Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ, 30 tháng Năm, 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Mumbai theo lời thỉnh cầu của Nalanda Shiksha, một tập thể của các nhóm Phật giáo Ấn Độ từ những nơi xa xôi như Bangalore, Bir, Sankisa và Nasik. Trong những năm 2012 và 2013 họ đã đến Dharamsala để nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng; đây là lần đầu tiên họ đã tập hợp ở Mumbai, nơi mà Pháp Hội đã được tổ chức bởi Somaiya Vidyavihar, một tổ chức giáo dục không bị gò bó vào bất cứ một nguồn tư tưởng nào.
Thánh Đức ĐLLM xem một vật triển lãm trong chuyến thăm Liên hoan Văn hóa Tây Tạng được tổ chức tại khuôn viên trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ ngày 30 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sáng nay Ngài đã đi ngang qua một lễ hội Văn hóa Tây Tạng do MP Karma Yeshi tổ chức, đặc trưng của cuộc triển lãm là tập trung vào lịch sử của Tây Tạng; một mạn đà la cát của đức Phật Dược Sư được xây dựng và là một cơ hội để tham khảo ý kiến của một nhóm các bác sĩ từ Viện Y tế và Chiêm Tinh Tây Tạng.
Sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa trên khán đài, nghi thức được bắt đầu với phần trì tụng bằng tiếng Phạn bởi nhóm Cầu Nguyện của Trường. Giới thiệu về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là ông Samir Somaiya, Chủ tịch của Hội Somaiya Tín Nhiệm - người có phương châm là “Duy Tuệ thị Giải Thoát”, ông đã giới thiệu rằng đây là chuyến viếng thăm thứ ba của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông lưu ý rằng khi ông nội của ông bắt đầu Somaiya Vidyavihar vào năm 1959 với ý định là bất kỳ ai thuộc bất cứ tầng lớp nào cũng có thể đến và nhận được một sự giáo dục trong bất kỳ nghành nào. Ngày nay, mong ước vẫn còn được duy trì để cung cấp cho một nền giáo dục toàn diện góp phần rèn luyện tâm thức. Trước khi thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện; ông trích dẫn Kinh Pháp Cú “Thay vì nghe ngàn chữ mà không hề ý nghĩa, tốt hơn để nghe một từ thông qua đó được bình an.” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
“Tôi rất vui khi được đến đây một lần nữa. Tôi đã gặp cha của bạn, một người đàn ông tuyệt vời không gì hơn. Những gương mặt mới tựu đến và những gương mặt cũ biến mất - đó là qui luật tự nhiên. Điều quan trọng là phải sống một cuộc sống có ý nghĩa để rồi chúng ta có thể chết mà không hề hối tiếc. “Có ý nghĩa” nghĩa là không chỉ để kiếm tiền và danh vọng, mà còn là để giúp đỡ người khác. Tất cả chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ các anh chị em nhân loại của mình. Tôi thực sự rất cảm kích những cơ hội và các phong cách khác nhau của sự giáo dục mà bạn đã cung cấp ở đây”.
