Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Tsuglagkhang, ngôi Chùa chính của Tây Tạng và khu vực sân trước Chùa sáng nay đã chật cứng khoảng 8000 người - người Tây Tạng, người từ vùng Hy Mã Lạp Sơn và những người khác đến từ những nơi xa hơn. Tất cả họ đã vân tập về đây để nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp theo phong tục thường lệ của Ngài về 'Ngày Cúng dường', ngày Rằm của tháng đầu tiên của Năm mới Tây Tạng và là thời điểm đỉnh cao của Lễ hội Đại Cầu nguyện.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ cổng Dinh thự của mình đến Pháp toà ở đầu sân, bên dưới ngôi Chùa. Đi phía trước Ngài là các Vị Tăng sử dụng Pháp khí là kèn Tây Tạng được gọi là gyaling; và một Vị khác mang lư hương đi trước để xông hương. Một Vị Tăng đi phía sau mang theo một chiếc lọng nghi lễ lớn màu vàng. Phía bên trái Pháp toà, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa, là tập hợp Chư Tôn Giáo Phẩm lỗi lạc và bên phải là các thành viên của Chính quyền Trung ương Tây Tạng. Trên bàn bên cạnh Đức Ngài là một chậu hoa lan trắng đang nở rộ.
Một Thầy Xướng Lễ tụng kinh dẫn đầu việc trì tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, sau đó là những bài kệ kính lễ Đức Phật, Văn Thù, Di Lặc, Long Thọ từ ‘Những Giai Trình Ngắn Gọn Của Đạo Lộ’ của Ngài Tsongkhapa. Trong khi đó, trà và cơm ngọt đã được phục vụ cho Hội chúng. Nhà Giáo dục Kalon Tharlam Dolma Changra đã cúng dường một mandala và thỉnh cầu Ngài thuyết Pháp, tiếp theo sau đó là các Tu viện trưởng Gyutö và Namgyal. Toàn thể đại chúng cùng nhau tụng bài kệ quy y và phát Bồ Đề Tâm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố: “Hôm nay tất cả chúng ta vân tập về đây trong sân này để nghe Pháp thoại. Trên thế giới ngày nay ngày càng có nhiều người quan tâm đến sự phát triển nội tâm, đặc biệt là những người mà cuộc sống của họ tập trung vào những mối quan tâm vật chất. Họ đang quan tâm đến việc rèn luyện tâm thức của mình.
“Các truyền thống tôn giáo hữu thần là tốt, nhưng điều làm nên sự khác biệt của Phật giáo là sự hiểu biết thấu đáo về hoạt động của tâm thức. Đây chính là điều thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Phương pháp tiếp cận của chúng tôi là để tìm kiếm sự bình an nội tâm bằng cách rèn luyện tâm thức vừa thực tế vừa khoa học. Đây là một truyền thống đã được duy trì ở Tây Tạng và những vùng xung quanh Tây Tạng.
“Tôi có những người bạn có đức tin tôn giáo mạnh mẽ, họ tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn nhờ niềm tin vào một vị thần sáng tạo. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chúng ta cần sử dụng tâm thức của mình - để rèn luyện tâm thức - để tìm thấy sự bình an nội tâm. Ở phương Tây, có những người không theo tôn giáo nào cả nhưng lại chú ý đến những điều Đức Phật dạy để giảm bớt tham ái và sân hận. Thật vậy, sự đối trị chủ yếu cho tâm sân giận chính là lòng từ bi.
“Ở phần đầu của tác phẩm ‘Nhập Trung Quán Luận’, đạo sư Ấn Độ - Ngài Nguyệt Xứng - đã tỏ lòng tôn kính lòng đại bi ở giai đoạn đầu của con đường dẫn đến giác ngộ, ở giai đoạn giữa và thậm chí ở giai đoạn đạt được quả vị. Lòng từ bi luôn mang lại kết quả vô cùng lợi ích.
“Lòng từ bi rất quan trọng trong cuộc sống đời thường hàng ngày của chúng ta. Và trong thế giới ngày nay khi con người sử dụng bạo lực và làm hại người khác, thì lòng từ bi càng có vai trò trung gian quan trọng.
“Tôi xem lòng từ bi là pháp thực hành chủ yếu của mình; và kết hợp nó với sự hiểu biết về tánh Không. Điều này mang lại sự an lạc trong tâm hồn, một trạng thái tâm trí không bị xáo trộn bởi những cảm xúc phiền não, mang lại sức khỏe tốt và đưa đến thọ mạng lâu dài.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng giáo lý của Đức Phật được truyền đến Tây Tạng từ Đại học Nalanda - không phụ thuộc vào đức tin mà phụ thuộc vào logic và lý trí. Một phần của nó bao gồm sự hiểu biết về hoạt động của tâm thức. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ những rắc rối mà cảm xúc có thể gây ra.
