Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khai mạc cuộc gặp gỡ ngày thứ hai với các vị khách đến từ Harvard bằng cách đọc đoạn kệ sau đây, đó là lời nguyện cầu cho sự trường thọ và sự hưng thịnh của Giáo Pháp:
Cầu mong bạn sống được bách niên, diện kiến được hàng trăm Đức Phật,
Sống trường thọ, khỏi ốm đau, cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc,
Và đạt đến đỉnh cao của con đường siêu việt (bồ đề tâm).
Bằng tất cả những cách này, cầu mong mọi sự cát tường đến với bạn bây giờ và ở đây!
Arthur Brooks kính chúc Ngài buổi sáng tốt lành và thưa với Ngài rằng chủ đề thảo luận hôm nay sẽ là tâm linh và đức tin.
“Hôm qua Đức Ngài đã chia sẻ với chúng con về tầm quan trọng của việc ghi nhớ tình yêu thương của mẹ và sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta với người khác. Có ý kiến cho rằng những người hạnh phúc nhất là người tập trung chủ yếu vào công việc, gia đình, tình bạn và đức tin. Tuy nhiên, chúng con gặp một ẩn sĩ Tây Tạng sống một mình trong rừng, ông ấy nói với chúng con rằng ông ở đó vì muốn thoát khỏi những xao lãng khi tập trung vào tình yêu thương. Điều đó cho thấy rõ ràng là đức tin mang lại cho chúng ta sự bình an.
“Cách đây vài thập kỷ, Đức Ngài đã nhận xét rằng việc nhìn thấy một bức ảnh chụp trái đất từ không gian đã khiến cho Ngài liên tưởng đến việc chúng ta nhỏ bé biết bao. Có vẻ như Ngài cảm thấy rằng nhỏ bé là sự giải thoát. Làm sao chúng ta lại nhỏ bé được?”
Ngài trả lời: “Chúng ta đã đề cập về điều này vào ngày hôm qua rồi. Chúng ta cần thấy rằng tình yêu là thực tại cơ bản của chúng ta. Mẹ của chúng ta đã giới thiệu cho ta biết về điều đó ngay từ khi ta được sinh ra. Yêu thương là một phần bản chất cơ bản của chúng ta. Tình yêu thương đi trước bất kỳ sự quen biết nào đối với tôn giáo. Một đứa trẻ không có kinh nghiệm về tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ thì sẽ không thể tồn tại. Điều này đúng không chỉ với con người mà còn đối với các loài động vật có vú khác”.
Brooks cho rằng ngày càng có ít người có đức tin hoặc thực hành tôn giáo và ông tự hỏi tại sao?
“Khi chúng ta sinh ra và được đắm mình trong sự chăm sóc và yêu thương của mẹ, chúng ta không có cơ hội tiếp cận với tôn giáo. Sức mạnh của sự trải nghiệm ban đầu của chúng ta bắt nguồn từ tình yêu thương và vòng tay ôm ấp của mẹ. Tôi thật may mắn khi được mẹ của mình yêu quý đến vậy. Tuy nhiên, có những trường hợp mà trẻ em - vì đủ loại lý do - đã không có được sự trải nghiệm như vậy; và điều đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của các cháu.
“Có thể lập luận rằng: tôn giáo - đôi khi - có tác dụng khiến chúng ta xa rời thực tế cơ bản của tình yêu thương, nhưng nhìn chung; việc thực hành tôn giáo có thể giúp chúng ta nâng cao tác động của tình yêu thương của mẹ.
Chúng ta có thể học cách mở rộng cảm giác yêu thương vượt ra ngoài phạm vi gia đình ruột thịt của mình để bao gồm nhân loại rộng lớn hơn và thế giới của những chúng sinh khác. Yếu tố then chốt là tình yêu thương và trải nghiệm đầu tiên của chúng ta về tình yêu thương là trong vòng tay của mẹ khi ta được uống dòng sữa của mẹ.”
Thupten Jinpa, thông dịch viên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, phiên dịch trong buổi tương tác với Giáo sư Arthur Brooks vào ngày thảo luận thứ hai với các nhóm đến từ Đại học Harvard trong Hội trường tại Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 9 tháng 4, 2024. Ảnh của Tenzin Choejor
Tiếp theo Brooks muốn biết liệu thế giới có hạnh phúc hơn nếu có nhiều người thực hành tôn giáo hơn hay không. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với ông rằng Ngài ít dựa vào tôn giáo mà dựa nhiều hơn vào phương pháp tiếp cận thế tục và dựa trên đạo đức phổ quát. Tuy nhiên, Ngài thừa nhận rằng chúng ta có thể áp dụng việc thực hành tôn giáo để củng cố và nâng cao những gì mà chúng ta đã học được từ mẹ của mình.
