Zurich, Thụy Sĩ - Hôm nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến khán đài tại Hallenstadion ở Zurich, trước đám đông có sức chứa 15.000 người, Đức Ngài đã chào các vũ công Tashi Shölpa đang biểu diễn vũ điệu của họ để cung đón Ngài. Ngài an toạ trên Pháp toà trước những bức tranh thangka lớn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Quán Thế Âm Tứ Thủ và Ngài Tara Trắng.
Một người Tây Tạng dẫn chương trình đã giới thiệu Thinley Chökyi - Đại diện Văn phòng Tây Tạng tại Geneva. Cô gọi Đức Ngài là viên ngọc quý giữa chư thần và vua chúa, nhà vô địch của hòa bình thế giới, cô đã cung kính chào đón Ngài và xin được thay mặt cho nhân dân Tây Tạng ở Thụy Sĩ và các quốc gia khác ở Châu Âu xin được kính lễ Đức Ngài.
Cô tuyên bố rằng người Tây Tạng trên khắp thế giới đang nỗ lực hết sức để giải quyết xung đột giữa Trung Quốc và Tây Tạng theo sự dẫn dắt của Đức Ngài. Cô nói thêm rằng họ rất vui khi có thể được cầu nguyện cho Đức Ngài được trường thọ; về lòng biết ơn khi Ngài dừng chân tại Zurich trên đường trở về Ấn Độ từ Hoa Kỳ sau ca phẫu thuật thay khớp gối thành công.
Cô cầu nguyện: “Nguyện cho Ngài có thể trở về Tổ quốc Tây Tạng, an toạ trên Ngai Sư tử trong Cung điện Potala và truyền bá giáo lý ở đó một lần nữa”.
Cô kết thúc bằng lời cảm ơn đến các cơ quan chức năng khác nhau tại Zurich đã tạo điều kiện cho người Tây Tạng được tổ chức sự kiện này ngày hôm nay.
Một nhóm ca sĩ và vũ công Tây Tạng đã hát lời xưng tán ca ngợi Đức Ngài; họ gọi Ngài là Đấng bảo hộ và là hiện thân của lòng từ bi. Một nhóm chư Tôn Đức an toạ dưới chân Pháp toà đã đọc bài kệ về việc quy y Tam Bảo và một bài kệ tóm tắt giáo lý về Trí tuệ viên mãn. Họ đã thực hiện một lễ cúng dường Mandala và bắt đầu một buổi lễ mang tính biểu tượng cầu mong cho Bậc Đạo Sư được trường thọ.
Khi họ tụng bài Kinh cầu nguyện trường thọ cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma do các vị Thầy của Ngài là Ling Rinpoché và Trijang Rinpoché biên soạn, các biểu tượng của bảy biểu tượng hoàng gia, tám biểu tượng cát tường, tám chất cát tường, v.v. đã được dâng lên Ngài. Tiếp theo là lời cầu nguyện trường thọ cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma do Jamyang Khyentsé Chökyi Lodrö biên soạn đã được đọc lên, và kết thúc bằng câu: "Nguyện Ngài trường thọ và nguyện những hành trạng giác ngộ của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi".
Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với khán giả rằng: "Hôm nay, mọi người từ Thụy Sĩ và các nước châu Âu khác đã vân tập về đây vì đức tin và lòng tôn kính. Chúng tôi, những người Tây Tạng đã thấm nhuần lời dạy của Đức Phật. Chúng tôi có niềm tin vững chắc vào Giáo lý ấy, bắt đầu từ lúc chúng tôi còn là những đứa bé, chúng tôi đã đọc bài kệ Quy y và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, cũng như thần chú Om mani padmé hum.
“Tôi đã có cơ hội được nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật giáo từ khi còn bé; và tôi nhận thấy Giáo lý ấy có cơ sở khoa học khá cao. Thật vậy, ngày nay các nhà khoa học tìm đến gặp gỡ tôi và quan tâm đến giáo lý Phật giáo về lòng từ bi và tinh thần bất bạo động.
