Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu cuộc trò chuyện trong ngày thứ hai về “Kỹ năng lãnh đạo” với một nhóm các Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma bằng cách nói với họ rằng: “Thật hoan hỷ khi được gặp lại quý vị ngày hôm nay”.
Sona Dimidjian trả lời: “Chúng con rất hân hạnh lại được diện kiến Ngài. Xin cảm ơn Ngài về cuộc trò chuyện ngày hôm qua đã thúc đẩy các cuộc thảo luận dài giữa chúng con về sự đồng nhất của nhân loại, các giá trị nhân văn chung của chúng ta, sự cống hiến cho một cuộc đời phục vụ, cách xử lý với những cơn tức giận và cách làm việc với những người thường gây hại. Đó là một cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa. Chúng con cảm thấy cuộc trò chuyện ngày hôm qua đã mở rộng trái tim của chúng con.”
Các Nghiên cứu sinh một lần nữa lại hát vang, hô vang 'Hãy mở rộng trái tim tôi, để nó tràn ngập tình yêu' như họ đã hát ngày hôm qua.
Flavia Neves Maia đến từ Brazil, Vuyo Henda đến từ Nam Phi và Stephen Ogwena đến từ Kenya đã hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về vai trò của tình yêu thương và lòng từ bi trong việc thực hành kỹ năng lãnh đạo.
Ngài trả lời: “Trước đây, để trở thành một nhà lãnh đạo thì cần phải có quyền lực và sự xảo quyệt, nhưng những ngày ấy đã qua rồi. Bây giờ khả năng lãnh đạo phụ thuộc vào tấm lòng nhân hậu; phải suy nghĩ đến công chúng, đặc biệt là những thành phần nghèo hơn trong cộng đồng. Ngày nay, nếu chỉ theo đuổi những mục tiêu ích kỷ thì thật là rất hẹp hòi.
“Khi nền dân chủ lan rộng khắp thế giới, mọi người nhận được thông tin tốt hơn về những gì đang diễn ra. Trước đây họ ít chú ý hoặc không thể nhìn thấy toàn cảnh. Bây giờ công chúng đang thực sự quan tâm đến hạnh phúc chung của xã hội.
“Ở các nước dân chủ, chúng ta có thể thấy được chính quyền của dân là do dân làm ra; chứ không phải chỉ là sự lãnh đạo hẹp hòi, thiên vị. Điều này thì lành mạnh hơn nhiều. Quyền lực không còn chỉ nằm trong tay một vài người nữa.”
Sona Dimidjian nhận xét: “Hôm qua, khi Ngài đề cập về sự đồng nhất của nhân loại, khiến con nhớ đến tình bạn của Ngài với Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu.”
Ngài trả lời: “Khi tôi nói về nhân loại, tôi đang nghĩ về những trải nghiệm chung mà chúng ta cùng có. Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ người mẹ. Trong quá khứ, có người cho rằng một số người có sức mạnh thần bí hoặc có khả năng chữa bệnh. Bây giờ thì tất cả chúng ta đều như nhau. Có người cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma có năng lực thần bí, nhưng tôi cũng chỉ là một con người, không khác gì quý vị cả. Tất cả chúng ta đều trải qua những cảm xúc, có những cảm xúc tích cực, có những cảm xúc tiêu cực.
“Điều tạo nên sự khác biệt chính là giáo dục, nó có thể giúp chúng ta mở mang kiến thức của mình. Không có sự giáo dục, địa vị của một người càng cao bao nhiêu thì họ càng trở nên hẹp hòi bấy nhiêu. Một trong những đặc điểm của giáo dục là nó giúp mọi người có được tầm nhìn rộng thoáng hơn.
“Trong trường hợp của tôi, tôi được công nhận là Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng và được đặt lên ngai cao, điều này đã tạo ra khoảng cách giữa tôi và những người khác. Là một người tị nạn, tôi có thể tiếp xúc với đủ loại người thuộc mọi tầng lớp của xã hội. Và điều này đã dạy cho tôi cách nhìn nhận tính đồng nhất của nhân loại, rằng tất cả con người - về cơ bản - đều giống nhau.
