Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Giáo sư Arthur Brooks đã cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài quang lâm đến Hội trường sáng nay. Brooks thưa với Ngài rằng tình bằng hữu và sự hợp tác 11 năm của họ đã làm thay đổi cuộc đời ông. Ông đảm bảo với Đức Ngài rằng ông và những người bạn của mình đến từ Harvard mong muốn được trợ duyên truyền bá thông điệp của Ngài.
“Chúng con muốn nâng đỡ mọi người và gắn kết họ lại với nhau qua lĩnh vực khoa học, ý tưởng và tâm linh. Đây là thông điệp từ trái tim mà chúng con đang cố gắng truyền tải đến khắp thế giới.
“Phật giáo dạy rằng trần gian có khổ đau, cuộc đời là đau khổ. Có sự bất mãn triền miên. Chúng ta không hài lòng với bản thân, cuộc sống và tài sản của mình. Khi con tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài, Ngài đã dạy con rằng: ‘Hãy nhớ rằng con là một trong tám tỷ người. Khi con cảm thấy đau đớn, hãy nuôi dưỡng lòng từ bi đối với tha nhân. Khi con cảm thấy sân giận, hãy thể hiện tấm lòng ấm áp. Hãy quan tâm đến những vấn đề tâm linh hơn là những vấn đề vật chất”.
“Chúng ta phải vượt qua chính mình để tìm thấy chính mình, vì vậy, tập trung vào những điều cao cả hơn, vào những người khác, là chủ đề của chúng con. Hôm nay chúng ta sẽ nói về việc liên hệ với tha nhân. Ngày mai chúng ta sẽ nói về vũ trụ.”
Ngài trả lời: “Một trong những điều cơ bản mà tôi cố gắng làm cho mọi người nhận thức được là tất cả chúng ta đều được sinh ra từ người mẹ và trong thời thơ ấu đã được nuôi dưỡng trong sự chăm sóc của mẹ. Chúng ta cần ghi nhớ điều này. Khi ta còn rất bé, phần trí tuệ của bộ não chúng ta chưa được phát triển, nhưng chúng ta có thể cảm kích sự quan tâm mà chúng ta đã được người khác thể hiện cho mình. Điều này cũng đúng với các loài động vật có vú khác, ngay cả đối với những kẻ săn mồi hung hãn như sư tử và hổ.
“Chúng ta có thể thấy rằng những người được quan tâm chăm sóc lúc còn bé, khi lớn lên họ sẽ được an toàn và bình yên. Những đứa bé bị tách rời khỏi mẹ sớm, sẽ bộc lộ cảm giác bất an và khó chịu trong cuộc sống sau này. Trong trường hợp của riêng tôi, tôi có một người mẹ yêu thương tôi thực sự.
“Trong truyền thống Phật giáo, và đặc biệt là trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, chúng tôi nuôi dưỡng sự thừa nhận rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của chúng ta vào một thời điểm nào đó. Đây là một bước trong quá trình rèn luyện lòng từ bi phổ quát của chúng ta, một cách để tạo mối liên hệ với tất cả chúng sinh.
“Khả năng yêu thương người khác của chúng ta bắt nguồn từ trải nghiệm của chúng ta khi còn là đứa bé sơ sinh. Nhiều người chỉ đơn giản là không cảm kích sức mạnh của tình yêu thương. Họ cạnh tranh trong việc theo đuổi lợi ích của riêng mình, trong khi đó - sẽ thực sự hiệu quả hơn khi ta biết nhận ra và cảm kích lòng tốt mà chúng ta nhận được từ người khác.
“Nếu quý vị phát triển quan điểm tích cực hơn theo cách này, quý vị sẽ thấy mình bình yên hơn với chính mình và mối quan hệ của mình với người khác sẽ trở nên tự nhiên hơn. Nếu tôi so sánh tôi với vị tiền nhiệm của mình, thì tôi kết nối với những người khác khá dễ dàng, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 thì khác. Có lẽ điều này liên quan đến sự trải nghiệm khác nhau của chúng tôi. Tôi đã bị mất Tổ quốc lúc tôi còn bé; và khi trở thành người tị nạn, tôi nhận thấy tôi có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội - và rất ít bị ràng buộc về mặt hình thức.
“Điều quan trọng là nên trân trọng lòng từ ái, tình yêu thương và tâm từ bi mà quý vị đã nhận được. Hầu như tất cả các vấn đề rắc rối mà con người chúng ta tạo ra đều xuất phát từ việc ta thiếu quan tâm đến người khác.
