà tâm tịnh quang trong sáng hiển lộ như thế nào.
“Có những người sau khi chết lâm sàng vẫn ở trong trạng thái thiền định được gọi là 'thukdam'. Sau khi quan sát hiện tượng này, các nhà khoa học hiện nay đang tìm cách để hiểu được tiến trình này.
“Chúng tôi đã giữ cho truyền thống của mình được tồn tại hơn cả nghìn năm, nhưng chúng tôi không giữ những gì chúng tôi biết - cho riêng mình. Chúng tôi rất vui khi chia sẻ nó với những người khác.
“Sau hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai đầy bạo lực, người ta đã đề cập nhiều đến vấn đề hòa bình. Nhưng hòa bình sẽ không xảy ra nhờ vào kết quả từ những thông báo của chính phủ hoặc các bài phát biểu của nhà lãnh đạo. Nền tảng của hòa bình thế giới là sự bình yên trong tâm hồn. Đây là một lý do khác cho thấy rằng tại sao ở các quốc gia trước đây không quen thuộc với Phật giáo thì bây giờ lại có hứng thú quan tâm đến những gì Đức Phật đã dạy. Điều này cũng đúng đối với những quốc gia mà Phật giáo đã từng phát triển nhưng sau đó đã suy tàn. Jé Tsongkhapa đề cập đến điều này ở phần cuối của ‘Đại Luận về Các Giai trình của Đạo Giác ngộ’:
Ở những nơi mà Giáo Pháp trân quý tuyệt vời chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!
“Là một Tăng Sĩ - đồng thời cũng là một đệ tử của Đức Phật, tôi cố gắng chia sẻ với bất cứ ai có hứng thú quan tâm đến những gì mà đạo Phật dạy, đây không phải là một sự thực hành về tôn giáo mà là một sự trao đổi về kiến thức. Tôi tin rằng các truyền thống phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng có thể đứng vững trước sự thử thách của logic và lý luận, đồng thời bao gồm cả kiến thức và sự hiểu biết mà chúng ta có thể áp dụng trong cuộc sống của chính mình.
“Việc học hành nghiên cứu là quan trọng. Trong quá khứ, việc học tập là lĩnh vực của người xuất gia; nhưng ngày nay, khi giáo dục phổ thông đã được cải thiện, người cư sĩ, trẻ - già, cũng đều có thể tham gia vào việc học tập. Trong các trường học trước đây, chúng ta có các Giáo Thọ Sư dạy về Tôn giáo, ngày nay chúng ta có các Giáo viên dạy về Triết học. Họ giải thích những lời dạy của Đức Phật theo những cách mà cho phép chúng ta dựa vào đó để đạt được sự bình yên trong tâm hồn.
“Việc thực hành Phật giáo không liên quan đến việc xây dựng chùa chiền hay thậm chí là việc trì tụng thần chú và những lời cầu nguyện. Mà nó liên quan đến việc nuôi dưỡng lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, tập trung vào việc giúp đỡ họ theo cách mà chúng ta có thể. Tôi kêu gọi các bạn trẻ hãy chú ý đến điều này. Những bậc thầy giàu kinh nghiệm trong quá khứ đã truyền lại những truyền thống này cho chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn cho chúng được tồn tại và chia sẻ chúng với những người khác.
“Có những người theo các truyền thống khác, chẳng hạn như người Hồi giáo và Cơ đốc giáo, cũng như những người ít quan tâm đến tôn giáo. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ là - cùng khát khao được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Do đó, tôi cố gắng thúc đẩy sự hài hòa giữa những tư tưởng suy nghĩ khác nhau này.
“Ngôn ngữ Tây Tạng rất quan trọng vì nó là phương tiện chính xác nhất để giải thích các tư tưởng triết học Phật giáo. Tất nhiên, trước đây chúng tôi không có đủ vốn từ vựng cho phép chúng tôi thảo luận về khoa học hiện đại, nhưng chúng tôi đang phát triển nó để làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình. Tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ hãy ghi nhớ điều này.”
Sonam Tsering - chủ tịch ủy ban tổ chức cho sự kiện ngày hôm nay - đã bày tỏ lòng kính trọng của mình đối với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và nói rằng:
“Đức Ngài đã thể hiện lòng tốt đối với người Tây Tạng và nền văn hóa của họ. Con muốn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của mình đối với việc mà Ngài đã quang lâm để ban Đạo Từ cho chúng con ngày hôm nay.”
Ông cũng cảm ơn các quan chức của CTA và LAHDC, người đứng đầu chính quyền Ladakh UT, chủ tịch của LBA, LGA và Hiệp hội Phụ nữ Ladakh (LWA)
Ông cầu nguyện cho tất cả những nguyện vọng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được thành tựu, kính mong Ngài được Pháp thể khinh an và trường thọ. Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội khắp trong khán giả.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước ra phía trước khán đài để mỉm cười và vẫy tay chào khán giả, các em học sinh đã tự phát cất lên bài hát xưng tán Đức Ngài. Họ đã hát rằng: … Ngài là vầng mặt trời và mặt trăng của Tây Tạng, là viên ngọc quý của cả sáu triệu người dân Tây Tạng…