“Vì chúng tôi - người dân Tây Tạng - coi trọng lòng tốt, sự nhiệt tình và tâm từ bi; nên chúng tôi có thể thể hiện những phẩm chất này đối với người khác. Chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn vì những hạn chế khắc nghiệt do Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt, nhưng đức tin và lòng tận tụy của chúng tôi đối với giáo lý của Đức Phật vẫn không hề giảm sút.
“Khi còn bé, tôi đã được đưa đến Tu viện Kumbum, nơi tôi chứng kiến những chú Tiểu tụng tâm chú của Đức Văn Thù Sư Lợi “Om ara patsa nadhi”. Tôi đã được truyền cảm hứng và đã bắt chước họ. Văn hóa của chúng tôi đã để lại những dấu ấn như vậy trong lòng chúng tôi.
“Trước đây, mọi người ở thế giới bên ngoài không biết nhiều về Phật giáo Tây Tạng; nhưng theo thời gian, ngày càng có nhiều người quan tâm đến điều đó. Họ đặc biệt bị thu hút bởi những giáo huấn về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc; cũng như cách nuôi dưỡng những phẩm chất tích cực bên trong chúng ta. Ngay cả ở Trung Quốc, đức tin và sự hiểu biết về Phật pháp cũng đã được phát triển.
“Kể từ thời các Vị Vua Songtsen Gampo và Trisong Detsen, chúng ta đã quen với việc Phật giáo là một phần trong cuộc sống của mình. Một phần di sản tốt đẹp của họ là ngày nay chúng ta có đức tin kiên định như vậy. Bất cứ nơi nào người Tây Tạng sinh sống, họ đều có ý thức mạnh mẽ về đạo đức và đức tin vào lời dạy của Đức Phật. Ngay cả những người không coi mình là người theo tôn giáo cũng nhận ra rằng Phật giáo Tây Tạng có nhiều giải pháp cho các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay.
“Vì Phật giáo là một phần chính trong nền văn hóa của chúng ta, cho nên chúng ta cần phải nỗ lực để duy trì sự sống động của nó. Chúng ta có thể thực hiện điều này bằng cách tuân thủ đạo đức và trưởng dưỡng một tấm lòng nhân hậu, hãy ghi nhớ rằng - thực hành tôn giáo mà không có đạo đức thì cũng giống như mình đang đeo mặt nạ mà thôi.
“Mặt khác, trưởng dưỡng một tấm lòng nhân hậu là bản chất của tôn giáo. Trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm bao gồm cả tâm nguyện mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Điều đó cho phép quý vị hoàn thành mục tiêu của chính mình và của cả tha nhân.
“Khi tôi ở Bắc Kinh, Mao Trạch Đông đã khen ngợi tư duy khoa học của tôi, nhưng đồng thời ông ấy cũng nhận xét rằng tôn giáo là chất độc. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng - nếu ông ấy còn sống đến ngày nay, ông ấy sẽ hiểu rõ hơn vì sao việc vâng theo những gì Đức Phật dạy lại đáng giá đến như vậy”.
Khi tiến hành khoá lễ ngắn về phát Bồ đề Tâm, Đức Ngài đã khuyên chúng ta nên nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều là những người mẹ từ ái của mình. Để đền đáp lòng tốt đó của họ, chúng ta nên quyết tâm mạnh mẽ mang lại lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Và khi đã phát khởi Bồ đề Tâm, chúng ta nên gọi tất cả chúng sinh là những vị khách của mình trong bữa tiệc hạnh phúc ấy.
“Chúng ta đã tìm thấy cuộc sống con người quý giá này; và để làm cho cuộc sống ấy có ý nghĩa, ta nên trưởng dưỡng lòng từ ái và một trái tim nhân hậu. Sở dĩ tôi có thể nói như vậy, lý do tối hậu khiến quý vị có niềm tin vào tôi là vì tôi dạy về Bồ đề Tâm và quan điểm về tính Không. Như tôi đã nói với quý vị trước đây, ngay từ khoảnh khắc thức dậy vào buổi sáng, tôi đã thiền về Bồ Đề Tâm và sau khi phát khởi ý nghĩ tối thượng đó, tôi đã mời tất cả chúng sinh trở thành những vị khách của mình.
