Boston, MA, Hoa kỳ, ngày 30 tháng 10 năm 2014 - Trong ánh sáng mặt trời mùa thu trong xanh quang đãng; sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe một đoạn ngắn từ khách sạn ở Boston đến Nhà hát Wang, một nhà hát được trang trí công phu theo phong cách của thời kỳ phục hưng; đó là một phần của Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật của Thành phố. Ngài đã được thỉnh cầu thuyết Pháp bởi Hội Giáo Huấn Trí Tuệ - một cộng đồng Phật tử Việt Nam quan tâm đến truyền thống Nalanda, được thành lập vào năm 2009. Ngài đã được ba vị Tăng sĩ Việt Nam cung nghinh một cách trọng thể lên khán đài và được chào đón bởi một đám đông khán giả khoảng 3500 người bao gồm Tu sĩ và nhiều người Việt Nam và Tây Tạng. Buổi thuyết Pháp được bắt đầu với một thời tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Việt, tiếng Phạn và tiếng Anh.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào khán giả trên khán đài tại Nhà hát Wang ở Boston, MA, Hoa Kỳ vào 30 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell |
“Các anh chị em tâm linh thân mến!” Ngài bắt đầu, mỉm cười, “Tôi cảm thấy rất vinh dự được ở đây với các bạn và vô cùng biết ơn các bạn đã mời tôi. Có những cộng đồng người Việt ở nhiều nước, cũng là những người tị nạn như chúng tôi. Và cũng giống như chúng tôi, các bạn đã thực hiện những nỗ lực để giữ cho nền văn hóa và truyền thống tôn giáo của mình được tồn tại sống sót. Giữ gìn truyền thống Phật giáo không phải chủ yếu là xây dựng các chùa chiền hoặc các bức tượng, mà là giữ gìn những điều đang diễn ra ở đây trong trái tim bạn. Về cơ bản, nó liên quan đến tình yêu thương vô biên, lòng vị tha kết hợp với trí thông minh nhân loại tuyệt vời của chúng ta. Phương pháp thích hợp là thông qua sự nghiên cứu và phân tích. Đặc biệt là trong thế kỷ 21, chúng ta nên nghe theo lời khuyên của Đức Phật không phải chỉ qua lời nói có giá trị bề ngoài của Ngài, mà là phải nghe bằng cách kiểm tra và nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ để thử nghiệm với những gì Ngài đã dạy”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài sẽ giải thích về “Tám Bài Kệ Luyện Tâm”. Ngài nói rằng phương thức cơ bản của con đường Phật giáo đưa đến sự giác ngộ đã được trình bày như Tứ Diệu Đế. Đó là sự mô tả về khổ đau và nguồn gốc của khổ đau; sự chấm dứt khổ đau và con đường dẫn đến sự chấm dứt ấy; là hai nhóm của nguyên nhân và hậu quả. Đau khổ phát sinh như là kết quả của những nguyên nhân và điều kiện. Sự chấm dứt đau khổ - không đề cập đến niềm vui bình thường mà là niềm hạnh phúc dài lâu - cũng phát sinh do các nguyên nhân và điều kiện. Những lời dạy trong Tứ Diệu Đế là chung cho tất cả các trường phái Phật giáo. Giáo lý này được dạy trong lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên; trong khi lần Chuyển Pháp Luân thứ hai liên quan đến Giáo Lý Bát Nhã Ba La Mật; và lần Chuyển Pháp Luân thứ Ba được điển hình bằng các Kinh điển về sự Phân tích Tư Duy.
Bát Nhã Tâm Kinh thuộc về Kinh Bát nhã Ba La Mật; dạy về phương pháp làm thế nào để hiểu được Sự Thật. Ngài nhận xét rằng, trong khi chúng ta có xu hướng nghĩ về các pháp như những thực thể riêng biệt bên ngoài, thì sự giải thích về tánh Không đã làm nới lỏng quan niệm sai lầm này. Hiểu được Tánh Không sẽ loại trừ được vô minh - nguồn gốc của đau khổ. Sự giải thích về “Vô Ngã” là độc nhất vô nhị đối với Phật giáo.
