Bangalore, Karnataka, Ấn Độ, 05 tháng 1 năm 2014 - Hôm nay Ngài đã được mời tham dự Hội nghị “Hiệu Trưởng của Tất cả Ấn Độ” của những Lãnh đạo của các trường Anh-Ấn ở Ấn Độ được tổ chức tại Trường Bishop Cotton, Bangalore. Ngài đã được vị Hiệu Trưởng của trường - John Zacharia- ân cần tiếp đón khi Ngài vừa đến nơi; ông đã giới thiệu Ngài với các thành viên tham gia của nhóm đồng nghiệp; trong đó có vị Khách mời Danh dự - ông Nandan Nilekani - là một Cựu Nam sinh của trường.
Thánh Đức ĐLLM được Hiệu Trưởng John Zacharia tiếp đón khi Ngài vừa đến tại trường Bishop Cotton ở Bangalore, Ấn Độ vào 5 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong phần phác thảo các mục tiêu và phạm vi của các cuộc thảo luận buổi sáng, Hiệu trưởng Zacharia tán dương lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban cho vào đầu năm nay tại Đại học Emory: “Giáo dục là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một thế giới hòa bình hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta cần phải phác thảo một nên giáo dục mà nó có thể cống hiến cho cả về kiến thức và một tâm hồn lành mạnh; và tạo ra một ý thức về lòng từ bi đáp ứng cho tất cả nhân loại”.
Nhận thức được bóng tối của vô minh, Ngài được thỉnh tham gia vào lễ khai mạc hội nghị bằng việc thắp sáng ngọn đèn của kiến thức. Sau đó, Nandan Nilekani đã phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục - nói chung - trong việc cải thiện thế giới; ngoài ra cũng còn đề cập đến tầm quan trọng của sự đổi mới và không ngừng học ôn trở lại. Khi đến lượt mình phát biểu, Ngài đã bắt đầu theo cách thông thường của mình:
“Kính thưa các anh chị em, đây là cách mà tôi thích xưng hô với bất cứ ai mà tôi được nói chuyện với họ, bởi vì tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Nếu tôi nhấn mạnh rằng tôi là người Tây Tạng, là Phật tử, hoặc nếu tôi có giả định về sự hiện diện của bản thân mình là “Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma” thì điều đó sẽ tạo ra một khoảng cách giữa tôi và các bạn. Nó tạo ra một sự cô đơn trong tâm trí của tôi, và có nguy cơ sẽ dẫn đến một thái độ đạo đức giả. Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi để có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của tôi với các bạn! Mặc dù các bạn có uy tín và kinh nghiệm trong nền giáo dục hiện đại, trong khi tôi chưa từng tham dự - ngay cả một bài học!
“Là con người, tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc; chúng ta muốn những ngày của chúng ta được hạnh phúc và thậm chí ta còn muốn có những giấc mơ hạnh phúc. Hơn nữa, chúng ta có quyền để đạt được hạnh phúc như vậy. Để thực hiện điều đó, tôi tin rằng chúng ta cần phải phát triển một ý thức rõ ràng hơn về sự hợp nhất của nhân loại; về những điểm chung mà chúng ta có được. Nhiều trong số những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hôm nay là do chính chúng ta tạo ra. Ý nghĩ về “chúng ta” và “bọn họ” đã dẫn đến bạo lực và lừa dối. Nó cũng đưa đến sự tham nhũng. Nếu bạn tôn trọng người khác và có một mối quan tâm cho hạnh phúc của họ thì điều này sẽ không xảy ra.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Hiệp hội các Lãnh đạo của các trường Anh-Ấn tại Hội nghị thường niên lần 92 của Ấn Độ tại trường Bishop Cotton ở Bangalore, Ấn Độ vào 05 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Về vấn đề bạo lực, nếu chỉ với một mình sự cầu nguyện thôi, thì sẽ không thể chấm dứt nó được. Bạo lực xảy ra vì chúng ta thiếu sự bình an của nội tâm. Và rõ ràng, chúng ta chỉ có thể tạo ra hòa bình trên thế giới trên cơ sở bình an nội tâm của chúng ta. Sự xáo trộn chính trong tâm trí của chúng ta đưa đến sự phân chia con người thành “bọn họ” và “chúng tôi” đó chính là thái độ tự cho mình là quan trọng hơn tất cả. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau”.
