Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe từ Dinh thự của Ngài tại Shewatsel Phodrang đến Chùa Kalachakra ở phía xa của sân bãi thuyết Pháp. Bên trong, một nhóm chư Tăng từ một số tu viện địa phương, bao gồm Samten Ling, Spituk, Rizong, Likir và Zanskar, những người đã thành lập một nhóm thực hành Thời Luân, đang tiến hành một nghi lễ Thời Luân. Một bức tranh thangka cũ về Thời Luân được treo trên bức tường trước mặt họ và một mạn đà la vẽ sẵn đã được bày trong gian lều Mạn đà la. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kính lễ những hình ảnh này và tượng Phật trước khi an tọa cùng với chư Tăng và cùng tụng niệm với họ.
Tiếp theo, Ngài chuyển sang nói chuyện với 70 đại biểu, những người đã tham dự Đại hội đồng thường niên U-tsang vừa kết thúc tại Leh, và những người đang ngồi ở hành lang của ngôi chùa. Trong thời gian tụng Kinh, Ngài đã đọc qua báo cáo bằng văn bản của họ. “Chúng tôi, những người Tây Tạng thuộc Ba Tỉnh của Tây Tạng đã được thống nhất kể từ thời của các vị Vua tôn giáo vĩ đại. Vua Songtsen Gampo đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc, tuy nhiên khi Ngài quyết định tạo ra một dạng chữ viết Tây Tạng, Ngài đã chọn mô phỏng nó theo mẫu tự Ấn Độ. Ngài ấy là người có tầm nhìn xa trông rộng và có một tinh thần Tây Tạng mạnh mẽ.
“Vào thời của Vua Trisong Detsen, theo lời khuyên của Ngài Tịch Hộ, một dự án dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng đã được bắt đầu. Đây là nguồn gốc của hơn 300 tập Kinh Tạng (Kangyur) và Luận Tạng (Tengyur) mà chúng ta có được ngày nay.
“Ngài Tịch Hộ đã thiết lập Truyền thống Nalanda huy hoàng ở Tây Tạng và chúng tôi đã giữ gìn cho nó được tồn tại kể từ đó. Chúng tôi đã bảo quản nó rất tốt. Khi đề cập đến vấn đề giải thích các ý tưởng tâm lý và triết học mà truyền thống này trình bày, thì tiếng Tây Tạng là ngôn ngữ có khả năng thực hiện điều đó một cách chính xác nhất. Noi theo các bậc Thầy và các vị Vua trong quá khứ, chúng tôi đã duy trì truyền thống này bằng cách nghiên cứu, suy tư và thiền định về nội dung của các bộ luận Kinh điển. Chúng tôi bắt đầu với ‘Nhiếp Loại Học’ và 'Tâm trí và nhận thức', mà tôi đã thuộc lòng khi còn là một cậu bé.
“Tôi cũng có một kỷ niệm sống động khi đến thăm Tu viện Kumbum gần nơi sinh của tôi khi tôi còn rất nhỏ. Tôi đã xem các nhà sư trẻ lễ lạy và tụng thần chú Om ara patsa nadhi và tôi muốn bắt chước họ.
“Nhờ kết quả của việc nghiên cứu sâu sắc và rộng rãi các bộ luận cổ điển, cho nên đã có nhiều học giả, đại học giả ở vùng Amdo, Do-tö và miền Trung Tây Tạng.
“Gần đây chúng tôi đã phải trải qua thời kỳ khó khăn, nhưng người Tây Tạng ở Tây Tạng có một tinh thần rất kiên cường mạnh mẽ. Họ đã làm việc chăm chỉ để giữ cho ngôn ngữ và văn hóa của chúng tôi được tồn tại. Hơn nữa, ngày nay, ngày càng có nhiều người Trung Quốc quan tâm đến Phật giáo và Phật giáo Tây Tạng nói riêng. Các sinh viên từ Đại học Lan Châu đã nói với tôi rằng, hiện nay người Trung Quốc có thể cai trị người Tây tạng chúng tôi, nhưng về lâu dài thì chúng tôi sẽ dạy lại cho họ. Những người cộng sản Trung Quốc đã từng gọi tôi bằng đủ thứ tên, nhưng gần đây họ dường như đã dừng lại, không gọi như thế nữa.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng Phật giáo Tây Tạng tương thích với khoa học bởi vì nó dựa trên logic và lý luận, cũng như quá trình nghiên cứu (văn), suy ngẫm (tư) và thiền định (tu). Ngài lưu ý rằng ngày càng có nhiều người ở Trung Quốc và phương Tây chú ý đến truyền thống này mà không nhất thiết phải thực hiện một cam kết về tôn giáo. Ngài nói rằng điều này khiến cho Ngài nhớ đến những gì mà Jé Tsongkhapa đã viết ở phần cuối của ‘Đại Luận về Các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’
Ở những nơi mà Giáo Pháp Đức Phật chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!
