Bylakuppe, Karnataka, Ấn Độ, 03 Tháng 1 năm 2014 - Bầu trời u ám và lạnh lẽo khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện từ Tu viện Sera Jey vào sáng nay để đi bách bộ đến sân bãi thuyết Pháp. Ngay cả vào đầu giờ sớm như thế mà con đường đã có người xếp hàng kín cả đường với những gương mặt tươi cười khi Ngài đi qua để bắt đầu những nghi lễ chuẩn bị cho Quán đảnh Quán Thế Âm. Ngài đã chỉ thị rằng trong khi Ngài thực hiện các nghi lễ ấy thì chư Tăng nên tham gia tranh biện, và họ đã tranh biện một cách thích thú!
Khi Ngài đã sẵn sàng để giảng dạy, Ngài bắt đầu:
Bậc Đạo Sư vô song của chúng ta, bậc Sư tử của giòng họ Thích Ca, đã xuất hiện trên thế giới này 2600 năm về trước. Tôi muốn thuật lại một cuộc trò chuyện mà tôi đã từng có ở Amritsar tại một cuộc họp liên tôn giáo; cuộc họp đã nêu lên vấn đề rằng Đức Phật đã dạy gì trong bối cảnh với các truyền thống tôn giáo khác. Một học giả Sufi - Sufi là nhà thần bí Hồi giáo nhấn mạnh về tình yêu thương và lòng từ bi - đã nói với chúng tôi rằng tất cả các tôn giáo đều tìm cách trả lời ba câu hỏi: Ngã là gì? Liệu nó có bắt đầu? và nó có kết thúc hay không?
Ganden Tripa Rizong Rinpoche đã dâng cúng phẩm truyền thống vào lúc bắt đầu ngày cuối của kỳ thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Karnataka, Ấn Độ vào 03 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Liên quan đến vấn đề ngã là gì; trước thời kỳ của Phật Giáo, tất cả các truyền thống tôn giáo dường như đã tin vào một cái ngã độc lập, thường hằng, đơn lẻ; nó điều khiển cái tổ hợp của cả thân và tâm của chúng ta. Phật giáo khẳng định rằng không hề có một cái ngã như thế tồn tại. Ý tưởng này xảy ra bởi vì các quan niệm sai lầm bẩm sinh của chúng ta về ngã; rằng nó là đơn lẻ, thường hằng và độc lập. Chỉ có Phật giáo mới không thừa nhận điều này.
“Các tôn giáo hữu thần nói rằng ngã đã được hình thành vào giai đoạn đầu tiên của sự sáng tạo. Tôi hỏi một người bạn, đồng thời cũng là một học giả Thiên chúa giáo rằng, có gì sai nếu như các tín đồ Thiên chúa giáo chấp nhận có kiếp trước? Ông trả lời rằng điều đó không thể được, bởi vì cuộc sống hiện thời này được tạo ra bởi Chúa! Mặt khác, truyền thống vô thần của Số Luận Phái thì lại cho rằng “ngã” không hề có sự bắt đầu. Tôi đã gặp một học giả Ấn Độ giáo, ông ta nói rằng không hề có sự bắt đầu của một cái ngã có ý thức. Trong Phật giáo, không có Đấng Sáng Tạo và không có một cái ngã thường hằng; vì vậy nó cũng không hề có một sự khởi đầu.
“Khi chúng ta hỏi các trường phái hữu thần rằng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết; câu trả lời của họ thường rất mơ hồ và không rõ ràng. Các tín đồ Thiên Chúa Giáo theo truyền thống đã chôn cất xác thân trong một chiếc quan tài để chờ sự phán xét cuối cùng. Một trường phái Phật giáo thấp thì khẳng định rằng tại moksha - sự giải thoát - có sự đoạn tận, cũng giống như một ngọn đèn khi hết dầu thì nó sẽ biến mất.
“Sau đó, cách đây 200 năm hoặc lâu hơn, khoa học đã bắt đầu bước vào cuộc. Ngày nay, một số nhà thần kinh học đã chỉ ra rằng tâm trí và tư tưởng có thể mang lại sự ảnh hưởng đối với não. Ý thức với sự nhận biết một cách rõ ràng có thể ảnh hưởng đến não. Có một số nhà khoa học đã thể hiện sự quan tâm đến những gì mà tôi gọi là Khoa học Phật Giáo”.
