Tenzin Gyatso; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14
Mục đích của cuộc sống
MỘT CÂU HỎI LỚN đậm nét trong trải nghiệm của chúng ta, cho dù chúng ta nghĩ về nó một cách có ý thức hay không: Mục đích của cuộc sống là gì? Tôi đã suy nghiệm câu hỏi này và muốn chia sẻ những ý nghĩ của mình với hy vọng chúng có thể mang đến lợi ích thực tế và trực tiếp cho những ai tìm đọc.
Tôi tin rằng mục tiêu của cuộc sống là Hạnh phúc, từ khoảnh khắc mới sinh ra, ai ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Không phải điều kiện xã hội, không là sự giáo dục, cũng không phải yếu tố thần học ảnh hưởng tới điều này. Từ cốt lõi của sự sống, chúng ta chỉ đơn giản ước ao được hài lòng. Tôi không biết liệu vũ trụ, với vô số thiên hà, các vì sao và hành tinh của nó, có ý nghĩa sâu sắc hơn hay không, nhưng ít nhất là rõ ràng con người sống trên trái đất này phải đối diện với việc tự mình tạo cho mình hạnh phúc. Vì thế, khám phá ra điều gì sẽ mang đến hạnh phúc nhất thật là quan trọng.
Làm sao đạt được Hạnh phúc
Đầu tiên, ta có thể chia từng loại hạnh phúc và khổ đau thành hai phạm trù chính: tinh thần và vật chất. Trong cả hai, chính cái tâm có ảnh hưởng nhất trong hầu hết chúng ta. Trừ khi chúng ta ốm nặng hay bị mất đi những nhu yếu cơ bản, còn hầu như điều kiện vật lý của chúng ta chỉ đóng vai trò thứ yếu trong cuộc sống mà thôi. Nếu thân ta an ổn, ta hầu như bỏ quên nó. Tuy nhiên, đối với cái tâm thì ghi nhận từng sự kiên cho dù là nhỏ bao nhiêu. Vì vậy, chúng ta nên dành những nỗ lực nghiêm túc nhất để mang lại sự bình yên cho tâm hồn.
Từ những kinh nghiệm có giới hạn của mình, tôi đã tìm thấy rằng mức độ cao nhất của sự an tĩnh nội tại có được từ sự phát triển của tình thương yêu và lòng từ bi.
Chúng ta càng quan tâm tới hạnh phúc của người khác, cảm giác hạnh phúc của chúng ta càng lớn mạnh. Gieo trồng cảm giác ấm áp và gần gũi cho người khác, tự động tâm hồn mình sẽ được an vui. Điều này giúp đánh tan mọi sợ hãi hay bất an mà ta có thể có, và nó cho ta sức mạnh để đối phó với những trở ngại mà ta gặp phải. Đây là cội nguồn tối hậu của sự thành công.
Theo thời gian của cuộc sống, chúng ta bị bó buộc phải đối diện với bao vấn đề. Nếu, vào những lúc như thế, chúng ta mất hy vọng, trở nên chán nản, ta bị giảm đi khả năng đối phó với khó khăn. Mặt khác, nếu ta nhớ rằng không chỉ riêng mình mà mọi người ai cũng phải hứng chịu khổ đau, quan điểm thực tế hơn này sẽ gia tăng sự quyết đoán và khả năng vượt khó của chúng ta. Thật ra, với thái độ này, mỗi một trở ngại mới, được xem như là một dịp đáng giá để làm tâm mình cải thiện hơn.
Do vậy, chúng ta cần phấn đấu dần dần để trở nên từ bi hơn, đó là ta có thể phát triển cả hai tình cảm chân thật hướng tới khổ đau của người khác và ước muốn giúp họ thoát khỏi niềm đau. Kết quả là, sự thanh thản và sức mạnh nội tại của chính mình sẽ tăng lên.
Nhu cầu thương yêu
Cuối cùng, lý do tại sao tình thương và tâm bi mang đến hạnh phúc lớn nhất, đơn giản là tự tánh của chúng ta yêu mến chúng hơn tất cả những thứ khác. Nhu cầu yêu thương là nền tảng của sự tồn tại của con người.
