Oslo, Na Uy, 09 tháng 5, 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được cung nghinh tại các bậc thềm của tòa nhà Quốc hội Na Uy bởi Ketil Kjenseth, Liv Signe Navarsete và các thành viên khác của Nhóm Quốc hội Na Uy dành cho Tây Tạng - họ đã hộ tống Ngài vào bên trong tòa nhà. Ketil Kjenseth giải thích rằng ông đã được mặc trang phục địa phương của cử tri của mình - Oppland, để đánh dấu sự kiện rằng đó là nơi đầu tiên ở Na Uy được đón tiếp và phục vụ người tị nạn Tây Tạng. Sau khi các Thành viên của Quốc hội, bao gồm các thành viên của liên minh cầm quyền, các đại biểu và đại diện thanh niên của tất cả các đảng phái chính trị khác nhau đã giới thiệu về mình xong, Ngài được mời lên để nói chuyện.
Các thành viên của Nhóm Nghị viện Na Uy dành cho Tây Tạng cung đón Thánh Đức ĐLLM tại bậc thềm của tòa nhà Quốc hội trước khi tiến hành cuộc họp của họ ở Oslo, Na Uy vào 09 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeremy Russell /VPĐLLM |
“Các Anh chị em thân mến! Tôi rất vinh dự được các bạn tiếp đón tôi. Tôi là một người rất hâm mộ về nền dân chủ. Tôi thường nói rằng thế giới thuộc về toàn thể nhân loại và chúng ta là những người chủ sở hữu. Mỗi quốc gia thuộc về những người sống ở đó. Khi một chính phủ được những người dân bầu chọn thì chính phủ ấy phải chịu trách nhiệm trước những người dân đó. Từ năm 2011 tôi đã hoàn toàn rút lui khỏi trách nhiệm chính trị và tôi cũng đã rút lui khỏi trách nhiệm của thể chế Đạt Lai Lạt Ma”.
Ngài nói rằng kể từ thế kỷ thứ 7 và thứ 8, khi Phật giáo truyền thống Nalanda được truyền vào Tây Tạng, toàn bộ cách sống đã thay đổi, đưa đến một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động, một nền văn hóa của lòng từ bi. Ngài nói rằng Trung Quốc cũng là một quốc gia Phật giáo về phương diện lịch sử mặc dù cuộc Cách mạng Văn hóa đã nỗ lực để loại bỏ Phật giáo. Hiện nay đã có khoảng 400 triệu người tự xem mình là Phật tử.
Liên quan đến vấn đề môi trường, Ngài nói rằng, một nhà sinh thái học Trung Quốc đã ước tính tầm quan trọng của Tây Tạng là tương đương với tầm quan trọng của Bắc Cực và Nam Cực, vì vậy ông đã mô tả Tây Tạng là Cực Thứ Ba. Những con sông lớn của châu Á đã có nguồn gốc của chúng ở Tây Tạng và 1 tỷ người phụ thuộc vào nước của những dòng sông ấy. Một Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận rằng nạn lũ lụt khủng khiếp nhất từ trước đến giờ ở Trung Quốc là kết quả của nạn phá rừng ở Tây Tạng.
Ngài kết luận “Như mọi người đều biết, tôi là một tu sĩ Phật giáo đã cam kết thúc đẩy các giá trị của con người, sự hòa hợp giữa các tôn giáo và việc bảo tồn văn hóa Phật giáo Tây Tạng và môi trường thiên nhiên”.
