Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Bầu trời u ám nhưng nụ cười của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn rạng rỡ khi Ngài quang lâm đến sân Tsuglagkhang sáng nay. Hai người Mông Cổ, một người đàn ông và một người phụ nữ, đại diện cho 300 người nam nữ đồng hương của họ đến nghe Ngài giảng dạy - đã bước tới dâng lên Ngài pho mát và sau đó là sữa chua. Ngài đón lấy một chút rồi khuyến khích cặp đôi của họ cũng nếm thử.
Khi bước vững chãi lên lối đi qua giữa sân để đến Chùa, Đức Ngài đã quay sang bên phải rồi sang trái để chào đón những người thiện nguyện đang vân tập ở hai bên. Ngài dừng lại để quan sát khuôn mặt tươi cười của họ và vẫy tay chào họ. Ngài tiếp tục giao lưu với các thành viên khác trong đám đông ước tính khoảng 6100 người từ 72 quốc gia khi Ngài đi vòng quanh Chánh Điện.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an vị trên Pháp Toà, một nhóm Cư Sĩ đã tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Mông Cổ. Tiếp theo, một Mandala và những biểu tượng của thân, khẩu và ý của Đức Phật được dâng cúng lên Đức Ngài.
Ngài bắt đầu, “Hôm nay, vì chúng tôi là những người lưu vong ở vùng đất cao quý của Ấn Độ, nên chúng ta có cơ hội để tổ chức một buổi thuyết Pháp. Jé Tsongkhapa và tôi đến từ cùng một vùng của Tây Tạng. Nơi sinh của tôi ở gần nơi của Ngài ấy. Khi nhìn lại thời gian qua, tôi đã cố gắng bảo tồn các truyền thống Phật pháp đã phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng. Tôi đã lên tiếng để bảo vệ môi trường, bảo đảm hòa bình trên thế giới và khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Vì vậy tôi có thể nói rằng một người ở gần nơi sinh của Jé Rinpoché đã có một số đóng góp cho lợi ích của thế giới.
“Như tôi đã nói, tôi sinh ra ở gần Xining, gần nơi mà Jé Tsongkhapa đã sinh ra. Vào thời điểm đó khu vực này được cai trị bởi một lãnh chúa Trung Quốc tên là Ma Bufang. Khi tôi được đưa đến để gặp ông ấy, trong quá trình tìm kiếm sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, ông ấy đã nhìn vào mặt tôi và nói, ‘Có điều gì đó đặc biệt ở cậu bé này’.”
“Những người trong chúng ta vân tập ở đây đều là đệ tử của cùng một vị Phật. Chúng tôi duy trì Truyền thống Nalanda - giáo lý hoàn hảo của Đức Phật mà chúng ta đã duy trì ở Tây Tạng, Mông Cổ và các vùng Hy Mã Lạp Sơn. Tôi đã có những giấc mơ cho thấy rõ ràng rằng tôi là hóa thân của Vua Trisong Detsen và tôi đã cố gắng hết sức để bảo tồn truyền thống được thiết lập dưới sự chỉ đạo của Ngài. Tôi muốn cảm ơn tất cả quý vị vì sự tin tưởng mà quý vị đã đặt nơi tôi.
“Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ những Giáo Lý mà Đại Sư Tịch Hộ đã mang đến Tây Tạng. Nó bao gồm những điều được truyền lại cho chúng ta từ Ngài Long Thọ và Vô Trước. Sự hiểu biết về hoạt động của tâm thức và cảm xúc được tìm thấy trong truyền thống này vừa có giá trị khoa học vừa có giá trị thực tiễn. Sự hiểu biết về tâm thức và cảm xúc này có tiềm năng mang lại giải pháp cho nhiều vấn đề của thế giới.
“Tôi quyết tâm, bao lâu còn sống trên cõi đời này, sẽ thực hiện những nguyện vọng của các Pháp Vương Tây Tạng. Như tôi đã đề cập, tôi đã nhận được những dấu hiệu rõ ràng rằng ý thức của tôi thuộc về cùng một dòng liên tục như của Trisong Detsen. Vì vậy, tôi quyết tâm giữ gìn di sản của Ngài. Và vào lúc này tôi cảm thấy có cơ hội để cho trí tuệ của Truyền thống Nalanda đóng góp cho phúc lợi của nhân loại.