Kết quả có được từ sự tương thuộc sâu sắc mà chúng ta chia sẻ cho nhau. Tuy nhiên, người ta có thể cảm thấy mạnh mẽ và độc lập ở giai đoạn thịnh vượng nhất trong đời, và khi ta ốm đau, quá trẻ hay quá già, ta phải dựa vào sự nâng đỡ của người khác.
Tương thuộc lẫn nhau, dĩ nhiên là nền tảng của luật tự nhiên. Không chỉ những hình thức cao cấp của cuộc sống mà nhiều loài côn trùng nhỏ nhít nhất cũng là chúng sanh, giống loài mà, không có tôn giáo, luật lệ hay sự học hành, cũng sống sót do sự hợp tác hỗ tương dựa trên sự cảm nhận bẩm sinh qua sự kết nối của chúng. Mức độ tế nhị nhất của hiện tượng vật chất cũng được điều chuyển bởi sự tương thuộc lẫn nhau. Tất cả các hiện tượng từ hành tinh chúng ta sống đến đại dương, mây, rừng và hoa cỏ xung quanh đều nảy sinh dựa trên những khuôn mẫu tinh tế của năng lượng. Không có những tương tác phù hợp, chúng sẽ tan rã và hư hoại.
Vì chính sự tồn tại của con người chúng ta khá là phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác nên nhu cầu thương yêu được đặt làm nền tảng trong sự tồn tại của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có trách nhiệm đích thực và sự quan tâm chân thành với lợi ích của người khác.
Chúng ta phải xem xét con người thực sự của chúng ta là gì. Chúng ta không như những cái máy. Nếu chúng ta chỉ là những thực thể máy móc, thì chính những cái máy này có thể làm giảm tất cả khổ đau và đáp ứng nhu cầu của chúng ta.
Tuy nhiên, vì chúng ta không phải là những sinh vật vật chất đơn thuần, nên đặt tất cả những hy vọng của chúng ta cho cái hạnh phúc chỉ dựa trên sự phát triển bên ngoài là một sai lầm. Thay vào đó, chúng ta nên quan tâm đến nguồn gốc và bản tánh để khám phá những gì chúng ta cần.
Gác qua câu hỏi rắc rối về sự sáng tạo và tiến hóa của thế giới loài người, ít nhất ta có thể đồng ý rằng, mỗi một người trong chúng ta là sản phẩm của cha mẹ mình. Nói chung, ý chúng ta ở đây không chỉ trong bối cảnh ái dục mà từ sự quyết định của cha mẹ muốn có con. Những quyết định như vậy xuất phát từ trách nhiệm và lòng vị tha - cha mẹ từ bi cam kết chăm sóc con mình đến khi nó có thể tự chăm sóc được. Như vậy, ngay từ ý niệm có con muốn sinh con, tình yêu của cha mẹ hướng đến việc tạo ra ta.
Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc và sự chăm sóc của mẹ từ lúc ban sơ. Theo một vài nhà khoa học, trạng thái tinh thần của một thai phụ, an hay không an, có một sự ảnh hưởng vật lý trực tiếp đến đứa con trong bụng.
Sự thể hiện tình yêu thương cũng rất quan trọng trong lúc lâm bồn. Vì ngay từ việc đầu tiên chúng ta làm là bú sữa từ vú mẹ, chúng ta cảm thấy gần mẹ một cách tự nhiên, và mẹ phải yêu chúng ta để nuôi ta một cách đúng đắn; nếu mẹ cảm thấy sân giận hay oán thù thì sữa mẹ có thể không tiết ra nhiều.
Có một giai đoạn quan trọng về sự phát triển não bộ từ lúc sinh ra cho đến ít nhất là ba hay bốn tuổi, trong suốt thời gian yêu thương đó, sự tiếp xúc vật lý là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bình thường của đứa trẻ. Nếu trẻ không được ôm ấp, âu yếm, yêu thương, thì sự phát triển của nó sẽ bị suy yếu và não nó sẽ không trưởng thành đúng đắn.
Vì trẻ không thể tồn tại mà không có sự chăm sóc của người khác, nên yêu thương là nguồn dưỡng chất quan trọng nhất. Hạnh phúc thời trẻ thơ, việc làm dịu đi những sợ hãi và sự phát triển lành mạnh tính tự tin của trẻ tất cả đều phụ thuộc trực tiếp từ lòng yêu thương.