Ketil Kjenseth khai mạc cuộc họp bằng các câu hỏi từ quyền phát biểu ý kiến của hội nghị và câu đầu tiên là về xung đột tôn giáo. Ngài trả lời rằng trong hầu hết các trường hợp xung đột như thế lại là thuộc về chính trị hay kinh tế chứ không phải là tôn giáo. Ngài nhận xét rằng trong phạm vi cá nhân, một cá nhân có thể suy nghĩ một cách cá nhân về một tôn giáo, một sự thật, thế cũng đã tạm đủ. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay - trên một cấp độ cộng đồng, chúng ta cần phải trân trọng thừa nhận một số tôn giáo và một số sự thật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các thành viên của Nhóm Nghị viện Na Uy dành cho Tây Tạng tại Quốc hội Na Uy ở Oslo, Na Uy ngày 9 tháng 5, 2014. Ảnh / Phạm Duy Anh |
Khi được hỏi làm thế nào Na Uy có thể hỗ trợ nhân quyền một cách hiệu quả nhất, Ngài trả lời rằng các quốc gia nhỏ hơn như Na Uy có thể được xem là ít mối đe dọa hơn và vì vậy có thể thiết lập sự tin tưởng cần thiết để tham gia vào các cuộc đối thoại về vấn đề này. Sự tin tưởng và tôn trọng là những yếu tố then chốt. Khi một câu hỏi tương tự được đặt ra một vài phút sau đó, Ngài nói:
“Cũng giống như hòa bình, tiến bộ về nhân quyền sẽ không xảy ra chỉ bằng cách dùng những lời chúc tốt đẹp, mà nó đòi hỏi sự hành động. Một lần ở Hiroshima khi đang có những buổi cầu nguyện cho hòa bình, tôi đã đề nghị rằng chúng ta phải nỗ lực để tạo ra hòa bình”.
Một người đặt câu hỏi khác bắt đầu bằng cách bày tỏ hy vọng rằng Ngài đã cảm thấy được sự ấm áp mà Ngài đã nhận được ở Na Uy. Ông ta nói: “Ngài luôn luôn mỉm cười, đó là vì lý do là gì vậy?”
“Hòa bình thực sự liên quan đến sự an bình của nội tâm. Sự giận dữ phá hủy hòa bình bên trong của chúng ta, trong khi tình yêu, lòng từ bi và sự tha thứ là nguồn gốc của hòa bình. Các truyền thống tôn giáo như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo nhìn những chúng sinh khác như những sáng tạo của Chúa. Tôi đã gặp một giáo viên Israel - người đã khuyên các học trò Palestine của mình hãy nhìn các nhân viên an ninh thù địch như hình ảnh của Chúa. Họ báo cáo với ông ấy rằng điều đó rất hiệu quả. Đôi khi chúng ta chỉ nói suông ngoài cửa miệng về những truyền thống tôn giáo của mình, nhưng nếu chúng ta làm theo một đức tin, chúng ta nên thực hiện điều đó một cách chân thành. Đối với lý do tại sao tôi cười và mỉm cười, đó là bí mật của tôi! Trên thực tế, tôi làm việc khoảng 8 giờ mỗi ngày và vào ban đêm tôi có được 8-9 giờ để ngủ. Tiếng cười là một trong những khả năng độc đáo của con người chúng ta. Nụ cười của con người là một biểu hiện của tình cảm và lòng yêu thương.”
Đối với câu hỏi về cách Ngài nhìn thấy như thế nào về tương lai của một đất nước Tây Tạng tự trị, Ngài nói rằng vào đầu năm 1974, Ngài và các cố vấn của Ngài đã quyết định rằng họ cần phải nói chuyện với Trung Quốc và rằng họ không thể tìm kiếm sự độc lập. Tây Tạng đã là một quốc gia riêng biệt mang tính lịch sử, nhưng những gì thuộc về quá khứ đã là quá khứ. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Liên minh châu Âu mà các thành viên đang chuẩn bị để trở thành một phần của một tổng thể lớn hơn. Ngài nói người Tây Tạng mong muốn chính quyền Trung Quốc ban cho những quyền lợi và đặc ân cho các khu vực của người Tây Tạng đã được đề cập trong hiến pháp Trung Quốc. Chúng bao gồm các nhân quyền và các vấn đề môi trường, ví dụ như những nơi mà sự khai thác khoáng sản đang được thực hiện trái với nguyện vọng của người dân địa phương. Trung Quốc cũng có xu hướng xem thường ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, đó chính là một loại vi phạm nhân quyền. Ngài cho biết rằng Ngài nói với những người bạn Trung Quốc, “Hãy nhìn vào Ấn Độ với nhiều thứ ngôn ngữ và chữ viết khác nhau nhưng không hề có mối đe dọa của chủ nghĩa ly khai.” Người Tây Tạng muốn tự do tôn giáo và quyền bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của họ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma họp với các thành viên của Nhóm Nghị viện Na Uy dành cho Tây Tạng tại Quốc hội Na Uy ở Oslo,
Na Uy vào 09 tháng 5, 2014. Ảnh / Phạm Duy Anh |
“Cuối cùng, có một sự thật là trong quá khứ Tây Tạng đã hành động như một quốc gia trung lập giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sự đóng quân với rất nhiều binh lính của Trung Quốc ở Tây Tạng hiện nay đã báo động Ấn Độ. Nếu tình hình ở Tây Tạng đã được bình thường hóa thì có thể số binh lính này sẽ được giảm bớt.”
