Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ 14 nhà lãnh đạo trẻ tham gia chương trình Nghiên Cứu Sinh Đạt Lai Lạt Ma và một nhóm khách mời đi cùng. Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma là một chương trình lãnh đạo độc đáo kéo dài một năm dành cho những người tạo ra sự thay đổi nổi trội trong xã hội mới, được thiết kế để tích hợp công việc thiền định và sự chuyển hóa cá nhân có chủ ý với những nỗ lực mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng tương ứng của họ.
Ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an toạ trong Hội trường, Hiệu trưởng của Đại học Colorado - Philip P DiStephano - đã mở đầu chương trình. Ông thưa với Đức Ngài rằng ông đã đến đây cùng với bạn bè và đồng nghiệp để chia sẻ cuộc trò chuyện về Sự lãnh đạo Từ Bi. Ông nhắc nhở Đức Ngài rằng Đại học Colarado đã cung thỉnh Ngài quang lâm và tổ chức tại Boulder vào năm 2016 và họ cũng đã tham gia một cuộc trò chuyện trực tuyến tiếp theo vào tháng 10 năm 2021.
Ông nhận xét: “Thật hoan hỷ khi được diện kiến Đức Ngài ở đây cùng các Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma từ Đại học Colorado, Đại học Stanford và Đại học Virginia”. “Đây chính là cơ hội để định hình các nhà lãnh đạo của ngày mai.”
Như một phần trong lời giới thiệu của mình - Vị điều hành Sona Dimidjian đã thưa với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng lời khuyên của Ngài đã là kim chỉ nam cho công việc của cô trong lĩnh vực tâm lý học và khoa học thần kinh cũng như cho gia đình cô.
Cô thưa với Ngài rằng: “Chúng con thỉnh cầu sự hướng dẫn của Ngài một lần nữa cho những người trẻ này, những người nhìn ra thế giới nhìn thấy sự cạnh tranh và xung đột, chiến tranh và đau khổ. Và khi họ nhìn vào bên trong, họ thấy khổ đau, buồn phiền và tuyệt vọng.
“Kể từ khi chương trình Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma được phát động vào năm 2004, hơn 200 Nghiên cứu sinh từ 50 quốc gia đã tham gia. Họ mong muốn biến những lời dạy của Ngài thành hành động, kết hợp sự tập trung hướng nội và hướng ngoại để mang lại sự thay đổi trên thế giới. Trái tim của họ luôn luôn rộng mở.”
Dimidjian kể lại rằng khi cô đến cổng dinh thự của Đức Ngài sáng nay, cô thấy nhóm các Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma đang hát cùng nhau khi họ chờ đợi để bước vào bên trong. Điều này như một lời nhắc nhở họ cất lên bài hát một lần nữa khi họ hô vang, “Hãy mở rộng trái tim tôi, mở rộng trái tim tôi, hãy để nó tràn ngập tình yêu thương.” Sau đó Dimidjian cung thỉnh Đức Ngài ban cho họ vài lời khuyên về cách họ có thể biến lòng từ bi thành hành động.
Ngài trả lời: “Trước tiên, tôi muốn nói với quý vị rằng tôi rất vui khi được gặp quý vị ở đây. Về cơ bản, tất cả chúng ta đều được sinh ra từ người mẹ và đều nhận được tình yêu thương vĩ đại nhất từ mẹ. Đó là sự phản ứng tự nhiên, chúng ta thấy các loài động vật khác cũng như vậy. Đó là trải nghiệm chung mà tất cả chúng ta đều chia sẻ và điều đó có nghĩa là về cơ bản tất cả chúng ta đều giống nhau. Chúng ta tồn tại là nhờ lòng tốt của mẹ. Đây là điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải ghi nhớ.