Ngày nay, nhiều trẻ em lớn lên trong những gia đình không hạnh phúc. Nếu chúng không có được sự yêu thương đúng mực, sau này chúng hiếm khi yêu thương cha mẹ và cũng khó có thể yêu thương người khác. Điều này thật đáng buồn.
Khi trẻ lớn dần và đến trường, chúng cần được hỗ trợ từ thầy cô giáo. Một người thầy không chỉ truyền đạt học vấn mà còn đảm đương trách nhiệm chuẩn bị tương lai cho học sinh, học trò sẽ cảm thấy tin tưởng và tôn trọng, và những gì được dạy sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của chúng. Mặc khác, người thầy chỉ dạy mà không quan tâm đến tình trạng hạnh phúc tổng thể của học sinh, sẽ được xem như tạm thời và không được lưu lại lâu dài.
Tương tự, nếu một người bệnh được điều trị trong bệnh viện, mà bác sĩ tỏ ra ấm áp tình người, bệnh nhân sẽ cảm thấy thỏa mái và điều mong muốn của bác sĩ để chăm sóc bệnh nhân tốt nhất có thể - chính là điều trị, bất luận về mức độ kỹ thuật hay kỹ năng. Mặc khác, nếu bác sĩ thiếu cảm giác tình người và có biểu hiện không thân thiện, thiếu kiên nhẫn hay có khi không để ý, bệnh nhân sẽ cảm thấy lo âu, ngay cả khi họ là bác sĩ có trình độ cao và căn bệnh được chẩn đoán chính xác với đúng thuốc quy định. Rõ ràng, cảm giác của bệnh nhân tạo ra sự khác biệt về chất lượng và sự hoàn chỉnh về việc hồi phục.
Thậm chí trong các cuộc nói chuyện hằng ngày ta tham gia, nếu ai đó nói chuyện có tình người thì chúng ta thích lắng nghe, và tương tác phù hợp; cuộc nói chuyện trở nên thú vị, tuy rằng chủ đề có thể không quan trọng nữa. Mặc khác, nếu một người nói một cách lạnh lùng và khó chịu, chúng ta cảm thấy không thoải mái và muốn kết thúc nhanh chóng Từ sự kiện đơn giản nhất đến quan trọng nhất, tình cảm và sự tôn trọng của người khác là cực kỳ quan trọng cho sự hạnh phúc của ta.
Gần đây tôi đã gặp một nhóm nhà khoa học ở Mỹ, họ nói rằng tỉ lệ bệnh về mặt tinh thần ở nước họ khá cao – khoảng mười hai phần trăm dân số. Trong suốt cuộc thảo luận chúng tôi nhận ra rằng lý do chính của tình trạng suy nhược không nằm ở chổ thiếu thốn vật chất mà ở sự thiếu thốn về tình cảm của con người.
Vì thế, như bạn có thể thấy mọi điều tôi đã viết, một điều dường như rõ ràng với tôi là: dù chúng ta có ý thức tỉnh giác về nó hay không, từ ngày chúng ta được sinh ra, nhu cầu tình người có trong chính dòng máu của chúng ta. Thậm chí tình cảm đến từ một con vật hay người mà chúng ta thường xem như kẻ thù, tự nhiên, cả người lớn và trẻ em cũng sẽ hướng về nó.
Tôi tin rằng không ai sinh ra mà không cần tình yêu. Và điều này cho thấy rằng, mặc dù tư tưởng của một số trường học hiện đại tìm kiếm để hiểu về mặt vật lý, nhưng con người không thể được định nghĩa chỉ về mặt vật lý. Không có sắc trần - dù đẹp hay có giá trị - có thể làm chúng ta cảm thấy được yêu thương, vì sự đồng nhất sâu sắc và chân tánh nằm trong bản tánh chủ quan của tâm thức.
Phát triển Tâm Từ Bi
Vài người bạn nói với tôi rằng, trong khi tình êu thương và lòng từ bi thì thật là tuyệt vời và rất tốt, nhưng chúng thực sự không có liên quan. Họ nói rằng thế giới của chúng ta không phải là một nơi mà những niềm tin như vậy có ảnh hưởng hay có sức mạnh lớn. Họ cho rằng sân giận và hận thù là rất mạnh và là một phần của bản tánh con người, nhân loại sẽ luôn bị chúng thống trị. Tôi không đồng ý với điều đó.