Khi một người đặt câu hỏi cho rằng sự vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng là một trong những điều tồi tệ nhất so với bất cứ nơi nào, Ngài trả lời rằng khoảng 15 năm trước, một Bí thư Đảng địa phương đã nói tại một cuộc họp Đảng rằng mối đe dọa tột cùng để tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc chính là văn hóa Phật giáo Tây Tạng và hãy tìm cách đàn áp nó. Người Tây Tạng cũng giống như người dân Na Uy, rất tự hào về văn hóa của mình và họ đã bị xúc phạm. Việc lắp đặt các máy quay phim CCTV tại mỗi góc của Lhasa và trong các chùa chiền đã tạo ra một bầu không khí của sự sợ hãi và nghi ngờ.
Ngài nói “Trong khi đó, nhiều bạn bè nói rằng Tập Cận Bình thì thực tế hơn trong cách suy nghĩ của ông. Ông mạnh dạn thách thức sự tham nhũng. Gần đây, trong một chuyến viếng thăm Pháp, ông ca ngợi Phật giáo đã đóng một vai trò đặc biệt trong việc phục hồi và làm sống lại nền văn hóa Trung Quốc. Chúng ta sẽ phải nhìn xem. Hệ thống độc tài đã trở nên cứng nhắc sau gần 70 năm, nhưng nhiều bậc trí thức Trung Quốc đang lên tiếng cho sự nghiệp tự do. Châu Âu cần nên thể hiện sự hỗ trợ cho những người này và cho Tập Cận Bình. Sự ủng hộ tinh thần của thế giới sẽ là rất hữu ích đối với họ.
“Hiện nay Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn cho vấn đề an ninh nội bộ hơn là về quốc phòng; chẳng có ai khác thực hiện điều này cả. Ôn Gia Bảo nói rằng Trung Quốc cần phải cải cách chính trị, thậm chí còn đề nghị sự dân chủ theo phong cách của Mỹ. Ông đã đặt ra các chính sách trong việc xây dựng theo thứ tự mà Trung Quốc có thể đóng một vai trò kiến trúc trên thế giới. Sự bí mật và bị kiểm duyệt không thu hút được lòng tin tưởng và sự tôn trọng.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các thành viên của Nhóm Nghị viện Na Uy dành cho Tây Tạng tại Quốc hội Na Uy ở Oslo, Na Uy ngày 9 tháng 5, 2014. Ảnh/ JeremyRussell /VPĐLLM |
Khi được hỏi một lần nữa về cách làm thế nào Na Uy có thể góp phần bảo đảm được nhân quyền ở Tây Tạng, Ngài nhắc lại rằng Hồ Diệu Bang đã đích thân đi đến Tây Tạng để thị sát. Ông đã gửi các quan sát viên của mình đi trước để báo cáo lại cho ông ta và bác bỏ các báo cáo bịa đặt của các quan chức địa phương. Điều quan trọng vẫn là để mọi người đi đến với Tây Tạng và báo cáo những gì họ tìm thấy được.
Một câu hỏi được đặt ra là tình trạng tự thiêu đã diễn ra ở Tây Tạng. Ngài nói rằng bởi vì nó là một vấn đề chính trị nhạy cảm và những người theo chính sách bảo thủ sẽ xuyên tạc bất cứ điều gì Ngài nói, thế nên Ngài thích giữ im lặng.
