Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Hoà Thượng Giáo sư Samdhong Rinpoché đã quang lâm qua sân, được hộ tống bởi Lama Ngawang Norbu, một MLA (Đại biểu Hội đồng Lập pháp) của tiểu bang Arunachal Pradesh, và là Chủ tịch Ủy ban tổ chức các buổi thuyết giảng hôm nay và Lễ cầu nguyện trường thọ ngày mai. Khi đến Tsuglagkhang - Chùa Chính của Tây Tạng - Ngài an toạ phía bên trái, nơi có các quan chức hiện tại và cựu quan chức của Chính quyền Trung ương Tây Tạng, trong khi bên phải là người Mönpa đến từ Arunachal Pradesh. Rinpoché giải thích lý do vì sao Ngài ở đó.
“Một kế hoach đã được sắp xếp để cung thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng hôm nay và tham dự Lễ cầu nguyện trường thọ vào ngày mai. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thay đổi và tôi được yêu cầu đại diện cho Đức Ngài để thuyết giảng. Khi lắng nghe tôi thuyết giảng hôm nay, quý vị không nhất thiết phải tạo ra mối liên hệ đệ tử và Đạo sư với tôi.”
‘Bát Nhã Tâm Kinh’ đã được trì tụng, bộ phận ẩm thực phục vụ trà cho hội chúng; và ban Nghi lễ thực hiện cúng dường Mandala.
Rinpoche đã trích dẫn một bài Kệ trong ‘Chứng Đạo Ca’ của Jé Tsongkhapa:
"Cuộc sống tự do này thù thắng hơn cả ngọc như ý,
Và con sẽ tìm thấy điều tương tự như vậy chỉ một lần này.
Nó thật hiếm hoi, dễ mất và ngắn ngủi như tia chớp trên bầu trời.
Với ý thức này trong tâm, hãy hiểu rằng mọi hành động trên đời
Giống như trấu trong gió, vì vậy con cần phải liên tục không rời
Tận dụng tốt nhất cuộc đời này, cả đêm lẫn ngày.
Ta, một hành giả Du Già, đã thực hành theo cách này,
Con, người khát khao giải thoát cũng nên làm như vậy."
“Cuộc sống con người quý giá này giống như viên ngọc như ý. Nó rất khó tìm nhưng dễ bị mất đi. Nếu quý vị không tận dụng cơ hội này, thì sẽ không còn lý do gì để hối tiếc hơn. Quý vị không nên nghĩ rằng mình sẽ tìm thấy một cuộc sống như vậy một lần nữa trong tương lai. Do đó, hãy gác lại các hoạt động thế tục và hãy dấn thân vào việc thực hành tâm linh.
“Các bậc thầy Kadampa thường nói, ‘Nếu tôi không chết trong vài tháng tới, tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo ra các nguyên nhân cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Nếu tôi không chết trong vài năm tới, tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo ra các nguyên nhân cho hạnh phúc lâu dài của sự giác ngộ.’ Để làm được điều này, chúng ta nên dựa vào một vị thầy thích hợp và dấn thân vào sự thực hành Tam Vô Lậu Học.
“Chúng ta sẽ thực hiện sự thực hành Đạo Sư Du Già này, hãy xem Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Quán Thế Âm là bất khả phân. Tôi sẽ đọc chậm bản văn và sẽ không bình luận nhiều. Bất kỳ mức độ thực hành nào của hành giả của ba căn cơ mà quý vị tham gia, không có căn cơ nào có thể thực hiện được nếu không có sự hướng dẫn của một bậc Thầy. Ở Tây Tạng, chúng tôi coi bậc Thầy là gốc rễ của Đạo Lộ.
