Birmingham, Alabama, ngày 26 tháng 10 năm 2014 - Trước khi đi đến những cuộc hẹn khác sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ 350 người Tây Tạng đã đến Birmingham từ Atlanta, New York, New Jersey và Minnesota để thể hiện sự đoàn kết dành cho Ngài. Nói về khả năng thay đổi ở Trung Quốc, Ngài lập luận rằng, trong khi các nhà lãnh đạo hiện nay được tạo nên từ những người nhớ lại những khó khăn của cuộc Cách mạng Văn hóa, thì có một thế hệ mới - những người đã có kinh nghiệm về sự tự do và dân chủ khi họ đi du học ở nước ngoài. Ngài cảm thấy rằng, khi những người này lên nắm chính quyền thì sẽ có sự thay đổi. Mặc dù một số nhà hoạt động dân chủ kỳ vọng rằng điều này sẽ sớm xảy ra, nhưng Ngài cảm thấy rằng điều này dường như chỉ là mơ tưởng. Ngài cho rằng có thể phải mất thêm 10-15 năm nữa. Trong khi đó, thế hệ thanh niên Tây Tạng - cả ở bên trong Tây Tạng và ở những nơi khác - cần phải có được một nền giáo dục tốt để dân Tây Tạng có thể đứng vững trên đôi chân của mình khi có cơ hội.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với cộng đồng Tây Tạng ở Birmingham, Alabama vào 26 tháng 10, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
Ngài lưu ý rằng, nhiều người Tây Tạng đã đến Mỹ để kiếm tiền. Ngài khuyến khích họ theo đuổi mục tiêu đó, nhưng cũng kêu gọi họ sử dụng sự giàu có của mình cho mục đích vì lợi ích chung của cộng đồng. Chuyển sang vấn đề văn hóa, Ngài nói:
“Tôi là một người tị nạn đã gặp gỡ được nhiều người ở những nơi khác nhau trên thế giới. Sự giáo dục của tôi là trong bối cảnh của Phật giáo, nhưng cho dù tôi gặp gỡ bất cứ ai, thì tôi cũng không hề cảm thấy thua kém họ. Điều này là nhờ vào sự phong phú của truyền thống chúng ta. Đó là một truyền thống sâu sắc. Trong quá khứ, du khách đến Tây Tạng chỉ xem nền văn hóa của chúng ta chỉ đơn thuần là kỳ lạ, nhưng truyền thống này là từ Nalanda mà chúng ta đã từng gìn giữ; nó thật sâu sắc và có giá trị; và cần được xem như là một phần của di sản thế giới của chúng ta. Ngay cả ở mức độ cá nhân, nó thật rõ ràng đối với tôi rằng, nếu bạn có một tâm hồn bình yên thì đó cũng là một sự đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe thể chất của bạn!”.
Đề cập đến những người biểu tình ủng hộ Shugden trên đường phố, Ngài lưu ý rằng họ đang thực hiện quyền tự do ngôn luận. Và vì đám đông này của người Tây Tạng đã đến để chứng minh rằng họ cũng có quyền đó, thế nên Ngài muốn nói “Cảm ơn quý vị”. Tuy nhiên, vì không có chương trình thuyết Pháp ở đây, Ngài nghĩ rằng Ngài có thể nói vài lời trong cuộc gặp gỡ này. Ngài nhắc đến một trích dẫn của Ngài Nguyệt Xứng rằng: “Cũng giống như những tia nắng mặt trời làm hé nở những đóa sen, lời dạy của Đức Phật sẽ xua tan bóng đêm của trần thế”. Tuy nhiên, Ngài nói thêm:
“Chư Phật không rửa sạch nghiệp chướng của những chúng sanh khác,
Cũng không loại bỏ những hậu quả bằng chính đôi tay của mình,
Không cấy ghép sự hiểu biết của mình vào tâm thức người khác.
