Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Hôm nay, những đám mây đã tan đi và ánh sáng mặt trời chiếu rọi trên sân khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Chùa. Mọi người ngồi hai bên lối đi để cung đón Ngài với những chiếc khăn khata lụa trắng trên tay.
Sáu vị Cư sĩ người Mông Cổ ngồi trước Pháp toà của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Mông Cổ trong khi nhiều đồng bào của họ ngồi trong khuôn viên chùa cũng tham gia cùng tụng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trước hội chúng: “Hôm nay, ở đây chúng ta có các Phật tử Tây Tạng và Mông Cổ, cũng như những người từ nơi khác quan tâm đến việc tìm hiểu về giáo lý Phật giáo. Họ bị thu hút bởi sự khám phá rằng Phật giáo dựa trên lý trí và mang lại sự an lạc trong tâm hồn cũng như sự hòa bình trên thế giới.
“Đối với tôi, tôi đã suy ngẫm về việc trau dồi Bồ đề tâm và hiểu biết về tánh Không từ khi còn bé. Tôi thấy chúng hữu ích và tôi rất vui khi được chia sẻ những gì tôi đã học được với những người khác.
“Người Tây Tạng chúng tôi ở đây đang sống lưu vong vì chúng tôi đã bị mất đi Tổ quốc của mình. Nhưng chúng ta ở đâu không quan trọng lắm vì chúng ta dựa vào Truyền thống Nalanda mà bậc thầy vĩ đại Ấn Độ - Ngài Tịch Hộ - đã thiết lập ở Tây Tạng thể theo lời mời của Vua Trisong Detsen. Truyền thống này đã lan rộng khắp Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn. Hoàn cảnh có thể thay đổi, nhưng chúng ta có thói quen đối xử đáp lại nhau một cách nồng nhiệt. Đây là điều đáng được bảo tồn.
“Người Tây Tạng ở Tây Tạng mong muốn được tiếp tục đi theo truyền thống do Ngài Tịch Hộ giới thiệu, và họ đặt niềm tin vào tôi. Không những chỉ ở Tây Tạng, mà còn ở Trung Quốc đại lục, ngày càng có nhiều người quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng và bản chất của nó - lòng nhiệt thành. Phật giáo Tây Tạng bao gồm sự hiểu biết thấu đáo về hoạt động của tâm thức và cảm xúc, điều này đã khiến cho các nhà khoa học quan tâm. Những người khác lại muốn biết thêm về cách rèn luyện tâm thức và giải quyết vấn đề cảm xúc của họ.
“Bởi vì tôi thiền định về Bồ Đề Tâm và tánh Không mỗi ngày nên tôi có được tâm an lạc và ngủ ngon vào ban đêm. Sự bình yên đích thực sẽ được tìm thấy trong thế giới nội tâm của chúng ta.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng đệ tử chính của buổi giảng dạy này là người Mông Cổ. Ngài nhắc lại rằng từ lâu đã có mối quan hệ đặc biệt giữa người Tây Tạng và người Mông Cổ. Nhiều người Mông Cổ đã trở thành những bậc học giả ở Tây Tạng. Ngài nói, trong trường hợp của Ngài, Vị Thầy chính của Ngài về triết học và phép biện chứng là một người Vị Mông Cổ tên là Ngodrup Tsognyi. Ngài vẫn rất biết ơn lòng tốt của Vị Thầy này; và cảm thấy rất vui khi được đền đáp ở một mức độ nào đó bằng cách giảng dạy lại cho những người khác - đặc biệt là người Mông Cổ.
Ngài nhận xét rằng tâm linh không chỉ là vấn đề lời nói. Nó đòi hỏi phải thực hành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp bên trong nội tâm. Việc các Tu sĩ Phật giáo Tăng Ni khoác lên mình chiếc Y Cà Sa thôi chưa đủ; họ cần phải nghiên cứu những điều mà Đức Phật đã dạy và tích hợp nó vào bên trong nội tâm của mình.
Ngài nhận xét: “Các Pháp Hữu của tôi! Thật tốt khi nhớ rằng bây giờ chúng ta có thể học tập và thực hành nhờ vào những truyền thống được truyền lại bởi các bậc Đạo Sư trong quá khứ. Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tiêu diệt Phật giáo, nhưng nhiều người khác ở Trung Quốc lại tỏ ra quan tâm đến Phật giáo. Người Tây Tạng chúng tôi cần suy nghĩ cẩn thận về tầm quan trọng của việc chia sẻ những điều mà chúng tôi đã biết về giáo lý của Đức Phật với những người Trung Quốc có sự quan tâm đến Phật Giáo.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng Ngài muốn thảo luận về Bồ Đề Tâm. Ngài nói rằng: “Bồ Đề Tâm rất quý giá. Nó mang lại sự bình an trong tâm hồn. Đó là một cách mạnh mẽ để phục vụ người khác. Có phương pháp Nhân Quả Bảy Lần và phương pháp Bình Đẳng Hóa và Hoán đổi bản thân và người khác (hoán đổi ngã - tha) mạnh mẽ hơn.