Ngài lưu ý rằng trong quá khứ Phật giáo Tây Tạng chỉ được biết đến qua tên gọi, nhưng hiện nay mọi người - nói chung - đã có sự hiểu biết rộng hơn về nó khi những người có học thức và các nhà khoa học quan tâm đến nó.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ Truyền thống Nalanda, và các tác phẩm của Ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng, Pháp Xứng và Trần Na. Chúng tôi đã phát triển một nền văn hóa có sự đóng góp hữu ích cho thế giới. Vì những lý do như thế, chúng ta có thể tự hào về mình là người Tây Tạng.
“Ngày nay, nhiều người nói về hòa bình thế giới, nhưng điều đó sẽ chỉ được tìm thấy nếu nhiều người trong chúng ta có được tình yêu thương và lòng từ bi trong trái tim mình. Hòa bình thế giới bắt nguồn từ sự bình yên trong tâm hồn. Với danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma, tôi đã được đến nhiều nơi khác nhau và đi đến kết luận rằng chúng tôi có thể tự hào về những truyền thống văn hóa của mình. Bản chất của truyền thống ấy là - hòa bình thế giới phụ thuộc vào việc đạt được sự hòa bình bên trong nội tâm.
“Tất cả quý vị nên cảm thấy thoải mái. Tôi đã gần 90 tuổi, nhưng tôi cảm thấy khỏe mạnh; và các bác sĩ của tôi cũng xác nhận điều đó. Những dấu hiệu trong giấc mơ của tôi và các nguồn khác cho thấy rằng tôi sẽ sống đến hơn 110 tuổi.”
Đầu tiên, các đại biểu Utsang và sau đó là Chư Tăng từ nhóm Thời Luân đã tập trung xung quanh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để chụp ảnh với Ngài.
Từ Shewatsel, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến làng Stok và tôn tượng Phật bằng vàng khổng lồ đang toạ lạc ở đó. Những người dân địa phương đã xếp hàng hai bên đường trong bộ quần áo đẹp nhất của họ với những bông hoa và chiếc khăn khata lụa trên tay và nụ cười trên gương mặt. Một số người trong số họ đã mang các chậu hoa phong lữ thảo và các loại hoa khác để trang trí bên đường.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được bảo vệ khỏi ánh nắng gay gắt bằng một chiếc lọng bằng lụa màu vàng được trang trí đẹp đẽ. Ngài bước vào ngôi đền dưới bức tượng vĩ đại, Ngài đã đảnh lễ và thắp một ngọn đèn bơ. Tiếp theo, Ngài tung hoa lên không trung như một dấu hiệu của sự cát tường khi Ngài đọc những lời cầu nguyện để thánh hiến các bức tượng, 'malas' và các đồ vật khác đã được đặt ra để được ban phước.
Khi ngồi trên chiếc ghế ở hiên chùa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cùng tụng những lời cầu nguyện. Phát ngôn viên của người dân Stok - Geshé Tsewang Dorjé - trước tiên đã thông báo rằng họ rất vui mừng khi được cung đón Ngài hôm nay. Ông báo cáo rằng kể từ năm 2016, khi bức tượng Phật vĩ đại này được xây dựng, họ đã cùng nhau tụng Kinh tạng (Kangyur) và Luận tạng (Tengyur) hàng năm. Họ cũng đã xây dựng những cơ sở để có thể cùng nhau học Giáo lý và học tiếng Tây Tạng.
Những người lớn tuổi trước đây không thể học, hoặc đọc những bản Kinh văn, hoặc cầu nguyện; nhưng ngày nay họ đã có thể làm được những điều ấy. Có những lớp học để mọi người học Giáo lý Phật học và học về khoa học. Vào ngày 15 và 30 âm lịch hàng tháng, dân làng Stok cùng nhau vân tập để cầu nguyện cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các bậc vĩ nhân được trường thọ.
Vị phát ngôn viên tiếp tục, tuy nhiên, họ không chỉ đọc những lời cầu nguyện. Họ cũng tìm hiểu về 'Các giai trình của Đạo Giác Ngộ’ (Lamrim) và 'Rèn luyện Tâm thức' (Lojong) theo lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông kết thúc bằng lời thành kính tri ân dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc Ngài đã viếng thăm tôn tượng ngày hôm nay. Sau đó là phần biểu diễn những ca khúc và vũ điệu ca ngợi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với phần đệm của trống và tù và.
Ngài nói với Hội chúng: “Khi tôi ở Shewatsel Phodrang, tôi đã nhìn thấy bức tượng vĩ đại này ở phía xa. Tôi cảm thấy muốn đến kính viếng. Và hôm nay, chúng ta đang có mặt ở đây.
