New Delhi, Ấn Độ, ngày 21 tháng 3 năm 2014 - Thay mặt cho Hội Trách Nhiệm Toàn Cầu, Rajiv Mehrotra đã chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài đến gặp một nhóm khoảng 320 người ở New Delhi hôm nay. Ông nói rằng họ đã may mắn và vinh dự được có Ngài hoan hỷ đến với họ một lần nữa và xin hồi hướng bất cứ công đức hoặc chút trí tuệ nào có thể phát sinh từ kết quả này cho lợi ích của tất cả chúng sinh muôn loài. Trong phần trả lời của mình, Ngài chào đón tất cả mọi người, nói rằng thật là tốt khi gặp lại rất nhiều bạn cũ. Khi Ngài hỏi có bao nhiêu người mới đến lần đầu tiên, số những cánh tay đưa lên cho thấy khoảng hai phần ba số người. Ngài nói:
“Tôi thường coi mình chỉ là một tu sĩ Phật giáo và như một con người, một trong 7 tỷ người đang sống hôm nay. Không có sự khác biệt giữa chúng ta; tình cảm, thể chất và tinh thần của tất cả chúng ta đều như nhau. Chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Để làm được điều đó chúng ta cần phải phát triển sự an bình của nội tâm, điều này cũng đòi hỏi kiến thức về tâm trí và cảm xúc. Đó là những gì mà chúng ta đang có mặt ở đây ngày hôm nay để thảo luận”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trong buổi thuyết pháp của mình tại New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài đã nói về cam kết của mình để thúc đẩy hòa bình nội tâm bằng cách hòa nhập đạo đức thế gian vào cuộc sống của chúng ta mà không cần phải phụ thuộc vào đức tin. Ngài nói thêm, tuy nhiên, đức tin - có thể là tin vào Đức Chúa hay như Kỳ Na Giáo và Phật tử thì tin vào luật Nhân quả - có thể sẽ hữu ích trong việc phát triển hòa bình của nội tâm. Ngài giải thích rằng trong Phật giáo, truyền thống Pali đại diện cho nền tảng cơ bản của Giáo lý, còn truyền thống Phạn ngữ thì dựa trên nền tảng đó mà nhấn mạnh về lòng vị tha vô hạn và sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự thật dựa trên nền tảng đó.
Trước khi mời tất cả mọi người tham gia tụng phần “Xưng tán 17 vị Đạo Sư của Nalanda”, Ngài giải thích rằng Ngài đã sáng tác nó không những chỉ để tôn vinh Tám bậc Luận Sư có nguồn gốc từ Ấn Độ bao gồm Sáu Bậc Trang Hoàng và Hai Bậc Thượng Sư - Long Thọ, Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xứng, Đức Quang, và Thích Ca Quang, mà còn tôn vinh cả Ngài Phật Hộ, Thanh Biện, Nguyệt xứng, Tịch Thiên, Thiện Hải Tịch Hộ, Liên Hoa Giới, Giải Thoát Quân, Sư Tử Hiền và Atisha. Ngài nói rằng Ngài xem những bậc thầy này là những Giáo sư của Đại học Nalanda, các tác phẩm của họ đã có ảnh hưởng lớn đến truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Phương pháp nghiên cứu nghiêm ngặt của họ đã được minh họa bởi Ngài Long Thọ và Nguyệt Xứng; các vị này đã kiểm chứng những lời của Đức Phật và lưu ý rằng bất cứ nơi nào có những lý luận mâu thuẫn nhau thì không nên hiểu chúng theo nghĩa đen. Ngài cảm thấy rằng đây là một phương pháp rất khoa học.
