Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe qua sân đến Tsuglagkhang, Chùa Chính Tây Tạng, các vũ công hóa trang đã biểu diễn cung đón Ngài. Nơi bậc thềm của Chùa, hai em học sinh bước tới dâng lễ ‘Chema Changphu’ truyền thống. Ngài đón lấy một nhúm nhỏ từ đĩa lễ vật và nhúng ngón tay của mình vào phẩm vật cúng dường kia. Ngài quan sát đám đông, nhiều người trong số họ đã nâng những chiếc khăn Khata lụa trắng để chào đón, mỉm cười và vẫy tay.
Đám đông khoảng 5500 người đã vân tập trong Chùa và khu vực bên trong sân Chùa. Họ bao gồm 1800 người nước ngoài đến từ 57 quốc gia. Tuy nhiên, trọng tâm chính của bài giảng hôm nay là dành cho thanh thiếu niên Tây Tạng. Có 900 học sinh TCV từ lớp 9 trở lên, 161 sinh viên đại học, 40 thanh niên Tây Tạng địa phương và 80 thành viên của Lớp Nhập môn Phật giáo.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa trên Pháp toà, các em học sinh từ Trường TCV Gopalpur đã đọc thuộc lòng ‘Chiếc Gương Trong Sáng: Bản tóm lược về Nhận Thức’ - một bản văn cơ bản. Tác phẩm này mở đầu bằng bài kệ kính lễ Đức Văn Thù, sau đó tiếp tục giải thích những cách nhận thức. Tiếp theo, các em đọc một bài kệ cầu nguyện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trường thọ, sau đó là lời Xưng tán Đức Văn Thù bắt đầu:
"Kính lạy Đức Văn Thù Sư Lợi!
Bậc Đạo sư, Đấng Bảo hộ của con.
Ngài cầm cuốn Kinh ở vị trí nơi tim
Tượng trưng cho việc Ngài nhìn ra các pháp
Đích thực như bản chất chúng thật là.
Trí tuệ Ngài như Mặt Trời sáng tỏa,
Không bị che mờ bởi ảo hoá của vô minh.
Ngài dạy theo sáu mươi cách cho chúng sinh
Với lòng từ bi của người cha dành cho đứa con duy nhất;
Cho tất cả chúng sinh bị kẹt trong ngục tù luân hồi bất tận,
Bị thống trị bởi khổ đau và mê mờ trong bóng tối vô minh."
Sau đó, họ tiếp tục với những vần Kệ kính lễ từ “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận”:
"Thông qua sự hiểu biết toàn tri, chư Đệ Tử tìm cầu an lạc sẽ được đưa đến an lành thật sự.
Nhờ hiểu biết về Đạo Lộ, những Vị có tâm nguyện làm lợi lạc cho những chúng sanh lang thang, sẽ hoàn thành những mục đích của thế gian;
Các bậc Thánh Nhân được phú bẩm hoàn hảo với Trí Tuệ Toàn Tri, đã ban nhiều giáo lý khác nhau với đủ mọi phương diện đa dạng;
Con xin thành tâm kính lễ Mẹ của chư Phật cùng với Hội chúng Thanh Văn và chư Bồ Tát!"
Và bài Kệ xưng tán Đức Phật từ Tác phẩm ‘Trí tuệ Căn bản’ của Đức Long Thọ:
"Con xin đảnh lễ Đức Phật toàn hảo!
Đấng tối thượng của tất cả Đạo Sư;
Bậc đã dạy về giáo lý Duyên khởi
Không sinh - không diệt; không đoạn - không thường;
Không đến - không đi; không một - không khác;
Và an lạc - vượt trên mọi tạo tác."
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi ngoài ‘Bản tóm tắt về Nhận thức’, các cháu có thuộc lòng ‘Bản tóm lược đa dạng về logic và lý luận’ hay không, cả hai bản văn đều do tác giả Akya Yongdzin, Yangchen Gawai Lodro trước tác. Giáo viên của các cháu thưa với Đức Ngài rằng họ đang nghiên cứu bản văn ấy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Tôi đã học thuộc lòng cả hai bản văn này khi tôi còn bé. Một phần trong phương pháp nghiên cứu của chúng tôi là chúng tôi học thuộc lòng bản văn mà không nhất thiết phải hiểu nội dung của nó; và sau đó mới nhận được những lời giải thích toàn diện.
“Chúng ta là những người tị nạn, sống lưu vong, và ta có thể thấy rằng - nhìn chung mọi người trên thế giới không mấy quan tâm đến việc nghiên cứu những luận thuyết vĩ đại của các bậc thầy trong quá khứ, nhưng những người Tây Tạng chúng ta đã giữ gìn cho truyền thống này được tồn tại trong hơn một nghìn năm qua. Người Trung Quốc và có lẽ người Việt nam đã nghiên cứu những bản văn nhưng không chuyên sâu vào logic như chúng ta.
“Như đã đề cập, tôi đã học thuộc lòng cả 'Bản tóm tắt về nhận thức' và 'Bản tóm tắt đa dạng về logic và lý luận' khi tôi còn bé; và đã đọc chúng trước cả hai Vị Thầy Giám Hộ của mình. Tôi đã học về các định nghĩa và từ đồng nghĩa cũng như cách mà chúng ta phải sử dụng logic.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã truyền trao về “Xưng tán Đức Văn Thù” và hướng dẫn hội chúng trì tụng “Om ara patsa na dhi”.