Ngài nói rằng bởi vì Ngài sẽ giải thích những lời dạy của Đức Phật, vì vậy Ngài muốn bắt đầu với phần tụng “Kinh Phước Đức” bằng tiếng Pali; tiếp theo là “Lời Khẩn cầu Mười Bảy vị Hiền Triết Tinh Thông của Nalada Huy Hoàng” được tụng bằng tiếng Tây Tạng, Hindi và tiếng Anh. Ngài trích dẫn từ lời ghi ở cuối sách cầu nguyện này để giải thích lý do tại sao Ngài đã sáng tác nó: “Tại thời điểm hiện tại, trong khi thế giới bình thường có sự tiến bộ rất lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng chúng ta cũng đang bị chi phối bởi sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống bận rộn của chúng ta. Là những người đệ tử Phật, điều cực kỳ quan trọng là chúng ta cần phải có đức tin dựa trên kiến thức về Giáo lý của Ngài. Vì vậy, chúng ta nên xem xét nghiên cứu những lập luận của Giáo lý với một cái tâm không thiên vị và ham học hỏi, phân tích chúng một cách tỉ mỉ kỹ càng”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trong ngày đầu tiên của chuyến thuyết Pháp 4 ngày của Ngài tại khuôn viên trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 30 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
“Chúng ta nên là những người Phật tử của thế kỷ 21 với một kiến thức uyên thâm về những gì Đức Phật đã dạy. Chỉ cần nhắm mắt lại và tụng các nghi thức quy y thôi là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ý nghĩa của nó là gì. Tại sao Đức Phật được tôn trọng? bởi vì đức hạnh và trí tuệ của Ngài. Chúng ta không thể chỉ dựa vào gương mặt Từ Bi của Ngài; chúng ta phải nghiên cứu Giáo Pháp của Ngài. Từ quan điểm về trí tuệ thì Giáo lý của Đức Phật là tuyệt vời, nhưng thậm chí còn quan trọng hơn là chúng ta có thể sử dụng nó để chuyển hóa cảm xúc của mình. Thông qua sự thực hành như thế từ đời này sang đời khác - Đức Phật đã đạt được sự Giác ngộ”.
Ngài giải thích rằng khi chúng ta nghiên cứu Giáo lý, chúng ta nên điều tra chúng với cái tâm không thiên vị. Ngài nói chúng ta cần một mức độ hoài nghi, nó thúc đẩy sự nghi vấn, dẫn đến một sự háo hức say mê tìm hiểu, từ đó sẽ mang lại những đáp án. Đây là phương pháp của các bậc Thầy vĩ đại của Nalanda. Phật giáo nói chung và truyền thống Nalanda nói riêng nhấn mạnh về vấn đề sử dụng phương pháp lý luận. Ngài nói rằng những luận giải được viết bởi các bậc Thầy của Nalanda là vô cùng hữu ích và bản thân Ngài đã bắt đầu học những tác phẩm đó từ lúc mới bảy tuổi. Ngài đề cập rằng khi các nhà văn phương Tây vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã nêu lên một cách qua loa rằng Phật giáo Tây Tạng là Lạt Ma giáo, họ đã bỏ qua giá trị thực của nó. Họ không có sự đánh giá cao về việc sử dụng các phương pháp triết học và nhận thức luận của nó hoặc về sự tinh tế của Phật giáo Mật Tông.
Đạo Phật được truyền vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, một học giả hàng đầu của Nalanda đã được Hoàng đế Tây Tạng thỉnh mời. Ngài khởi đầu cho công trình dịch thuật của hơn 300 quyển của văn học Phật giáo chủ yếu là từ tiếng Phạn, và cũng còn có từ tiếng Pali và Trung Quốc. Người Tây Tạng nghiên cứu các bản văn một cách cặn kẽ và cuối cùng đã sáng tác những bài luận giải của mình. Khi Ngài Dipamkara Atisha đến Tây Tạng vào thế kỷ 11, cả nước đã bị phân tán - tuy nhiên - sự ảnh hưởng của Ngài, cũng như sự kết nối với Na Lan Đà đã được cảm nhận rất sâu sắc và rộng rãi. Ngài đưa ra luận điểm rằng những người Ấn Độ cổ đại là những bậc Thầy của người Tây Tạng; và những chú tiểu hoặc những người đệ tử Tây Tạng đã chứng tỏ được rằng mình là những người đáng tin cậy. Họ đã giữ gìn các giá trị và sự thực hành sống động mà nó đã bị lãng quên trên chính mảnh đất cội nguồn của nó; và giờ đây họ đã mang chúng quay trở về lại (Ấn Độ).