Ngài đề cập rằng Songtsen Gampo - vị Vua tôn giáo của Tây Tạng, chắc hẳn đã rất quyết tâm. Mặc dù Ngài đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc, nhưng khi chọn mẫu cho chữ viết Tây Tạng, thì Ngài ấy đã chọn bảng chữ cái Devanagiri của Ấn Độ. Sau đó, vào thời vua Trisong Detsen, Ngài Tịch Hộ đã được mời đến Tây Tạng. Ngài ấy đã giới thiệu việc nghiên cứu nghiêm ngặt các tác phẩm của các bậc thầy Nalanda như Ngài Long Thọ, chìa khóa của việc nghiên cứu này là việc sử dụng logic và lý trí.
Đức Ngài nhấn mạnh rằng nếu quý vị càng sử dụng lý trí và logic thì sự hiểu biết của quý vị về lời dạy của Đức Phật sẽ càng sâu sắc hơn. Ngài nhắc lại rằng việc suy nghĩ kỹ những gì mà mình đã học đi học lại - thì có tác dụng rất mạnh mẽ. Ngài nói, sự kết hợp giữa nghiên cứu và phân tích làm nền tảng cho Truyền thống Nalanda là một trong những kho báu của thế giới.
“Trong một thế giới đang phải đối mặt với nhiều biến động lớn, điều quan trọng là phải hiểu rằng sự tức giận, kiêu hãnh và ngạo mạn là những điều gây ra sự rối loạn tinh thần. Ở nhiều nơi trên thế giới có những người làm hại và làm tổn thương người khác. Họ thực sự có thể được hưởng lợi từ những lời dạy về lòng từ bi vốn là cốt lõi của truyền thống mà chúng ta đã bảo tồn. Và chúng tôi đã duy trì truyền thống này bằng cách áp dụng giáo lý vào thực hành. Những người bạn Trung Quốc của chúng tôi thừa nhận rằng người Tây Tạng về cơ bản là tốt bụng. Hoàn cảnh thế giới có thể thay đổi, nhưng sự bình yên trong tâm hồn vẫn vậy.
“Chúng ta nên cố gắng giải thích hành vi và giá trị của mình bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi có một truyền thống mang lại sự an lạc trong tâm hồn, đó là yếu tố thiết yếu nếu muốn có hòa bình trên thế giới. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng khi quý vị bị cơn giận lấn át, quý vị sẽ không có sự bình yên bên trong, nhưng khi quý vị bị cảm động bởi tình yêu thương và lòng từ bi thì quý vị sẽ có được sự bình yên trong tâm hồn.
“Tôi xem tâm giác ngộ của bồ đề tâm và sự hiểu biết về tính không là cốt lõi trong sự thực hành của mình. Và - như tôi đã nói - nó mang lại cho tôi sự an tâm. Tôi kêu gọi tất cả quý vị hãy trau dồi lòng từ bi và trí tuệ; và đặt nền tảng thực hành của riêng mình vào việc trưởng dưỡng trái tim ấm áp nhân hậu.
“Bây giờ, tôi muốn dẫn dắt quý vị thông qua Tâm Yoga Toàn diện, một phương pháp thực hành mà tôi thực hiện hàng ngày; và tôi nghĩ nó cũng sẽ hữu ích cho quý vị. Là con người, tất cả chúng ta đều như nhau. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc chứ không muốn buồn bã. Chúng ta thích nghe tin tốt hơn là tin xấu. Nếu quý vị có một trái tim nhân hậu, quý vị sẽ được mọi người yêu mến, trong khi nếu quý vị kiêu hãnh và ngạo mạn thì mọi người sẽ không muốn khen ngợi quý vị.
“Trong ‘Nhập Trung Quán Luận’ Ngài Nguyệt Xứng đã bày tỏ lòng tôn kính tâm từ bi ngay từ đầu bởi vì nó không chỉ là hạt giống giác ngộ, mà còn là nước và đất giúp nó phát triển. Tôi coi lòng từ bi là thực hành chính của mình vì nó mang lại cho tôi sự an tâm và sức khỏe tốt. Ngay cả loài động vật cũng cảm kích lòng từ bi.
“Ngay khi tôi vừa thức dậy vào buổi sáng, tôi liền quán chiếu về Bồ đề Tâm. Sau đó, tôi xem xét cách mà mọi thứ dường như tồn tại một cách khách quan, nhưng khi tôi nghĩ kỹ, tôi thấy rằng chúng không thực sự tồn tại theo cách đó. Tôi suy ngẫm về những nguyên tắc này mỗi ngày.
