Sendai, Nhật Bản, ngày 7 tháng 4 năm 2014 - Sau khi từ Ấn Độ đến Nhật Bản ngày hôm qua, hôm nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bay từ Narita đến Sendai. Chuyến bay đã đưa Ngài qua những vùng ven biển mà ba năm trước đây đã bị tàn phá bởi sóng thần ập đến sau trận động đất Tohoku kinh hoàng vào tháng Ba năm 2011. Ngài đã có thể hạ cánh tại sân bay Sendai nơi mà trước đây đã bị ngập lụt và bị đóng cửa bởi sóng thần.
Tiếng vỗ tay ấm áp tràn ngập cả hội trường khi Ngài xuất hiện trên sân khấu của hội trường Miyagi Kenmin Kaikan, vốn đã được tái tạo lại như một đền thờ Thần đạo. Bà Hiroko Kawakami, Chủ tịch Ủy ban Chào mừng Sendai và chính bà cũng là một Đạo sĩ Thần Đạo đã khai mạc sự kiện này và giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bà ca ngợi sự hoạt động không mệt mỏi của Ngài cho nên hòa bình và đàm phán trên thế giới; và bày tỏ hy vọng rằng với sự hiện diện của Ngài sẽ làm tăng thêm sức mạnh về niềm tin và hy vọng cho nhân dân của vùng Tohoku trong sự đối mặt với tai họa kinh hoàng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tham dự một buổi lễ Thần Đạo trước khi nói chuyện ở Sendai, Nhật Bản vào 07 tháng 4, 2014.
Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Tiếp theo đó là một buổi lễ Thần Đạo rộng rãi được tiến hành bởi các Đạo sĩ của đền thờ Dewasanzan thuộc quận Yamagata và đền Takekoma thuộc quận Miyagi. Tiếng thổi vang vọng từ những chiếc vỏ ốc xà cừ đã báo hiệu sự xuất hiện của các Đạo sĩ trong bộ áo choàng màu trắng và khăn trùm đầu màu đen. Một buổi khấn nguyện dài đã được thực hiện để cầu khẩn sự gia hộ của các vị Thần ở Thiên Đàng để xóa đi những lỗi lầm và những sự bất tịnh. Sự cúng dường cũng được thực hiện bằng giai điệu điệp khúc của nhạc cụ ống sáo đôi bằng sậy hichiriki và sáo; và các nghi thức tịnh hóa được thực hiện bởi một vị Đạo sĩ dùng những cây phất trần làm bằng lá cây thương xanh sakaki đang nở hoa, phất thật mạnh trong không khí. Vào những lúc thích hợp thì Ngài cũng được mời vào tham gia. Buổi lễ được kết thúc bằng một buổi biểu diễn âm nhạc ngắn, trong đó Bà Ishigaki Kiyomi chơi đàn koto (đàn hạc Nhật Bản) trong khi Ishigaki Seiza chơi shakuhachi (sáo trúc).
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu “Hơn ba năm về trước, kể từ khi trận động đất mạnh nhất đã xảy ra ở Nhật Bản và tiếp theo đó là trận sóng thần đã gây ra hậu quả tàn phá rộng lớn và kéo theo nó là những vấn đề bức xạ. Nhiều người đã chết, nhiều người mất hết nhà cửa; sự đau khổ và buồn bã bao trùm khắp nơi. Các nghi lễ tịnh hóa mà các Đạo sĩ Thần Đạo đã thực hiện hôm nay là nhằm mục đích giúp đỡ. Tôi có sự tôn trọng rất lớn đối với tất cả các tôn giáo vì thiện ý của họ là để giúp đỡ, bởi vì họ mang lại nguồn an ủi cho mọi người”.