Ngài trích dẫn những thảm họa đang xảy ra như một kết quả của sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, không phân biệt quốc gia và những ranh giới khác. Nếu không có một ý thức về sự hợp nhất của nhân loại thì những vấn đề do con người tạo ra sẽ chỉ có tăng thêm lên mà thôi.
Ngài nói rằng, là một Phật tử và là người đã nghiên cứu và thực hành theo truyền thống Nalanda, Ngài đã phát triển một sự tôn trọng vĩ đại đối với các truyền thống tôn giáo khác. Tất cả họ đều truyền tải một bức thông điệp của tình yêu thương, lòng khoan dung, tính kỷ luật và sự tri túc. Họ bày tỏ những quan điểm triết học khác nhau bởi vì con người ở những nơi khác nhau, sống trong những điều kiện khác nhau sẽ có những khuynh hướng khác nhau. Các truyền thống tôn giáo chống lại sự tức giận và hận thù bằng sự khoan dung và tha thứ. Vì sự tức giận thường liên quan đến sự ham muốn quá mức và luyến chấp cho nên tôn giáo đã dạy về tinh thần tri túc (bằng lòng với những gì mình đang có). Vì lợi ích chung là mục tiêu của họ, thế nên chúng ta cần phải nỗ lực để loại bỏ xung đột trong vấn đề nhân danh tôn giáo.
Ấn Độ là một ví dụ điển hình sống động cho thấy rằng điều này có thể thực hiện được. Hơn cả ngàn năm qua, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đã phát triển mạnh mẽ ở đất nước này và đã sống một cách hòa bình bên cạnh nhau.
“Trong khi đó”, Ngài nói thêm, “anh chị em Thiên Chúa giáo đã thực hiện sự đóng góp lớn nhất cho nền giáo dục trên toàn thế giới. Đôi khi điều này dường như đã được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành truyền giáo. Chẳng hạn như, tôi được biết rằng các Hội truyền giáo Thiên Chúa Giáo Hàn Quốc ở Mông Cổ đã cố gắng để chuyển đổi tôn giáo đối với những người dân địa phương. Tôi nói với họ rằng đây là một quốc gia Phật giáo và trong khi họ đang ngưỡng mộ sự giúp đỡ của bạn về y tế và giáo dục; thật là không thích hợp tí nào nếu như họ phải trả giá bằng một sự chuyển đổi tôn giáo! Tôi đã có rất nhiều cuộc nói chuyện ở nước ngoài, ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Âu và vân vân, nhưng khi tôi nói trong một quốc gia Do Thái-Thiên chúa giáo, tôi đã làm sáng tỏ rằng tốt hơn hết là họ nên trung thành với tôn giáo mà họ đã được sinh ra.
Các học sinh lắng nghe Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Hiệp hội các Lãnh đạo các trường Anh-Ấn tại Hội nghị thường niên lần 92 của Ấn Độ tại trường Bishop Cotton ở Bangalore, Ấn Độ vào 05 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tôi muốn kể với quý vị một câu chuyện liên quan đến vấn đề này. Trong thập niên 1960, công việc duy nhất của hầu hết những người tị nạn Tây Tạng là xây dựng đường xá. Đó là một công việc rất vất vả; và đối với gia đình của một cựu quan chức chính phủ Tây Tạng mà tôi quen biết; mọi việc đã trở nên hết sức khó khăn khi ông qua đời. Sau một thời gian vợ ông đến gặp tôi và giải thích rằng cô đã được các nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo giúp đỡ rất nhiều; họ đã quan tâm đến vấn đề giáo dục cho con cái của cô ta. Cô ấy đã nói với tôi: “Vì vậy, kiếp này con sẽ là một tín đồ của Thiên Chúa Giáo, nhưng kiếp sau con sẽ là một Phật Tử”. Quý vị thấy không! Đây là hình ảnh của một sự nhầm lẫn!