“Khi họ bắt đầu tôi đã nói với một phóng viên BBC rằng sự kiện như vậy thật sự rất đau buồn và đặt câu hỏi làm thế nào những điều đó có hiệu quả đối với vấn đề của Tây Tạng. Sau đó, tại Nhật Bản, tôi đã nói rằng những sự kiện này là triệu chứng của một nguyên nhân mà rất cần phải được điều tra và giải quyết khẩn cấp."
Ketil Kjenseth kết thúc cuộc họp:
“Xin cảm ơn các bạn đã đến đây với nụ cười và những giá trị tích cực của các bạn. Thật là vui khi được có các bạn ở đây.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp gỡ nhóm học sinh trung học tại Trung tâm Hòa bình Nobel ở Oslo, Na Uy vào 09 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeremy Russell /VPĐLLM |
Tại Trung tâm Nobel Hòa bình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được sự cung nghinh của Giám đốc Bente Erichsen, người đã hướng dẫn Ngài đi dạo xem xung quanh. Ở giữa những thứ khác, bà ta đã chỉ cho Ngài thấy sự trưng bày của trẻ em ở Fred và Toca Loca về những người đạt giải Nobel Hoà Bình và nó mô tả những nét đặc biệt về Ngài như là một trong năm người đạt giải Nobel Hòa Bình được yêu thích nhất. Trong một cuộc trò chuyện được ghi âm lại để mở cho các học sinh trong các trường học nghe, Ngài đã nói chuyện với một nhóm học sinh trung học về giá trị của tình cảm và sự bình an nội tâm trong việc tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, vị thị trưởng của Oslo - ông Fabian Stang, đã nắm lấy cơ hội này để tự giới thiệu mình với Ngài.
Nói chuyện với người dân Tây Tạng và những người ủng hộ Tây Tạng từ các nước Bắc Âu, Ngài đã khuyến khích họ, Ngài ca ngợi giá trị của văn hóa Phật giáo Tây Tạng và bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc tiếp tục thay đổi. Từ đó Ngài đã đi đến Folketeateret, nơi lần đầu tiên Ngài được giới thiệu với giải Tưởng Niệm Bye Erik, để tưởng nhớ về người cha của ngành báo chí hiện đại ở Na Uy. Trong bài nói chuyện tiếp theo của mình, Ngài đã nói về sự cần thiết của đạo đức trong thế giới của chúng ta, Ngài nói rằng bản chất của đạo đức chính là tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau. Đây là những giá trị cơ bản và nó cũng được thể hiện trong tất cả các truyền thống tôn giáo lớn. Ngài nói rằng sự khác biệt giữa phi bạo lực và bạo lực nằm chủ yếu trong các động cơ của hành động hơn là trong bản chất của sự hành động.
Dân Tây Tạng và những người ủng hộ Tây Tạng từ các nước Bắc Âu đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trong cuộc gặp gỡ của họ ở Oslo, Na Uy ngày 9 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeremy Russell /VPĐLLM |
Khi một người ủng hộ Shugden nêu ra một câu hỏi, Ngài giải thích rằng Ngài đã tùng thuận với Shugden từ năm 1951 cho đến đầu những năm 1970, khi Ngài nhận ra có điều gì đó không ổn đối với việc ấy. Ngài đã dừng lại và cuối cùng những người khác cũng nhận ra điều đó. Ngài nói rằng kể từ khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 và thứ 13 phản đối việc thực hành này, Ngài cảm thấy có trách nhiệm phải giải thích điều đó cho những người khác. Ngài tiếp tục trả lời các câu hỏi về tình trạng của những người đàn ông và phụ nữ trong Phật giáo và làm thế nào để đối phó với sự mất mát của những người thân yêu.
Tại mỗi sự kiện ở Oslo, người dân Tây Tạng, những bằng hữu của họ và những người ủng hộ của họ đều hiện diện với một số lượng lớn để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ngài và cầu mong Ngài được trường thọ. Ngài đã đáp lại bằng sự cảm tạ và thể hiện niềm cảm kích của mình đối với sự ủng hộ của họ.
Ngày mai, Ngài sẽ đi đến Hà Lan, nơi mà Ngài sẽ thực hiện những cuộc gặp gỡ và ban truyền Giáo Pháp.