“Hôm nay tôi sẽ đọc ‘Trăm Vị Bổn Tôn của Cõi Trời Đâu Suất’, một thực hành của guru-yoga. Cũng giống như các truyền thống tôn giáo khác, chẳng hạn như Ấn Độ giáo và Thiên chúa giáo, Phật giáo của Truyền thống Nalanda nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng truyền thừa.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc những câu kệ trong bản văn được viết:
"Ngài đã nỗ lực thiền định và học tập rộng sâu trong thời đại suy thoái này;
Từ bỏ tám mối bận tâm thế gian - Ngài đã ban cho cuộc sống nhàn hạ này với cơ hội tràn đầy ý nghĩa."
Ngài khuyên: “Chúng ta nên nghiên cứu về những điều mà Đức Phật đã dạy, và sau khi thực hiện được điều đó, chúng ta nên tích hợp giáo lý ấy vào bên trong nội tâm của mình thông qua sự thực hành, như Đức Tsongkhapa đã mong muốn.
“Nơi bài Kệ đã nói rằng, ‘Cầu mong cho tinh túy giáo lý của Đức Sumati Kirti (Tsongkhapa) tôn kính nhất được sáng ngời mãi mãi’, điều đó không hề cường điệu hay thiên vị gì cả; bởi vì sự rõ ràng và toàn diện trong sự phân tích của Jé Rinpoché là độc nhất vô song. Những lời giải thích rộng rãi và uyên thâm của Ngài đều có thể được gộp vào trong Tam vô lậu học về giới, định và tuệ.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tụng bài kệ xưng tán được biết đến bằng tiếng Tây Tạng là Mig-tse-ma.
"Ngài là Quán Thế Âm, kho tàng đại bi tâm;
Ngài là đức Văn Thù, vua trí tuệ vô cấu;
Ngài là Kim Cang Thủ, chiến thắng mọi ác ma.
Đức Tsongkhapa, được các bậc trí ở xứ tuyết tôn trí trên đỉnh đầu,
Con xin khẩn cầu dưới chân Đức Lobsang Dragpa."
Nguyện muôn kiếp của con luôn được Đức Tsongkhapa Chiến thắng
Là bậc Thầy tâm linh dìu dắt con trên Đạo Lộ Đại Thừa
Bằng cách đó; nguyện cho con - dù chỉ trong khoảng khắc
Không lạc khỏi con đường xuất sắc mà Đấng Vinh Quang đã ngợi khen!
“Bậc Hộ Pháp của Jé Rinpoche chính là Ngài Damchen Chögyal; và tôi cảm thấy Ngài cũng luôn hiện hữu ở đó để giúp đỡ tôi.
“Chúng ta đang duy trì lời dạy của Đức Phật thông qua sự học tập và thực hành của mình. Ngày nay có những nhà khoa học và những người có tôn giáo truyền thống không phải là Phật giáo đang quan tâm đến những điều mà Đức Phật đã dạy. Họ đánh giá cao những sự hướng dẫn có thể giúp chúng ta giải quyết những cảm xúc của mình.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng; khi chúng ta thực hành thiền định này về Jé Tsongkhapa, chúng ta hãy quán tưởng Ngài với một thanh kiếm đứng trên hoa sen ở bên phải và một cuốn Kinh đặt trên hoa sen ở bên trái. Thanh kiếm tượng trưng cho trí tuệ của Ngài cắt đứt sự sự vô minh; và quyển Kinh ngụ ý cho kiến thức hoàn hảo và uyên thâm của Ngài.
“Chúng tôi đã bị mất Tổ quốc thân yêu của mình và phải sống lưu vong, nhưng thời gian này thật là ý nghĩa. Tôi kêu gọi tất cả quý vị hãy cố gắng hết sức để thực hành Giáo Pháp. Tashi delek.”