Ngài nói: “Tôi là một Phật tử, tôi thực hành Phật Pháp và trong đó có hai pháp thực hành mạnh mẽ nổi bật. Phát khởi tâm vị tha, nghĩ đến mối quan tâm của người khác; và phân tích nhận thức của tôi về thực tế. Điều này có nghĩa là vượt lên trên sự xuất hiện bề ngoài đơn thuần để nhận ra rằng mọi sự vật (các pháp) đều sinh khởi một cách phụ thuộc.
“Khi thức dậy vào buổi sáng, tôi suy ngẫm về việc chúng ta là những con người; và tôi nghĩ về sự trải nghiệm chung của chúng ta khi ta bắt đầu cuộc đời trong tình yêu thương thực sự của mẹ - một trải nghiệm đã góp phần giúp cho tôi cảm nhận được tính đồng nhất của nhân loại. Điều này được duy trì một cách mạnh mẽ bởi sự thực hành của Phật giáo trong việc thừa nhận rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là những người mẹ từ ái của chúng ta.
“Phật giáo là một truyền thống phi thần học, nhấn mạnh đến thực tế và sự kết nối giữa bản thân và người khác. Các truyền thống hữu thần coi mọi sinh vật đều do Chúa tạo ra - cũng đạt được mục tiêu tương tự. Cảm giác yêu thương của chúng ta dành cho người khác đều được củng cố và nâng cao.”
Brooks hỏi liệu khoa học và đức tin có tương thích với nhau không. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Khoa học là sự phản ánh của bộ não con người. “Con người có thể không có bộ não lớn nhất nhưng họ có khả năng phân biệt và phân tích. Nếu chúng ta coi khoa học là một phương thức tìm hiểu thì nó không mâu thuẫn với đức tin.
“Nếu chúng ta tham gia vào cuộc tìm hiểu một cách khách quan, áp dụng phương pháp tiếp cận không thiên vị đối với bất cứ điều gì mà chúng ta đang tìm hiểu, thì lúc ấy - khoa học và đức tin có thể đạt được sự hiểu biết chung. Nhưng nếu chúng ta định nghĩa tôn giáo bằng niềm tin giáo điều thì nó sẽ mâu thuẫn với khoa học - đó là về việc đặt ra những câu hỏi đầy thách thức. Chẳng hạn, chúng ta có thể hiểu giá trị của lòng từ bi thông qua quan điểm của khoa học vì nó là một phần của thực tế.”
Khi được hỏi rằng vấn đề nào mà khoa học có thể đặt ra để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, Ngài nói rõ rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Ngài thừa nhận rằng việc chỉ nhìn người khác theo khái niệm “chúng ta” và “bọn họ” là điều tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta để cho điều này tạo ra sự chia rẽ gay gắt giữa chúng ta thì nó sẽ dẫn đến xung đột và những vấn đề rắc rối khác.
Lisa Miller - người nghiên cứu tâm lý tôn giáo tại Đại học Columbia - muốn biết liệu tình yêu thương có phải là một lực cấu thành trong vũ trụ hay không. Ngài trả lời rằng sức mạnh của tình yêu thương không phải là một chức năng của tôn giáo, tuy nhiên các tôn giáo thường hoan nghênh tầm quan trọng của nó.
“Thực tế cơ bản của tình yêu thương không liên quan đến tôn giáo, đó là một phẩm chất bẩm sinh mà con người có mối quan hệ đặc biệt với nó. Một số các hành giả tôn giáo có thể giúp chúng ta nuôi dưỡng và nâng cao cảm giác yêu thương trực quan. Nếu chúng ta để cho sự trải nghiệm về tình yêu thương của mình ở trạng thái tự nhiên, thì lòng tốt của chúng ta đối với người khác sẽ phụ thuộc vào cách mà họ đã đáp lại chúng ta như thế nào. Nhưng chúng ta có thể rèn luyện để trưởng dưỡng và mở rộng tình yêu thương ấy đối với những người mà chúng ta không có mối liên hệ trực tiếp. Đối với một Phật tử, lời cầu nguyện “Cầu mong tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc” là rất mạnh mẽ.
“Nhận thức rằng đấng sáng tạo đã hình thành nên vạn vật cũng là cơ sở nền tảng mạnh mẽ để nhận ra tính đồng nhất của nhân loại.
