Rochester, Minnesota, Hoa Kỳ, ngày 22 tháng 4 năm 2012 - Sáng nay, Đức Ngài rời thành phố Long Beach để đến Rochester, Minnesota. Vị trụ trì của Gaden Shartse Jamyang Choeden - Geshe Lobsang Tsultrim, Giám đốc điều hành, và các nhân viên của Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling đã cung tiễn Ngài ra sân bay.
Khi Ngài đến Rochester, hàng trăm thành viên của cộng đồng người Tây Tạng (Tổ chức người Mỹ gốc Tây Tạng ở Minnesota) đã vân tập để cung đón Ngài. Đức Ngài đã đi xung quanh chào hỏi họ và khuyên họ hãy giữ tinh thần thoải mái. Các quan chức và bác sĩ của Phòng khám Mayo đã tiếp đón Đức Ngài và sau đó Ngài đã đến gặp gỡ hơn 100 sinh viên và học giả Trung Quốc đang học tập tại Minnesota, bao gồm cả từ Trường Cao đẳng St. Olaf; Đại học Minnesota; Cao đẳng Macalester; Cao đẳng Carleton; Cao đẳng Normandale; Trường trung học Mayo; Đại học Bang Winona; và trường Trung học Tây Nam.
Đức Ngài bắt đầu bằng cách nói về tất cả mọi người trong số họ đều là con người như nhau và đều đến từ một hành tinh xanh. Ngài nói nếu chúng ta có tư duy như vậy thì chúng ta sẽ không thấy cần thiết phải tham gia vào việc gian lận, v.v ... Ngài nói rằng người Hán và người Tây Tạng có đủ lý do để đấu tranh. Về mặt lịch sử, Ngài cho biết trong khoảng 1000 năm qua, các hoàng đế Tây Tạng và Trung Quốc đặc biệt có mối quan hệ mật thiết, bao gồm cả quan hệ hôn nhân. Ngài nói rằng các mối quan hệ đôi khi là những mối quan hệ hạnh phúc và những lúc khác đôi khi cũng có vấn đề.
Ngài nói trên khắp thế giới, mọi thứ đang thay đổi liên quan đến cách mà Liên minh châu Âu đã phát triển. Trong trường hợp của người Tây Tạng, người Tây Tạng có một bản sắc riêng biệt, bao gồm ngôn ngữ và chữ viết của chúng tôi, gần với hệ thống chữ viết Devnagri của Ấn Độ, Ngài nói. Tuy nhiên, chúng ta phải nghĩ đến thực tế. Đức Ngài cho biết việc ở lại trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là vì lợi ích riêng của người dân Tây Tạng. Tuy nhiên, cần có được sự tự trị có ý nghĩa, Ngài nói.
Đức Ngài cho biết Hiệp định 17 điểm mà Tây Tạng đã ký với Trung Quốc là trên tinh thần của một quốc gia, hai hệ thống. Ngài kể về chuyến viếng thăm Trung Quốc năm 1954-55 và các cuộc gặp gỡ với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ (người mà Ngài gọi là sếp trực tiếp của mình), Chu Ân Lai. v.v. Đức Ngài cho biết Ngài rất quan tâm đến chủ nghĩa Mác và đã bày tỏ mong muốn của mình với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng được yêu cầu chờ đợi. Ngài nói thêm rằng mặc dù tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa Mác, nhưng Ngài không phải là một người theo chủ nghĩa Lênin. Ngài nói về sự quan tâm của Mao Trạch Đông đối với Tây Tạng và cách mà ông ta thậm chí còn yêu cầu Đức Ngài liên lạc trực tiếp với ông ta. Sau đó, vào năm 1956, khi Đức Ngài đang ở Ấn Độ, Chu Ân Lai và He Long đã đến đó thăm để gặp gỡ các quan chức Ấn Độ và cả với Ngài. Ngài nói rằng Chu Ân Lai đã nhận được một thông điệp từ Mao Chủ tịch nói rằng chiến dịch cải cách gây tranh cãi ở Tây Tạng sẽ bị hoãn lại trong sáu năm, và nếu cần sẽ được hoãn thêm nữa. Chu Ân Lai cũng nói với Đức Ngài cũng như các quan chức chính phủ Ấn Độ rằng trường hợp Tây Tạng là một điều gì đó độc đáo. Tuy nhiên, dần dần tư duy của Mao Chủ tịch đã trở nên cực tả và hậu quả là cuộc Cách mạng Văn hóa.
Tại Tây Tạng, Đức Ngài nói rằng một số quan chức địa phương đã cam kết trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa rằng họ sẽ tiêu diệt ngôn ngữ Tây Tạng trong vòng 15 năm. Ngài cũng nói về Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng - Chen Kuiyuan, cấm nghiên cứu các bản văn cổ điển của Tây Tạng ở Đại học Tây Tạng tại Lhasa.
Đức Ngài cho biết tất cả những điều này là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình vào năm 2008 ở Tây Tạng. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc muốn tìm người hàm oan và đã đổ tội cho Ngài. Ngài cho biết sau các cuộc biểu tình ở Tây Tạng, bất cứ nơi nào Ngài đến ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, kể cả ở Rochester, đều có các cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc.
Sau đó, Đức Ngài đã nói rằng, do cách lãnh đạo Trung Quốc tiếp cận vấn đề Tây Tạng, lòng tin của Ngài đối với Chính phủ Trung Quốc ngày càng giảm sút mặc dù lòng tin của Ngài dành cho người dân Trung Quốc vẫn duy trì mạnh mẽ.
Ngài nói rằng Ngài đã nói với một người bạn Trung Quốc đến từ Bắc Kinh rằng, Ngài đã cố gắng hết sức để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Tây Tạng trong 30 năm qua nhưng Mặt trận Thống nhất Trung Quốc đã hủy hoại tinh thần của Ngài. Ngài nói rằng kể từ năm 2001, Ngài đã nghỉ hưu bán phần sau cuộc bầu cử trực tiếp của ban lãnh đạo Tây Tạng. Sau khi trao quyền vào năm 2011, Đức Ngài cho biết ban lãnh đạo chính trị mới đã vui vẻ và sẵn lòng ủng hộ Phương pháp Trung đạo.
Đức Ngài cho biết Trung Quốc đang khao khát trở thành một siêu cường quốc và nếu điều này được thực hiện với niềm vui giải phóng và tự do, thì nhân dân Tây Tạng sẽ cảm thấy tự hào khi tham gia. Ngài cho biết, cho đến nay Trung Quốc là một xã hội khép kín, bí mật và không thể đoán trước. Vì vậy, các nước láng giềng như Ấn Độ, Nhật Bản và ngay cả Việt Nam - một nước Cộng sản đều có thái độ nghi ngờ đối với quốc gia này. Ngài nói, Trung Quốc cần phải cởi mở. Đức Ngài nói rằng các sinh viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ là một xã hội tự do và vì vậy sẽ có thể tự mình nhìn thấy được sự thực.
Ngài cho biết tại Hoa Kỳ, ngay cả Tổng thống Clinton cũng phải trải qua quá trình pháp lý khi ông gặp khó khăn. Tương tự, ở Đài Loan, cựu Tổng thống Trần Thuỷ Biển bị điều tra tư pháp. Đức Ngài cho biết Ngài đã viết thư cho Tổng thống Trần Thuỷ Biển và nói rằng với tư cách là một người bạn, Ngài rất buồn khi biết về hoàn cảnh của tổng thống; nhưng mặt khác, sự phát triển là một bằng chứng cho nền dân chủ.