Ngài hướng dẫn chúng sanh giải thoát bằng cách giảng dạy họ về Sự thật”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chụp hình với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng trong cuộc gặp gỡ tại Birmingham, Alabama vào 26 tháng 10, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
Ngài nói rằng Tứ Diệu Đế giải thích về nguyên nhân và kết quả của khổ đau và con đường đưa đến hạnh phúc. Đây là truyền thống Phật giáo độc đáo chung cho cả hai truyền thống Pali và Sanskrit. Ngoài ra, truyền thống Sanskrit còn trình bày về Nhị Đế, thu hút sự chú ý đến những khác biệt giữa hình thức và sự thật. Điều này có sự tương đồng khá gần gũi với quan điểm của Vật lý Lượng tử rằng khi bạn tìm kiếm sự thật một cách khách quan thì nó không thể được tìm thấy.
Ngài đã hướng dẫn mọi người cùng nhau tụng bài Kệ phổ biến về quy y Phật, Pháp, Tăng và phát Bồ đề tâm. Ngài đã ban khẩu truyền về thần chú của Đức Phật, Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù và Tara trước khi chụp ảnh với các phân nhóm khác nhau của nhóm.
Tại Nhà hát Alabama gần đó, Thị trưởng William Bell đã chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông nói với khán giả của khoảng 2000 người rằng, ông đã hy vọng Ngài có thể tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 của Birmingham. Ông đã sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng những cuộc hẹn trước đã ngăn cản sự quang lâm của Ngài; và ông sẽ vui vẻ đón nhận lời nói rằng Ngài muốn đến vào một lúc khác.
Người điều hành - Bob Selman - đã giới thiệu tóm tắt nhóm thành viên tham gia hội thảo: Imam Khalid Latif - Cha tuyên úy cho Đại học New York; Đức Cha Eric Andrews - Chủ tịch Hội Đức Cha thuộc dòng Phaolô; Serene Jones, Hiệu Trưởng thứ 16 của Trường Dòng Thần học Liên minh lịch sử ở thành phố New York, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo trường; Đức Cha Carl Wright - Chủ tịch Bộ Đô Thị và Giám đốc điều hành của Inc là một tập đoàn truyền thông Kitô giáo; Rabbi Shmuley Boteach -một học giả Do Thái Chính thống nổi tiếng của Mỹ; và một tu sĩ Phật giáo đơn giản, bậc lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng và là người đạt giải Nobel Hòa bình - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Selman giải thích về một dạng thức mà ông muốn làm theo, đó là đặt một câu hỏi cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; và sau đó cũng yêu cầu một trong những thành viên khác của nhóm hội thảo bổ sung thêm ý kiến của họ.
Ông bắt đầu bằng cách giới thiệu tác phẩm trứ danh của Martin Luther King Jr “Thư đến từ Ngục tù Birmingham”; trong đó nói rằng nếu quá thường xuyên 'chờ đợi' có nghĩa là 'không bao giờ'. Ông hỏi đến mức độ nào chúng ta nên kiên nhẫn hay thiếu kiên nhẫn đối với quyền con người. Ngài trả lời:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong cuộc đối thoại liên tôn giáo “Vượt lên trên Tín ngưỡng” tại Nhà hát Alabama ở Birmingham, Alabama vào 26 tháng 10, 2014. Ảnh / Liesa Cole |
“Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và đây là quyền cơ bản của chúng ta. Nhưng để đạt được hạnh phúc, những nỗ lực của chúng ta cần phải thực tế, nếu chúng không thực tế thì chúng ta sẽ không đạt được kết quả khả quan. Chúng ta cần phải nhìn vào tình hình từ mọi góc độ để đánh giá mục tiêu của mình. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng về việc liệu nó có thể đạt được hay không, chúng ta cần phải đánh giá liệu nó có thể được thực hiện trong một thời gian ngắn hay dài. Nếu điều đó có thể được thực hiện dễ dàng thì chúng ta nên làm. Nếu điều đó sẽ mất thời gian hơn, chúng ta nên kiên nhẫn. Chúng ta phải trung thực và chân thành, đức tính ấy sẽ thu hút sự hỗ trợ tinh thần khi mọi người đến để tin tưởng chúng ta. Sự kiên nhẫn khi chúng ta chờ đợi để có hành động là một loại tâm từ bi. Mặt khác, sự thiếu kiên nhẫn có thể là nguồn gốc của sự thất bại”.
