Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ, ngày 31 tháng Năm, 2014 - Công việc đầu tiên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay trước khi trở lại việc thuyết Pháp của mình đó là khai trương Trường Somaiya - một phần khác của khuôn viên Somaiya. Ngài được chào đón bởi một đoàn kịch thiếu nhi nhảy múa hào hứng theo nhịp trống. Ngài tuyên bố cắt băng Khánh Thành và cửa được mở ra để dẫn vào bên trong. Trong thính đường, trước sự tập hợp của trẻ em, phụ huynh và giáo viên, các em thiếu nhi đã tụng theo nghi thức của Trường bằng tiếng Phạn và một nhóm khác trình diễn một vũ khúc của miền Nam Ấn Độ.
Học sinh của Trường Somaiya trình diễn cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xem trong chương trình lễ Khánh Thành của họ ở Mumbai, Ấn Độ vào 31 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
“Các em trai và em gái!” Ngài bắt đầu, “Tôi rất hạnh phúc khi được ở đây với các bạn và tôi muốn được nhân cơ hội này để cảm ơn ba thế hệ của gia đình Somaiya về tình bạn của họ. Tôi rất cảm kích tất cả những công việc mà quý vị đang làm cho sự nghiệp giáo dục.
“Ấn Độ là quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới, một đất nước mà các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới cùng chung sống trong hòa bình và hòa hợp. Để cải thiện cuộc sống của người dân, chúng ta cần sự giáo dục nhiều hơn nữa. Chính phủ đã thực hiện các bước khởi đầu nhưng có lẽ ngân quỹ không đạt được mục tiêu dự định của họ vì sự tham nhũng. Các tổ chức tư nhân như thế này rõ ràng là đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tôi cũng đã chứng kiến những sự đóng góp rất có hiệu quả của các tổ chức khác nhau đã được thực hiện trong những khu vực nông thôn; và tôi cũng đã đề nghị nên có sự hợp tác và trao đổi nhiều hơn nữa về những ý tưởng và kinh nghiệm giữa họ thì có thể là rất hữu ích”.
Ngài đã tiếp tục chỉ ra rằng Trung Quốc chưa phải là một nước dân chủ, mặc dù nó đang thay đổi. Có rất nhiều lĩnh vực mà Ấn Độ có thể là một tấm gương cho Trung Quốc. Trong số nhiều nền văn minh cổ đại, Ấn Độ đã sản sinh ra số lượng nhiều nhất các triết gia và các nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn lao. Tinh thần Bất Hại, Bất bạo động, là truyền thống lâu đời ở đây, và cũng đã hỗ trợ cho sự phát triển hài hòa giữa các tôn giáo.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với sinh viên và nhân viên của trường Somaiya ở Mumbai, Ấn Độ ngày 31 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
“Dù sao đi nữa, quá khứ có thể là tuyệt vời, nhưng chúng ta không thể lặp lại nó, chúng ta phải tiến lên phía trước. Ấn Độ có thể xây dựng một tương lai dựa trên giá trị cổ xưa của mình. Điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ là cho 1,2 tỷ dân của Ấn Độ, mà còn đóng góp vào sự thịnh vượng của châu Á và thế giới rộng lớn hơn. Trung Quốc đang vươn dậy và có thể cung cấp cho Ấn Độ với sự cạnh tranh tích cực. Ấn Độ cần phải tập trung vào sự giáo dục và làm việc cật lực. Nếu chỉ với một nền Giáo dục hiện đại thôi thì không đủ; cần phải có sự kết hợp với các giá trị cơ bản bên trong. Tại các cuộc thảo luận của tôi với các nhà khoa học, tôi thường xuyên ca ngợi những giá trị của kiến thức sâu sắc của Ấn Độ cổ đại về tâm thức và cảm xúc. Chúng ta cần phải học hỏi từ đây về phương pháp để đối phó với những cảm xúc tiêu cực như sự ghen tị và tham lam bằng những cảm xúc tích cực như lòng từ bi và tình yêu thương; và nên bao gồm những kiến thức như thế trong sự giáo dục. Cũng như chúng ta dạy về vệ sinh cơ thể để duy trì sức khỏe, chúng ta cũng cần dạy về vệ sinh tình cảm”.
Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn sự thông minh của loài người chúng ta khi nó bị chuyển hướng bởi những cảm xúc tiêu cực - điều mà đã dẫn đến nhiều kẻ bạo ngược trong thế kỷ 20. Thay vào đó, tốt hơn, chúng ta nên cạnh tranh với Mahatma Gandhi, người đã chú trọng tình yêu thương, lòng từ bi và sống một cuộc đời giản dị.
“Các bạn thanh niên nam nữ thuộc về thế kỷ 21; và khi các bạn trưởng thành, các bạn sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề - chẳng hạn như sự thiệt hại về sinh thái - mà thế hệ chúng tôi đã gây ra trong thế kỷ 20. Một số trong quý vị ở đây là những nhà giáo cần phải dạy bằng phương pháp giúp cởi mở tâm trí của các cháu thiếu nhi; chứ không phải chỉ đơn thuần cung cấp cho chúng những thông tin mà thôi. Việc học về logic và tâm lý sẽ rất hữu ích để khuyến khích tính chủ động và óc sáng tạo. Trẻ em cần phải học về lòng nhiệt tâm và tinh thần trách nhiệm đối với cả cộng đồng”.
Thánh Đức ĐLLM ghé vào thăm một trong những thính phòng với số khán giả tham gia dư ra từ hội trường chính ở trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 31 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
Sự thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang được trình chiếu cùng một lúc tại nhiều rạp chiếu phim nhỏ trong khuôn viên của trường và Ngài đã ghé vào thăm một trong số đó để đích thân chào đón các thính giả - trên đường đi đến địa điểm tổ chức thuyết Pháp thật sự.
Xét đến Lời khẩn cầu 17 bậc Hiền Triết Thông Tuệ của Nalanda Huy hoàng, Ngài nói rằng Ngài Long Thọ (Nagarjuna) luôn luôn ca ngợi Đức Phật về Giáo Lý Duyên Khởi; và Ngài cũng đã làm như thế. Trong bài kệ kế tiếp mà Ngài gọi là để nhắc nhở chính mình về Ngài Long Thọ - người đã sáng tác các tác phẩm ca ngợi - ngoài các công trình triết học của Ngài - như là tác phẩm quan trọng của mình, “Những bài Kệ Cơ bản về Trung Đạo”. Tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Trung Quốc vào thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 5 và đã có ảnh hưởng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, trước khi nó được dịch sang tiếng Tây Tạng.
Thánh Thiên (Aryadeva) là học trò chính của Ngài Long Thọ và đã sáng tác “Bốn Trăm Bài Kệ về Du Già Hạnh của Bồ Tát”. Theo sau ông là Phật Hộ (Buddhapalita) - người đã trước tác phần luận giải cho “Những Bài Kệ Cơ Bản” và lấy tên của chính mình. Ngài đã được thử thách bởi Ngài Thanh Biện (Bhavaviveka) trong một tác phẩm được gọi là “Sự Rạng Rỡ của Lý Luận”. Tiếp theo là Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti) với sự trước tác về con đường hoàn thiện của Kinh điển và Mật Tông. Ngài chú giải về tư tưởng của Ngài Long Thọ và làm sáng tỏ về trường phái Trung Quán Cụ Duyên, nhưng cũng giải thích về các thực hành rộng rãi của Bồ Tát. Đó cũng là những chủ đề của “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên (Shantideva) và “Yếu Lược Thực Hành” của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ (Shantarakshita) - một học giả vĩ đại đã sáng lập ra phái Du Già Trung Quán Tự Lập; tổng hợp các tư tưởng của các trường phái Duy Thức và Trung Đạo. Ngài đã thiết lập Phật Giáo ở Tây Tạng - một nhiệm vụ mà Ngài đã được giúp đỡ bởi học trò của mình là Liên Hoa Giới (Kamalashila).