“Tự cho mình là người đặc biệt và khác biệt với những người khác là một lối suy nghĩ đã lỗi thời. Trong trường hợp của riêng tôi, tôi cảm thấy cuộc sống tị nạn thật hữu ích. Nó đã mang tôi xuống với trái đất.”
Ruchi Varma làm việc ở Delhi và Addi Mavengere ở Zimbabwe, cả hai đều đang cố gắng mang lại sự giáo dục cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đã hỏi câu hỏi tiếp theo.
Ngài nói thêm vào rằng; giáo dục là một lĩnh vực có khoảng cách rõ ràng, nghĩa là người nghèo có khả năng tiếp cận hạn chế hơn nhiều. Ngài tuyên bố, điều quan trọng là mọi người đều có cơ hội như nhau.
Ruchi và Addi hỏi liệu chúng ta và những người khác có thể học từ các cháu bé về cách nhận biết sự đồng nhất của nhân loại hay không.
Ngài lưu ý: “Nói chung, trong hầu hết các xã hội, mọi người đều kính trọng người lớn tuổi, như thể họ biết rõ hơn; và thường ít quan tâm đến những gì trẻ em trải qua. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc quan sát cách trẻ suy nghĩ và cách chúng liên hệ với nhau là điều chúng ta có thể học hỏi. Hơn nữa, nếu chúng ta dành sự đối xử tôn trọng với trẻ em thì sẽ nâng cao sự tự tin của các cháu.”
Shubham Sapkot đến từ Hoa Kỳ làm việc tại Nepal và Tim Huang đến từ Bhutan muốn biết làm thế nào các trường học có thể góp phần phát triển các nhà lãnh đạo có lòng nhân ái hơn.
Ngài nói với họ: “Các Phật tử cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Điều này bao gồm tất cả con người. Từ quan điểm đó, việc thừa nhận rằng tất cả con người đều như nhau là một phần quan trọng của giáo dục. Một sự xem xét đơn giản có thể hữu ích ở đây là thừa nhận rằng tất cả con người đều giống nhau trong việc mong muốn có được hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ trong bụng mẹ và được nuôi dưỡng bằng sữa của mẹ. Tất nhiên, điều này cũng đúng đối với tôi - mặc dù sau đó tôi được công nhận là Đạt Lai Lạt Ma.
“Nếu quý vị có thể ghi nhớ rằng tất cả con người đều như nhau, thì quý vị sẽ hạnh phúc. Một khi quý vị bắt đầu cho rằng mình là người đặc biệt, thì quý vị phải nỗ lực để bảo vệ hình ảnh đó. Bất cứ khi nào tôi gặp một người khác, thì tôi đều nghĩ rằng: “Đây cũng là một con người giống như mình”.
“Khi tôi còn ở Tây Tạng, những hình thức lễ nghi đã khiến cho tôi trở nên khác biệt với những người khác, nhưng dù sao đi nữa, ý tưởng cho rằng ai đó có địa vị cao như Đạt Lai Lạt Ma là hoàn toàn đều do con người tạo ra cả. Những ngày này tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều khi được tiếp xúc với những con người bình thường.
“Cho dù tôi bị giam ở Potala, Cung điện Mùa đông hay Norbulingka, Cung điện Mùa hè, thì những hình thức lễ nghi liên quan đến rất nhiều sự giả vờ. Từ quan điểm đó, việc sống lưu vong ở Ấn Độ đã mang lại cho tôi sự bình yên trong tâm hồn. Là một người tị nạn, tôi cảm thấy tự do hơn. Thông điệp mà tôi muốn truyền tải rộng rãi hơn là: là con người chúng ta đều giống như nhau; và sẽ lành mạnh hơn nhiều nếu chúng ta đối xử bình đẳng với người khác”.