“Tại sao chúng ta cần sự bình an nội tâm? bởi vì, một điều là, một tâm trí điềm tĩnh thì rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Sự sợ hãi, giận dữ và căng thẳng liên tục có thể khiến cho chúng ta bệnh hoạn. Tất cả chúng sinh đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, nhưng hầu hết - giống như động vật và các loài chim - chỉ có thể tìm cách thực hiện điều đó ở mức độ cảm giác. Sự thông minh của chúng bị hạn chế và chúng không thể đáp lại bằng tình cảm và những lời lẽ tốt đẹp. Con người chúng ta có trí thông minh cho phép chúng ta dự tính tương lai và nhớ về quá khứ. Chúng ta không những phát minh ra ngôn ngữ và chữ viết, mà chúng ta còn phát triển được đức tin”.
Khán giả theo dõi lời thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời gian tại trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 30 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài giải thích rằng về thuyết hữu thần thì có niềm tin vào một Đấng Tạo Hóa, nhưng trong thuyết vô thần thì có niềm tin vào quan hệ Nhân Quả. Cả hai phương pháp đều là những sự lợi ích to lớn cho nhân loại trong quá khứ và sẽ tiếp tục được như vậy trong tương lai. Những người tin rằng họ được tạo ra bởi Đấng Tạo Hóa thì nhìn thấy một tia nhỏ của Chúa trong tất cả mọi người. Mặc khác, người Phật tử thì nói rằng tất cả mọi người đều có Phật tính. Truyền thống tôn giáo vô thần nhấn mạnh vào sự nỗ lực của chính chúng ta. Nếu chúng ta tạo ra hành động tích cực, chúng ta sẽ nhận được kết quả tích cực. Những hành động mang lại niềm vui - chúng ta coi là tích cực; những hành động gây đau khổ bị coi là tiêu cực. Ngài nói:
“Một số bạn bè tôi - những người theo Tiến sĩ Ambedkar - không thích từ “nghiệp” vì nó được sử dụng bởi những người của giai cấp thống trị để biện minh cho hệ thống đẳng cấp. Những người Tây Tạng lười biếng và những người theo tư tưởng chủ bại cũng vậy; họ nói rằng bởi vì tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào nghiệp cho nên không có gì còn lại để làm cả. Tuy nhiên, chúng ta phải làm việc để tạo ra những nghiệp hoặc những hành động mạnh hơn để chúng ta có thể thay đổi hoặc vô hiệu hóa những nghiệp tiêu cực của mình. Hành động tích cực mạnh có thể ngăn chặn sự chín muồi của hành động tiêu cực trước đó. Nó phụ thuộc vào những gì chúng ta làm, đó là lý do tại sao Đức Phật nói rằng chúng ta là những bậc thầy của chính mình.
“Phật tử chúng ta không tin vào một cái ngã riêng biệt tách rời khỏi cơ thể và tâm thức. Chúng ta nói rằng mặc dù không có một cái ngã độc lập, nhưng có một cái ngã tồn tại trong sự phụ thuộc vào thể xác và tâm thức”.
Một số người cho rằng Phật giáo không giống như là một tôn giáo lắm, mà là giống như một khoa học của tâm thức hơn. Trong thực tế, những truyền thống Ấn Độ rèn luyện sự tập trung và trí tuệ sâu sắc để có sự hiểu biết phong phú về các hoạt động của tâm thức. Trong khi đó Trung Quán và Vật lý Lượng tử cũng tiếp nhận một quan điểm tương tự. Nhà vật lý hạt nhân Ấn Độ Raja Ramanan đã từng nói với Đức Đạt Lai Lạt về niềm tự hào của mình khi những gì ông đọc trong tác phẩm của Ngài Long Thọ đã có sự cộng hưởng với phương pháp của Vật lý lượng tử. Ngoài ra còn có rất nhiều thông tin về việc giải quyết được những cảm xúc đã làm phiền sự bình an nội tâm của chúng ta.