“Nguồn gốc của “Các giai trình của Đạo Lộ” là "Đèn soi Nẻo Giác” của Ngài Atisha. Tuy nhiên, Ngài ấy đã không đề cập đến việc nương tựa vào một Bậc Thầy. Các Luận thuyết về “Các giai trình của Đạo Lộ” của Đức Tsongkhapa có những phác thảo khác nhau. Trong đó, chúng ta tìm thấy những lời giải thích về cách nương tựa vào một bậc Thầy. Jé Rinpoche đã thỉnh vấn đức Văn Thù Sư Lợi về cách tốt nhất để thực hành ngắn gọn và nhanh chóng; và Đức Văn Thú đã bảo Ngài hãy xem Vị Thầy là bất khả phân với Vị thần Bổn tôn. Vì vậy, Jé Rinpoche đã theo đó mà thực hành.
“Có sự nương tựa vào bậc Thầy trong hành động và suy nghĩ. Khi quý vị thực hành Đạo Sư - Du Già, quý vị thực hiện điều đó kết nối với vị bổn tôn thiền định mà quý vị có mối liên hệ đặc biệt. Bản văn này có cách tiếp cận phù hợp với Đạo Sư-Du Già trong Mật tông Du Già tối thượng.”
Rinpoche lưu ý rằng những đệ tử chính cho buổi thuyết Pháp hôm nay là những người đến từ Arunachal Pradesh, đặc biệt là những người từ Mön-yul. Vị thần bổn tôn mà những người này có mối liên hệ đặc biệt là Đức Quán Thế Âm, bậc đã phát Bồ Đề Tâm trước sự chứng minh của hàng ngàn vị Phật.
Sách Kadam đề cập rằng Đức Quán Thế Âm có mối liên hệ đặc biệt với Xứ Tuyết, một khu vực bao gồm dãy Hy Mã Lạp Sơn - nơi mọi người sử dụng ngôn ngữ dựa trên bốn nguyên âm và 30 phụ âm. Upali đã hỏi làm thế nào để xác định được nơi này. Trong Luật tạng có ghi rằng nơi mà vào mùa đông, nếu bạn đổ nước vào một chiếc bình hở và nước đóng băng lại thành băng thì được gọi là Xứ Tuyết.
Ngoài ra, Xứ Tuyết là nơi mà chúng sinh không được thuần hóa bởi các Đức Phật trước đó. Thật vậy, Đức Phật thứ tư của kiếp may mắn này - Đức Thích Ca Mâu Ni - đã thực hiện điều đó. Và người ta đã tiên tri rằng Đức Quán Thế Âm - hiện thân của lòng từ bi của tất cả chư Phật - tinh tuý của Đạo Lộ, sẽ là vị thần bảo hộ của Xứ Tuyết.
Hoà Thượng Samdhong Rinpoché tiếp tục, “Trong pháp tu Đạo Sư-Du Già này, chúng ta thấy vị bổn tôn thiền định và bậc Thầy là bất khả phân. Chúng ta quán tưởng thần chú sáu âm (Lục Tự Chân Ngôn) - thần chú tối cao - ở vị trí trái tim của Đạo Sư-Thần Bổn tôn. Chúng ta có thể giải thích sáu âm tiết này theo phương diện Sáu Ba La Mật. Đây là những đối trị cho những đau khổ về phiền não chướng và sở tri chướng.
“Vị Đạo Sư hướng dẫn cho ta Đạo Lộ không sai lầm - đang ngự ở đây và bất khả phân với Đức Quán Thế Âm - là hiện thân của lòng từ bi; giống như Đức Văn Thù là hiện thân của trí tuệ. Nếu chúng ta có thể kết hợp lòng từ bi với sự hiểu biết về tính không, thì chúng ta sẽ đạt được Phật quả.
“Bản văn khuyên rằng ‘Hãy an toạ trong tư thế của Đức Đại Nhật Như Lai với lưng thẳng và v.v. Hãy hình dung bậc Đạo Sư và Đức Quán Thế Âm là một - đối tượng của sự quy y. Để thực hiện việc quy y, chúng ta nên cảm thấy sợ hãi các cõi thấp, sự luân hồi và sở tri chướng; và tin tưởng rằng Tam Bảo có thể bảo vệ chúng ta.
