Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe điện từ Dinh thự của Ngài đến Tsuglagkhang - Chùa Chính Tây Tạng, rồi đi bộ từ thang máy lên Chánh Điện. Đức Ngài mỉm cười tươi tắn, hoan hỷ khi thấy mọi người vân tập để nghe Ngài thuyết giảng. Trong số khoảng 5000 người hiện diện, thì có khoảng 700 người đến từ các quốc gia Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Bangladesh và Lào.
Ngay khi Đức Ngài an toạ trên Pháp Toà, một nhóm Tăng sĩ Phật giáo Nguyên thủy đã tụng kinh "Kính lễ Tam Bảo" (Triratna Vandana) bằng tiếng Pali. Tiếp theo là phần tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Tây Tạng và những bài Kệ kính lễ từ ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Kinh’ và ‘Trí tuệ căn bản Trung quán Luận’
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: “Tôi đã sống ở Dharamsala kể từ khi lưu vong. Hôm nay, trong số những người vân tập về đây, một số Vị đã có đức tin lâu đời vào giáo lý của Đức Phật, những người khác không có mối liên hệ lịch sử nào với giáo lý này. Mọi người không thể bị ép buộc phải quan tâm đến Giáo pháp. Đó là điều mà quý vị tự mình suy tư đến và tự mình phát triển sự quan tâm đối với Giáo pháp chứ không có sự ép buộc. Chẳng hạn như ở Trung Quốc ngày nay, ngày càng có nhiều người đánh giá cao về những gì mà Đức Phật đã dạy; vì nó mang lại sự an lạc cho tâm hồn của họ. Điều này xảy ra không phải là kết quả của đức tin hay những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại, mà là do sự tư duy phân tích của mỗi người. Trà và bánh mì được phục vụ cho hội chúng.
“Trong số những người bạn của tôi có những nhà khoa học, họ là những người ngưỡng mộ giáo lý Phật giáo vì Giáo lý ấy dựa trên logic và lý luận. Họ bị thu hút bởi những sự giải thích uyên thâm về phương cách hoạt động của tâm thức, cảm xúc và phương pháp để đạt được sự an lạc cho tâm hồn. Ở những nơi mà Phật giáo trước đây chưa được biết đến nhiều, thì hiện giờ ngày càng có nhiều người quan tâm đến; không phải họ quan tâm đến các nghi lễ và sự cầu nguyện, mà là quan tâm đến việc sử dụng tâm trí để đạt được sự bình yên nội tâm.
“Truyền thống Nalanda đã nghiên cứu về tâm thức và cảm xúc; và xác định được những gì đã làm xáo trộn sự bình yên trong tâm trí của chúng ta. Truyền thống này đã phát triển các kỹ thuật để đối trị lại những cảm xúc tiêu cực. Tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới đều truyền đạt lời khuyên nhủ hữu ích và có lợi cho nhân loại. Nhưng truyền thống Phật giáo thì còn bao gồm cả sự hiểu biết về tâm lý giúp chúng ta có thể chuyển hóa tâm trí của mình. Điều quan trọng là phải hiểu cách mà tâm trí và cảm xúc của chúng ta hoạt động; và để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như tức giận và ghen tị … ngay trong cuộc sống này.
“Mục đích của lời dạy của Đức Phật là giảm bớt các trạng thái tiêu cực của tâm trí. Không phải về vấn đề đức tin, mà là mang lại sự chuyển hoá thay đổi. Đức Phật đã đạt được sự giác ngộ tại Bồ Đề Đạo Tràng và sau đó Ngài đã dạy về Tứ diệu đế. Những điều này mô tả về cấu trúc chung của Giáo Lý của Ngài. Đến khi chuyển Pháp Luân lần thứ hai, Ngài đã dạy về Trí tuệ hoàn hảo (Bát nhã Ba La Mật), đó là những Giáo Lý cần được xem xét dưới góc độ của lý trí. Tôi có thể nói rằng; nhờ lời dạy của Đức Phật dựa trên lý trí và logic, cho nên nó có khả năng mang lại lợi ích cho cả thế giới.
“Ngay từ khoảnh khắc thức dậy vào buổi sáng, tôi liền nghĩ về Bồ Đề Tâm và tánh Không. Các bậc thầy Ấn Độ đã viết về những điều này. Hơn nữa, nhiều bậc thầy Ấn Độ đã đến Tây Tạng để giảng dạy và nhiều người Tây Tạng đã đến Ấn Độ để học hỏi. Do đó, chúng tôi đã nhận được sự truyền dạy toàn bộ giáo lý của Đức Phật mà chúng tôi đã bảo tồn và hiện có thể chia sẻ với thế giới. Và - như tôi đã nói - chúng tôi có thể thảo luận với các nhà khoa học vì giáo lý của Đức Phật bắt nguồn từ logic và lý luận.
“Trong bài giảng đầu tiên của mình, Đức Phật đã tiết lộ về Bốn sự thật - sự thật về đau khổ, sự thật về nguồn gốc của đau khổ, sự thật về sự chấm dứt đau khổ và sự thật về con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ. Những điều này bao gồm những sự hướng dẫn toàn diện để đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Tôi là một đệ tử bình thường của Đức Phật; và tôi nhận thấy giáo lý của Ngài rất hữu ích đối với tôi. Do đó, tôi yêu cầu quý vị, những người anh chị em Phật tử của tôi, hãy ghi nhớ rằng giáo lý không chỉ đơn thuần là nghi lễ. Nó bao gồm các phương pháp mang lại sự bình an nội tâm bằng cách trưởng dưỡng mối quan tâm chân thành đối với người khác.”