“Bồ Đề Tâm là chìa khóa để hoàn thành mục tiêu của chính mình và của người khác. Đồng thời, nó cũng làm cho những suy nghĩ tiêu cực như tức giận và kiêu ngạo bị lắng chìm xuống.
“Hãy tưởng tượng một hội chúng gồm các vị Phật và Bồ tát trong không gian phía trước mặt quý vị… Cách đây không lâu tại Bồ Đề Đạo Tràng, lúc tôi đang tham dự một buổi lễ trong một ngôi Chùa lớn thì tôi tưởng tượng Đức Phật đang ngự trước mặt mình. Ngài gọi tôi đến, nói chuyện với tôi một cách tử tế và vuốt ve đầu tôi. Ngài có vẻ hài lòng với tôi, nhưng tất cả những gì tôi có thể dâng lên cúng dường Ngài chỉ là một thanh sô-cô-la mà thôi!… Bây giờ, xin hãy đọc những vần Kệ này ba lần theo tôi.”
Con xin quy y ngôi Tam Bảo
Sám hối tất cả từng tội chướng
Tuỳ hỷ công đức chư chúng sinh
Nguyện con được Phật Đạo viên thành!
Con xin quy y cho đến ngày giải thoát
Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng Đoàn
Hoàn thành mục đích cho mình và người khác
Nguyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tỉnh giác!
Khi phát triển tâm nguyện cho giác ngộ tối cao
Con mời thỉnh tất cả chúng sanh như khách quý
Thực hành hạnh giác ngộ vô song trong hoan hỷ
Vì lợi lạc chúng sanh - nguyện đắc thành Phật Vị!
Hôm nay con được thân người cao cả;
Được sinh ra trong dòng giống Phật Đà;
Được trở thành con của Đức Thích Ca,
Nguyện sống tốt không ố hoen dòng Phật.
“Quý vị nên làm quen với những lời nguyện của Bồ tát được liệt kê trong Sáu thời Guru Yoga.
“‘Nhập Bồ Tát Đạo’ có đề cập rằng:
Một người thiện nguyện nghĩ rằng, "Tôi sẽ loại bỏ những cơn đau đầu của chúng sinh," vị ấy sẽ tạo ra công đức vô lượng. 1/21
Vậy thì một người mong muốn xóa bỏ nỗi đau cùng cực của từng chúng sinh và ban cho họ những phẩm chất tốt đẹp vô lượng thì sao? 1/22
“Bồ đề Tâm mang lại cho chúng ta sự an lạc trong tâm trí và chế ngự những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Nó tạo ra trạng thái tâm thức nhẹ nhàng thanh thản”.
Đức Ngài đã truyền trao thần chú của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Quán Thế Âm - vị thần bảo trợ của Tây Tạng - bằng cách yêu cầu những người hiện diện đọc theo Ngài.
Đại diện Thinley Chökyi đã dâng một Mandala tạ ơn. Họ tụng những lời cầu nguyện hồi hướng. Một bảng kê khai tài khoản đã được tạo lập, thông báo số tịnh tài đã chi trả và số tịnh tài còn lại. Một nhóm nghệ sĩ trẻ đã hát những lời cát tường để kết thúc buổi lễ.
Buổi lễ kết thúc bằng việc đọc một bài Kệ trong 'Lời nguyện cầu Chân lý' mà Đức Ngài đã sáng tác vào năm 1960.
Xin Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm
Thực hiện lời cầu nguyện thậm thâm
Trước chư Bồ Tát và Chư Phật
Ôm trọn dân Xứ Tuyết vào lòng!
Cầu cho lời nguyện trĩu ước mong
Sớm mau viên mãn, chóng thành công.