Tokyo, Nhật Bản, ngày 18 Tháng Tư, năm 2014 - Trước khi đến sân bay để bay về Ấn Độ sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành thời gian để gặp gỡ riêng với các nhóm Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên với hơn 100 người đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và Trung Quốc, Ngài nói:
“Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều cố gắng để gặp gỡ các bạn bè Trung Quốc. Tây Tạng và Trung Quốc đã có những mối quan hệ với nhau từ thời Vua Songtsen Gampo. Đôi khi giữa chúng ta đã có chiến tranh, nhưng trong hơn một ngàn năm qua, chúng ta đã cùng chia sẻ một niềm quan tâm đến Phật giáo. Điều này bắt đầu khi Vua Songtsen Gampo kết hôn với một người vợ Trung Quốc và một người vợ Nepal. Vì vậy, tôi thường nói với Phật tử Trung Quốc rằng tôi tôn trọng các bạn như những người học trò bậc đàn anh. Tương tự như vậy, khi tôi nói chuyện với người Ấn Độ, tôi nói với họ rằng; từ xưa đến giờ chúng tôi luôn xem những người Ấn Độ là những người Thầy của mình; và chúng tôi là những người đệ tử. Và tôi cũng đề cập rằng trong những lúc gặp khó khăn, chúng tôi sẽ tìm đến các vị Thầy và những người học trò bậc đàn anh của mình để được giúp đỡ. Tôi đã đến Đài Loan vài lần và nhiều người Trung Quốc đã đến Dharamsala; vì vậy mối quan hệ giữa các dân tộc chúng ta đã được cải thiện”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với một nhóm người Trung Quốc trong ngày cuối cùng của Ngài ở Tokyo, Nhật Bản
vào 18 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Ngài chỉ ra rằng khi chúng ta không biết tình hình thực tế như thế nào thì sẽ nảy sinh sự nghi ngờ, điều đó là vô ích và không cần thiết. Nếu chúng ta có thể gặp gỡ và tìm hiểu những gì thực sự xảy ra; thì sẽ làm cho mối quan hệ trở nên hạnh phúc hơn.
Ngài nói rằng Ngài đã đề nghị cho người Tây Tạng tiếp cận với Trung Quốc ngay cả trước khi sự cố Thiên An Môn xảy ra, nhưng cho đến thời điểm đó; những người từ phía Trung Quốc đại lục vẫn tránh tiếp xúc với người Tây Tạng. Sau khi nó đã xảy ra họ quay trở lại và sự kết nối trở nên mạnh mẽ hơn. Ngài nói thêm rằng ngay cả ngày nay có vẻ như rất nhiều người Trung Quốc đang mất liên lạc với thực tế; do đó, Ngài cho rằng những người từ Đài Loan và Hồng Kông - những người có một ý tưởng tốt hơn về những gì đang xảy ra - nên làm những gì họ có thể để giúp đỡ người dân Trung Quốc có được những thông tin tốt hơn.
“Ví dụ, mặc dù nó có vẻ không thích hợp để nói như vậy - nhưng - những người đang ở Tây Tạng - những người có can đảm để phạm tội tự thiêu - rõ ràng là họ có khả năng để làm tổn hại đến người khác, nhưng họ đã quyết định không làm như vậy. Mặc dù họ phải đối mặt với những khó khăn nhưng họ vẫn làm theo lời dạy của Đức Phật về tinh thần bất bạo động. Điều này có thể (ở Trung Quốc) không được hiểu một cách rõ ràng”.
Ngài nghe nói rằng; gần đây ở Tây Tạng, nơi mà người Tây Tạng thường làm công việc như những hướng dẫn viên du lịch thì bây giờ đã bị thay thế bởi người Trung Quốc - những người đã bôi nhọ dân tộc Tây Tạng với du khách Trung Quốc và các du khách khác. Khi người Tây Tạng tiếp cận các nhóm như vậy để bán đồ cho họ thì họ lại xua người Tây Tạng đi. Ngài cho rằng vấn đề giữa Tây Tạng và Trung Quốc có thể được giải quyết, nhưng những người bảo thủ vẫn tiếp tục buộc tội người Tây Tạng là những kẻ ly khai.
“Từ năm 1973 chúng tôi đã quyết định không theo đường lối đó. Tiếp xúc trực tiếp với Trung Quốc bắt đầu vào năm 1979 và chúng tôi đã quyết định chỗ đứng của mình. Những gì chúng tôi yêu cầu là việc thực hiện các quy định đã được công nhận trong hiến pháp Trung Quốc. Những người bảo thủ đã sử dụng cụm từ “Tây Tạng To Lớn hơn”, nhưng thực tế đã có sẵn sự công nhận về các vùng, miền thuộc lĩnh vực của Tây Tạng với các quận huyện và các tỉnh lỵ có chung một nền văn hóa và ngôn ngữ. Chúng tôi muốn các điều khoản quy định này được thực hiện trên cơ sở bình đẳng.