Ngài Liên Hoa Giới đã tranh luận với các nhà sư Trung Quốc - những người đã tuyên bố rằng phương pháp duy nhất để thực hành chính là thông qua thiền vô niệm; và ở Tây Tạng Ngài đã trước tác quyển “Các giai đoạn Thiền định”. Những bậc Thầy này - cho đến nay - đều thuộc về dòng truyền thừa của tư tưởng uyên thâm. Sau đó là những lời tán dương dành cho các bậc Thầy của dòng thực hành rộng rãi. Đầu tiên trong số đó là Ngài Vô Trước (Asanga), người sáng lập ra trường phái Duy Thức, anh trai của Ngài là Thế Thân (Vasabandhu), người mà sự trước tác của Ngài viết về Kiến Thức Cao Hơn hoặc Luận, đã phác thảo về Vũ trụ học Phật giáo. Theo sau Ngài Thế Thân là các bậc Thầy của logic học và nhận thức luận - Trần Na (Dignaga) và Pháp Xứng (Dharmakirti). Tiếp theo là học trò của Ngài Thế Thân - Ngài Giải Thoát Quân (Vimuktisena), người được cho là đã vượt trội hơn Thầy của mình, và Ngài Sư Tử Hiền (Haribadra) - người đã chú giải về “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” của Ngài Di Lặc và văn học Trí Tuệ Bát Nhã.
Thánh Đức ĐLLM được hưởng một khoảnh khắc của tiếng cười trong ngày 2 của Pháp hội 4 ngày của Ngài tại trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 31 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
Lên đến Ngài Sư Tử Hiền thì các bậc Thầy đã quan tâm nhiều đến Kinh và các phần Luận của Kinh sách Phật giáo. Ngài Đức Quang (Gunaprabha) và Ngài Thích Ca Quang (Shakyaprabha) đã viết rất nhiều về Luật tạng. Cuối cùng, Dipamkara Atisha, tác giả của “Đèn Soi Nẻo Giác”, đã khôi phục lại kỷ luật tu viện và ảnh hưởng đến sự phát triển của tất cả bốn truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Ngài quay sang “Tràng Hoa Báu” của Ngài Long Thọ được sáng tác như một bức thư gởi cho người bạn của mình là Vua Gautamiputra. Câu đầu tiên mô tả Đức Phật là người bạn duy nhất của tất cả chúng sinh, bởi vì Ngài là người đã chỉ đường cho những người khác, Ngài đã làm sáng tỏ về những gì cần phải được khắc phục và những gì cần được tiếp nhận. Ngài là người đã phát triển con đường của lòng vị tha và sự hiểu biết về Tánh Không nơi chính mình. Ngài dạy rằng để đạt được sự tái sinh cao hơn và sự tốt lành nhất định - chúng ta cần phải hiểu được luật Nhân Quả, để kiềm chế những hành động tiêu cực và phát huy sự tích cực.
Quay lại sau giờ cơm trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mời khán giả bắt đầu với phần câu hỏi. Người đầu tiên muốn biết về cách mà Ngài đã sống hàng ngày như thế nào khi Ngài ở nhà, Ngài đã trả lời:
“Trước hết là một tu sĩ Phật giáo tôi sống theo các quy tắc Luật Tạng. Tôi quan sát 253 giới của truyền thống Căn Bản Hữu Bộ (Mulasarvastivadin). Là một học trò của các bậc thầy Nalanda mà chúng ta đã đề cập lúc nãy, bất cứ khi nào có thể, tôi đều đọc và nghiên cứu, đặc biệt là các tác phẩm của Ngài Long Thọ, Ngài Nguyệt Xứng và Tịch Thiên. Tôi đọc, suy tư và thiền định hầu như hàng ngày. Tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng và thiền định trong 5 tiếng đồng hồ. Sau đó, tôi gặp gỡ một số người và dành thời gian đi blah blah blah. Tôi đi ngủ lúc khoảng 7 giờ hoặc 7.30 tối. Sự thực hành của tôi về trưởng dưỡng lòng vị tha và sự hiểu biết của tánh Không là vô cùng lợi ích. Tôi đã 79 tuổi và đã sống hầu hết cuộc đời mình như một người tị nạn, nhưng tôi nghĩ rằng nó đã rất hữu ích”.
Liên quan đến việc tái phát triển của Đại học Nalanda, Ngài giải thích rằng vào năm 1956, khi đến Ấn Độ, Ngài đã mang theo một tấm ngân phiếu từ Chu Ân Lai để đóng góp kinh phí cho dự án. Sau khi Ngài đến Ấn Độ vào năm 1959 cũng không có nhiều tiến triển được thực hiện; cho đến khi cựu Tổng thống Abdul Kalam quan tâm đến. Tuy nhiên, một số sự cân nhắc về chính trị đã khiến ông phải rút lui.