“Trong số những vị Thầy sáng lập của các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có Đức Phật dạy về Duyên khởi, giáo lý thâm sâu như thế. Đối với tôi, tôi hiểu rằng bởi vì các pháp phụ thuộc vào những yếu tố khác để hình thành, cho nên mọi thứ không hề có sự tồn tại cố hữu.
“Chúng ta trở nên tham luyến hoặc ác cảm với những thứ khác nhau bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng tồn tại một cách cố hữu hoặc tồn tại một cách khách quan. Chúng trình hiện đối với chúng ta theo một cách nào đó - mà thực ra đó chỉ là một ảo ảnh.
“Ngài Long Thọ đã viết:
"Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên. Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không". 18,5
“Mục đích của thiền định là giảm bớt những phiền não của tâm chúng ta và đạt được sự giác ngộ. Mỗi ngày tôi đều quán chiếu về tánh Không nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến sự giải thoát của riêng mình là chỉ tập trung vào riêng mình một cách hẹp hòi. “Nhập Bồ Tát Hạnh” đã nói với chúng ta rằng:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
“Tất cả chúng ta nên trưởng dưỡng một trái tim nhân hậu và tránh xa sự ích kỷ. Tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ muốn được hạnh phúc, vì vậy chúng ta nên quan tâm đến hạnh phúc của tất cả mọi người.
Lời dạy của Ngài: “Ở đây trước bức tượng Phật vĩ đại có thể nhìn thấy từ xa này, chúng ta nên nhớ biết ơn Đức Phật vì lòng tốt của Ngài dành cho chúng ta “Người dân Ladakh và các vùng khác của Hy Mã Lạp Sơn là những đệ tử của Đức Phật, những người đặc biệt nương tựa vào Đức Quán Thế Âm, trì tụng tâm chú ‘manis’ và thiền định về Bồ Đề Tâm mang lại sự an lạc cho tâm hồn.
“Mỗi buổi sáng khi thức dậy, tôi đều phát Bồ Đề Tâm và trì tụng Om mani padme hum. Mọi người đều muốn được hạnh phúc, nhưng có quá nhiều bạo lực và đau khổ trên thế giới. Khi mỗi người chúng ta tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, thì chúng ta sẽ có thể mang lại hòa bình trên bình diện rộng lớn.
“Kinh Phật dạy về những kiếp quá khứ và tương lai chứ không chỉ có kiếp này. Nếu quý vị có tâm lương thiện và nương tựa vào Đức Quán Thế Âm, thì quý vị sẽ sống một cuộc đời an lạc và làm lợi ích cho nhiều chúng sinh khác.
“Đạo Phật không chỉ là có niềm tin vào Phật, Pháp và Tăng, mà đó là về việc chuyển hóa tâm thức của chúng ta. Đây là điều mà Đức Phật đã dạy. Tôi tôn trọng tất cả các tôn giáo vì tất cả đều tán thán khen ngợi tấm lòng nhân hậu. Đạo Phật dạy chúng ta về sự tu tập và thực hành.
“Đạo Phật không chỉ là vấn đề về đức tin; nó liên quan đến những sự giải thích chi tiết về các ý tưởng triết học. Đây là lý do tại sao chúng ta cần nghiên cứu, suy ngẫm về những gì mà mình đã học và thiền định về điều đó cho đến khi đạt được kinh nghiệm. Đây là những điều mà tôi muốn nói với quý vị.
Thay mặt cho dân làng Stok, Geshé Tsewang Dorjé đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện chuyến viếng thăm thứ hai này đến ngôi làng của họ. Geshé nhắc lại rằng người dân Stok đã cùng nhau học và trì tụng ‘manis’ như Ngài đã khuyên dạy. Ông nói, họ cũng cầu nguyện rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ viếng thăm Ladakh nhiều lần nữa.
Từ bức tượng Phật vĩ đại phía trên Stok, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe xuống nơi ở của Stok Gyalmo, Nữ hoàng đầu tiên của Ladakh, nơi bà và cháu trai của bà đã mời Ngài dùng trà. Một chiếc lều vuông nhỏ đã được dựng lên trong vườn để họ ngồi dưới bóng râm và trong khi trà và đồ ăn nhẹ được phục vụ, họ cùng nhau trò chuyện nhẹ nhàng.
Các thành viên của gia đình và những người thiện nguyện khác, những người đã ngồi ở hai bên đường, đã tiến về phía trước với hy vọng được đến gần Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hơn khi Ngài bước ra xe của mình. Ngài mỉm cười và chào lại họ. Từ Stok, Ngài đi xe xuống Choshot Yakma, qua cây cầu bắc ngang qua sông Indus, và trở về Shewatsel Phodrang..