Khán giả trong cuộc gặp gỡ với các nhóm từ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và Trung Quốc - lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện ở Tokyo, Nhật Bản vào 18 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
“Bởi vì ngôn ngữ Tây Tạng là một trọng tâm của bản sắc của chúng tôi; việc sử dụng nó lại không được khuyến khích. Nhưng như các bạn đã biết, ngày nay, ngôn ngữ Tây Tạng là phương tiện tốt nhất để giải thích triết học và khoa học Phật giáo. Tiếng Phạn không còn là một ngôn ngữ sống nữa; và mặc dù các tài liệu về văn học Phật giáo quan trọng đã có bằng tiếng Trung Quốc nhưng các bản dịch Tây Tạng thì chính xác hơn. Vì vậy, vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của người dân Tây Tạng, mà đó còn là về sự biểu hiện của Phật giáo trên thế giới - một nền giáo lý toàn diện nhất đã được bảo tồn bằng tiếng Tây Tạng.
“Sự tồn tại của những ngôn ngữ khác nhau không phải là một mối đe dọa. Hãy nhìn vào Ấn Độ, nhiều dân tộc ở đó nói và viết bằng các ngôn ngữ khác nhau nhưng không hề có một mối đe dọa nào cho đất nước. Khi họ được hưởng quyền bình đẳng dưới sự cai trị của pháp luật thì con người có thể sống chung với nhau trong tự do và bình đẳng. Tây Tạng có ngôn ngữ riêng của họ - chính điều này không phải là một mối đe dọa”.
Ngài tiếp tục đề cập đến ý tưởng của Hồ Cẩm Đào về việc thúc đẩy một xã hội hài hòa là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng nó không thể được thực hiện bằng cách sử dụng vũ lực. Tình bạn và sự hài hòa cần phải được xây dựng dựa trên sự tin tưởng chứ không phải trên nỗi khiếp sợ. Trong khi đó, ngân sách an ninh nội bộ ở Trung Quốc vượt quá ngân sách quốc phòng. Ngài nghi ngờ rằng trong số 200 nước trên thế giới, điều này chỉ có đúng đối với trường hợp của Trung Quốc. Ngài kết luận bằng cách nói rằng nếu sự hài hòa và niềm tôn trọng chiếm ưu thế giữa người Tây Tạng và Trung Quốc thì họ có thể chung sống với nhau.
Ngài mời câu hỏi từ phía thính giả của mình; và câu đầu tiên là một lời mời Ngài đến Đài Loan. Ngài trả lời rằng kể từ chuyến thăm đầu tiên của mình, Ngài đã nghĩ về việc sẽ đến Đài Loan mỗi năm, nhưng Ngài đã không nhận được sự chấp thuận của chính phủ để làm như vậy. Ngài nói rằng Ngài đã tự hỏi về việc dừng quá cảnh tại Đài Loan trên đường trở về từ Okinawa, nhưng điều đó cũng không được chấp thuận. Một người phụ nữ cho rằng mối quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong thời gian gần đây; và hỏi làm thế nào để gắn bó với con đường bất bạo động. Ngài trả lời rằng người Tây Tạng đã duy trì một phương pháp bất bạo động một cách nghiêm túc trong suốt hơn 50 năm qua nhưng nó vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Ngài chỉ ra rằng trong các nước dân chủ có tính minh bạch và chính sự minh bạch rõ ràng như thế sẽ tốt hơn so với sự kín đáo bí mật và nghi ngờ. Kể từ khi sự xuất hiện của Tập Cận Bình dường như có một số cải tiến và ít ra thì ông ta có vẻ quan tâm đến việc tìm kiếm sự thật từ thực tế.
“Đừng nản chí!” Ngài nói.
Một người hỏi khác muốn biết liệu có cơ hội nào để Ngài đến Trung Quốc hay không; Ngài đã nhắc lại với cô ấy rằng ở vòng thứ tư của cuộc họp các đại diện của Ngài với Trung Quốc, Ngài đã bày tỏ sự quan tâm trong việc thực hiện một cuộc hành hương đến Ngũ Đài Sơn, nhưng cũng giống như kế hoạch của Ngài đến Đài Loan, nó đã không được chấp thuận.
