Frankfurt, Đức, ngày 14 tháng 5 năm 2014 - Trong phần đầu ngày thứ hai của mình tại Frankfurt, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tổ chức một cuộc họp với các giới truyền thông, sau đó Ngài đã gặp gỡ Hội đồng quản trị của Nội Viện Tây Tạng. Nói chuyện với đám đông giới Báo Chí trong phòng họp báo; đầu tiên Ngài đã phác thảo ba cam kết của mình như là một trong số 7 tỷ người để phát huy giá trị của con người, sự hòa hợp giữa các tôn giáo và việc bảo tồn văn hóa Phật giáo Tây Tạng.
Ngài cũng khen ngợi vai trò của các phương tiện truyền thông và trách nhiệm của họ để duy trì sự thông báo cho công chúng. Ngài nói rằng - một mặt không những họ cần phải có một cái mũi dài giống như vòi của một con voi để phát hiện những gì đang diễn ra, mà mặt khác - còn phải được dẫn dắt bởi sự thật và lòng trung thực trong sự truyền đạt những thông tin của họ cho công chúng.
Trong số các câu hỏi đặt ra cho Ngài, có câu hỏi là liệu Ngài đã trải nghiệm qua sự tức giận chưa. Ngài đáp:
“Vâng, tất nhiên, tôi là một con người. Nhưng sự tức giận của tôi đến và đi; và khi nó đã đi tôi không bám vào nó nữa.”
Một phóng viên trẻ của kênh truyền hình thiếu thi đã hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc họp báo ở Frankfurt, Đức vào 14 tháng 5, 2014. Ảnh / Manuel Bauer |
Elisabetta Schadt, một cô gái trẻ làm phóng sự cho một kênh truyền hình thiếu nhi đã hỏi về những điều mà Ngài thích và không thích về việc mình là một Đạt Lai Lạt Ma. Ngài nói với cô rằng khi Ngài ở Tây Tạng có quá nhiều lễ nghi và hình thức, trong khi Ngài thích những điều cần phải thực tế và đơn giản hơn. Ngài nói rằng nếu Ngài nghĩ rằng mình là một người nào đó quan trọng thì nó sẽ tạo ra một khoảng cách giữa mình và những người khác, và rút cục Ngài sẽ bị bỏ lại trong sự cô đơn.
“Cuối cùng, mặc dù bạn còn trẻ và tôi đã già, bạn là một cô gái và tôi là một người đàn ông, chúng ta đều như nhau - đều là những con người.”
Khi được hỏi liệu Ngài có thể giải quyết sự tranh cãi về Shugden; Ngài tóm lược một cách ngắn gọn về lịch sử của vấn đề, nói rằng trách nhiệm của mình là làm cho rõ ràng rằng việc thực hành đó liên quan đến việc thờ cúng một tà thần. Ngài nhắc lại rằng cho dù người ta có chú ý đến những gì Ngài nói hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào họ. Ngài đã chú ý đến một cuốn sách với tựa đề “Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Vua Yêu Quái” được viết bởi nhà báo người Ý Raimondo Bultrini; nó đã cung cấp sự mô tả khá thấu đáo về vụ việc, bất cứ ai muốn biết thêm về điều này thì có thể đọc.
Đối với câu hỏi cuối cùng về một tin đồn rằng Ngài đã được mời tham gia để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình tại Wiesbaden vào năm tới, Ngài nói rằng cách sống của mình như là một tu sĩ Phật giáo; thức dậy lúc 3 giờ sáng và đi ngủ lúc 06:30 tối; cách sống ấy không dành nhiều chỗ cho những buổi tiệc tùng.
Một phóng viên trẻ của kênh truyền hình thiếu nhi đã hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc họp báo ở Frankfurt, Đức vào 14 tháng 5, 2014. Ảnh / Manuel Bauer |
Trong cuộc họp với Hội đồng quản trị Nội Viện Tây Tạng, Ngài nhấn mạnh vai trò mà Nội Viện Tây Tạng có thể đảm nhận, không những chỉ trong việc truyền bá sự hiểu biết và nhận thức về văn hóa Phật giáo Tây Tạng, mà còn là một trung tâm nghiên cứu tập trung vào vấn đề tâm thức và cảm xúc.
“Để giúp phát triển lòng từ bi chúng ta cần phải có kiến thức tốt hơn về tâm thức”, Ngài nói. “Tôi muốn được nhìn thấy ngành khoa học về tâm thức như là một môn học có thể được thực hiện ở đây”.