“Một phương pháp thực tế là hãy nhớ lại mỗi người chúng ta đã được nuôi dưỡng như thế nào bởi sự chăm sóc và yêu thương của mẹ. Chúng ta có thể học cách mở rộng thực tế đó đối với người khác. Theo quan điểm của Phật giáo, việc thừa nhận tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình - đã giúp cho chúng ta không thể làm hại họ. Chúng ta mong muốn tất cả họ đều thoát khỏi khổ đau.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta cho phép mình trở nên xa lánh thực tế này, quên đi sức mạnh tình yêu của mẹ, thì những thái độ khác như tính cạnh tranh sẽ lấp đầy khoảng trống. Chúng ta bám vào ý tưởng ‘Tôi là…, gia đình tôi, dân tộc tôi, đất nước tôi’, điều này có thể gây ra vấn đề rắc rối.
Nhận biết tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình là một phần của sự thực hành về rèn luyện tâm thức được gọi là “Nhân quả bảy phần”. Có sáu nhân và một quả. Đầu tiên là thừa nhận tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình; thứ hai là khắc ghi lòng từ ái của mẹ - lòng biết ơn; thứ ba là mong muốn được báo đáp lòng từ ái đó; thứ tư là phát triển sự đồng cảm, tình yêu thương đối với mọi chúng sinh; thứ năm là phát khởi lòng đại bi, mong muốn giải thoát tất cả chúng sinh khỏi sự đau khổ. Thứ sáu là tâm nguyện thực hiện điều này - quyết tâm đặc biệt. Và kết quả cuối cùng là phát khởi Bồ đề tâm, mong muốn đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
“Đây là một phương pháp rèn luyện tâm thức từ truyền thống Tây Tạng dựa trên niềm tin vào sự tái sinh. Có một phương pháp khác nữa dựa trên sự cam kết hoán đổi mối quan tâm dành cho bản thân sang mối quan tâm dành cho người khác. Có một câu thơ nổi tiếng đặt điều này vào bối cảnh.
Vì ái trọng tự thân là cánh cửa dẫn đến bao phiền muộn,
Trong khi chăm sóc mẹ (chúng sanh) là nền tảng của vạn sự cát tường,
Xin hãy truyền cảm hứng cho con để sự hành trì cốt lõi,
Là Yoga đặt mình vào hoàn cảnh của người; hoán đổi ngã - tha."
“Tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ là con người với mong muốn được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Chuyển mối quan tâm của chúng ta sang người khác thay vì chỉ biết quan tâm đến bản thân mình - sự hoán đổi đó có tác dụng giải thoát. Nó tạo ra không gian trong trái tim chúng ta. Chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng sự quan tâm đối với người khác dựa trên quan niệm cho rằng tất cả chúng ta đã được tạo nên bởi đấng sáng tạo. Câu thơ tôi vừa trích dẫn có thể là một bản tóm tắt ngắn gọn về những gì chúng ta đang đề cập đến.”
Arthur Brooks lưu ý rằng ông và những người bạn đồng hành của mình đã trải qua thời gian với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hơn hai ngày và sẽ rời đi vào ngày mai. Ông hỏi Ngài muốn họ làm gì để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
“Hãy tìm cách giáo dục người khác, giúp họ hiểu rằng sự ái trọng tự thân là có một tầm nhìn rất hạn hẹp, trong khi việc quan tâm rộng rãi hơn đến người khác sẽ tạo ra cảm giác tự do - có không gian trong trái tim ta. Ngay cả từ góc độ lịch sử, hầu hết các vấn đề trên thế giới đều bắt nguồn từ sự ích kỷ. Sự quan tâm đến người khác có thể bù đắp cho điều này.
“Khi chúng ta quá chú trọng đến bản thân, chúng ta trở nên xa lánh người khác. Tập trung nhiều hơn vào mối quan tâm của người khác, coi họ cũng giống như mình - đó là con đường nên đi. Bậc Đạo sư Phật giáo Ấn Độ thế kỷ thứ 8 - Ngài Tịch Thiên đã nói như thế này:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
“Tôi rất vui khi có cơ hội được gặp tất cả quý vị. Mục đích thực sự của cuộc hội tụ của chúng ta ở đây là để học cách phát triển một trái tim ấm áp nhân hậu. Đây không phải là điều gì đó phức tạp. Điều quan trọng là trở thành một người hạnh phúc để góp phần xây dựng một thế giới hạnh phúc. Bất chấp xu hướng nhìn mọi người dưới góc độ 'chúng ta' và ‘bọn họ', ta nên nhận ra rằng thực ra họ cũng giống như chúng ta.
“Tất cả tám tỷ người chúng ta phải sống cùng nhau và giúp đỡ lẫn nhau tốt nhất có thể. Vì vậy, hãy tìm cách để được hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ; và hãy nghĩ đến đồng loại của quý vị như thể họ chính là anh chị em của mình.”