Ngài nói về việc đã từng viếng thăm các đền thờ Thần Đạo trước đây và cũng đã có tham gia cầu nguyện, nhưng Ngài cho biết rằng đây là buổi lễ công phu tỉ mỉ nhất mà Ngài đã được chứng kiến. Ngài nhận xét rằng những lời cầu nguyện cũng giống như Ngài đã nhìn thấy ở những nơi khác, nó liên quan đến sự khẩn cầu các vị thần linh, thực hiện sự cúng dường và thỉnh cầu họ. Ngài giải thích rằng theo quan điểm của Phật giáo có những vị thần siêu việt đã được giác ngộ và có khả năng giúp đỡ; nhưng có những vị thần thế gian thì có thể càng nguy hại hơn.
“Bậc thầy Phật giáo Ấn Độ Long Thọ đã nói rằng nếu bạn cho phép mình kéo dài sự chán nản thì bạn sẽ không thể vượt qua được những vấn đề mà bạn đang đối đầu. Do đó, điều quan trọng là giữ vững tinh thần của bạn và duy trì sự tự tin rằng bạn có thể làm được những gì mà bạn đã đặt ra”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện ở Sendai, Nhật Bản vào 07 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Ngài yêu cầu những ai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi trận động đất và sóng thần thì hãy giơ tay cao lên; và Ngài gửi lời chia buồn và niềm thương của mình đối với tất cả những người đã phải chịu đựng. Ngài nhớ lại chuyến viếng thăm Fukushima vào cuối năm 2011 để an ủi các nạn nhân và chia sẻ nỗi đau của họ. Khi họ khóc Ngài cảm thấy dường như đang khóc cùng với họ, mặc dù thế, Ngài khuyên họ rằng sẽ không ích lợi gì nếu chúng ta kéo dài sự nản lòng. Sự sầu não chỉ làm tăng thêm rắc rối mà thôi. Ngài nói rằng Ngài thường nêu lên cái cốt cách phi thường mà các dân tộc Đức và Nhật đã xây dựng lại đất nước của họ từ đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới thứ Hai để truyền cảm hứng những tấm gương cho những người khác noi theo. Điều quan trọng là phải có sự tự tin, lòng quyết tâm và một ý chí kiên định.
“Nếu tấn bi kịch có ập xuống đi nữa thì cũng đừng đánh mất niềm hy vọng của mình! Hãy biến nó thành một cơ hội để làm cho mọi việc trở nên tốt hơn”.
Ngài cho rằng thật là rất đau buồn khi bị mất gia đình và bạn bè, nhưng nếu chúng ta tưởng tượng rằng họ có thể nhìn thấy chúng ta từ thiên đường, hoặc bất cứ nơi nào họ đang ở, nhìn thấy những người thân yêu của họ đang thất vọng và nản chí thì cũng chỉ làm tăng thêm nỗi buồn của họ mà thôi. Nhìn thấy chúng ta lạc quan và tràn đầy hy vọng sẽ làm cho họ hạnh phúc. Nhắc lại kinh nghiệm của chính mình, Ngài nói:
“Vào năm 16 tuổi tôi bị mất đi sự tự do của mình và đến năm 24 tuổi tôi bị mất đi cả đất nước của mình. Tôi đã sống như một người tị nạn trong 55 năm nhưng tôi chưa bao giờ mất hy vọng hoặc rơi vào sự bi quan. Là con người, tất cả chúng ta đều có anh chị em đến để giúp đỡ chúng ta. Các bạn là những người Nhật Bản, là một phần của 7 tỷ người đang sống hôm nay, họ cũng có những tình cảm và kinh nghiệm tương tự như các bạn”.
Ngài đề cập rằng khi người tị nạn Tây Tạng đã được cấp đất trong các vùng khác nhau của Ấn Độ để định cư, có nhiều nơi là những khu rừng rậm hoang vu. Có một nơi thì đặc biệt rất nóng. Lúc đầu những người này nài nỉ xin cho được di chuyển đến một nơi nào khác chứ ở đây rất nóng và chắc chắn là sẽ chết. Ngài khuyên họ nên làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn, hãy ở trong bóng râm khi nhiệt độ oi bức. Và một năm sau Ngài đến thăm họ, Ngài đã trêu chọc họ rằng quý vị vẫn chưa chết mà! Sau đó nơi này đã trở thành một khu định cư rất thành công và Ngài mới đến thăm một lần nữa trong thời gian gần đây. Ngài lặp lại rằng hầu hết đều phụ thuộc rất nhiều vào ý chí quyết tâm và lòng kiên định của mình.