“Ở Tây Tạng, chúng tôi quy y và cùng nhau phát Bồ Đề Tâm bằng cách nói rằng - “Con xin quy y Tam Bảo cho đến khi con giác ngộ.” Tất cả các truyền thống Phật giáo của Tây Tạng đều áp dụng phương thức này. Chúng ta nghĩ rằng - “Với bất kỳ công đức và trí tuệ nào mà con tích lũy được, nguyện cho con được dâng hiến và phụng sự cho chúng sinh.” Bằng cách này, chúng ta có thể khôi phục và củng cố các Giới Bồ Tát mà chúng ta đã thọ nhận. Tiếp theo, chúng ta lập Tứ Vô Lượng Tâm, bắt đầu bằng - “Nguyện tất cả chúng sinh có được sự hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc”. Sau đó, chúng ta tịnh hoá nơi mà chúng ta sẽ cung thỉnh Phước điền (ruộng phước). Chúng ta ban phước, tăng cường và dâng lễ vật cúng dường. Chúng ta suy ngẫm - “Bằng sức mạnh của Chân Đế Tam Bảo, nguyện những lễ vật này trở thành như thế. Nguyện cầu cho chúng trở nên vĩ đại.’
“Khi hình dung ruộng phước, chúng ta quán tưởng một bảo toà được nâng đỡ bởi những con sư tử, trên đó được an trí một tòa sen với đĩa mặt trời và mặt trăng. Ngự trên đó là Đức Quán Thế Âm tối cao, bậc Đạo Sư vô thượng của chúng ta, sở hữu ba tâm bi mẫn. Ngài đang mỉm cười và hài lòng. Bàn tay phải của Ngài đặt ở vị trí tim trong tư thế ban truyền Giáo Pháp, ngón cái và ngón trỏ của Ngài cầm cành hoa sen đỡ một bản Kinh và một thanh kiếm. Ba ngón tay còn lại ngụ ý cho Tam Vô Lậu Học. “Một bánh xe ngàn nan hoa được an trí trong bàn tay trái của Ngài trong tư thế cân bằng thiền định. Ngài khoát ba chiếc Y của một Tăng Sĩ và đội chiếc mũ Pandit bằng vàng.
“Nơi tim của Ngài là Đức Quán Thế Âm trí tuệ uyên thâm với một mặt và bốn tay. Trên vai trái của Ngài phủ lên tấm da của một con linh dương. Nơi vị trí tim của Ngài thẩm thấu chủng tự Hrih. Ngài trở thành hiện thân của tất cả các đối tượng quy y.
“Sau khi tu tập sự quán tưởng này, chúng ta thực hiện Lời cầu nguyện Bảy Dòng bao gồm kính lễ, cúng dường, sám hối, v.v. Khi quý vị lễ lạy Đức Đạo Sư-Bổn tôn, hãy tưởng tượng thân thể của quý vị phân thân ra thành nhiều vô số. Tiếp theo sau đó, hãy dâng cúng hàng loạt các lễ vật cúng dường mà quý vị sở hữu và cả những phẩm vật mà quý vị không sở hữu. Hãy sám hối về cách mà - do bị bóng tối của sự vô minh lấn át, quý vị đã phạm giới nguyện do phá vỡ lời thề của mình và bị vướng vào những sự sa ngã của bản năng. Hãy thực hiện bốn yếu tố đối trị - quy y, trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, phát khởi sự hối hận chân thành. và quyết tâm không lặp lại những hành động như vậy trong tương lai.
“Tiếp theo là sự tuỳ hỷ - cách tốt nhất để tích lũy công đức và trí tuệ. Sau đó, thỉnh cầu Đức Đạo Sư-Bổn tôn đánh thức tất cả chúng sinh ra khỏi giấc ngủ mê lầm che chướng của phiền não chướng và sở tri chướng. Thỉnh cầu Ngài trụ thế vững chãi trên Kim Cang Toà. Hãy hồi hướng, và lưu tâm về mục tiêu là chứng đạt được Phật quả; để đạt được điều đó, chúng ta cần sự quan tâm chăm sóc của một vị Thầy từ ái. Hãy kết thúc bằng sự cúng dường Mandala.