Sona Dimidjian nhận xét rằng một trong những thách thức khi cố gắng chia sẻ những giá trị cơ bản của con người với trẻ em là có quá ít sự hỗ trợ dành cho giáo viên. Điều tương tự như thế cũng thường xảy ra đối với những bậc phụ huynh đang kiệt sức vì bao nỗi lo toan để kiếm sống. Cô hỏi: “Làm thế nào những người này có thể duy trì được động lực của mình trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy? Làm thế nào Ngài có thể duy trì động lực của mình khi đối mặt với quá nhiều đau khổ trên thế giới?”
Ngài trả lời: “Một vấn đề là, nhiều xã hội có cấu trúc phân cấp. Mọi người càng tiếp thu ý tưởng rằng họ cũng giống như những người khác thì họ sẽ càng trở nên tự tin và can đảm hơn. Ở Tây Tạng, chúng tôi đề cao các Lạt ma và đối xử với họ như những người đặc biệt, điều này chỉ khiến cho họ bị cô lập với những người khác mà thôi. Sự cứng nhắc của cấu trúc phân cấp đã trở nên lỗi thời rồi.
“Điều rất quan trọng là thúc đẩy ý tưởng rằng; tất cả con người - về cơ bản - đều giống nhau. Chúng ta không chỉ cần sự quan tâm và tình cảm mà người khác dành cho mình; mà ta còn có khả năng quan tâm đến những người khác nữa”.
Ian H Solomon, Hiệu trưởng Trường Lãnh đạo Frank Batten đã đưa ra một số nhận xét bế mạc. Ông cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về những lời giáo huấn và sự gia trì của Ngài, cũng như cách mà văn phòng của Ngài đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ này. Ông đã gửi lời chào mừng từ Charlottesville và Đại học Virginia, nơi mà ông nói rằng Ngài có nhiều bạn bè ở đó. Ông lưu ý rằng các trường Đại học Virginia và Colorado, cũng như Đại học Stanford rất tự hào khi được đăng cai Chương trình Lãnh đạo Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma.
“Mọi người trên khắp thế giới rất cần sự lãnh đạo để vượt qua sự chia rẽ giữa họ. Chúng ta cần củng cố tính nhân văn chung của chúng ta thông qua sự hợp tác với nhau. Xin cảm ơn quý vị đã trở thành đại sứ của thế giới vì hòa bình và lòng nhân ái. Quý vị là tấm gương cho tất cả chúng tôi noi theo. Khả năng lãnh đạo có thể cải thiện xã hội và bất kỳ ai cũng có thể thể hiện khả năng lãnh đạo của mình. Các cá nhân, các nhóm như nhóm Nghiên cứu Sinh Đạt Lai Lạt Ma, các tổ chức và thậm chí cả các quốc gia đều có thể thực hiện vai trò lãnh đạo. Sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt là chịu trách nhiệm đối với chính mình và những người khác để quản lý sự thay đổi trên thế giới và mang lại công lý.
“Quý vị là tấm gương lãnh đạo cho tất cả chúng tôi, luôn nhiệt tình giúp đỡ những người cần sự giúp đỡ. Các Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma cũng đưa ra sự lựa chọn như vậy để giúp đỡ người khác. Chương trình mà họ tham gia là thuộc về lĩnh vực hành động và phục vụ, ít thuộc về cạnh tranh mà nhiều về lòng nhân ái, ít về sự hẹp hòi mà nhiều về trái tim ấm áp. Chúng tôi đã thấy được điều này trong vài ngày qua trong những câu hỏi và sự tò mò của họ.
“Mặc dù tất cả chúng ta đều mong muốn hạnh phúc và tránh né khổ đau, nhưng chúng ta lại nhìn nhau dưới góc độ ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’. Các Nghiên cứu sinh Đạt Lai Lạt Ma có thể giúp thu hẹp khoảng cách chia rẽ này dựa trên sự giống nhau của tất cả con người. Tôi muốn mời các vị ấy hãy hát lên!”
Các Nghiên cứu sinh kết thúc cuộc gặp gỡ một cách nhẹ nhàng và cùng nhau đồng thanh lắc lư:
Vượt lên trên tất cả
Những ý niệm chánh - tà
Có cánh đồng bao la …
Ta gặp nhau ở đó…