“Chúng ta hãy thiền định về tâm giác ngộ, mong muốn mang lại lợi ích thực sự cho tha nhân. Bồ đề Tâm là yếu tố hữu ích cho người khác cũng như cho chính quý vị trong phạm vi ngắn hạn và lâu dài. Bây giờ hãy quán tưởng tâm từ ái, vị tha này biến thành một đĩa mặt trăng màu trắng nằm ở vị trí tim của mình.
“Tiếp theo, hãy nhớ lại cách mà quý vị nghĩ về bản thân mình như thế này hay thế kia; và cách mà quý vị xuất hiện trong tâm trí của mình như một sự tồn tại vững chắc, độc lập. Khi quý vị tìm kiếm và không tìm thấy bất cứ thứ gì tồn tại theo cách đó, quý vị nhận ra rằng mình chỉ tồn tại như một danh hiệu phụ thuộc vào ngôn ngữ và khái niệm. Bây giờ, hãy tưởng tượng sự hiểu biết này về tính Không của một sự tồn tại vững chắc, độc lập biến thành một chày kim cương màu trắng đứng trên đĩa mặt trăng ở vị trí tim của mình.
“Sự chứng ngộ này không xảy ra ngay lập tức, nhưng sẽ xuất hiện nếu quý vị thực hành đều đặn.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì Hội chúng trì tụng Thần chú Tâm Yoga Toàn diện: Om sarva yogachitta utpatayami. Sau đó, để ổn định tâm trí các đệ tử và làm cho tâm trí vững chắc trong yoga Toàn diện, Ngài yêu cầu họ tụng theo Ngài: Om surate samaya satvam ho siddhi vajra yatha sukham
Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc một bài kệ ca ngợi Đức Quán Thế Âm - Chenresig - và thần chú sáu âm, Om mani padme hung.
“Ngài tích luỹ tất cả những hạnh phẩm cao thượng,
Được hết thảy chư Phật hết lòng ca ngợi tán dương,
Được biết đến với Hồng Danh Bổn Tôn với cái nhìn không chớp,
Hỡi đấng Từ Bi bất diệt! Con xin thành tâm kính lễ Ngài!"
Tiếp Theo, Ngài trì tụng lời tán thán Đức Văn Thù Sư Lợi và thần chú Om ara patsa na dhih của Ngài.
Kính lễ Đức Văn Thù Sư Lợi,
Với khuôn mặt dáng vẻ trẻ trung,
Có trí tuệ rạng ngời sáng chói,
Xua tan màng đêm của ba cõi”.
Cuối cùng, theo thông lệ vào Ngày Cúng dường này, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc một trong những Truyện Tiền thân nhớ lại những tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Câu chuyện này xảy ra khi Bồ Tát còn là vua của Shibi. Ngài khuyến khích thần dân của mình tránh xa sự tổn hại và trân trọng giữ gìn lẽ phải.
Chuyện xảy ra là trong Vương quốc có một cô gái trẻ cực kỳ hấp dẫn. Cô ấy tên là Unmadayanti, 'Cô ấy khiến cho đàn ông phát điên'. Cha cô đề nghị gả cô cho nhà vua, nhưng Đức Vua đã từ chối thể theo lời khuyên của các cố vấn. Sau đó cô kết hôn với một thành viên trong triều đình của nhà Vua. Tuy nhiên, khi nhà Vua gặp cô trong lúc đang đi xe ngang qua thành phố, Vua đã yêu cô một cách điên cuồng.
Chồng của Unmadayanti đã cố gắng thuyết phục nhà Vua thâu nạp cô ta như một món quà của ông ấy. Nhưng nhà vua trả lời: “Không, điều đó không thể được, và vì lý do gì? Thứ nhất, mọi công đức của ta sẽ bị mất, và ta sẽ không trở thành bất diệt. Thứ hai, việc làm xấu xa của ta chắc chắn sẽ bị thiên hạ biết đến. Và cuối cùng, khi khanh bị chia cách với vợ của mình, khanh sẽ bị thiêu rụi trong ngọn lửa khổ đau - một ngọn lửa sẽ thiêu rụi khanh chắc chắn như ngọn lửa thiêu rụi cỏ khô.”
Đức Ngài đã chọn dừng lại tại đó. Một mandala tạ ơn đã được dâng lên và những lời cầu nguyện cho sự hưng thịnh của Giáo Pháp đã được trì tụng. Sau đó, Ngài mỉm cười và vẫy tay chào Hội chúng đang vân tập trên đường; Ngài bước đi đều đặn nhưng không vội vã, quay trở lại cổng cung điện, từ đó Ngài bước lên chiếc xe golf để trở về Dinh thự của mình.