“Khi Tâm Kinh nói “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” có phải nó biểu đạt ý nghĩa rằng “Sắc” hay “Vật chất” là không tồn tại?”, Ngài hỏi. “Không phải thế! bởi vì Sắc là một thứ gì đó chúng ta có thể cảm thấy được; nó tồn tại bằng cách duyên khởi. Khi chúng ta nghiên cứu về Sắc, ta không tìm thấy được nó, bởi vì nó không tồn tại như cách mà nó xuất hiện; nó vốn không có sự tồn tại thực sự. Nó chỉ tồn tại bằng cách định danh phụ thuộc. Bởi vì các hiện tượng tồn tại thông qua duyên khởi, vì vậy Sắc tức là Không”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong buổi thuyết giảng của mình tại Nhà hát Wang ở Boston, MA, Hoa Kỳ vào 30 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell |
Ngài gợi ý rằng, một sự hiểu biết hiệu quả hơn có thể đạt được bằng cách thay thế mình bằng một hiện tượng, suy nghĩ rằng, “tôi chính là không, không chính là tôi”. Ngài cho biết rằng sự trống rỗng và các hiện tượng không phải là những thứ khác nhau, chúng là những khía cạnh của cùng một thực tại. Có một sự tương đồng với sự hiểu biết về vật lý lượng tử.
Ngài lập luận rằng, cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ của chúng ta như tham đắm và sân giận là kết quả của ý thức mạnh mẽ về sự tồn tại vốn có của sự vật. Ngài đề cập đến cuộc gặp gỡ với vị Bác sĩ khoa tâm thần người Mỹ - Aaron Beck - một vài ngày trước và thảo luận với ông ta về sự hiểu biết sâu sắc của ông rằng 90% của ý thức của chúng ta về những phẩm chất hấp dẫn hay tiêu cực của một đối tượng khi chúng ta tham đắm hoặc tức giận chỉ là sự phóng chiếu của tâm thức của chúng ta về đối tượng ấy.
Đây là loại phóng chiếu sai lầm; sự thiếu hiểu biết về tánh Không này đã trói buộc chúng sinh trong vòng sinh tử luân hồi. Ngài nhấn mạnh rằng, chỉ lắng nghe những lời giải thích như vậy thôi thì chưa đủ; chúng ta phải suy tư về chúng thường xuyên và sâu sắc cho đến khi chúng ta hiểu được chúng. Sau khi suy tư như thế, chúng ta phải áp dụng sự hiểu biết đó đối với kinh nghiệm riêng của chúng ta.
Sau khi dùng những món thức ăn Việt Nam đa dạng và ngon tuyệt vào bữa trưa, Ngài lại được các vị Tăng sĩ trân trọng cung đón trở lại vào khán đài. Ngài nói với khán giả rằng Ngài muốn chia sẻ một số điều với họ.
“Là con người, chúng ta có cùng kinh nghiệm về những cảm xúc tiêu cực và tích cực. Chúng ta cũng có một tâm trí con người có khả năng phát triển trí tuệ. Tất cả chúng ta đều có cùng một Phật tánh. Ngài Pháp Xứng nói về những khía cạnh khác nhau liên quan đến một vấn đề. Ví dụ, tôi là một con người cũng như tất cả các bạn, nhưng tôi cũng là một người tôn giáo, một Phật tử. Trong bối cảnh đó, tôi cố gắng để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Vì các khuynh hướng khác nhau của chúng ta nên Đức Phật đôi khi đã thuyết những Pháp khác nhau. Đó là không phải vì Ngài nhầm lẫn hoặc không rõ ràng, cũng không phải là Ngài đã cố gắng để tạo ra sự nhầm lẫn cho các đệ tử của Ngài; mà là Ngài đã dạy theo nhu cầu và năng lực của các môn đệ”.
Ngài nhắc lại rằng Tứ Diệu Đế đã được giảng giải trong lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên, đã được phổ biến đến tất cả các trường phái Phật giáo. Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật trong lần Chuyển Pháp Luân thứ Hai liên quan đến Sáu Ba La Mật, bao gồm cả chánh Kiến về thực tại. Tuy nhiên, trong truyền thống Đại thừa, ngay cả Chánh Kiến cũng có thể được giải thích theo tư tưởng của các trường phái Duy Thức và Trung Quán.