Một thành viên của nhóm Mông Cổ dâng phẩm vật cúng dường lên Thánh Đức ĐLLM trong ngày cuối cùng của Ngài tại Tokyo, Nhật Bản vào 18 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Gặp một nhóm khoảng 50 người Mông Cổ; Ngài ca ngợi các mối quan hệ về hữu nghị và văn hóa giữa Tây Tạng và Mông Cổ đã có sự chia sẻ từ lâu. Ngài nói:
“Trong thế kỷ 20 các bạn đã phải đối mặt với thảm kịch lớn; và Phật giáo tại Mông Cổ đã đi vào suy thoái. Hiện giờ nhân dân Tây Tạng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự. Nhưng mối quan hệ giữa người dân Tây Tạng và Mông Cổ đã trở lại thời kỳ hàng trăm năm về trước; khi chúng ta đi lang thang trên quê hương xứ sở như những người du mục. Bây giờ các bạn đã giành lại được sự tự do của mình, các bạn cần phải sử dụng cơ hội đó thật tốt. Có quá nhiều trường hợp điển hình ở châu Phi về việc có thể đi sai đường khi sự tự do và dân chủ đang bị lạm dụng. Với dân chủ là tinh thần trách nhiệm. Ngày nay, người Mông Cổ đặt niềm tin rất lớn vào Giáo Pháp, nhưng đức tin dựa trên lý luận thì vững vàng và ổn định hơn, vì vậy việc học hỏi nghiên cứu là rất quan trọng. Trong quá khứ đã có nhiều học giả vĩ đại đến từ Mông Cổ. Tuy nhiên, sự hiểu biết của Phật giáo cần phải được kết hợp với giáo dục hiện đại cơ bản. Tây Tạng đã bị lạc hậu về phương diện giáo dục hiện đại và phát triển công nghệ cho nên chúng tôi đã bị mất nước!”.
Ngài khuyên người Mông Cổ nên cạnh tranh với tinh thần kiên định đã được minh chứng bởi dân tộc của họ tại thời điểm của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên ngày nay họ cần kết hợp tính can đảm ấy với trí thông minh. Ngài nói rằng Ngài cũng đã tư vấn cho người Ấn Độ tập trung nỗ lực phát triển trong các làng mạc, chứ không chỉ ở các thành phố. Trường học, bệnh viện và các cơ sở khác cần phải được cung cấp cho người dân ở các vùng nông thôn nơi họ sinh sống.
Ngài nhớ lại rằng hiện nay có 300 tu sĩ Mông Cổ đang học tập tại các tu viện Tây Tạng chính ở Nam Ấn Độ, họ là những người sẽ có thể đóng góp vào sự phát triển Giáo Pháp trong tương lai.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng sinh sống tại Nhật Bản vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm Tokyo, Nhật Bản vào 18 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Khi Ngài gặp gỡ những người Tây Tạng đang sống ở Nhật Bản, Ngài nói rằng Ngài không có nhiều điều để nói bởi vì Ngài đã có thể gặp gỡ họ khá thường xuyên.
“Các cuộc họp của tôi với các nhà khoa học và các cuộc đối thoại đang diễn ra - đã củng cố sự đánh giá cao của tôi về những phẩm chất giá trị tuyệt vời của ngôn ngữ Tây Tạng trong việc mô tả phương pháp để đối phó với tâm thức và cảm xúc. Tiếng Anh thì chưa đầy đủ, ngôn ngữ tốt nhất trong lĩnh vực này là tiếng Tây Tạng. Đó là điều mà chúng ta có thể tự hào. Sau cùng, Phật giáo là quan trọng vì nó là một trong những tôn giáo lớn của thế giới.
“Như tôi đã đề cập trước đây khi tôi gặp một số người Trung Quốc, tình trạng tự thiêu vẫn còn đang tiếp tục xảy ra ở Tây Tạng. Những người làm điều này rõ ràng là họ có thể lựa chọn để làm hại người khác - nhưng họ đã không làm thế! Bất chấp mọi thứ, họ không muốn vi phạm lời nguyện cơ bản trong Phật giáo - không làm tổn thương người khác. Ngay cả các du khách Trung Quốc đến Tây Tạng đã báo cáo lại rằng người Tây Tạng là một loại người từ bi. Đây là một trong những lý do tại sao sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta khiến ngày nay phải kính trọng. Hãy giữ vững tiêu chuẩn đạo đức này! không được dối trá! Mọi thứ đang thay đổi ở Trung Quốc. Người dân bên trong Tây Tạng vẫn còn có một tinh thần không nao núng mạnh mẽ. Tất cả chúng ta phải duy trì như thế! Ở Mỹ, Văn phòng đại diện của chúng ta đã chuyển đến Washington DC, nhưng tôi đã đề nghị rằng một văn phòng chi nhánh cần được duy trì ở New York để tập trung vào việc giữ những người Tây Tạng liên lạc với nhau. Chúng ta phải gắn bó với nhau. Tashi Delek! (Xin chào!)
Sau đó Ngài đi xe trực tiếp đến sân bay Narita để lên chuyến bay tới Ấn Độ. Vị đại diện Lhakpa Tshoko sẽ sớm được chuyển đến Úc; Lungtok sẽ là người kế nhiệm của Lhakpa Tshoko làm Đại diện tại Nhật Bản và khu vực Đông Á; và Tsering Dorje từ văn phòng Đại diện, tất cả đều có mặt ở đó để tiễn đưa Ngài khi kết thúc hai tuần lễ thành công tại Nhật Bản.