Ngài nói rằng Ngài yêu thích người Mỹ về tính thẳng thắn của họ; nhưng cho biết rằng, Ngài đã nhận thấy một số người trẻ có thể rất dễ bị kích động ở nơi mà tốt hơn hết là nên duy trì sự bình tĩnh. Đức Cha Wright cho rằng - Birmingham, lúc Tiến sĩ King viết bức thư của mình - là một nơi mà 'bất công là luật thống trị’.
Câu hỏi tiếp theo đề cập đến tầm quan trọng của lòng từ bi. Ngài nói với khán giả về mẹ của mình. Rằng, mặc dù là vợ của một nông dân thất học, bà đã vô cùng tốt bụng như thế nào. Các con của bà không bao giờ nhìn thấy khuôn mặt tức giận của bà.
“Vì hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta chủ yếu tập trung vào những mục tiêu vật chất, nên chúng ta cần phải tìm cách để dạy về những giá trị nội tâm trong các trường học của chúng ta. Cho dù một truyền thống tôn giáo có tuyệt vời đến đâu chăng nữa, thì nó có thể cũng sẽ không hấp dẫn được đối với tất cả mọi người; vì vậy chúng ta cần một cách phổ quát hơn để dạy về tình nhân ái và lòng từ bi. Những dự án thí điểm như thế này đang được thực hiện tại Vancouver và British Columbia; và tôi đã đề nghị rằng, nếu chúng thành công, thì những kỹ thuật này có thể phổ biến rộng rãi hơn. Con người chúng ta là những động vật mang tính xã hội; Do đó, tình cảm và lòng tốt là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo rằng chúng ta đang sống trong một xã hội hạnh phúc”.
Một thành viên của khán giả đang tham dự cuộc đối thoại liên tôn giáo “Vượt lên trên Tín ngưỡng” với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà hát Alabama ở Birmingham, Alabama vào 26, tháng 10, 2014. Ảnh / Liesa Cole |
Trong phần trả lời của mình, Imam Khalid Latif đã đồng ý với Ngài rằng, không có một tôn giáo nào có quyền sở hữu các giá trị bên trong của chúng ta. Ông kể về câu chuyện của vị thị giả của mình tại lễ kỷ niệm lần thứ 9 của sự kiện 11 tháng 9, cậu mặc đồng phục cảnh sát của mình, nhưng cũng đội chiếc mũ hình sọ cùng với bộ râu của mình. Do Phó Tổng thống Biden xuất hiện và ông thấy mình bị thách thức về những phẩm chất của mình bởi những người đàn ông trong bộ vest đen, bởi vì họ nghĩ rằng, “Tôi không giống như tôi nên có mặt ở đó. Tôi biết nếu tôi nói lại bất cứ điều gì, điều đó có thể làm cho mọi việc tồi tệ hơn. Và một người phụ nữ bên cạnh tôi - người đã mất đi đứa con trai của mình trong thảm kịch đã ủng hộ tôi. Đó là một hành động của lòng từ bi”.
Câu hỏi tiếp theo liên quan đến một trích dẫn từ Cornel West - “Đừng bao giờ quên rằng công lý là những gì trông giống như tình yêu ở nơi công cộng”. Ngài chọn câu chuyện của Imam và bắt đầu bằng cách nói rằng tất cả các tôn giáo lớn đều mang theo bức thông điệp của tình yêu.