Một số trong số hơn 3500 người tham dự buổi thuyết Pháp của Đức Dalai Lama tại Nhà hát Wang ở Boston, MA, Hoa Kỳ vào 30 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell |
Với sự liên quan đến việc Phật giáo được truyền vào Tây Tạng, Ngài nhớ lại những hình ảnh đầu tiên của Đức Phật được đưa đến vào thế kỷ thứ 7. Sự thiết lập nghiêm túc của Phật giáo đã diễn ra vào thế kỷ tiếp theo - khi Hoàng đế Tây Tạng mời một trong những học giả hàng đầu của Nalanda - Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - đến Tây Tạng. Ngài là một vị Tỳ Kheo, một triết gia và là nhà logic học, những tác phẩm của Ngài đã cho thấy một bộ não hoàn hảo và trí tuệ sắc bén. Ngài đã khuyến khích những người Tây Tạng phiên dịch văn học Phật giáo Sanskrit sang ngôn ngữ riêng của họ là tiếng Tây Tạng, truyền lễ tấn phong và giảng dạy về triết lý và logic. Như vậy, các Kinh điển Phật giáo cổ đại chính thống đã được dịch sang tiếng Tây Tạng, đảm bảo rằng Phật giáo Tây Tạng đã trở thành truyền thống Phật giáo toàn diện nhất, kết hợp được những truyền thống Pali, Sanskrit và Kim Cương thừa.
Trong quá trình truyền bá Phật giáo diễn ra dưới thời của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và Ngài Liên Hoa Sanh được gọi là Nyingma hay truyền thống cổ xưa, bắt đầu vào thời của vị Dịch Giả Rinchen Zangpo, được biết đến như một sự truyền bá mới và bao gồm các truyền thống Kagyu và Sakya. “Tám Bài Kệ” thuộc về truyền thống Kadampa mà dấu vết nền móng của nó bắt nguồn từ Ngài Atisha và Dromtonpa. Các tác phẩm được trước tác bởi Geshe Langri Tangpa, một vị đệ tử của Geshe Potowa và liên quan đến Bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối. Ngài nói rằng Ngài đã được nghe nó từ cả hai vị Gia Sư của mình - Ling Rinpoche và Trijang Rinpoche.
Bài Kệ đầu tiên chỉ cho phương pháp để nuôi dưỡng tâm thức tỉnh. Có hai phương pháp chính, Thất Phần Nhân Quả và Hoán đổi Ngã - Tha. Cả hai Vị - Ngài Long Thọ và Ngài Tịch Thiên đều thích phương pháp sau. Mặc dù “Tám Bài Kệ” là một bản văn sâu sắc, Ngài nói rằng một loạt các tài liệu hỗ trợ là cần thiết để hiểu đầy đủ về nó. Nó đề cập chủ yếu đến lòng đại bi, ý nghĩa rằng không những sự đau khổ của người khác là không thể chịu đựng được đối với bạn, mà nó còn khiến cho bạn cảm thấy mủi lòng, cảm thấy cần phải làm một điều gì đó cho họ. Ngài nói:
“Mặc dù tôi không cho rằng mình đã chứng ngộ được Bồ đề tâm, nhưng tôi có ý tưởng cảm nhận được nó như thế nào. Bồ Đề Tâm đích thực sẽ mang lại một cảm giác tự do, một ý thức sâu sắc của sự được thư giãn, đó là sự khởi đầu của sự hình thành Tâm thật sự.
Bài Kệ thứ hai tự khuyên rằng nên xem những người khác như thượng cấp của bạn. Bài thứ ba khuyên là hãy cảnh giác đối với những cảm xúc phiền não, trong khi bài thứ tư nói về giá trị của việc nâng niu những kẻ quấy rầy gây phiền phức cho mình như những người thân yêu. Bài thứ năm đề nghị hiến dâng phần chiến thắng cho người khác, và kệ thứ sáu khuyến cáo hãy xem kẻ thù như những người bạn tâm linh. Bài thứ bảy giải thích một cách rõ ràng về pháp thực hành của sự cho và nhận bằng cách quán tưởng đón nhận những đau khổ của người khác với lòng bi vĩ đại, trong khi ban tặng hạnh phúc với lòng từ ái vô bờ.
Cuối cùng, hai dòng đầu tiên của bài kệ thứ tám cảnh báo chống lại việc đưa vào tám mối bận tâm của thế gian đối với sự khen - chê và vv. Hai dòng cuối cùng liên quan đến việc nhìn thấy tất cả các pháp như là ảo ảnh.
Sau khi hoàn tất việc đọc các bản văn, Ngài đã hướng dẫn khán giả trong buổi lễ phát Bồ Đề Tâm. Khi Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Bồ Đề Tâm vào trong cuộc sống thực tế hằng ngày trong vài tuần tới, trong vài tháng, năm, thập kỷ và kiếp sau, đời này qua đời khác, thì nhà hát ngập tràn âm thanh của tiếng vỗ tay. Bên ngoài trên đường phố, đám đông hân hoan của người Tây Tạng hoan nghênh sự hiện diện của Ngài và cầu nguyện cho Ngài được sống trường thọ.