“Có một nền tảng vững chắc để xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta. Mặt khác, tôi đã nhìn thấy những bản báo cáo rằng trong số 7 tỷ người đang sống hiện nay, đã có 1 tỷ người tuyên bố rằng mình không có niềm tin tôn giáo. Và thẳng thắn mà nói, ngay cả trong số những người cho rằng mình có đức tin, thì sự thực hành của họ cũng không phải là rất chân thành. Tinh thần của những lời mà họ cầu nguyện dường như không được mang vào áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của họ. Lời cầu nguyện hàng ngày của họ hầu như là: “Làm ơn hãy ban phước cho tôi để những hoạt động tham nhũng của tôi được thành công”.
“Tôi đã gặp một người tị nạn Cuba mộ đạo đã nói với tôi rằng ông cầu nguyện mỗi ngày rằng: Xin Chúa hãy đưa Fidel Castro1 lên thiên đàng càng sớm càng tốt! Có lẽ chúng ta cũng nên cầu nguyện rằng ông ấy hãy đem sự tham nhũng lên thiên đường càng sớm càng tốt luôn!”
Một lần nữa, Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với di sản thế tục của Ấn Độ, một chủ nghĩa thế tục mà thậm chí còn mở rộng đối với các vị thầy của truyền thống chủ nghĩa Hư Vô - Khoái Lạc của Charvakas như những bậc Thánh nhân hay các nhà Hiền Triết. Bởi vì đây là một xã hội đa tôn giáo, nó có một hiến pháp thế tục thể hiện sự tôn trọng tất cả các tín ngưỡng và không tín ngưỡng, mà không có sự thiên vị. Ngài nói rằng một phương pháp thế tục như vậy nên là cơ sở cho đạo đức thế tục ngày nay.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Hiệp hội các Lãnh đạo của các trường Anh-Ấn tại Hội nghị thường niên lần 92 của Ấn Độ tại trường Bishop Cotton ở Bangalore, Ấn Độ vào 05 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài khuyên rằng chúng ta nên xem xét ý nghĩa thông thường và kinh nghiệm chung của chúng ta. Chúng ta đều được sinh ra từ các bà mẹ của mình và được hưởng lợi từ tình cảm của mẹ. Những ai trong chúng ta được nuôi dưỡng bằng tình cảm đó thì khi lớn lên sẽ trở thành một người vui vẻ, tự tin; trong khi đó; những người bị thiếu thốn những tình cảm như vậy sẽ có xu hướng mang một cảm giác bất an, sợ hãi và sự mất lòng tin vào cuộc sống sau này của họ.
Ngài nói rằng chúng ta có một khả năng thể hiện tình cảm và quan tâm đến người khác bởi vì chính chúng ta đã có một kinh nghiệm đầu tiên về tình cảm. Kết quả nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng sự sợ hãi, tức giận và hận thù sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta; trong khi một tấm lòng từ ái sẽ cải thiện sức khỏe về thân thể của mình.
Ngài gợi ý rằng chúng ta chỉ có thể chuyển hóa con người và tạo ra một thế giới từ bi hơn, hạnh phúc hơn thông qua sự giáo dục. Đó là lý do tại sao Ngài đặt tầm quan trọng vào việc thúc đẩy ý thức đạo đức thế tục trong bối cảnh của nền giáo dục thế tục. “Đối với tôi, dường như nền giáo dục hiện đại chủ yếu là thiên về mặt vật chất và cổ vũ các giá trị vật chất. Chúng ta phát triển một bộ não thông minh thông qua nền giáo dục như vậy, nhưng chúng ta cũng cần phải phát triển một trái tim nhân hậu để cho nền giáo dục của chúng ta không trở nên quá coi trọng chính bản thân mình”.
Ngài tiếp tục nói rằng tham nhũng là căn bệnh ung thư của thế giới hiện đại. Nó cần phải được khắc phục; không được thờ ơ hoặc bỏ qua. Ngài nhớ lại một lần nói chuyện với một Nghị sĩ ở Orissa và than phiền về việc thiếu sự giúp đỡ dành cho người nghèo. Vị Nghị sĩ này nói với Ngài rằng sự cung cấp đã được thực hiện, nhưng hầu hết số tiền này đi vào túi của những người khác. Ông cho biết đây cũng là trường hợp xảy ra ở Trung Quốc.
“Vì lợi ích của xã hội, chúng ta phải giáo dục mọi người về những giá trị nội tâm cơ bản. Đây là một đất nước có truyền thống lâu đời về tinh thần bất bạo động. Chúng ta cần phải hiểu rằng tham nhũng là một hình thức của bạo lực”.