“Sự ban phước lành của Đạo Sư dưới dạng cam lồ và tia sáng chảy tràn xuống từ trái tim của Ngài và đi vào đỉnh đầu của quý vị. Hãy tụng thần chú danh hiệu của Đạo Sư.
“Hãy ôn lại “Các Giai trình của Đạo Lộ”; bắt đầu bằng cách nhận ra sự khó khăn trong việc tìm kiếm cuộc sống tự do và may mắn này; và cách nó dễ dàng bị mất đi như thế nào. Hãy tâm niệm rằng, ‘Xin hãy ban phước gia trì cho con được thực hành Tam Vô Lậu Học - Giới, Định và Tuệ.’
“Trong quá trình thực hành của một hành giả có căn cơ cao, hãy nghĩ đến những đau khổ của những chúng sinh mẹ từ ái của chúng ta; và mong muốn giải thoát họ. Hãy trau giồi Du Già hợp nhất tâm trí định tĩnh với trí tuệ đặc biệt.
“Đã bước vào cánh cổng của thần chú vi diệu thậm thâm - xin hãy ban phước gia trì cho con để gìn giữ lời nguyện và cam kết của mình. Đã cắt đứt luồng gió tạo ra tất cả nghiệp chướng bằng thanh kiếm sắc bén của trí tuệ; xin hãy ban phước gia trì cho con để chứng ngộ đại ấn của đại lạc.”
Trong sự thực hành nhập định bao gồm việc Đạo Sư hòa tan vào trái tim của quý vị; Ngài tiếp cận quý vị, thu nhỏ kích thước, hòa tan vào trong quý vị. Ngài đến ngự tại trái tim của quý vị trên hoa sen tám cánh, ở giữa là giọt bất hoại. Giọt này đã tồn tại từ vô thủy và tồn tại cho đến khi đạt được quả vị Phật.
Ở trung tâm của vị thần bổn tôn tầng thứ ba (ba lớp được ngự chồng lên nhau: Đạo Sư, Bổn Tôn, chủng tự) là chủng tự “Hrih” được bao quanh bởi thần chú sáu âm “Om mani padme hung”. Hãy trì tụng thần chú này nhiều nhất trong khả năng có thể; và sau đó củng cố hoàn thiện lại bằng cách tụng thần chú Bách Tự của Đức Kim Cang Tát Đoả. Hồi hướng công đức đã được tích luỹ như thế cho sự truyền bá Giáo Pháp và cho nền hòa bình lâu dài trên thế giới.
Sau đó, Hoà Thượng Samdhong Rinpoche đã ban truyền một bản kinh Đạo Sư-Du Già ngắn hơn.
Ngài nói thêm, “Chúng ta rất may mắn vì đã có cơ hội tổ chức buổi thuyết giảng này và được lãnh thọ Giáo Pháp từ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu quý vị có thể thực hành trọn vẹn Đạo Lộ đưa đến giác ngộ, thì điều đó thật tuyệt vời. Trong khi đó, chúng ta cần củng cố sự hòa bình và hòa hợp trong cộng đồng của mình; và nỗ lực duy trì các truyền thống văn hóa của mình. Hãy hồi hướng bất kỳ công đức nào mà chúng ta đã tích luỹ được cho Pháp Thể khinh an và sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.”
Lama Ngawang Norbu đã dâng cúng Mandala tạ ơn lên Hoà Thượng Samdhong Rinpoche. Hội chúng đọc bài cầu nguyện của “Lời Chân Lý”.
Lama Ngawang Norbu và Chủ tịch Ủy ban Tổ chức sau đó đã hộ tống Đức Hoà Thượng Samdhong Rinpoche qua sân trở lại cổng Dinh Thự.