Con người chúng ta tồn tại trong hình thức hiện tại khoảng hàng trăm ngàn năm. Tôi tin rằng nếu trong suốt quãng thời gian này, tâm con người bị kiểm soát bởi sân hận và thù ghét, thì tổng thể dân số của chúng ta sẽ bị giảm đi. Nhưng ngày nay, dù có các cuộc chiến tranh, chúng ta vẫn thấy rằng dân số nhiều hơn bao giờ hết. Với tôi, điều này chỉ ra rõ rằng, tình yêu thương và lòng từ bi chiếm ưu thế trên thế giới này. Và đây là lý do tại sao các sự kiện không vui, bất hạnh… thì được đưa lên bản tin tức thời sự, còn những hoạt động từ bi chiếm đa số trong cuộc sống hằng ngày thì chúng ta coi như bình thường, và phần lớn bị bỏ lơ.
Trước giờ, tôi đã thảo luận chủ yếu về những lợi ích tinh thần của tâm từ bi, mà nó cũng góp phần làm cho sức khỏe thể chất được tốt. Theo như kinh nghiệm cá nhân của tôi, sự ổn định tinh thần và thể chất tốt có liên quan trực tiếp với nhau. Không cần phải hỏi, sân hận và lo âu khiến cho chúng ta dễ bị bệnh hơn. Mặc khác, nếu tâm ta tĩnh lặng và đầy những ý nghĩ tích cực, thì cơ thể sẽ không dễ bị mắc bệnh.
Nhưng dĩ nhiên, cũng đúng rằng bản tính của chúng ta luôn tự cho mình là trung tâm, ngăn cản sự yêu thương dành cho người khác. Vì thế, do chúng ta muốn có được hạnh phúc thật sự, điều này chỉ có được khi ta có một tâm hồn tĩnh lặng, và sự an lạc trong tâm hồn như thế chỉ có được với tâm từ bi mà thôi, làm thế nào ta có thể phát triển được điều này? Rõ ràng, không phải chỉ đơn giản nghĩ về tâm từ bi đẹp như thế nào là đủ! Chúng ta cần phải nổ lực tu tập để rèn luyện tâm bi; chúng ta phải trau giồi trong cuộc sống hằng ngày để chuyển hóa những tư tưởng và hành vi của mình.
Trước hết chúng ta phải biết rõ về tâm bi là gì. Nhiều hình thức của cảm giác tâm bi bị lẫn lộn với lòng ham muốn và luyến ái. Ví như, tình thương cha mẹ dành cho con thường gắn liền với nhu cầu tình cảm của mình, vì thế nó không đầy đủ ý nghĩa của lòng bi. Lại nữa, trong hôn nhân, tình yêu giữa vợ chồng - đặc biệt là vào lúc ban đầu, khi hai người có thể còn chưa biết về tính cách của nhau nhiều - dựa trên sự luyến ái hơn là tình yêu chân chính. Sự ham muốn của chúng ta mạnh đến nỗi, người mà chúng ta luyến ái luôn xuất hiện như là người tốt, cho dù trên thực tế họ là người rất tiêu cực. Hơn nữa, chúng ta có khuynh hướng phóng đại những phẩm chất tích cực - dù nhỏ. Do vậy, khi thái độ của người vợ hay người chồng thay đổi, người kia thường hay bị thất vọng và cũng thay đổi thái độ theo. Đây là dấu hiệu cho thấy tình yêu của họ được thúc đẩy bởi nhu cầu cá nhân hơn là sự quan tâm chăm sóc chân thành cho người kia.
Tâm từ bi chân chính không chỉ là một phản ứng cảm xúc mà còn là một sự cam kết vững chắc dựa trên lý trí. Vì thế, một thái độ bi mẫn hướng tới người khác không hề thay đổi thậm chí cho dù họ có cư xử tiêu cực.