Sau khi ăn trưa, Ngài đã đi xe đến Farport Arena, nơi mà Ngài đã nói chuyện với 4800 khán giả về tầm quan trọng của việc trau giồi các giá trị nội tâm trong việc theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc. Ngài nói:
“Mục đích của cuộc sống chúng ta là để được hạnh phúc. Cuộc sống của chúng ta được dựa trên niềm hy vọng, triển vọng của một điều gì đó tốt đẹp. Một khi bạn mất hy vọng, nó có thể rút ngắn cuộc sống của bạn; do đó, mục đích của chúng ta là để được hạnh phúc.”
Ngài nói rằng sự nghiên cứu về tâm thức và cảm xúc là một cái gì đó mà tất cả mọi người đều có thể làm. Nó nên là một phần trong sự giáo dục của chúng ta. Ngài thừa nhận rằng trong khi tất cả chúng ta đang bị thúc đẩy đến một mức độ nào đó bằng sự tư lợi, thì thà là sự tư lợi khôn ngoan hơn là sự tư lợi ngu xuẩn. Chúng ta càng quan tâm cho hạnh phúc của người khác, thì chúng ta sẽ cảm thấy càng gần gũi nhau hơn. Điều này tạo ra sự tin tưởng, đó là cơ sở của tình hữu nghị, nó rất quan trọng bởi vì tất cả chúng ta đều cần có bạn bè.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về "Lòng từ bi và Tự Nhận Thức" tại Fraport Arena ở Frankfurt, Đức vào 14 tháng 5, 2014. Ảnh / Manuel Bauer |
“Khi bạn được thúc đẩy bởi lòng từ bi, tâm trí của bạn được thư giãn và thoải mái. Sự sợ hãi và nghi ngờ làm cho chúng ta lo lắng, do đó, ngay cả khi chúng ta khá giả chúng ta cũng không hài lòng. Có được ý thức rằng những người khác là anh chị em của mình sẽ làm cho tâm trí thoải mái. Trong cách sống thiên về vật chất của chúng ta, chúng ta đặt trọng tâm của mình vào những thứ vật chất để được hạnh phúc. Những gì chúng ta cần làm là giới thiệu ý nghĩa của các giá trị nội tâm - lòng từ bi và tình cảm - vào hệ thống giáo dục của chúng ta dựa trên đạo đức thế tục”.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Ngài. Trả lời họ, Ngài đã nhấn mạnh sự cần thiết của sự an bình nội tâm trong việc tạo ra hòa bình trên thế giới và tham gia đối thoại để giải quyết sự xung đột. Khi một cặp vợ chồng - người đã bị mất đứa con trai của mình trong một tai nạn giao thông - đã hỏi làm thế nào để đối phó với nỗi đau buồn và sự mất mát, Ngài nói:
“Điều đó thật là buồn, tôi rất lấy làm buồn khi nghe điều đó. Tuy nhiên, nó đã xảy ra! và những điều như thế đã xảy ra cho hàng triệu người khác. Sự lo lắng về điều đó bây giờ sẽ không giúp ích được gì cả.”
Một khán giả hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện tại Fraport Arena ở Frankfurt, Đức ngày 14 tháng 5, 2014. Ảnh / Manuel Bauer |
Ngài gợi ý nên tham gia vào các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn, và an ủi những người bị mất mát tương tự sẽ là một cách hiệu quả để đối phó với nỗi đau của họ. Ngài đề cập rằng mình đã cảm nhận được sự bị mất mát khi vị Thầy Gia sư Trưởng thượng của Ngài - chiếc bàn thạch mà Ngài thường hay nương tựa - đã viên tịch. Nhưng sau đó Ngài nhận ra rằng những gì Ngài phải làm đó là nỗ lực hơn nữa để hoàn thành những tâm nguyện của Sư Phụ mình.
Trả lời câu hỏi về sự tái sinh, Ngài nói rằng nếu chúng ta sống một cuộc sống từ bi mà không làm tổn hại người khác, nó hầu như là một sự đảm bảo cho việc tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp cho kiếp sau. Khi một thành viên của khán giả bước về phía trước để hỏi rằng điều gì làm cho Đạt Lai Lạt Ma hạnh phúc. Ngài suy nghĩ giây lát và nói:
“Vào khoảnh khắc này, tôi rất hạnh phúc khi được ở đây với tất cả các bạn”, và tất cả mọi người đều vỗ tay hoan hô.
Ngày mai, Ngài sẽ nói chuyện về "Đạo đức thế tục và Đạo đức vượt lên trên Tôn giáo".