“Trong việc thực hành nuôi dưỡng lòng từ bi của Phật giáo, chúng ta xây dựng dựa trên năng lực tự nhiên mà ta nhận được từ mẹ của mình khi bắt đầu cuộc đời. Chúng ta tạo ra sự kết nối với những người khác và nảy sinh cảm giác biết ơn đối với họ. Khi chúng ta nghĩ về người khác dưới góc độ ‘tất cả chúng sinh đều là mẹ của mình’ thì sẽ không còn có chỗ cho sự tức giận hay thù hận.”
Brooks hỏi: “Thưa Ngài! Ngài sẽ làm gì khi cảm thấy khó yêu thương một ai đó?”
Ngài trả lời: “Đôi khi, trước hết, mình phải trau dồi cảm giác bình đẳng; và dựa trên nền tảng đó để phát triển tình cảm và sự quan tâm.
“Khi tôi gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông ấy nhận xét về quan điểm khoa học của tôi nhưng cũng nhận xét rằng việc nuôi dưỡng tình yêu thương đối với người khác là không quan trọng. Nhưng làm sao ông ấy có thể hạnh phúc nếu không có bất kỳ cảm giác tin tưởng hay tình cảm nào đối với những người làm việc cùng ông ta - những thành viên trong vòng thân cận của ông ấy? Chỉ sức mạnh quyền lực thôi thì không đủ để khiến cho chúng ta hạnh phúc. Tôi tin rằng nếu ông ấy còn sống đến hôm nay, ông ấy sẽ thay đổi tư tưởng của mình. Điều cốt yếu trong mối quan hệ giữa con người với con người là tạo ra sự kết nối.”
Brooks muốn biết liệu mình có thể quyết định yêu thương một ai đó khi - trên thực tế thì mình không hề cảm nhận được điều đó - hay không? Ngài trả lời rằng chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh của mình để hiểu được giá trị của lòng nhân hậu đối với người khác.
Nhà tâm lý học Sonja Lyubomirsky đến từ California - người nghiên cứu về tác động của sự độ lượng mà chúng ta dành cho tha nhân - đã hỏi làm thế nào mà chúng ta có thể tập trung vào người khác trong cuộc sống hàng ngày. Ngài gợi ý rằng nếu chúng ta quan sát động vật, chúng ta có thể thấy chúng có sự gắn kết nhóm với nhau như thế nào, điều đó phụ thuộc vào sự quan tâm và tình cảm tồn tại giữa chúng. Điều này cũng đúng - thậm chí - ngay cả đối với những kẻ săn mồi sống dựa vào việc ăn thịt các sinh vật khác.
“Trí thông minh của chúng ta mang lại cho chúng ta lợi thế của con người. Chúng ta có thể hiểu được sức mạnh và giá trị của sự kết nối và lòng tử tế. Khi tôi còn bé ở vùng Đông Bắc Tây Tạng, hầu hết người dân địa phương là người Hồi giáo nên có sự khác biệt về mặt xã hội giữa chúng tôi, nhưng tình cảm trong cộng đồng rất bền chặt và chúng tôi có quan hệ rất tốt với nhau. Bọn trẻ chúng tôi chơi với nhau khá vô thức. Chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng lòng tốt và tình cảm cơ bản là một phần bản chất của con người.”
Một sinh viên tên Tenzin Lodoe hỏi rằng hệ thống giáo dục có thể làm gì để giúp những người trẻ gặp vấn đề về cảm xúc và tinh thần. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ mối lo ngại rằng nền giáo dục hiện đại dường như tập trung vào việc đáp ứng lợi ích cá nhân mà không khuyến khích sự quan tâm tương ứng đến những sự kết nối xã hội. Ngài nói, trên thực tế, điều quan trọng trong thế giới ngày nay là cách mà chúng ta kết nối với nhau với tư cách là những con người. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới hòa bình hơn, nhưng nếu chúng ta không kết nối với nhau thì sẽ không có cơ sở nền tảng cho hòa bình.
“Theo quan điểm của tôi, khi nghĩ đến tình hình ở Tây Tạng, tôi nhận ra rằng chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những người đã gây ra rắc rối ở đó. Tôi suy ngẫm về điều mà chúng ta gọi là “Tứ vô lượng Tâm”:
Tôi sẽ trưởng dưỡng Từ Tâm cầu mong chúng sinh được hạnh phúc,
Bi Tâm nguyện cầu họ thoát khỏi khổ đau
Hỷ Tâm mong họ mãi trú trong an lạc,
Và Xả Tâm không còn luyến ái hay hận sân.