“Khi chúng ta còn bé, tình cảm của mẹ vẫn còn sống động trong lòng chúng ta, nhưng khi ta lớn lên và đến trường đi học, thì tình cảm ấy bắt đầu giảm sút. Sẽ tốt hơn biết bao nhiêu nếu chúng ta có thể giữ cho lòng biết ơn của mình đối với lòng tốt của mẹ luôn tươi mới và sống động cho đến khi chúng ta chết? Một cách để thực hiện được điều này là nỗ lực nuôi dưỡng cảm giác từ bi và trái tim ấm áp nhân hậu.
“Bất cứ nơi nào tôi đến và bất cứ ai tôi gặp gỡ, tôi đều mỉm cười và chào đón họ nồng nhiệt. Đó là cách mà mọi người trở thành bạn bè của tôi. Điều quan trọng là phải có tấm lòng ấm áp đối với người khác. Tôi tin rằng lòng nhân hậu là một phần bản chất của chúng ta. Nó mang lại sự bình yên trong tâm hồn và chiêu cảm bạn bè. Món quà thực sự của mẹ dành cho chúng ta là nụ cười và trái tim ấm áp trìu mến của bà”.
Sona Dimidjian đề cập rằng cô rất vui mừng được giới thiệu bảy vị Nghiên cứu Sinh Đạt Lai Lạt Ma, những người sẽ theo cặp đặt câu hỏi lên Đức Ngài. Các Nghiên cứu sinh gồm có Khang Nguyễn đến từ Việt Nam và Damilola Fasoranti đến từ Nigeria/ Rwanda; Mansi Kotak đến từ Kenya và Serene Singh đến từ Vương quốc Anh; Brittanie Richardson đến từ Kenya/ Hoa Kỳ và Shrutika Silswal đến từ Ấn Độ, cũng như Anthony Demauro đến từ Hoa Kỳ. Họ hỏi Ngài rằng họ có thể làm gì để thúc đẩy sự công nhận về các giá trị nhân văn, được chia sẻ và mang tính phổ quát. Họ thỉnh cầu lời khuyên của Ngài về cách truyền cảm hứng cho người khác lựa chọn phục vụ và quan tâm đến người khác như một phong cách sống. Họ muốn biết cách sử dụng lòng từ bi như một nhà lãnh đạo khi họ cảm thấy tức giận và thất vọng; và họ hỏi làm thế nào để chống lại sự bất công trong khi vẫn duy trì lòng từ bi ngay cả đối với những kẻ áp bức.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Nếu chúng ta giữ được cảm giác yêu thương cơ bản mà chúng ta nhận được từ mẹ của mình, thì không có lý do gì để cãi nhau với bất kỳ ai. Tuy nhiên, thay vì nghĩ về những điểm chung của chúng ta với người khác, chúng ta lại có xu hướng tập trung vào sự khác biệt giữa chúng ta.
“Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nghĩ mình chỉ là một con người - và tôi mỉm cười. Tôi không nghĩ mình là Đạt Lai Lạt Ma và có phần tách biệt. Và bất cứ khi nào tôi gặp một người mới, tôi cảm thấy họ cũng giống như tôi. Chúng ta có thể có những cái tên khác nhau; và da hoặc tóc của chúng ta có thể có màu khác, nhưng đây chỉ là những khác biệt thứ yếu.
“Tôi chỉ xem những người khác mà tôi gặp gỡ đều là những con người, như anh chị em của tôi. Tôi không tập trung vào sự khác biệt giữa chúng ta, tôi chỉ nghĩ về những cách mà chúng ta giống nhau. Khi tôi còn rất nhỏ, lúc sống ở vùng Đông Bắc Tây Tạng, tôi chơi với những đứa bé hàng xóm. Tôi đáp lại họ hệt như những đứa trẻ như tôi. Mãi sau này tôi mới tình cờ nhận ra rằng nhiều người trong số họ xuất thân từ các gia đình Hồi giáo và gia đình tôi thì theo đạo Phật.
