Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Hội đồng quản lý của Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay (RMAF), có trụ sở tại Manila, Philippines, đã ra mắt bộ sách bảy tập có tựa đề “Sự vĩ đại của Tinh thần” về những người đã từng nhận giải thưởng trước đây - trước sự hiện diện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ấn phẩm này kỷ niệm 65 năm thành lập giải thưởng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những người đầu tiên nhận giải thưởng này khi Ngài được trao giải thưởng vào năm 1959 và đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên mà Ngài nhận được. Giải thưởng Ramon Magsaysay tôn vinh những điều tốt đẹp nhất của nhân loại, thể hiện bản chất thực sự của ‘Sự vĩ đại của Tinh thần’.
Susanna B. Afan, Chủ tịch và Cecilia L. Lazaro, Chủ tịch (RMAF) đã diện kiến Đức Ngài tại cửa Hội trường và hộ tống Ngài đến chỗ ngồi của Ngài. Bà Afan kính chúc Đức Ngài buổi sáng tốt lành; và nhắc Ngài rằng bà đã đến Dharamsala vào năm ngoái để trao tặng Ngài tấm huy chương mà họ đã không thể trao tặng Ngài trực tiếp cách đây 65 năm.
Năm nay, bà đã được sáu Người đoạt giải thưởng Ramon Magsaysay, Hội đồng quản lý và một số bạn bè cùng tháp tùng với bà. Bà đã giới thiệu một số Người đoạt giải đến từ Ấn Độ - Aruna Roy, TM Krishna, Harish Hande, Anshu Gupta - và Conchita Carpio Morales đến từ Philippines, cũng như Hội đồng quản lý trong quá khứ và hiện tại.
Bà Afan đã thỉnh cầu Đức Ngài phát biểu với họ.
Ngài bắt đầu: “Tôi sinh ra ở vùng Đông Bắc Tây Tạng, một vùng rất xa xôi của Amdo. Sau đó, khi tôi khoảng ba hoặc bốn tuổi, tôi đến Lhasa ở miền Trung Tây Tạng - nơi tôi bắt đầu học triết học Phật giáo, logic, v.v. Các Thầy giáo của tôi rất xuất sắc. Sau khi hoàn thành chương trình học chính thức vào năm 1959, tôi đã tham gia kỳ thi lấy bằng Geshé.
“Khi hoàn cảnh ở Tây Tạng thay đổi, tôi phải chạy trốn sang Ấn Độ để sống cuộc đời lưu vong. Ở đây, tôi có thể gặp gỡ những người từ nhiều tầng lớp khác nhau; và tôi thấy rằng những gì tôi đã học được ở Tây Tạng rất hữu ích. Cùng với triết học Phật giáo, tôi cũng nghiên cứu quan điểm của các trường phái Ấn Độ khác như Số Luận (Samkhyas), Thuyết Phân Biệt Bộ - Bà Sa Bộ (Vaisheshikas), v.v. Ở đây tại Ấn Độ, tôi đã có thể gặp gỡ những người ủng hộ những quan điểm khác nhau này. Ngoài ra, tôi đã có thể gặp gỡ và thảo luận với các nhà khoa học hiện đại từ phương Tây.
“Là một phần của chương trình giảng dạy tại các Trung tâm Học tập Tu viện Phật giáo ở Tây Tạng, chúng tôi đã học logic, một môn rất hữu ích khi thảo luận với các nhà khoa học và những người theo các truyền thống tôn giáo khác.
“Ngoài các quan điểm không phải là Phật giáo, chúng tôi đã nghiên cứu nhiều trường phái Phật giáo khác nhau. Kết quả là, tôi phát hiện ra mình là người theo trường phái Trung Quán Tông Cụ Duyên (Ứng Thành) (Prasangika Madhyamika). Do đó, nếu tôi phải đối đầu (trong cuộc tranh luận) với một người theo trường phái Trung Quán Tông Y Tự Khởi (Svatantrika Madhyamika), tôi sẽ có thể tự mình giải quyết. Tôi phát hiện ra rằng cách sử dụng logic của Trung Quán Tông Cụ Duyên là cách tốt nhất để giải quyết những thách thức như vậy.
“Logic của trường phái Prasangika Madhyamika Trung Quán Tông Cụ Duyênnày là điều mà tôi sử dụng hàng ngày trong thiền định về tính không của mình. Ngay khoảnh khắc thức dậy vào buổi sáng, tôi thiền định ngay; và sự thiền định của tôi chủ yếu bao gồm hai nguyên tắc - lòng vị tha - Bồ đề Tâm và tánh Không. Tôi cảm thấy rằng nếu Ngài Long Thọ còn sống đến ngày nay, tôi có thể được coi là một trong những học trò có thể ngồi cạnh bậc Thầy vĩ đại Long Thọ này về mặt hiểu biết của tôi về tánh Không.
“Ngoài ra, tôi coi nguyên tắc bất bạo động cổ xưa của Ấn Độ là rất quý giá. Có thể có những quan điểm khác nhau giữa các trường phái triết học Ấn Độ khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là bất bạo động. Tôi đã quen thuộc với sự thực hành này từ khi còn bé. Vì vậy, trong khi tôi quan sát thực hành bất bạo động trong cuộc sống hàng ngày của mình, tôi cũng chia sẻ nó với bạn bè của mình. Tôi khuyến khích họ áp dụng tinh thần bất bạo động vào cuộc sống của chính họ.
“Khi nhìn vào thế giới ngày nay, tôi cảm thấy việc chúng ta thực hành bất bạo động là điều rất quan trọng. Mọi người đều mong muốn được nhìn thấy sự hòa bình trên thế giới, chúng ta nói về sự hòa bình trên thế giới; và nếu muốn đạt được điều đó, thì chúng ta cần phải nâng cao nhận thức về giá trị của tinh thần bất bạo động.”