Dĩ nhiên, trau giồi loại tâm bi này không phải dễ dàng! Khi bắt đầu, chúng ta hãy cân nhắc những điều sau:
Dù người ta có đẹp và thân thiện; hay không hấp dẫn và phá hoại, xét cho cùng họ cũng là con người như ta. Cũng giống như chúng ta, họ muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Hơn nữa, quyền có hạnh phúc và vượt qua khổ đau đều công bằng như nhau. Giờ đây, khi bạn nhận ra rằng tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong sự khát khao hạnh phúc và có quyền đạt được nó, bạn cảm thấy đồng cảm và gần gũi với họ một cách tự nhiên. Thông qua việc tập cho tâm bạn quen với lòng vị tha phổ quát, bạn phát triển cảm giác trách nhiệm với người khác: muốn giúp họ vượt qua phiền não một cách tích cực. Không phải chỉ cầu mong cho những người mà mình lựa chọn; mà sự mong muốn này áp dụng cho tất mọi người một cách bình đẳng. Miễn là họ là con người có cảm nhận niềm vui và nỗi đau như bạn, thì không có cơ sở hợp lý nào để phân biệt với họ hoặc thay đổi sự quan tâm của bạn dành cho họ nếu như họ đối xử tiêu cực.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sức mạnh là nằm ở nơi bạn, cần có sự kiên nhẫn và thời gian để trau giồi tâm bi này. Dĩ nhiên, sự ái trọng tự thân, sự luyến ái đặc biệt của ta với cái cảm giác về một cái ngã tồn tại độc lập, chính là những hoạt động cơ bản kiềm hãm tâm bi của chúng ta dành cho người khác. Thực vậy, tâm bi chân thực chỉ có thể được cảm nhận khi nào sự tự luyến ái này được đoạn trừ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thể bắt đầu và tiến hành ngay bây giờ.
Khởi đầu như thế nào
Chúng ta nên bắt đầu bằng cách tháo gỡ những trở ngại lớn nhất đối với tâm bi: sân giận và hận thù. Như tất cả chúng ta đều biết, những trạng thái này là cảm xúc vô cùng mạnh mẽ và chúng có thể lấn át tâm ta. Dù vậy, ta cũng có thể kiểm soát chúng. Tuy nhiên, nếu chúng không được kiểm soát thì những cảm xúc này sẽ phá hoại chúng ta mà không cần phải thêm chút nỗ lực nào - và nó sẽ cản trở sự tìm kiếm của chúng ta dành cho hạnh phúc của tâm yêu thương.
Vậy trước tiên, chúng ta hãy phân tích xem xét liệu sự nổi giận có chút giá trị nào hay không. Đôi lúc, khi chúng ta nản lòng trước môt tình huống khó khăn, thì sự nổi giận dường như cũng có lợi ích, nó xuất hiện đem đến nhiều năng lượng, tự tin và quyết đoán hơn.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng trạng thái của tâm thức. Trong khi đúng thật là cơn giận giúp chúng ta tăng thêm năng lượng, nếu chúng ta tìm hiểu bản chất của năng lượng này, ta khám phá ra rằng nó mù quáng: ta không thể chắc chắn rằng kết quả của nó sẽ là tích cực hay tiêu cực. Bởi vì sự nổi giận này che khuất phần tốt nhất của não bộ chúng ta: điều này có lý. Vì thế năng lượng của cơn giận hầu như luôn luôn không thể tin cậy được. Nó có thể gây nên một hủy diệt to lớn, một hành động không may. Hơn nữa, nếu cơn giận gia tăng đến cực đại, người đó trở nên như một gã điên, thể hiện hành vi bằng nhiều cách làm tổn hại cho một hay nhiều người khác.
Tuy nhiên, phát triển một năng lượng mạnh mẽ tương đương nhưng kiểm soát được để giải quyết những tình huống khó khăn là điều có thể.
Năng lượng kiểm soát được này không chỉ có được từ tâm bi mà còn từ những lý lẽ và sự kiên nhẫn. Chúng là những liều thuốc giải trừ mạnh mẽ cho cơn giận. Chẳng may, nhiều người đã phán xét sai về những tính chất này và coi đó như là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tôi tin điều ngược lại là thật: chúng là những dấu hiệu đích thực của sức mạnh nội tâm. Tâm bi là sự dịu dàng tự nhiên, an bình và mềm mại nhưng nó thật là mạnh mẽ. Những ai dễ dàng mất kiên nhẫn là người bất an và không kiên định. Vì thế, đối với tôi, sự hưng phấn của cơn giận là dấu hiệu trực tiếp của sự yếu đuối.