Ngài tuyên bố rằng Ngài sẽ truyền Quán đảnh Đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Ngài nói rằng trong sự kết nối với Quán đảnh, Ngài sẽ truyền giới cho các vị Cư Sĩ; hướng dẫn nghi lễ phát Bồ Đề Tâm nguyện đối với sự Giác ngộ; và sau đó là truyền Bồ Tát Giới; điều này phù hợp với tinh thần của Giáo lý Lam rim mà Ngài đã thuyết giảng.
Khi lễ Quán đảnh được hoàn tất, Kalon của Bộ Văn hóa và Tôn giáo, phát ngôn viên của Hội Đại biểu nhân dân Tây Tạng, và cựu Chủ tịch Kashag, Kasur Samdhong Rinpoche đã nói chuyện với hội chúng. Điều này đã gây cảm hứng khiến cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện thêm một lần nữa!
Các thành viên của khán giả trong buổi lễ Quán đảnh do Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền vào ngày cuối của Pháp hội tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Karnataka, Ấn Độ vào 03 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Chúng ta có khá nhiều người Tây Tạng đến từ đất nước Tây Tạng ở đây; và chúng ta được gặp nhau tại một đất nước tự do này. Người dân ở Tây Tạng tiếp tục hy vọng rằng những người lưu vong sẽ không quên họ.
Đã 54 năm kể từ khi chúng tôi đã phải sống lưu vong và 64 năm kể từ năm 1949. Tuy nhiên, tinh thần của người dân Tây Tạng vẫn không hề bị khuất phục. Ngày nay, ngay cả tinh thần của các em nhỏ cũng hết sức mạnh mẽ. Trong khi các nhà lãnh đạo Trung quốc với đầu óc hẹp hòi, bảo thủ, có thể áp dụng quyền lực tàn nhẫn trên khắp Tây Tạng; nhưng tinh thần của người dân Tây Tạng lại càng phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn đến quý vị - những người đang ở đây - đã đại diện cho những người dân Tây Tạng ở Tây Tạng. Tôi nghĩ rằng quý vị và tinh thần của quý vị quả là quá tuyệt vời!
“Trước khi Phật giáo đến Tây Tạng, chúng ta đã không ngần ngại chiến đấu, nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của Phật giáo trong đất nước chúng ta, chúng ta đã có một nền văn hóa Từ bi; đó là tiềm năng hữu ích đối với thế giới ngày nay. Người phương Tây và người Trung Quốc đã du lịch đến Tây Tạng, họ thấy rằng người Tây Tạng quả là những người từ bi đặc biệt. Tuy nhiên, tôi đã nghe nói rằng có một số người đang trở nên tham nhũng. Chúng ta nên cố gắng giữ gìn và nâng cao uy tín của mình trong cái nhìn của thế giới. Chúng ta cần phải giữ gìn tiếng tốt của mình cho nguyên vẹn. Và những người trong số lưu vong của chúng ta cũng cần phải ghi nhớ điều này!
“Chúng ta đang duy trì sự liên kết lại với nhau nhờ vào ngôn ngữ và văn hóa của mình. Phật giáo là một phần quan trọng của bản sắc của chúng ta, vì vậy, là người Tây Tạng chúng ta nên quan tâm đến Phật Giáo. Các bạn người nước ngoài đang thể hiện sự quan tâm tới Phật giáo Tây Tạng cũng có thể trợ giúp; bởi vì tôn giáo và văn hóa của chúng tôi đang ở vào một giai đoạn mang tính quyết định. Chúng có được tồn tại hay không là điều không dễ gì nói được.
“Tôi đã thử tất cả mọi cách để theo đuổi sự nghiệp chính nghĩa của chúng tôi. Chúng ta cần phải xây dựng một thế giới công bằng hơn thông qua hòa bình và bất bạo động. Khi chúng ta phải đối mặt với những vấn đề rắc rối, ta nên áp dụng tinh thần bất bạo động. Chúng ta cần đối thoại, ngồi xuống với nhau để nói chuyện về các vấn đề để thông qua. Thế kỷ 20 đã là thời kỳ của bạo lực. Thế kỷ 21 cần phải là một thời kỳ của tinh thần bất bạo động. Các bạn ở nước ngoài, những người đang thể hiện sự quan tâm và tình hữu nghị ở đây hôm nay, hãy làm cho người dân ở những quốc gia của các bạn nhận thức được tình hình ở Tây Tạng. Hãy nhớ rằng, như tôi thường nói, những người bạn như các bạn không ủng hộ cho Tây Tạng nhiều bằng ủng hộ cho công lý. Xin cảm ơn các bạn!”