“Như trước đây tôi đã nói với quý vị, khi tôi còn rất bé, có lẽ chỉ ba tuổi, tôi đã viếng thăm Tu viện Kumbum gần nơi tôi sinh sống. Ở đó tôi thấy và nghe các Chú Tiểu còn rất trẻ tụng “Om ara patsa na dhi”. Tôi đã tham gia cùng với họ một cách tự nhiên. Đó là câu thần chú đầu tiên tôi trì tụng; và tôi đã dựa vào câu thần chú ấy kể từ đó.
“Ở Tây Tạng, có người đã nói với Thầy Giám Hộ của một vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm - có thể đó là Phurba Chok - rằng Ngài ấy là một hóa thân của Đức Văn Thù Sư Lợi. Ngài ấy trả lời ‘Tôi không biết về điều đó, nhưng có lẽ chúng ta có thể nói tôi là láng giềng của Đức Văn Thù’. Có lẽ tôi cũng có thể nói như vậy. Tôi không chỉ nghiên cứu về bốn trường phái tư tưởng Phật giáo mà còn có cơ hội làm quen với các truyền thống tôn giáo khác. Hơn nữa, tôi còn được gia trì với bốn loại trí tuệ: trí tuệ vĩ đại, trí tuệ sâu sắc, trí tuệ nhanh nhạy và trí tuệ trong sáng.
“Người Tây Tạng khá thông minh và có ý thức tự nhiên về đúng và sai, nhưng học sinh các cháu nên làm tốt việc phát triển bốn loại trí tuệ này và khả năng suy tư một cách logic. Vì vậy, các cháu không chỉ nên trì tụng thần chú mà còn nên học cả cách phân tích về các pháp.
“Để giữ cho Phật giáo được tồn tại, tôi đã cố gắng hết sức mình và sẽ tiếp tục làm như thế. Trong khi đó, tôi cảm thấy Đức Phật đã dành sự quan tâm và chăm sóc cho tôi.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sử dụng bản văn “Chìa khóa vào Trung Đạo”, một cuốn sách do chính Ngài biên soạn. Lưu ý đến việc coi ý thức sai lầm là nguồn gốc của đau khổ, Ngài nhấn mạnh rằng chỉ đọc về những điều như vậy thôi vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải học cách nhận biết chúng ngay trong bản thân mình để rồi chuyển hóa những ý thức sai lầm ấy.
Ngài đọc đều đặn các trang đề cập đến tầm quan trọng của việc xử lý tâm thức, giải thích ngắn gọn về Tứ Ấn, phác thảo Bốn Trường phái Giáo lý, nhấn mạnh sự khác biệt giữa giáo nghĩa tạm thời và giáo nghĩa tối hậu, và chú trọng vào Tứ Y Cứ (bốn phép nương tựa: y Pháp bất y nhân; y nghĩa bất y ngữ; y Kinh liễu nghĩa bất y Kinh bất liễu nghĩa; y trí bất y thức).
Đối với câu hỏi “tánh Không là gì?”, Ngài khuyên rằng chúng ta cần phát triển sự hiểu biết mang tính khái niệm về Tánh Không thông qua lý luận; chúng ta cần nhận ra đối tượng của sự phủ định. Ta cũng cần hiểu rõ rằng Tánh Không có nghĩa là tánh không của “sự tồn tại cố hữu”. Vô minh về tính không của sự tồn tại cố hữu là nguyên nhân sâu xa của mọi ý thức xấu xa; và sự đau khổ là hậu quả của chúng.
Ngài đề cập đến Nhị Đế cũng như Trung Đạo giữa tồn tại và không tồn tại, điểm cốt yếu là tánh Không không phủ nhận khả năng tồn tại của những sự thật thông thường, những quy luật hoặc khoa học quy ước có giá trị.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ngừng đọc khi đọc đến câu kệ này trong “Tràng Hoa Báu” của Ngài Long Thọ:
"Con người không phải là đất, không là nước,
Không là lửa, không là gió, chẳng là không gian,
Không phải ý thức, và không phải là tất cả trong số đó.
Vậy con người là gì khác hơn ngoài những thứ này?"
Ngài nhận xét rằng đối với hiện tượng thông thường mang tính quy ước, điều chúng ta đang nói là khi chúng ta xem xét kỹ lưỡng mọi thứ, chúng ta không thể tìm thấy chúng. Tuy nhiên, nếu không có sự phân tích bình luận, xem xét điều gì là tốt hay xấu, liệu chúng ta đang đối xử với chính mình hay với người khác, dù chúng ta hay họ già hay trẻ - tất cả những phẩm chất này đều tồn tại và có thể được tìm thấy. Ngài làm sáng tỏ rằng mọi thứ chỉ tồn tại với hình thức bề ngoài, nhưng khi được xem xét dưới sự phân tích bình luận, thì chúng sẽ tan rã và được phát hiện là không thực sự tồn tại theo cách mà chúng trình hiện.