Đưa ra một luận điểm khác, Ngài nói rằng các truyền thống tôn giáo lớn ở Ấn Độ đã sống bên nhau một thời gian dài. Ngài trích dẫn lời của ông Advani nói rằng nền dân chủ đã rất thành công ở Ấn Độ nhờ tinh thần ahimsa hay bất bạo động; và tôn trọng quyền và quan điểm của người khác. Ngài tán thán sự tuân giữ đức tin của riêng bạn, nhưng cũng tôn trọng đức tin của người khác. Sự hòa hợp giữa các tôn giáo là một truyền thống lâu đời của Ấn Độ và cũng là một tấm gương sống động để cho thấy rằng điều đó là có thể khả thi. Ngài nói rằng bất cứ khi nào đi ra nước ngoài, Ngài đều tự coi mình là một sứ giả của Ấn Độ.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện trong ngày đầu tiên của chuyến thuyết Pháp 4 ngày của Ngài tại khuôn viên trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 30 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
Nếu đạo đức chỉ dựa vào một truyền thống tôn giáo thì nó chỉ có một sức hấp dẫn rất hạn chế; trong khi đó đạo đức cần có thể được sử dụng cho tất cả 7 tỷ người - bao gồm cả 1 tỷ người không có niềm tin tôn giáo. Ngài nói, đây là lý do tại sao chúng ta cần một hệ thống đạo đức thế tục; và nói rằng một chương trình về đạo đức thế tục đang được phác thảo để sử dụng trong trường học.
Sau khi nghỉ ngơi dùng cơm trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiếp tục, Ngài làm rõ vấn đề mà một số bạn bè Kitô giáo và Hồi giáo của Ngài đã chống đối vì cho rằng chủ nghĩa thế tục có vẻ na ná giống như chủ nghĩa vô thần và trái ngược với tôn giáo. Ngài đã phản đối quan điểm này bằng cách nói rằng trong sự hiểu biết của người Ấn Độ; phương pháp thế tục là một phương pháp tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo và thậm chí tôn trọng cả những người không có đức tin. Ngài tiếp tục:
“Nếu chúng ta trung thực, chân thành và có một mối quan tâm thật sự cho hạnh phúc của người khác, có một sự tôn trọng đối với họ, thì sẽ không có sự bắt nạt, bóc lột hoặc gạt gẫm họ. Một cái tâm càng từ bi kèm theo sự tự tin, sẽ càng làm phát sinh sự trung thực, chân thành và minh bạch. Vì vậy, ý nghĩa thực sự của đạo đức thế gian là để trở thành một người nhiệt tâm, tốt bụng và nhiều tình cảm. Sự tốt bụng đó không nhất thiết phải xuất phát từ đức tin, nhưng từ ý thức tự nhiên của chúng ta về tình cảm. Ví dụ như, chó và mèo, chúng cảm kích những tình cảm chân thành. Chúng phản ứng tương tự, cho dù những con chó không thể mỉm cười, nhưng chúng biết vẫy đuôi trong khi những con mèo thì kêu rừ…ừ…ừ và co thụt móng vuốt của chúng lại”.
Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào người khác để tồn tại, vì vậy chúng ta cần tình cảm. Tuy nhiên, yếu tố sinh học này có xu hướng chỉ áp dụng cho bạn bè và người thân. Chúng ta cần sử dụng trí thông minh của mình để có thể thấy rằng một kẻ thù cũng là một con người, một người anh em hoặc chị em thuộc nhân loại, một ai đó mà chúng ta có thể mở rộng tình yêu thương và lòng từ bi đối với họ. Chỉ có con người mới có thể làm được điều này. Ngài giải thích rằng từ bi là nguồn gốc hạnh phúc, trong khi chỉ xem trọng bản thân mình thì cuối cùng sẽ dẫn đến bạo lực. Ngài đề cập đến nhiều trường hợp tham nhũng cũng là một hình thức bạo lực, Ngài khuyên rằng việc thực hành bất bạo động nên bao gồm cả sự trung thực và chân thành. Ngài nói rằng chất lượng của các hành động của chúng ta, dù là tích cực hay tiêu cực, đều phụ thuộc vào động lực của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải chuyển hóa tâm thức của mình.