Sự đối thoại với các nhà khoa học hiện đại trong hơn ba mươi năm qua đã dạy cho Phật tử Tây Tạng rất nhiều về thế giới vật chất, điều này đã mang lại những lợi ích to lớn. Tuy nhiên, nó cũng đã để lộ ra rằng tâm lý học hiện đại vẫn chỉ có một sự hiểu biết rất cơ bản về tâm thức. Ngài lưu ý:
“Là con người, chúng ta cần phải thực hiện một nỗ lực để thúc đẩy nhận thức rằng nguồn gốc tối hậu của một cuộc sống hạnh phúc là bên trong nội tâm của mỗi chúng ta. Trong khi đó, các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng một tâm hồn hạnh phúc là điều cần thiết nếu chúng ta muốn có sức khỏe về thể chất. Những tình cảm mà ta nhận được từ khi còn là đứa bé sơ sinh từ các bà mẹ của chúng ta đã trang bị cho chúng ta để phát triển lòng từ bi dựa trên cơ sở đó”.
Thánh Đức ĐLLM đang thưởng thức khoảnh khắc của tiếng cười trong thời gian thuyết Pháp của mình tại New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPTĐLLM |
Ngài nêu lên rằng sự biến đổi khí hậu, những vấn đề môi trường và kinh tế toàn cầu … tất cả cho thấy rằng chúng ta cần có nhu cầu làm việc cùng với nhau, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào toàn thể nhân loại. Đây là lý do tại sao hệ thống giáo dục của chúng ta phải bao gồm một ý thức về đạo đức. Để giữ được một sự lôi cuốn mang tính phổ quát, thì một nền đạo đức như thế cần phải dựa trên một nền tảng của thế tục. Ngài dẫn chứng về ví dụ điển hình của hiến pháp thế tục của Ấn Độ; nó không có nghĩa là bác bỏ tôn giáo; mà còn thể hiện được sự tôn trọng đối với tất cả các tôn giáo và quyền của cả những người không có niềm tin tôn giáo. Phương pháp thế tục này phản ánh sự hòa hợp tôn giáo đã phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ trong hàng ngàn năm nay.
“Tất cả các truyền thống tôn giáo thúc đẩy một sự ý thức về tình yêu thương và lòng từ bi; và vì lòng tham lam và dục vọng có thể cản trở ý thức ấy cho nên họ đã có lời khuyên dạy về lối sống tri túc - biết bằng lòng với những gì mình đang có. Ý tưởng cho rằng mình được tạo ra bởi Chúa đã mang lại ý nghĩa là mỗi cá nhân đều có một tia nhỏ của Chúa trong con người họ. Đây là một khái niệm mạnh mẽ tương tự như lời giải thích của Phật giáo về Phật tính của mỗi người. Nếu bạn hỏi mục đích của những tư tưởng triết học khác nhau như vậy, thì đó chính là sự trưởng dưỡng một ý thức về tình yêu thương và lòng từ bi”.
Ngài lặp lại rằng nếu chúng ta chọn con đường liên quan đến sự thực hành tôn giáo thì điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc và chân thành.
Sau khoảng thời gian giải lao để uống trà, Ngài tuyên bố ý định của mình về việc giải thích một bài kệ mà đôi khi được cho là “bản chất của duyên khởi”. Nó xuất phát từ Luật Tạng, được tìm thấy trong cả hai truyền thống Pali và Sanskrit và thường được viết trên những bức tường của những ngôi chùa:
Ye dharma hetuprabhava hetum tesham tathagata hyavadat tesham cha yo nirodha evam vadi mahashramana
Các pháp khởi lên từ những nguyên nhân;
Đức Như Lai đã dạy về những nguyên nhân ấy:
Và cũng dạy về sự đoạn diệt của chúng;
Đây chính là Giáo Lý của bậc Đại Ẩn Sĩ
Sự chấm dứt nguyên nhân ở đây ngụ ý về sự chấm dứt nguyên nhân của đau khổ.
