Bylakuppe, Karnataka, Ấn Độ, ngày 01 tháng 1, 2014 - Ngay sau khi an tọa trên Pháp Tòa tại Sera Jey hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quay sang một phần của sân bãi - nơi mà hầu hết những người nước ngoài đang ngồi và nói:
“Tôi muốn chúc tất cả các bạn một năm mới hạnh phúc! Mỗi chúng ta hãy thực hiện một sự quyết tâm để trở thành một con người bất bạo động, chân thành, từ bi và tốt bụng hơn; cố gắng để làm cho thế giới của chúng ta trở thành một nơi bình đẳng hơn. Bằng cách đó, chúng ta có thể thực sự làm cho năm nay trở thành một năm hạnh phúc.
Thánh Đức ĐLLM chào mừng các thành viên của khán giả khi Ngài vừa đến vào đầu ngày thứ 8 của đợt thuyết Pháp tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Ấn Độ ngày 01 tháng 1, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Trong lịch của Tây Tạng, hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ 80 ngày Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 viên tịch; và theo phong tục đối với chúng tôi là thực hiện sự cúng dường vào những dịp như vậy. Hãy ghi nhớ điều này trong tâm khi quý vị cầu nguyện và cúng dường thỉnh cầu sự trường thọ cho tôi. Trong số chúng ta ở đây là những Tu sĩ và Cư sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi người chúng ta đã phát triển được ở một mức độ nào đó về đạo đức tâm linh; và mặc dù ý định đầu tiên của quý vị là cầu nguyện cho sự trường thọ của tôi; chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Ganden Tri Rinpoche và tất cả những vị Geshe, Lạt ma và Tulku có trách nhiệm đối với Giáo Pháp cũng được trường thọ. Nói tóm lại là chúng ta hãy cầu nguyện trường thọ cho tất cả những người đang cống hiến cho hạnh phúc của người khác.
“Một nhóm đã tổ chức buổi lễ này là những người đến từ Markham. Gần đây tôi đã gặp một người ở xứ Kham đã kể với tôi về những thử thách của ông trong nhà tù Trung Quốc. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho tất cả những người đang bị giam cầm ở Tây Tạng, cho những người đã qua đời trong nhà tù và những người đang bị đau đớn vì hậu quả của sự hành hình trong tù ngục. Cũng có nhiều trường hợp đã tự thiêu bên trong và bên ngoài Tây Tạng, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã có can đảm từ bỏ cuộc sống của chính mình trong phương cách bất bạo động; bởi vì bằng hành động của mình, họ đã tránh làm tổn hại bất cứ một ai khác.
“Cộng hòa nhân dân Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất trên thế giới - được cho là có 400 triệu tín đồ Phật giáo, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang hoạt động cho sự chuyển hóa ở Trung Quốc, cầu nguyện cho họ được thành công”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng trong những lời cầu nguyện được tụng trong buổi lễ là Lời Cầu Nguyện cho 25 bậc Tiên Phong của Tây Tạng được sáng tác bởi Jamyang Khyentse Wangpo. Ngoài ra còn có Những Lời Chân Lý mà Ngài đã viết sau khi mơ thấy những vị thần linh trong số các Vị Hộ Pháp của Tây Tạng; Lời Khẩn Cầu Mười Bảy vị Học giả Nalanda và Lời Khẩn Cầu các Hóa Thân của Đức Quan Thế Âm.
Người dân từ khu vực Markham của Tây Tạng chờ đợi với những phẩm vật cúng dường là một phần của lễ Trường Thọ cho Thánh Đức ĐLLM tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Ấn Độ vào 01 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Người dân thuộc khu vực Markham cả ở Tây Tạng và những người đang sống lưu vong đều đang tham gia vào Lễ Cúng Dường Trường Thọ ngày hôm nay. Quý vị đã thực hiện những nỗ lực rất vĩ đại và tôi muốn được cảm ơn quý vị! Người dân Markham đã có một mối liên hệ lâu dài với chính phủ Tây Tạng và các Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kể từ thời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm. Quý vị cũng đã cam kết là sẽ vâng theo lời khuyên của các Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong thời gian của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã có một số cuộc xung đột ở Markham, và sau đó thì Ngài đã qua đời”.
Đỉnh điểm của sự cầu nguyện là phẩm vật cúng dường tsog, Mạn đà la và ba biểu tượng của thân, khẩu, ý giác ngộ. Ngoài ra, những người Markham đã dâng tặng Giải Markham Tenshug cho Ngài. Đó là một vật trang trí đáng kể được làm bằng bạc, nó bao gồm một bảng Tây Tạng phản ánh lòng bi mẫn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đối với họ; một quả địa cầu ngụ ý cho sự nỗ lực mang tính quốc tế của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để thúc đẩy nền đạo đức thế tục và sự hòa hợp giữa các tôn giáo; và một bản đồ Tây Tạng mà họ nói rằng nó đồng nghĩa với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đại diện của nhóm đã đọc một bài xưng tán về Ngài và thỉnh cầu Ngài trụ thế trường thọ, trong khi đó cũng nhắc lại mong muốn và ý định của nhóm là sẽ tuân theo lời khuyên của Ngài.