Các thành viên trong khán phòng đã tận dụng cơ hội để đặt câu hỏi lên Đức Ngài. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến bản chất của Phật giáo. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời người hỏi rằng Phật giáo là hướng đến việc trau giồi một tấm lòng từ ái nhân hậu và giúp đỡ người khác thay vì làm hại họ. Tiếp theo, Đức Ngài được hỏi làm thế nào để phát triển lòng từ bi và sự đồng cảm trong một thế giới đầy căng thẳng. Ngài trả lời rằng nếu quý vị hiểu lời dạy của Đức Phật, thì khi gặp khó khăn, quý vị sẽ có thể sử dụng các kỹ thuật để đối trị những cảm xúc tiêu cực của mình. Ngài chia sẻ khá rõ ràng rằng việc nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi sẽ giúp chúng ta có được sự định tĩnh trong tâm trí.
Trả lời một câu hỏi về tầm quan trọng của tánh Không trong Phật giáo Tây Tạng, Đức Ngài tuyên bố rằng; đó là vì sự thực hành Phật giáo bao gồm cả việc rèn luyện và kiểm soát tâm thức của chúng ta. Ngài nói rằng có hai cách để tiếp cận điều này. Một là dựa vào đức tin, hai là dựa vào trí tuệ.
“Thông thường, chúng ta coi kẻ thù là người tồn tại khách quan từ phía họ. Khi chúng ta có thể nhận thấy rằng những người và sự vật gây hại cho chúng ta không tồn tại như vẻ bề ngoài của họ, mà chỉ tồn tại như những danh xưng, thì sự tức giận và thù địch của chúng ta sẽ giảm đi. Mặc dù mọi thứ dường như tồn tại một cách khách quan và độc lập, nhưng khi quý vị hiểu rằng trên thực tế, không có người hay sự vật nào tồn tại theo cách đó, thì điều đó thực sự giúp chúng ta giảm bớt sự tức giận và thù địch của mình.
“Tôi có kinh nghiệm cá nhân rõ ràng về điều này vì tôi thiền định về tánh Không mỗi ngày. Điều đó rất hữu ích đối với tôi. Khi chúng ta nhìn thấy mọi thứ và xem xét rằng chúng tồn tại một cách khách quan từ phía riêng của chúng, chúng ta sẽ khơi dậy những cảm xúc tiêu cực của mình. Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng mọi người và sự vật không tồn tại như vẻ bề ngoài của chúng, điều đó giúp chúng ta giảm bớt những phản ứng tiêu cực của mình đối với họ”.
Cuối cùng, Đức Ngài được thỉnh cầu giải thích tôn ý của Ngài khi khuyến khích mọi người trở thành người Phật tử của thế kỷ 21. Ngài đề cập rằng có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi, nhưng quan trọng nhất là những phương pháp mà chúng ta có thể sử dụng để nuôi dưỡng trạng thái tâm thức của mình được thư thái. Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tánh Không thực sự hữu ích khi đề cập đến việc xua tan sự hỗn loạn tinh thần của chúng ta. Hiểu được bản chất thực sự của mọi vật và nuôi dưỡng lòng từ bi chân thành sẽ mang lại sự an lạc cho tâm hồn.
Hoàn cảnh có thể bất lợi, nhưng quý vị có thể biến chúng thành lợi thế cho mình. Đức Ngài nhận xét rằng Phật giáo không chỉ là vấn đề có đức tin vào Tam Bảo, mà còn là việc xem xét mọi thứ dưới góc độ lý trí và logic, tạo ra sự bình yên trong tâm hồn, từ đó góp phần tạo nên hòa bình trên thế giới. Điều này giống như áp dụng phương pháp khoa học; và nếu quý vị có thể làm được điều đó, thì quý vị sẽ là người Phật tử của thế kỷ 21.
Đức Ngài tuyên bố rằng Ngài sẽ ban khẩu truyền về câu thần chú “Lục Tự Chân Ngôn” của Đức Quán Thế Âm “Om mani padme hung”. Ngài lưu ý rằng mọi người tụng niệm thần chú này từ khi còn nhỏ trên khắp ba tỉnh của Tây Tạng. Ngài nói rằng khi quý vị cảm thấy tinh thần bất ổn, thì việc trì tụng thần chú này sẽ giúp quý vị có được sự định tĩnh trong tâm thức.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc lời “Xưng tán Đức Quán Thế Âm” trước khi dẫn dắt hội chúng lặp lại thần chú:
Hỡi Đức Quán Thế Âm - con xin kính lạy Ngài!
Nghìn cánh tay Ngài đại diện cho hàng nghìn Quốc Chủ
Nghìn mắt của Ngài tượng trưng cho Nghìn Phật trong thời kiếp Cát tường.
Ngài xuất hiện với mỗi chúng sanh - mỗi người mỗi khác;
Tuỳ theo căn cơ để thuần hoá họ trong khả năng tốt nhất.
Con xin đảnh lễ Ngài Đấng Đại Bi Quan Thế Âm!
Bài tụng kết thúc như sau:
Nhờ công đức trì tụng tâm chú Lục Tự này,
Nguyện con đạt được trạng thái của Đức Quán Thế Âm
Và nguyện con dẫn dắt tha nhân đạt được cùng cảnh giới ấy!
Khi Ngài đi từ Chánh Điện đến thang máy rồi lên xe điện để trở về Dinh thự, Đức Ngài đã nhìn khắp đám đông hội chúng, mỉm cười và vẫy tay chào họ.