“Điều cốt yếu chúng ta cần phải nhớ là, khi đề cập đến vấn đề này, thì tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Đôi khi chúng ta quên đi những giá trị cơ bản của con người, quên đi sự rộng lượng và lòng tốt của mình, bởi vì chúng ta để cho những thành kiến hoặc sự phân biệt đối xử tiêu cực lấn át. Cho dù tôn giáo, văn hóa hay sắc tộc của chúng ta là gì đi chăng nữa, thì ở cấp độ cơ bản, chúng ta đều giống nhau về khía cạnh con người. Suy nghĩ quá nhiều về việc trở thành ‘Đạt Lai Lạt Ma’ sẽ khiến tôi khác biệt với những người khác, nên tôi quan tâm nhiều hơn đến tình nhân loại chung của chúng ta.
“Như tôi đã nói, trẻ con rất cởi mở và thân thiện. Chúng không phân biệt đối xử giữa mình và người khác. Chỉ đến khi lớn lên, thì chúng mới nhận ra là mình khác biệt như thế nào. Và nguy cơ là điều này sẽ dẫn đến sự xung đột. Phương pháp để cân bằng điều này là suy nghĩ xem tất cả chúng ta đều giống nhau như thế nào. Đây là điều mà chúng ta phải tự nhắc nhở chính mình. Ở cấp độ cơ bản, chúng ta phải thừa nhận tính thống nhất của nhân loại, rằng khi - đều là những con người, thì chúng ta cũng đều giống như nhau. Khuôn mặt của chúng ta đều có hai mắt, một mũi và một miệng.
“Thực tế là những người có màu da, quốc tịch khác nhau, v.v. đều có thể sinh sản và sinh ra những đứa bé khỏe mạnh, có khả năng sinh sản, khỏe mạnh; điều đó khẳng định rằng - là con người - chúng ta về cơ bản đều như nhau.
“Chúng ta có những bản sắc khác nhau và bổ sung cho nhau, ví dụ như tôi là người Tây Tạng, tôi là một tu sĩ và tôi có tên là Đạt Lai Lạt Ma, nhưng điểm quan trọng nhất là - tôi là một con người.
“Chúng ta là những sinh vật xã hội, chúng ta tạo ra sự kết nối với nhau, nhưng điều đó dường như không đủ để ngăn chúng ta cho phép xung đột phát triển. Tuy nhiên, một trong những lợi ích của việc tiếp thu ý thức về sự đồng nhất của nhân loại, niềm tin rằng con người chúng ta đều giống như nhau, thì điều đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn.”
Sona Dimidjian cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào đón nhóm và đã ban bố trí tuệ của Ngài cho họ. Cô ấy đã mời Vijay Khatri phát biểu kết thúc.
Ông ấy bắt đầu: “Tuần này đã có nhiều chuyển hoá. Như người ta thường nói, 'Tâm thức không chỉ là một cái bình cần được lấp đầy mà còn là một ngọn lửa cần được nhóm lên.' Chúng con đã được giao lưu với Ngài và đã học được từ Ngài về lòng Từ bi và trái tim ấm áp, chúng con xin được thành kính tri ân Ngài về món quà tốt đẹp này. ”
Ngài trả lời: “Như tôi đã đề cập trước đó, khi chúng ta còn rất bé, chúng ta đã vui chơi với những đứa trẻ khác mà không có bất kỳ thành kiến hay nghi ngờ nào giữa chúng ta. Thái độ cởi mở, bình đẳng này là điều mà chúng ta phải luôn luôn gìn giữ. Chúng ta nhìn nhau dưới khía cạnh ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’ và điều này có thể dẫn đến xung đột. Đây là lý do tại sao việc thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng chúng ta có nhiều điểm chung; và những người mà chúng ta coi là ‘bọn họ' chứ không phải 'chúng ta' - cũng là những con người.
Sona Dimidjian kính chúc Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một ngày an bình, vui vẻ và thưa với Ngài rằng nhóm rất mong được tiếp tục diện kiến Ngài vào ngày mai.