Vì vậy, khi một vấn đề vừa phát khởi, hãy cố gắng duy trì sự khiêm tốn, một thái độ chân thành thì kết quả sẽ tốt đẹp. Dĩ nhiên, người khác có thể lợi dụng bạn, và nếu sự duy trì vô tư ấy của bạn chỉ khuyến khích cho sự công kích vô lý (của đối phương) thì hãy chọn lấy một lập trường vững chải. Tuy nhiên, nên làm điều này với tâm bi và nếu cần thiết để thể hiện quan điểm của bạn và phải đối phó mạnh mẽ, thì cứ hành động nhưng đừng kèm theo cơn sân giận hay một ý đồ xấu ác nào.
Bạn nên nhận ra rằng, mặc dù đối thủ của bạn gây thiệt hại cho bạn, nhưng cuối cùng, những hành vi phá hoại của họ sẽ chỉ gây thiệt hại cho bản thân của chính họ thôi. Để kiểm tra sự ích kỷ của bạn thúc đẩy việc trả đũa, bạn nên nhớ lại sự mong muốn của mình để thực tập tâm bi và đảm đương trách nhiệm để giúp ngăn ngừa khổ đau cho người khác từ hậu quả những hành động của họ.
Do đó, vì các biện pháp bạn dùng là một sự chọn lựa bình tĩnh, chúng sẽ trở nên hiệu quả hơn, chính xác hơn và mạnh mẽ hơn. Sự trả đũa bắt nguồn từ năng lực thiếu chánh niệm của cơn giận thì sẽ ít khi đạt được mục tiêu.
Bạn bè và kẻ thù
Tôi phải nhấn mạnh lại lần nữa rằng, nếu chúng ta chỉ suy nghĩ đến tâm bi, lý lẽ và sự kiên nhẫn là tốt thì vẫn chưa đủ để phát triển chúng. Chúng ta phải đợi những tình huống khó khăn phát khởi và rồi cố gắng thực hành chúng.
Và ai sẽ là người tạo ra những tình huống khó khăn này? Dĩ nhiên không phải là những bạn bè của mình, mà chính là kẻ thù của chúng ta. Họ chính là những người gây phiền toái nhất cho ta. Vì vậy, nếu ta thật sự muốn học hỏi, chúng ta nên xem kẻ thù là người thầy tốt nhất của chúng ta.
Đối với một người nuôi dưỡng tâm từ bi và lòng yêu thương, sự thực tập tha thứ là điều cần thiết; và đối với sự thực tập này thì kẻ thù là không thể thiếu được! Vì thế, chúng ta nên tỏ lòng biết ơn kẻ thù của mình vì họ là người giúp ta nhiều nhất để phát triển tâm tĩnh lặng. Cũng thế, nó thường là đối với cả hai lĩnh vực cuộc sống cá nhân và cộng đồng, rằng khi hoàn cảnh thay đổi, kẻ thù sẽ trở thành bằng hữu.
Thế nên, sự sân giận và hận thù luôn luôn có hại, và trừ khi chúng ta huân tập tâm mình và làm việc để giảm thiểu sức mạnh của sự tiêu cực, bằng không thì chúng sẽ tiếp tục quấy nhiễu ta và cố ngăn trở ta phát triển tâm tĩnh lặng. Sự sân giận và hận thù thật sự là kẻ thù của chúng ta. Đây mới chính là lực lượng mà chúng ta cần phải nhất thiết đối đầu và đánh bại, chứ không phải là những kẻ thù nhất thời bên ngoài, chỉ xuất hiện thỉnh thoảng từng lúc trong đời mà thôi.
Dĩ nhiên, thật đúng và tự nhiên rằng tất cả chúng ta đều cần có bạn bè. Tôi hay đùa rằng, nếu bạn thật sự muốn ích kỷ, thì bạn nên hết sức vị tha! Bạn nên chăm sóc người khác chu đáo, gắn liền với phúc lợi của họ, giúp họ, phục vụ họ, kết thêm bạn bè, cười đùa nhiều hơn. Kết quả ư? Khi bạn cần giúp đỡ, bạn sẽ có biết bao nhiêu người đến giúp! Mặt khác, nếu bạn lơ là với hạnh phúc của người khác, lâu dần bạn sẽ là người mất mát. Và có phải tình bạn nảy sinh qua sự cãi vã, sân giận, ganh ghét và tì hiềm, khắc nghiệt không? Tôi không nghĩ như vậy. Chỉ có tình cảm mới đem đến tình bằng hữu chân thành.
