Bangalore, Karnataka, Ấn Độ, ngày 04 tháng mười hai năm 2014 - Sau mười ngày giảng dạy về Giai Trình của Đạo Giác Ngộ và gặp gỡ nhiều người - cá nhân và các nhóm; tất cả đều diễn ra suông sẻ và không có trở ngại nào; đã đến lúc Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phải rời khỏi Bylakuppe. Ngài đã xuống Chánh Điện cầu nguyện của Tu viện Sera Jey để thực hiện một khóa cầu nguyện và đảnh lễ các bức tượng của các bậc Giác ngộ. Các Tăng sĩ làm công tác tình nguyện cùng với hơn 30.000 người đã tạo thành một hành lang đi xuống trung tâm của hội trường. Các bậc Trưởng thượng của truyền thống Gelugpa cùng với hiệp hội của các Tu viện Trưởng ở Bylakuppe và ở những vùng khác đã có mặt ở đó để cung tiễn Ngài. Ling Rinpoche, người đã thỉnh cầu sự thuyết giảng này, đã đứng ở trước cửa xe của Ngài.
Khi đoàn xe của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi ngang qua khu định cư, người dân Tây Tạng từ tất cả các tầng lớp của xã hội, trẻ, già, cư sĩ và tu sĩ; đã xếp thành hàng với những khăn katas, những đóa hoa và trầm hương trong tay. Hầu hết đều mỉm cười, có một số người đã khóc! Các Tu viện Trưởng đã tháp tùng với Ngài một đoạn đường trước khi họ quay trở lại Tu viện.
Thánh Đức ĐLLM nhận được sự cung đón theo truyền thống khi Ngài vừa đến Khu định cư Chowkur của người Tây Tạng ở Periyapatna, Karnataka, Ấn Độ vào 04 tháng 1, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Nơi dừng chân đầu tiên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là khu định cư Chowkur của người Tây Tạng nằm ở một vùng hẻo lánh, nép mình ở khu vực giáp ranh của Bylakuppe và đường xá chưa được làm lại. Đây là tổ ấm của chỉ hơn 4000 người. Ngài đã được cung đón theo truyền thống Tây Tạng và được đưa vào một gian phòng nhỏ để nói chuyện với những người dân cư trú tại đó.
Để bắt đầu, Ngài trêu chọc các cháu nhỏ đang xếp hàng bên rìa của khán đài, nhận thấy một cháu bé bị rụng mấy chiếc răng cửa, Ngài hỏi cháu về việc mấy chiếc răng mới đã mọc lên chưa. Khi Ngài nói chuyện với những người lớn tuổi hơn, bỗng xuất hiện mấy cụ già nhất mà ngày xưa đã từng là Tăng Sĩ ở Tây Tạng. Ngài nhắc lại rằng khi lần đầu tiên Ngài đến thăm nơi này, tất cả mọi người đều sống trong các lều trại. Kể từ đó mọi thứ đã được phát triển. Ngài lưu ý rằng các khu định cư lớn đã phát triển nhiều hơn nhờ sự hiện diện của các Tu viện, và Ngài nói rằng tình hình tại Chowkur nhìn không đến nỗi quá tệ. Ngài hỏi: “Quý vị có cảm thấy như quê hương của mình ở đây không?” Và họ đồng thanh trả lời: “Dạ có ạ!” Ngài nói:
“Tốt. Đây là những gì mà những người như chúng ta có được khi đã bị mất nước và trở thành những người tị nạn. Khi tôi rời khỏi Norbulingka tôi đã không mong đợi để đến Ấn Độ; nhưng ngay sau khi chúng tôi vừa rời khỏi thì sự oanh tạc bắn phá Potala và Norbulingka đã bắt đầu. Chúng tôi vượt qua được khỏi doanh trại của quân đội Trung Quốc trên đường đến sông Kyichu. Chúng tôi đã lo sợ và đã cố gắng để duy trì sự yên lặng trong khả năng có thể. Mặc dù, tất nhiên, tiếng vó ngựa đã tạo ra âm thanh; nhưng chúng tôi đã không sử dụng bất kỳ ánh sáng nào. Sau khi vượt sông và vượt qua một rặng núi phía bên kia, chúng tôi đến được Lhoka; ở đó chúng tôi đã gặp những người lính Chushi Gangdruk, các Tăng sĩ và những người khác đang hướng về phía nam. Chúng tôi không chắc chắn rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ cho phép chúng tôi nhập cảnh hay không; và chúng tôi đã bàn bạc xem có nên đi theo hướng Bhutan hoặc Mon hay không. Chúng tôi đã gửi một số người đi trước để hỏi thăm tình hình. Các quan chức đã đi đến Mon và quay trở lại nói rằng các quan chức chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị để tiếp nhận chúng ta. Vào thời điểm đó, như chúng tôi đã nói, “điều duy nhất mà chúng tôi biết chắc chắn đó chính là mặt đất và bầu trời”.