“Nghĩ rằng ‘Cầu mong tất cả chúng sinh tìm được hạnh phúc và nguyên nhân của hạnh phúc’ là điều rất mạnh mẽ. Vì vậy, khi tôi nghĩ đến sự đau khổ và những tàn phá mà cộng sản Trung Quốc đã gây ra, tôi nhận ra rằng, thật ra những hành động của họ đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết. Mặt khác, văn hóa Tây Tạng được bắt nguồn từ lòng tốt, tình yêu thương và tâm từ bi.”
Brooks tìm kiếm lời khuyên về cách dạy người khác tầm quan trọng của tình yêu thương.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Điểm mấu chốt là nhận ra rằng nếu mình càng quan tâm đến người khác thì cảm giác bình yên của chính mình sẽ càng lớn hơn”. “Rõ ràng là ở đâu trên thế giới có ít lòng tốt hơn thì ở đó có nhiều vấn đề rắc rối hơn. Khi chúng ta nói về tình yêu thương, lòng từ ái và tâm bi mẫn, đó không phải là vấn đề tôn giáo. Đó là một phần thực tế cơ bản của mối quan hệ giữa các sinh vật xã hội. Vấn đề rắc rối nảy sinh khi chúng ta thiếu từ ái. Đó là lý do tại sao trên thế giới chúng ta cần nhiều lòng tốt hơn.
“Các bạn trẻ! Quý vị là những người đang được đào tạo để trở thành những nhà lãnh đạo. Điều quan trọng là quý vị phải nhận ra rằng tình yêu thương và lòng từ bi đóng một vai trò trong con người của chúng ta. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc chứ không muốn đau buồn. Đây là mong muốn chung của chúng ta. Chúng ta tồn tại là nhờ vào sự quan tâm của người khác.
“Nhiều hệ tư tưởng chính trị dựa trên việc nhấn mạnh sự khác biệt giữa ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Điều này trái ngược với bản chất từ ái và tình cảm cơ bản của chúng ta. Đến Ấn Độ với tư cách là người tị nạn và đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, tôi dần hiểu ra rằng con người chúng ta đều giống nhau; chúng ta đều chia sẻ một trải nghiệm chung. Và việc nhận ra điều này đã mang lại cho tôi sự bình an và niềm hoan hỷ. Khi chúng ta cảm thấy những người khác cũng giống như mình, thì tình thương yêu và lòng bi mẫn dành cho họ sẽ đến một cách dễ dàng.
“Thay vào đó, nếu chúng ta tập trung vào những khác biệt về tôn giáo hoặc chính trị giữa chúng ta, thì ta chỉ làm tăng thêm cảm giác xa lánh và chia rẽ mà thôi. Điều quan trọng là thấy được rằng chúng ta đều là những con người như nhau.”
Arthur Brooks đã tóm tắt về cuộc thảo luận của buổi sáng thành sáu bài học. Đầu tiên là - mặc dù chúng ta có thể nghĩ rằng tình yêu thương là mục tiêu của mình nhưng thực ra đó chỉ là sự khởi đầu. Thứ hai, điểm then chốt là yêu thương người khác. Thứ ba, quên lãng việc yêu thương người khác là một sai lầm dễ mắc phải, nhất là khi tính ích kỷ dường như phát huy tác dụng của nó. Tuy nhiên, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ‘Cầu mong tất cả chúng sinh được hạnh phúc’, điều đó bao gồm việc nhớ lại rằng họ đã đối xử tốt với chúng ta như người mẹ của chúng ta như thế nào và cảm thấy biết ơn về điều đó.
Thứ tư, phản ứng đúng đắn khi hiểu rằng con người làm hại chúng ta là do vì vô minh mà thôi; thì ta phải quyết tâm thể hiện tình yêu thương đối với họ. Thứ năm, để trở thành người lãnh đạo giảng dạy hiệu quả về tình yêu thương, chúng ta cần phải tạo mối liên hệ đích thực đối với người khác. Cuối cùng, bài học thứ sáu là vấn đề lớn nhất trên thế giới là khái niệm sai lầm về “chúng ta”và “bọn họ”, không thừa nhận rằng chúng ta phụ thuộc lẫn nhau như thế nào.