Trong xã hội vật chất ngày nay, nếu bạn có tiền tài và quyền lực, bạn có vẻ như có nhiều bạn bè. Nhưng họ không phải là bạn của bạn, họ là bạn của những đồng tiền và quyền lực của bạn. Khi bạn mất tài sản và mất đi quyền lực, bạn sẽ thấy rất khó khăn để tìm lại những người này.
Sự phiền toái là khi mọi việc trên thế giới đến với chúng ta một cách tốt đẹp, chúng ta trở nên tự tin rằng ta có thể tự mình sắp xếp và cảm thấy không cần bằng hữu, nhưng khi tình trạng và sức khỏe của mình xuống dốc, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng chúng ta đã sai như thế nào. Đó là thời điểm mà chúng ta biết được ai là người thật sự giúp đỡ ta, và ai là người hoàn toàn vô dụng. Vì thế, để chuẩn bị cho thời khắc đó, hãy kết bạn với những người bạn thực sự chân thành, người sẽ giúp đỡ chúng ta khi ta cần đến, do vậy, chính chúng ta phải thực tập tính vị tha!
Mặc dù đôi lúc người ta sẽ cười khi tôi nói điều này, bản thân tôi luôn muốn có thêm bạn bè. Tôi yêu những nụ cười. Bởi vậy, tôi có cái khó là làm sao kết thêm bạn và làm sao nhận thêm nhiều nụ cười, những nụ cười chân thật. Bởi vì có rất nhiều loại nụ cười như những nụ cười mỉa mai, giả tạo hay chỉ là ngoại giao. Nhiều nụ cười không đem đến sự hài lòng và đôi khi - chính những nụ cười ấy đã tạo ra sự nghi ngờ hay sợ hãi, đúng không? Nhưng một nụ cười đúng nghĩa thì thật sự cho ta một cảm giác tươi mát và là - tôi tin - duy nhất dành cho con người. Nếu đây là những nụ cười mà ta muốn, thì chính chúng ta phải tạo lý do cho chúng xuất hiện.
Tâm Từ bi và Thế giới
Để kêt luận, tôi muốn nói sơ qua để mở rộng những ý nghĩ của mình vượt ra ngoài chủ đề của bài viết ngắn này, và đưa ra một quan điểm rộng hơn: hạnh phúc của cá nhân có thể đóng góp hữu hiệu và sâu sắc để cải thiện tổng thể cho toàn bộ cộng đồng nhân loại.
Bởi vì tất cả chúng ta cùng chia sẻ một nhu cầu về tình yêu thương, ta có thể cảm thấy bất cứ ai mình gặp, trong bất kỳ bối cảnh nào, đều là anh chị em cuat ta cả. Cho dù một khuôn mặt mới hay cách ăn mặc, cư xử khác nhau như thế nào, không hề có sự ngăn cách đáng kể giữa chúng ta và người khác. Thật không thông minh nếu như chúng ta sống mà chỉ dựa vào những khác biệt bên ngoài, bởi vì tự tánh cơ bản của chúng ta là đồng thể.
Cuối cùng, nhân loại là một; và hành tinh nhỏ này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Nếu chúng ta bảo vệ căn nhà này của mình, thì mỗi chúng ta đều cần trải nghiệm cảm giác sống động của lòng vị tha. Chỉ có cảm giác này mới có thể loại bỏ được bản tính ái trọng tự thân - điều mà khiến cho người ta lừa dối và lạm dụng lẫn nhau.
Nếu bạn có trái tim chân thành và cởi mở, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy tự tin, và không cần phải sợ người khác.
Tôi tin rằng ở mọi tầng lớp xã hội - gia đình, bộ tộc, quốc gia và quốc tế - chìa khóa của một thế giới hạnh phúc hơn và thành công hơn chính là sự lớn mạnh của tâm từ bi. Chúng ta không cần đến tôn giáo hay một hệ tư tưởng nào. Tất cả những gì cần thiết cho mỗi người chúng ta là phát triển phẩm chất tốt đẹp của một con người.
Tôi cố gắng cư xử với bất cứ ai tôi gặp đều như một người bạn cũ. Điều này mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc thật sự. Đó chính là cách thực hành tâm từ bi.