Thánh Đức ĐLLM trả lời câu hỏi của khán giả trong Hiệp hội các Lãnh đạo của các trường Anh-Ấn tại Hội nghị thường niên lần 92 của Ấn Độ tại trường Bishop Cotton ở Bangalore, Ấn Độ vào 05 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Một câu hỏi từ phía khán giả lưu ý rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về tầm quan trọng của sự bình yên trong tâm hồn; và hỏi: “Làm thế nào để đạt được?” Ngài trả lời rằng nó đòi hỏi sự giáo dục và rèn luyện. Cần phải hiểu được rằng sự giận dữ chẳng bao giờ giúp để giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Nó phá hủy sự bình yên trong tâm trí của chúng ta và làm mờ đi khả năng suy nghĩ sáng suốt của chúng ta. Sự giận dữ và tham đắm là những cảm xúc đã làm sai lệch quan điểm của chúng ta đối với thực tại. Ngài nói rằng một nhà tâm lý học người Mỹ đã từng nói với Ngài rằng, khi người ta đang tức giận, họ xem các đối tượng của sự giận dữ của họ là hoàn toàn tiêu cực, nhưng thật ra 90% của sự tiêu cực này chỉ là do sự phóng chiếu của tâm thức. Việc áp dụng một phương pháp phi hiện thực như thế sẽ không mang lại những kết quả hạnh phúc.
Ngài nhớ lại một dịp từ kinh nghiệm của chính mình khi Ngài phát hiện ra việc áp dụng sự rèn luyện tâm thức là rất hữu ích cho cá nhân. Ngày 10 tháng 3 năm 2008, nhân dịp lễ kỷ niệm của ngày Lhasa khởi nghĩa năm 1959, Ngài đã nhận được thông tin rằng các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Tây Tạng. Ngài nói rằng Ngài cảm thấy sợ hãi và bất lực về sự trả thù mà có khả năng sẽ xảy ra. Ngài đã áp dụng một phương pháp bằng cách tưởng tượng rằng Ngài đã lấy đi sự giận dữ, hận thù và bạo lực từ các quan chức có liên quan của Trung Quốc; và mang lại cho họ tình yêu thương và lòng từ bi. Ngài nói rằng trong khi điều này không có tác dụng thực tế trên chiến trường nhưng nó đã giúp cho Ngài duy trì được sự bình yên trong tâm thức của mình.
Ngài trích dẫn lời của Ngài Tịch Thiên, một Luận Sư Phật giáo Ấn Độ ở thế kỷ thứ 8; lời khuyên hữu ích của ngài là hãy phân tích cuộc khủng hoảng mà bạn đang phải đối mặt. Nếu bạn tìm ra một giải pháp cho nó thì không cần phải lo lắng gì cả! Mặt khác, nếu bạn không tìm được giải pháp nào thì sự lo lắng cũng không có ích gì. Ngài trích dẫn lời khuyên này như là một ví dụ điển hình về cách mà chúng ta cần phải sử dụng ý thức thông thường và trí thông minh của mình. Ngài nói rằng sự thay đổi bắt đầu từ mỗi cá nhân.
“Hãy thay đổi chính mình! Và hãy nghĩ đến hạnh phúc của người khác! Hãy chia sẻ quan điểm này với gia đình và hàng xóm của bạn! Thông qua hệ thống giáo dục sẽ có hy vọng thay đổi được xã hội. Đó không phải là điều mà sẽ được thực hiện bởi chính phủ hoặc các tổ chức khác; nó bắt đầu từ cá nhân của mỗi người”.
Trong phần kết luận, Ngài đánh giá cao sự đóng góp của các trường Anh-Ấn đối với Ấn Độ. Ngài lưu ý rằng Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất và đông dân nhất thế giới; và chính nền dân chủ, luật pháp, sự tự do ngôn luận và tự do báo chí đã làm cho đất nước này ổn định hơn nhiều so với một số nước láng giềng. Ngài bày tỏ niềm tin tưởng của mình rằng với sự tự tin, trung thực và minh bạch, Ấn Độ sẽ xây dựng một tương lai thành công.
(Video về cuộc nói chuyện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và phần trả lời câu hỏi từ khán giả có thể xem tại