“Những gì chúng ta cố gắng tìm kiếm đó chính là sự hạnh phúc; nhưng những gì chúng ta thường gặp phải thì lại là sự khổ đau; bởi vì chúng ta bị sự thống trị của vô minh. Do đó, những gì chúng ta cần đó chính là trí tuệ hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự vật. Đức Phật đã cho ta thấy được khả năng để đạt được một trạng thái tự do thoát khỏi mọi khổ đau. Điều này phù hợp với giáo lý của Tứ Diệu Đế và khái niệm cơ bản của Phật giáo là luật nhân quả. Hành động của chúng ta là tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc hoàn toàn vào động lực của mình. Sự khổ đau phát sinh từ việc bị thúc đẩy bởi những cảm xúc tiêu cực như tham lam và sân hận; chúng có liên quan rất nhiều đến sự vô minh”.
Ngài kể rằng trong cuộc gặp với nhà tâm lý học người Mỹ giàu kinh nghiệm - Aaron Beck - ông đã nói với Ngài rằng, khi chúng ta tức giận, đối tượng của sự tức giận của chúng ta dường như hoàn toàn tiêu cực; nhưng sự tiêu cực đó là 90% do tâm thức của chúng ta tạo ra. Điều này phù hợp với những gì mà Ngài Long Thọ đã giảng dạy từ lâu.
Thánh Đức ĐLLM chào hỏi một thành viên của khán giả tham dự buổi thuyết Pháp của Ngài tại New Delhi, Ấn Độ vào 21 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nhận xét rằng sở dĩ chúng ta gọi là cảm xúc phiền não bởi vì chúng quấy rầy sự bình yên trong tâm thức của chúng ta và đưa đến những hành động gây tổn hại. Thuật ngữ tiếng Tây Tạng có nghĩa là điều làm cho chúng ta không hạnh phúc, mang lại rắc rối phiền toái cho chính mình và những người khác.
Nguyên nhân cơ bản của đau khổ chính là sự vô minh; đó là một quan niệm sai lầm về thực tại. Tuy nhiên, bất kỳ quan niệm sai lầm nào cũng có thể được đối trị bằng trí tuệ - không cần biết vấn đề ấy dường như có thể mạnh mẽ đến cỡ nào! - bởi vì trí tuệ được dựa trên nền tảng của sự thật, trong khi sự vô minh không hề có một nền tảng nào cả. Khi chúng ta đã trở nên quen thuộc với sự thật thì sự vô minh sẽ trở nên mỏng dần cho đến khi nó được loại bỏ hoàn toàn. Tâm thức vốn dĩ trong sáng và trung tính cho nên khi kết hợp với lòng từ bi nó sẽ trở nên tích cực; nhưng khi kết hợp với sự sân giận hoặc tham đắm thì nó sẽ trở thành tiêu cực.
Khi nói đến phần rèn luyện tâm thức, Ngài giải thích, một khi bạn đạt đến một mức độ nhất định nào đó thì không cần phải tiếp tục sự nỗ lực, bởi vì nó tính liên tục. Khả năng của sự chấm dứt đau khổ phù hợp với Chân lý thứ ba (Diệt Đế), con đường liên quan đến trí tuệ bắt nguồn từ sự tỉnh thức liên quan đến Văn, Tư, Tu. Để hiểu sâu hơn (Tuệ), chúng ta cần sự thiền định nhất tâm (Định), mà chánh niệm là yếu tố quan trọng, và điều đó sẽ phụ thuộc vào Giới. Vì vậy, Giới - Định - Tuệ là ba yếu tố quan trọng ở đây.
Theo truyền thống tiếng Phạn, lần Chuyển pháp Luân thứ Hai liên quan đến Giáo lý Bát Nhã Ba-la-mật. Điều này bao gồm 20 tập gồm có Bát Nhã Ba-la-mật 100.000 dòng, 25.000 dòng, 18.000 dòng, 8.000 dòng, 2.500 dòng, 700 dòng, 500 dòng, 300 dòng và 25 dòng. Hai bản kinh cuối cùng của 300 và 25 dòng là “Năng Đoạn Kim Cang”, và “Bát Nhã Tâm Kinh” được biết đến rộng rãi nhất. “Bát Nhã Tâm Kinh” có chứa câu Thần Chú, “Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha” hay “Đi, Đi, Đi sang Bờ bên kia, sang hoàn toàn Bờ bên kia, đặt nền tảng của sự Giác ngộ”.