“Điều đó bao gồm Hồi giáo, một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Một người bạn Hồi giáo nói với tôi rằng, một người Hồi giáo chính cống phải mở rộng tình yêu cho tất cả các sinh vật của Allah; và rằng, một người gây ra sự đổ máu thì không còn là một người Hồi giáo thực sự nữa. Hơn nữa, định nghĩa thực sự của cuộc thánh chiến là cuộc đấu tranh của chúng ta với những cảm xúc tiêu cực của chính mình. Vào lễ kỷ niệm đầu tiên của sự kiện ngày 11 tháng chín, tôi tình cờ có mặt ở Washington và đã được mời tham dự lễ tưởng niệm. Tôi đã có cơ hội để nói rằng, mặc dù những thủ phạm gây hại của sự kiện bi thảm ấy có nguồn gốc là Hồi giáo, những chúng ta không thể chứng minh cho những khái quát tiêu cực về cả một cộng đồng. Tôi nói rằng trong mọi cộng đồng đều có những kẻ gây hại - cho dù họ là Kitô giáo, Do Thái, Ấn Độ giáo hay Phật giáo. Trên thực tế, có những người bên ngoài ở đây đang biểu tình phản đối tôi, nhưng đó sẽ là sai lầm nếu khái quát về tất cả các Phật tử trên cơ sở hành vi của những người này”.
Ngài nói rằng, công lý là sự tôn trọng quyền của người khác, là khắc sâu trong tâm thức rằng những người khác cũng có quyền được hạnh phúc. Ngài nói rằng nếu chúng ta cảm kích, chúng ta có thể mở rộng tình yêu của mình đối với họ, coi họ là anh chị em của chúng ta. Đức Cha Jones đồng ý, nói rằng công lý là tình yêu trong hành động. Một đoạn trích dẫn tham khảo từ cuốn tiểu thuyết của Harper Lee “Để Giết một Con Chim Nhại” đã nhắc cho Đức cha Andrews nhớ lại lời của luật sư Atticus nói: “Bạn không bao giờ biết một người - cho đến khi bạn đứng trong đôi giày của ông ta và đi bộ xung quanh với đôi giày ấy”; và đối với lời nói của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng - chúng ta cần phải nhớ những sự giống nhau cơ bản của tất cả mọi người và cần lưu ý rằng chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau. Ông nói:
Thánh Đức ĐLLM và các bạn bè trong nhóm hội thảo trong cuộc đối thoại liên tôn giáo “Vượt lên trên Tín ngưỡng” tại Nhà hát Alabama ở Birmingham, Alabama vào 26, tháng 10, 2014. Ảnh / Liesa Cole |
“Nếu bạn làm cho người khác hạnh phúc, bạn sẽ có hạnh phúc. Nếu bạn gây cho người khác bất hạnh, bạn sẽ phải đau khổ”.
Rabbi Boteach thêm vào lời xin lỗi của mình về việc phê bình đối với những người đến muộn rằng, bạn không đến để nghe những lời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mà bạn đến để cảm giác về sự hiện diện của Ngài.
Ông đã thẳng thắn trong bài phát biểu của mình khi nói rằng, ông không có thời gian cho lời khoan dung khi nó được sử dụng để muốn nói rằng bạn chỉ kiên nhẫn chịu đựng người khác. Ông tuyên bố về nhu cầu cần thiết cho một xã hội đa sắc tộc thích hợp sẽ đưa đến một thế giới nhân bản hơn. Ông đề cập đến bạn bè người Do Thái - những người đã nói với ông rằng Hồi giáo là một ý định phong trào bạo lực nhắm vào việc làm tổn hại người Do Thái; và ông đã trả lời với họ rằng, khi người Do Thái bị đuổi ra khỏi bán đảo Iberia vào năm 1492 thì chỉ có những người Hồi giáo Ottoman đã cho họ nương tựa và chính Saladin đã mời người Do Thái trở lại Jerusalem.
Khi một người biểu tình ủng hộ Shugden thuộc NKT / ISC từ một chỗ ngồi phía sau - đột nhiên bắt đầu chất vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, khán giả đã phản đối. Và chính Rabbi đã hét lên để cho ông ta im lặng, quở trách ông ta về việc gây cản trở cho một sự kiện mà cả hàng ngàn người đến nghe; và về sự thô lỗ của việc lăng mạ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma theo cách này.