Cười khúc khích, Ngài đề cập đến sự cảm kích của mình đối với sự quan tâm rất nhiều mà người Nhật đã làm. Ngài nói thêm rằng kể từ chuyến thăm đầu tiên của Ngài vào năm 1967, Ngài đã nhận thấy rằng trong khi tận dụng tốt việc sử dụng khoa học và công nghệ hiện đại, Nhật Bản vẫn có truyền thống tâm linh mạnh mẽ trong Thần đạo và Phật giáo. Họ có một khả năng kết hợp sự phát triển vật chất và tâm linh hay những giá trị nội tâm. Những truyền thống như tôn trọng người lớn tuổi và sự tôn trọng của con cái đối với cha mẹ là xứng đáng được bảo tồn. Tuy nhiên, Ngài nói rằng nếu quá trang trọng và một nụ cười giả tạo sẽ có nguy cơ bị lệch sang đạo đức giả. Rồi Ngài lại cười! … Ngài nói rằng Ngài chỉ có một điều càu nhàu là thức ăn của Nhật Bản thường là được trang trí rất đẹp mắt và được chế biến từ những nguyên liệu tuyệt vời, nhưng không đủ để làm cho bạn no bụng.
Một thành viên của khán giả hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện ở Sendai, Nhật Bản vào 07 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Trả lời câu hỏi từ phía khán giả, Ngài khuyên rằng nó sẽ luôn luôn rất hữu ích nếu ta duy trì sự chân thành và trung thực khi đối mặt với khó khăn.
“Bạn nên kiểm tra xem những gì bạn muốn làm là có thực sự khả thi hay không. Nghiên cứu mục tiêu của bạn và áp dụng một phương pháp thực tiễn. Hy vọng cho điều tốt nhất, nhưng cũng nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Hãy trung thực, chân thành, và quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Nếu tự cho mình là quan trọng thì chỉ đưa đến sự sợ hãi, nghi ngờ và thường dẫn đến kết cuộc là bị cô đơn”.
Đối với sự cầu nguyện, Ngài nói rằng nó có ý nghĩa trong truyền thống tin vào một Đấng Tạo Hóa để cầu nguyện với Thượng đế. Tuy nhiên, từ quan điểm của Phật giáo, chẳng hạn như Bát Nhã Tâm Kinh, không có nhiều sự cầu nguyện hơn là sự mô tả về một sự thật. Sự hiểu biết sự thật là cách để chúng ta đối phó với vô minh. Trí tuệ là yếu tố chính mà trên cơ sở đó người Phật tử phát triển đức tin và lòng từ bi của mình.
Đối với người phụ nữ đã mô tả những khó khăn mà cô ta phải đối phó trong thời gian ba năm với biết bao gian khổ; Ngài trích dẫn lời của Ngài Tịch Thiên rằng nếu như có một giải pháp để giải quyết vấn đề thì chẳng cần phải lo lắng làm gì; còn nếu như không có giải pháp thì sự lo lắng cũng chẳng giúp ích được gì. Đối với sự thỉnh cầu để giải thích về vấn đề tái sinh, Ngài nói nó có thể mất cả tuần và tốt hơn hết là nên đọc sách để tìm hiểu thêm về điều đó. Được hỏi điều gì đã làm cho Ngài hạnh phúc, Ngài trả lời:
“Là một Tỳ kheo, một Tăng sĩ Phật Giáo, và được trở thành một đệ tử của truyền thống Nalanda. Khi tôi đạt được một sự hiểu biết mới về một điều gì đó mà tôi đang đọc, điều đó đã mang lại cho tôi một sự hài lòng tuyệt vời. Suy nghĩ về tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm và Tánh Không đã mang lại cho tôi một cảm giác thực sự của niềm vui hỷ lạc”.
Ngài kết luận bằng cách đọc câu thơ yêu thích của mình từ “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.