Đối với giáo lý của Đức Phật, Ngài đã dạy để đáp ứng với sự thỉnh cầu. Ở Varanasi Ngài đã dạy về Tứ Diệu Đế, Ngài giải thích chúng ba lần theo mỗi khía cạnh khác nhau; về bản chất - đó là khổ, nguyên nhân của sự khổ (tập), sự dứt trừ hết khổ não (diệt) và con đường diệt khổ (đạo); về chức năng - rằng chúng ta nên hiểu biết về sự đau khổ, khắc phục nguyên nhân của nó, và đạt được sự chấm dứt đau khổ bằng cách tu tập theo các Đạo lộ; và về kết quả - đã diệt trừ được các nguyên nhân của khổ, sự đau khổ đã được khắc phục, đã tu tập theo Đạo lộ, chúng ta đã đạt được trạng thái đoạn tận khổ đau. Ngài nói rằng sự hiểu biết về đau khổ - chẳng có điều gì được biết; loại bỏ các nguyên nhân - chẳng có gì để được loại bỏ; đạt được sự đoạn tận - chẳng có gì để đạt được và trau giồi Đạo lộ - chẳng có gi để trau giồi.
Một thành viên của khán giả hỏi Thánh Đức ĐLLM một câu hỏi trong ngày đầu tiên của Pháp hội 4 ngày của Ngài tại khuôn viên trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 30 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
Ngài đã thu hút sự chú ý đến sự quan sát của bác sĩ khoa tâm thần người Mỹ - Aaron Beck rằng khi chúng ta tức giận về một điều gì đó hoặc tham đắm về một vật gì đó, chúng ta cảm thấy rằng đối tượng của sự tức giận hoặc sự tham đắm của chúng ta là hoàn toàn tiêu cực hoặc hấp dẫn, nhưng 90% trong số này là do chính tâm thức của chúng ta tạo ra. Ngài nhận xét rằng điều này cũng phù hợp với những gì mà Ngài Long Thọ đã dạy.
Ngài nói rằng sự đau khổ là do thiếu hiểu biết. Sự thiếu hiểu biết về quan hệ Nhân Quả là bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về sự thật. Trong khi lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên liên quan đến Tứ Diệu Đế, thì lần Chuyển Pháp thứ Hai liên quan đến bản chất của sự thật; và lần thứ Ba liên quan đến sự sáng tỏ và tỉnh giác - bản chất của tâm. Nhờ vào bản chất của tâm thức, chúng ta có thể diệt trừ được sự nhiễm ô của nó, vượt qua được đau khổ bằng cách đoạn trừ nguyên nhân của khổ đau, và đạt được sự đoạn tận bằng cách tu tập theo Đạo lộ.
Ngài trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả trong đó có một yêu cầu để được tư vấn về phương pháp thiền định. Ngài giới thiệu nên đọc cuốn “Những giai đoạn Thiền Định” của Ngài Liên Hoa Giới (Kamalashila). Đối với phương pháp khắc phục sự giận dữ, Ngài giới thiệu nên nghiên cứu Chương 6 của “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên (Shantideva). Và cuối cùng, khi được hỏi rằng liệu việc thực hiện tinh thần ahimsa hay bất bạo động không gợi ý rằng chúng ta nên ăn chay, Ngài trích dẫn lời của một nhà sư Sri Lanka đã nói với Ngài rằng vì một tu sĩ Phật giáo phụ thuộc vào sự khất thực chứ không có bếp núc; vì vậy ông phải chấp nhận bất cứ thứ gì mà người ta đã cúng dường cho ông. Do đó, ông không phải là người ăn chay cũng không phải là người không ăn chay. Nói như thế, Ngài chỉ ra rằng - trong cộng đồng Tây Tạng - bếp chính của các Tu viện và trường học hiện nay nói chung là ăn chay. Ngài thừa nhận rằng mặc dù Ngài khuyến khích ăn chay, những vì lý do sức khỏe, theo lời khuyên của các Bác sĩ Tây Tạng và các bác sĩ Ayurvedic, bản thân Ngài đã không thể duy trì một chế độ ăn uống hoàn toàn chay lạc.
Ngài sẽ tiếp tục dạy vào ngày mai.