Sau khi sự yên tĩnh đã được khôi phục, Ngài đã tiếp tục quan điểm rằng liệu chúng ta nên suy nghĩ về một tôn giáo và một sự thật. Ngài nói rằng, cho dù chúng ta có thích hay không, thì vẫn luôn tồn tại những truyền thống tôn giáo khác nhau trên thế giới. Tất cả họ đều truyền tải cùng một thông điệp của tình yêu thương, lòng từ bi, sự tha thứ và khoan dung, mặc dù có sự khác nhau trong quan điểm triết học của họ. Ngài kết luận rằng ý tưởng về một tôn giáo, một sự thật là tốt đối với mức độ riêng tư của cá nhân, nhưng trên bình diện của xã hội nói chung, chúng ta cần phải suy nghĩ về một số tôn giáo và một số sự thật.
Imam Ashfaq Taufique đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các thành viên hội thảo khác đã đến để tham gia vào cuộc thảo luận liên tôn giáo có giá trị như vậy, và cám ơn Thị trưởng thành phố Birmingham về việc đã tổ chức cuộc thảo luận này.
Nhiều người trong số hơn 10.000 người tham dự cuộc nói chuyện của Thánh Đức DLLM về “Đạo đức thế tục đối với Thời đại chúng ta” tại Regents Field ở Birmingham, Alabama vào 26 tháng 10, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
Sau bữa trưa với những người bạn trong nhóm tham gia hội thảo - là những người khách của Thị trưởng William Bell, Ngài đã được đưa đến sân vận động bóng chày Region Fields - nơi có tới 10.000 người đã tụ tập dưới mặt trời nóng gắt để nghe Ngài nói chuyện về đạo đức thế tục.
Xưng hô họ như những người anh chị em, Ngài đã phát thảo về những điều mà Ngài xem như là ba cam kết của riêng mình. Điều đầu tiên là nhắc nhở mọi người rằng, chúng ta đều như nhau, chúng ta đều là anh chị em thuộc gia đình nhân loại. Điều thứ hai là thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo, nghĩ đến những lợi ích của hàng triệu người qua nhiều thời đại; và ngày nay vẫn xuất phát từ đức tin tôn giáo của họ - cho dù đó là tôn giáo nào. Điều thứ ba, vì chúng ta đều là anh chị em của nhân loại, với những mong ước giống nhau và cùng có quyền để được hạnh phúc, Ngài quan tâm đến việc trình bày sơ qua cách làm thế nào chúng ta có thể đạt được điều đó thông qua đạo đức thế tục dựa trên kinh nghiệm chung, cảm nhận chung và những khám phá của khoa học.
Ngài giải thích rằng, kinh nghiệm chung của chúng ta là, tất cả chúng ta đều sinh ra từ những bà mẹ của mình và lớn lên trong tình cảm yêu thương của bà. Cảm nhận chung cho phép chúng ta nhận thấy rằng, dù nghèo khổ hay khá giả, nếu một gia đình mà có tình cảm thì họ sẽ hạnh phúc, ngược lai, nếu một gia đình bị phá vỡ bằng sự nghi ngờ và lo lắng thì có xu hướng bất hạnh. Những kết quả nghiên cứu khoa học bao gồm sự thu thập chứng cứ cho thấy rằng, có một tâm trí bình tĩnh và trái tim nhiệt tình nhân ái thì sẽ tốt cho sức khỏe thể chất và hạnh phúc - nói chung.
Ngài kết luận:
“Đó là tất cả. Thật là một niềm vinh dự lớn cho tôi được nói chuyện ở đây - trong một thành phố mà Martin Luther King đã từng hoạt động. Tôi đã gặp và nói chuyện với vợ của ông; và vẫn là một người hâm mộ những thành tích của ông. Điều quan trọng là đối với những người trong chúng ta đang sống hôm nay, hãy giữ cho tinh thần của ông được tiếp tục sống động! Xin cám ơn các bạn!”
Ngày mai, Ngài sẽ rời Birmingham để đến Philadelphia và Princeton.