Ngài được hỏi làm thế nào để quy y Phật, Pháp, Tăng và Ngài trả lời rằng mặc dù Đức Phật được coi như là vị Thầy, nhưng nơi nương tựa thực sự lại là Pháp mà chúng ta phát triển trong tâm thức của mình. Một người khác muốn biết làm thế nào để khiến cho những lời dạy của kinh Pháp Hoa có sự liên quan đến ngày nay; ban đầu Ngài nói rằng Ngài không mấy quen thuộc với sách đó lắm. Ngài nói rằng Ngài đã hoài nghi về khả năng của một cuốn sách hoặc một hình thức cầu nguyện để ban cho sự tái sinh trong một cõi Tịnh Độ cụ thể; và khuyến cáo người đặt câu hỏi ấy nên đọc thêm các cuốn sách khác.
Một thành viên của khán giả hỏi Thánh Đức ĐLLM một câu hỏi trong ngày 2 của Pháp hội 4 ngày tại trường Somaiya Vidyavihar ở Mumbai, Ấn Độ vào 31 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
Đối với câu hỏi về sự Quán Chiếu (Minh Sát Tuệ), Ngài giải thích rằng có những cấp độ khác nhau của ý thức: sự nhận thức hàng ngày, trạng thái giấc mơ, giấc ngủ sâu, và tâm thức vi tế tại thời điểm ngất xỉu và tử vong. Ngài nói rằng trong 55 năm qua đã có một số trường hợp của các vị Lạt ma cơ thể của họ vẫn duy trì được sự tươi tắn sau khi họ đã hiển thị cái chết lâm sàng. Ngài dẫn chứng về trường hợp của Ngài Trisur Rinpoche là người đã duy trì trong trạng thái đó khoảng 23-24 ngày, thời gian đủ cho những người đã được đào tạo từ bệnh viện Delek ở Dharamsala đi đến và gắn các dụng cụ điều tra vào cơ thể của Rinpoche. Những tín hiệu đọc đã được thu âm lại cho thấy sự hoạt động khác thường không thể giải thích được trong não bộ của Ngài mà Phật tử Tây Tạng giải thích là sự hiện diện tiếp tục của ý thức cực kỳ tinh tế, có thể được sử dụng để nhận ra trí tuệ.
Tiếp tục trở lại sự giải thích về chương đầu tiên của “Tràng hoa Báu” của Ngài Long Thọ, Ngài xem xét tổng quát một cách nhanh chóng 100 câu kệ còn lại. Ngài đề cập đến sự mô tả bánh xe cuộc đời như một minh họa được cho là đã được Đức Phật ủy thác như một công cụ giáo dục. Ngài mô tả con lợn, gà trống và con rắn tại trung tâm bánh xe; đại diện cho vô minh, tham đắm và sân giận; sáu cõi luân hồi là vành của vòng tròn, 12 mắc xích duyên khởi bắt đầu bằng sự vô minh và kết thúc với lão, tử.
Khi đến phần cuối chương Ngài nhận xét rằng nó thật là khó; nhưng Ngài đã làm quen với sự hiểu biết tánh Không kể từ khi 13 tuổi. Ngài cho biết rằng khi khoảng 30 tuổi Ngài đã phát triển một cảm giác rằng nguồn gốc của đau khổ là vô minh; mà sự giải thoát khỏi nó là điều có thể. Ngài nói rằng trau giồi lòng vị tha là rất tốt nhưng nó không phải là đối trị của vô minh; chỉ có duy nhất sự hiểu biết về tánh Không mới có thể làm được điều đó. Ngài đã nói về sự gặp gỡ một vị Swami (Tu sĩ Ấn Độ giáo) rất đặc biệt vào năm ngoái, một người đàn ông làm công việc tuyệt vời - cung cấp thức ăn cho người nghèo. Ngài nói với ông rằng Phật giáo và Ấn Độ giáo giống như anh em sinh đôi cùng chia sẻ chung sự thực hành về đạo đức, sự tập trung và trí tuệ. Sự khác biệt duy nhất là Swami thì tin vào atman (linh hồn) và nhận được sự lợi ích từ nó; còn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thì tin vào anatman (không có linh hồn - vô ngã), không có một cái ngã tồn tại với bản chất thật sự; nhưng trong mỗi trường hợp đó là công việc riêng của họ.
Ngài nói lời chúc ngủ ngon đến các thính giả của mình sau khi giảng thêm hơn một tiếng đồng hồ nữa so với thời gian dự kiến. Ngài sẽ tiếp tục giảng trở lại vào sáng mai.