Trong phần đọc của Ngài về bản Lam Rim, Ngài đọc đến phần giải thích cuối cùng của sáu Ba la mật là phần về sự thực hành của Bồ tát. Ngài nhận xét rằng mặc dù sự thiền định và trí tuệ được trình bày một cách riêng biệt, nhưng chúng cần phải được thực hành kết hợp với nhau. Thiền định về tánh Không của tâm thức mà bản chất của nó chính là sự sáng suốt và tỉnh thức, chúng ta cần phải phát triển sự tịch tĩnh của tâm.
Quang cảnh của khán đài chính trong buổi thuyết Pháp của Thánh Đức Dalai Lama nằm trong sân bãi tranh biện tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Ấn Độ vào 01 tháng 1, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Nhiều hành giả dường như không thể phân biệt được sự hôn trầm và trạo cử vi tế. Có một nguy cơ nhầm lẫn sự hôn trầm đối với sự cân bằng thiền định hay sự tịch tĩnh. Mặt khác, trạo cử lại là một khía cạnh của sự tham luyến. Nó quấy nhiễu sự bình an trong tâm thức của chúng ta mà không bị hoàn toàn phá hủy như sự tức giận. Áp dụng sự đối trị quá mức cũng là một nhược điểm như kinh nghiệm đã dạy.
Liên quan đến đối tượng để tập trung vào cho sự phát triển của sự tịch tĩnh; người ta thường sử dụng hình ảnh của Đức Phật. Trước hết là cần phải nghiên cứu hình ảnh này một cách chi tiết và lặp lại nhiều lần để trở nên nhận thức quen thuộc về các chi tiết và các thuộc tính của nó. Có lời khuyên rằng một khi bạn đã quyết định chọn một đối tượng rồi thì bạn không nên thay đổi nó. Ví dụ, nếu bạn bắt đầu tập trung vào hình ảnh của một vị Phật ngồi, thì sau đó bạn không nên quán về một vị Phật đứng. Bạn cũng không nên nghĩ rằng bởi vì bạn đang quán về hình ảnh của một Đức Phật mà vốn dĩ nó không phải là có thật.
“Ngày nay có nhiều thứ mà chúng ta sử dụng đều là tự động và chức năng của nó nằm ở những nút bấm”, Ngài nói. “Thế nên mọi người có xu hướng nghĩ rằng sự giác ngộ cũng có thể đạt được một cách dễ dàng và nhanh chóng. Mặc dù sự thay đổi về thế giới vật chất cũng cần có thời gian; sự thay đổi về thái độ của bạn - bằng cách nào đó - có vẻ dễ dàng hơn. Thực tế là chúng ta đã quá quen thuộc với những cảm xúc phiền não cho nên việc khắc phục và diệt trừ chúng thật chẳng đơn giản tí nào!”
Một hành giả tương lai của thiền tịch tĩnh được khuyên nên ngồi với tư thế kiết già trên một tấm nệm thoải mái và phần phía sau hơi cao lên một chút. Các bàn tay nên đặt trong tư thế thiền định, tay phải nằm trong lòng bàn tay trái. Chóp mũi nên hướng về phía trên phần rốn. Thở một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. Nếu bạn đang bị căng thẳng thì hãy đếm hơi thở của bạn. Phát triển một niềm hoan hỷ trong sự thiền định.
Lời khuyên thêm được đưa ra về phương pháp quán tưởng hình ảnh để tập trung tâm trí. Một hình ảnh nhỏ là tốt nhất, nên quán ở vị trí trán của bạn. Hãy quán tưởng nó một cách sâu sắc để làm giảm sự xao lãng của bạn. Nhưng nếu bạn làm cho tâm mình bị siết chặt quá thì bạn sẽ gây ra căng thẳng ở phần trên của cơ thể.
Ngài thể hiện sự tự tin về việc hoàn thành phần đọc của mình về các bản của Lam Rim “Lời Dạy Thiêng liêng của Đức Văn Thù”; “Dòng truyền thừa Lam Rim Phương Nam”; “Con đường nhanh” vào ngày mai và thực hiện sự tiến triển tôt với “Tinh túy Cam Lồ”. Ngài nói: “Giải thoát trong Lòng Tay” của Phabongka Rinpoche sẽ phải đợi cho đến thời điểm khác.