“Khi chúng tôi lần đầu tiên đến sống lưu vong, chúng tôi không biết những gì sẽ xảy ra. Chúng tôi vẫn hy vọng mọi thứ có thể được sắp xếp. Pandit Nehru đã đến gặp tôi. Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy ở Trung Quốc vào năm 1954, khi ông đang trong chuyến viếng thăm chính thức ở đó. Đó là tại một bữa tiệc được tổ chức bởi Chu Ân Lai - người đã giới thiệu các quan chức Trung Quốc với Pandit Nehru. Khi Chu Ân Lai đến chỗ tôi và nói, “Và đây là Đạt Lai Lạt Ma”, Nehru lạnh lùng và không nói gì. Điều đó đã gây sự chú ý đối với tôi rằng ông ta đã đưa ra sự quyết định về Tây Tạng và tôi tự hỏi liệu ông ta đã suy nghĩ về mối quan hệ lâu dài giữa Ấn Độ và Tây Tạng.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện tại Khu định cư Chowkur của người Tây Tạng, Periyapatna, Karnataka, Ấn Độ vào 04 tháng 1, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài giải thích rằng lần tiếp theo Ngài gặp Nehru khi Ngài đến Ấn Độ vào năm 1956 theo lời mời của Chính phủ Ấn Độ. Lúc ấy không có sự chắc chắn lắm về chuyến viếng thăm vì quan chức Trung Quốc cho biết theo lời mời từ Hội Đại Bồ Đề thì không đáng kể lắm để cho Ngài chấp nhận; nhưng khi đến lời mời từ Chính phủ Ấn Độ thì ấn tượng vô cùng.
Ngài đã báo cáo những khó khăn đang phải đối mặt ở Tây Tạng và gợi ý rằng Ngài đang cân nhắc là không quay trở về mà sẽ lưu lại ở Ấn Độ như người tị nạn. Nehru đã không đồng ý và nói rằng không có mục đích nào sẽ được đáp ứng; và tốt hơn hết là nên quay trở về và tiếp tục cố gắng làm việc trình bày với Trung Quốc trên cơ sở của 17 điểm thỏa thuận. Ông thậm chí còn mang theo một bản sao của nó để thêm phần ảnh hưởng cho lời khuyên của ông. Ngài trở về Lhasa vào năm 1957, nhưng mọi thứ chỉ đi từ xấu đến tồi tệ hơn và vào năm 1959 Ngài đã trốn thoát khỏi Tây Tạng.
“Tôi đã cố gắng làm theo lời khuyên của Nehru, nhưng sau khi chúng tôi đã phải sống lưu vong; có vẻ như ông ta cảm thấy nặng lòng về những gì đã xảy ra với chúng tôi. Chúng tôi nói chuyện về vấn đề giáo dục thế hệ trẻ và ông đã tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ để thực hiện điều đó. Và bởi vì chúng ta hiện giờ đang ở trong một đất nước tự do, chúng ta đã có cơ hội để thiết lập các khu định cư như thế này. Đồng thời chúng ta đã tiếp cận với Liên Hợp Quốc về việc hỗ trợ; và chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ nhiều phía. Những người như quý vị ở trong khu định cư này đã phải làm việc vất vả vì sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta. Quý vị đã thực hiện được một sự đóng góp rất có giá trị. Chúng ta nên cầu nguyện cho những người đã qua đời! Và các cụ già trong số quý vị nên biết rằng chúng tôi sẽ chăm sóc quý vị. Bởi vì chúng tôi tin rằng trong những kiếp quá khứ và tương lai, quý vị có thể cầu nguyện để có thể phục vụ cho sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta trong tương lai.