Ngài giải thích về cách mà câu Thần chú này đã thể hiện con đường của sự phát triển tâm linh như thế nào. Hai chữ đầu tiên “Đi, Đi - Gate, Gate” ngụ ý cho hai con đường “Tư lương Đạo” và “Gia Hành Đạo”. “Đi sang Bờ bên kia - paragate” đề cập đến “Kiến Đạo” - con đường liễu ngộ Tánh Không một cách trực tiếp mà không mang tính nhị nguyên. “Sang hoàn toàn Bờ bên kia - parasamgate” đề cập đến “Thiền Đạo”, trong khi “đặt nền tảng của sự Giác ngộ - Bodhi Svaha” đề cập đến “Vô Học Đạo”. Giác ngộ ở đây có thể được ngụ ý cho sự thành tựu của những quả vị Thanh Văn hoặc Bồ Tát, hoặc được thúc đẩy bởi lòng vị tha để đạt được sự giác ngộ của một vị Phật.
Điểm chung giữa các Thừa cơ bản và Đại Thừa đó chính là 37 yếu tố của sự Giác ngộ (37 phẩm Trợ Đạo), trong đó bao gồm Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc có liên quan đến con đường tích lũy (Tư Lương Đạo); Ngũ Căn, Ngũ Lực có liên quan đến con đường chuẩn bị (Gia Hành Đạo); Thất Bồ Đề Phần có liên quan đến con đường liễu ngộ Tánh Không (Kiến Đạo); và Bát Chánh Đạo có liên quan đến con đường thiền định (Thiền Đạo). Một lần nữa, Ngài giải thích rằng trong Bát Chánh Đạo thì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng liên quan đến Giới; Chánh Niệm và Chánh Định liên quan đến Định; và Chánh Kiến, Chánh Tư Duy liên quan đến Tuệ. Ngài cho rằng, để đạt được con đường của một bậc cao quý, bạn phải chuẩn bị ngay từ đầu để kết hợp những sự thực hành này để đạt được “Kiến Đạo”. Điều này liên quan đến việc thực hành với sự trung thực và tri túc.
Ngài nhắc lại rằng sự Giác ngộ có thể có nghĩa là - chỉ giải thoát khỏi những cảm xúc phiền não thôi; hoặc cũng có thể là sự giác ngộ vĩ đại của Đức Phật mà lúc đó những cảm xúc phiền não được loại bỏ cùng với những chủng tử của nó.
Nền tảng của Tứ Diệu Đế là Duyên khởi. Điều này có thể được hiểu như “quan hệ nhân quả” - là điểm chung cho tất cả các Đạo lộ Phật giáo; hoặc như ngụ ý cho sự tồn tại đơn thuần chỉ là một sự định danh mà chỉ được tìm thấy trong lời giải thích của Trung Quán. Sự tồn tại trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác và sự ngụ ý thiếu vắng về sự tồn tại độc lập tương tự như lời giải thích về Vật lý lượng tử ngày nay, nhưng lần đầu tiên đã được Ngài Long Thọ mô tả cách đây 2000 năm về trước.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc cuộc nói chuyện trong ngày:
“Và bây giờ là lúc uống trà, tắm và ngủ; sau đó, 3 giờ sáng thức dậy để thực hiện thiền quán, suy ngẫm về bản chất của tâm. Mặc dù vạn pháp dường như có sự tồn tại độc lập, hãy nhớ rằng không có gì tồn tại theo cách đó cả! Điều này sẽ tạo ra một kinh nghiệm về vạn pháp như ảo ảnh; ảo ảnh đó đã khuấy động lên thành cơ sở của những cảm xúc phiền não”.
Ngài sẽ tiếp tục thuyết Pháp vào ngày mai.