“Quan tâm đến tất cả chúng sinh và nuôi dưỡng tâm yêu thương dành cho người khác hơn bản thân mình, là sự chuyển hóa mạnh mẽ. Nó mang lại sự tự tin và hòa bình.”
Ngài khuyên hội chúng nên thiền định một chút về điều này. Tiếp theo, Ngài chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều có một tâm thức được đặc trưng bởi sự rõ ràng và tỉnh thức; và việc sử dụng nó để giúp đỡ người khác sẽ rất mạnh mẽ.
Ngài nhận xét: “Là con người, chúng ta đã được mẹ nuôi dưỡng ngay từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời mình. Mẹ đã gieo vào lòng chúng ta hạt giống từ ái. Hãy nghĩ đến tất cả chúng sinh, đặc biệt là con người trên thế giới này; và tưởng tượng việc mở rộng cảm giác từ ái đó đến với tất cả họ. Chúng ta có thể xây dựng những ngôi Chùa và những cơ sở với mục đích bảo tồn Giáo Lý, nhưng điều quan trọng nhất là nuôi dưỡng tư tưởng yêu thương người khác hơn chính bản thân mình. Đây là cách mà sẽ giúp chúng ta đạt được một cuộc sống thoải mái.
“Cũng giống như chúng ta, tất cả con người đều mong muốn được hạnh phúc. Mọi người chúng ta đều giống nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải có tấm lòng nhiệt thành đối với mọi người. Trân trọng người khác là nguồn gốc của mọi phẩm chất tốt đẹp. Chỉ yêu quý bản thân mình là nguồn gốc của sự khổ đau. Chúng ta tồn tại nhờ lòng tốt của người khác, do đó, thể hiện lòng từ ái và tấm lòng nhân hậu là chìa khóa đơn giản dẫn đến hạnh phúc.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên thính giả của mình suy ngẫm về những thiếu sót của ái trọng tự thân và những ưu điểm của việc yêu thương người khác. Ngài nói, hãy nghĩ xem! Sẽ tốt biết bao nếu tất cả nhân loại đều được hạnh phúc. Mong muốn người khác được hạnh phúc sẽ mang lại cho ta sự bình yên trong tâm hồn. Hãy nghĩ về những chúng sinh khác như những người bạn của mình. Ngài gợi ý rằng món quà tốt nhất mà quý vị có thể tặng cho tôi là nuôi dưỡng ước muốn mang lại lợi ích cho tha nhân.
Ngài nói với họ: “Hỡi những Pháp Hữu Mông Cổ của tôi! Thực hành không phải chỉ là sự cầu nguyện, mà còn là chuyển hóa tâm thức và trau dồi một trái tim tốt đẹp. Trì tụng thần chú không hiệu quả bằng việc nuôi dưỡng một tâm hồn tốt đẹp. Khi còn bé, tôi tình cờ gặp một con vẹt đuôi dài, có thể niệm “Om mani padme hung” nhưng nó không hiểu ý nghĩa của câu thần chú ấy. Chúng ta không muốn giống như con chim vẹt đó. Cách thực sự để mang lại lợi ích cho người khác là phát khởi Tâm Bồ Đề. Những gì quý vị có thể làm là quán tưởng Đức Quán Thế Âm trên đỉnh đầu và khi quý vị niệm ‘manis’, thì hãy cầu nguyện sự ban phước của Ngài để quý vị có thể phát triển một trái tim nhân hậu.
“Người Tây Tạng chúng tôi có thói quen trì tụng ‘manis’ bất cứ khi nào có thể, nhưng nếu trong khi trì tụng như vậy, mà tâm trí chúng ta lang thang theo những ý nghĩ ganh tị thì điều đó chẳng ích lợi gì cả.”
Ngài đã ban sự khẩu truyền về thần chú của ba vị Bổn tôn Trường thọ:
Amitayus (Vô Lượng Thọ Phật) - “Om amarani jivantaye svaha”; White Tara (Đức Tara Trắng) - “Om tare tuttare ture mama ayuh punye jnana pushtim kuru svaha; Ushnishavijaya (Phật Đảnh Tôn Thắng) - “Om drum svaha om amrita ayu dadai svaha”.