“Những người thuộc thế hệ trẻ trong số quý vị nên biết rằng những điều mà nhiều người đã coi trọng Tây Tạng đó chính là lòng từ ái của chúng ta và quan điểm tích cực của chúng ta. Quý vị nên cẩn thận để giữ gìn danh tiếng tốt của chúng ta. Hãy tử tế, trung thực, và thân thiện.
“Nehru đã từng nói với tôi rằng sẽ không ích lợi gì nếu chúng ta kiến nghị lên Liên Hợp Quốc; và tôi đã nói với ông ta là chúng tôi không mong đợi sự giúp đỡ nhiều lắm, nhưng chúng tôi chỉ muốn giữ cho vấn đề của Tây Tạng được sống còn. Ông trả lời rằng cách tốt nhất để làm điều đó là giáo dục cho thế hệ trẻ. Vì vậy, thế hệ lớn tuổi - những người đã ra đi từ đất nước Tây Tạng - đã qua đời; điều quan trọng là các bạn trẻ nên học hành cho tốt. Nếu không có nền giáo dục hiện đại thì quý vị sẽ không thể tiến xa hơn được; nhưng quý vị cũng cần phải biết về ngôn ngữ Tây Tạng và truyền thống Phật giáo của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã yêu cầu Nehru giúp đỡ trong việc thiết lập những trường học riêng cho người Tây Tạng”.
Thánh Đức ĐLLM chụp hình với các thành viên trong khu định cư Chowkur Tây Tạng, Periyapatna, Karnataka, Ấn Độ vào 04 tháng 1, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Nhìn những trẻ em trước mặt, Ngài hỏi các cháu có thể tụng câu thần chú của Ngài Văn Thù hay không. Ngài nói rằng nó sẽ giúp cho các cháu trong việc học hành tốt; và Ngài dạy cho chúng cách tụng “Om ara pa tsa na DHI” và làm thế nào để lặp lại âm tiết cuối cùng “DHI” nhiều lần. Ngài yêu cầu các bậc cha mẹ đang có mặt ở đó hãy giúp con cái của họ làm được điều này; Ngài nói rằng chính Ngài đã trì tụng từ khi còn là một đứa trẻ và Ngài thấy nó rất hữu ích.
Ngài quay sang các thành viên của một nhóm người Ý đã tài trợ cho khu định cư này và bày tỏ niềm cảm kích của mình đối với họ.
Vì các thành viên trong khu định cư đã lo lắng về việc có một số người bị chết bất thình lình, thế nên Ngài khuyên họ nên tìm cách điều trị ngay bất cứ khi nào họ bị ốm. Ngài nói với họ rằng, trong khi ở Tây Tạng cơ sở y tế rất ít và xa xôi, thì khi sống lưu vong ở đây thuốc men đã có sẵn và họ nên sử dụng chúng. Để kết thúc, Ngài đã truyền khẩu các câu thần chú của Đức Phật, Đức Quan Thế Âm, Tara và Hayagriva. Trước khi rời khỏi, Ngài đã đến thăm một nhà máy nhỏ sản xuất tấm thảm mà người Ý đã trợ giúp, và nhiễu quanh một vòng của bảo tháp và một luân xa cầu nguyện lớn do một gia đình hiện giờ đang định cư tại Thụy Sĩ cúng dường.
Tiếp tục cuộc hành trình đến Bangalore, Ngài dừng lại dùng cơm trưa tại Học Viện Giáo Dục Cao Cấp Đạt Lai Lạt Ma. Mặc dù đây là thời gian nghỉ hè nhưng một số sinh viên, nhân viên và giáo viên đã có mặt để cung đón Ngài. Trụ sở mới này hiện có khoảng 220 sinh viên và 50 nhân viên với mong muốn nâng cao chất lượng và quy mô giáo dục cao cấp cho người Tây Tạng. Sau khi dùng cơm xong, Ngài còn đi xe một quãng đường tương đối ngắn để đến khách sạn của Ngài ở Bangalore để Ngài nghỉ ngơi qua đêm.