Những biểu tượng của thân, khẩu và ý giác ngộ trong hình thức một bức tượng của Jé Tsongkhapa, một chörten (Tháp) bằng bạc và một cuốn Kinh quý giá đã được Lamaiin Gegeen dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Khi một Mandala tạ ơn được dâng lên cúng dường, Lamaiin Gegeen đã dâng lời tác bạch thỉnh cầu lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma như sau:
Nhờ những hóa thân trước đây của Ngài, và đặc biệt là nhờ chính Ngài - Đức Phật của chúng con - mà bản chất của lòng từ ái đã tuôn xuống thắm đượm những người dân Mông Cổ tín tâm trung thành - nói chung - và các thành viên kế nhiệm của dòng truyền thừa Lamaiin Gegeen; và nhờ vào sức mạnh của lời cầu nguyện của chúng con mà mang đến cho chúng con nhiều đến mức mà ngay cả khi toàn bộ vũ trụ dù có được lấp đầy bởi bảy loại bảo vật và dâng cúng thì cũng khó có thể đền đáp được. Bởi lẽ, lợi ích của chúng sinh và Phật Pháp tùy thuộc vào Đức Ngài - Kho Tàng Từ Bi Vĩ Đại; và vì đối với chúng con - các đệ tử của Ngài, nếu không - sẽ bị bỏ rơi - thì Ngài là nơi nương tựa hoàn hảo của chúng con, giống như đôi mắt nơi lông mày và trái tim trong lồng ngực của chúng con; và bởi vì chúng con sẽ không có nơi nương tựa nào cao cả hơn Đức Ngài trong mọi kiếp sống tương lai, nên chúng con tha thiết thỉnh cầu Ngài:
Lại nữa, trong tương lai, nhờ những hóa thân liên tiếp và không ngừng nghỉ của Đức Ngài, khẩn cầu Ngài đừng bao giờ để cho chúng con phải rời khỏi cái móc từ bi của Ngài. Đây là lời thỉnh cầu duy nhất đã đọng lại lâu dài trong tâm thức của chúng con.
Những hoạt động từ bi vĩ đại của Ngài không hề ngừng nghỉ giống như những đợt sóng cuồn cuộn của đại dương, và mặc dù thật khó để thực hiện lời thỉnh cầu này, chúng con cũng xin dâng lên lời khẩn cầu tha thiết nhiệt thành không nao núng này:
Cũng giống như khi một hòn đá được đối xử xem như là vàng, Ngài đã tỏ lòng từ bi đối với chúng con. Trong những kiếp tương lai, xin thỉnh cầu Ngài hãy tiếp tục là nơi nương tựa duy nhất của chúng con, là nơi tích lũy công đức tối thượng của chúng con. Nguyện cầu cho chúng con không bao giờ xa rời Ngài - Đấng hiện thân như một Tu sĩ, khoác chiếc Tăng Bào và thọ trì ba loại Giới nguyện - Biệt Giải Thoát Giới, Bồ Tát Giới và Mật Giới. Từ phạm trù trí tuệ nguyên sơ của Đức Ngài, chúng con xin kính thỉnh - Đấng Toàn Tri - xin hoan hỷ hứa khả rằng, chúng con sẽ không bị tách rời khỏi Đức Quán Thế Âm tối thượng, mà được Ngài hướng dẫn dắt dìu một cách từ ái.
Về phía chúng con, với tư cách là những đệ tử của Ngài, dưới sự hướng dẫn dìu dắt vô song của Ngài, với sự trợ duyên của Gaden Phodrang, chúng con vẫn cam kết tuân thủ lời hứa nguyện trong sáng và kiên định của mình. Chúng con sẽ làm hài lòng Đức Ngài bằng cách ngoan ngoãn thực hiện các hướng dẫn của Ngài. Chúng con đã chân thành cho đến bây giờ và sẽ không có sự thay đổi trong tương lai. Chúng con sẽ kiên trì bằng mọi cách có thể để vâng lời và làm hài lòng Đức Ngài.
Cầu mong Ngài được trường thọ, kiên định, như một viên kim cương không thể phá hủy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười hài lòng; và khi Hội chúng trì tụng lời cầu nguyện Mig-tse-ma, Ngài rời khỏi Chùa để chào những người thiện nguyện rồi trở về Dinh thự của mình.