Bylakuppe, Karnataka, Ấn Độ, 02 tháng 1 năm 2014 - Ngoài các hoạt động công cộng, chẳng hạn như thuyết Pháp về Giáo lý Lam Rim, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng gặp gỡ với một số người vào khoảng thời gian trước, giữa và đôi khi cuối những phần thuyết giảng. Họ có thể là những nhóm từ những nơi khác nhau; hoặc các cá nhân Tăng sĩ và các Lạt Ma. Chẳng hạn như hôm nay, trước khi đến sân bãi thuyết Pháp, Ngài đã gặp một nhóm hơn một trăm tân Phật tử Ấn Độ và một nhóm người Bhutan. Trong cả hai trường hợp Ngài đều nhấn mạnh những gì Ngài thường nói ở những nơi khác rằng, một trong những mục tiêu chính của Phật giáo là sự chuyển hóa những cảm xúc phiền não của chúng ta. Để đạt được đức tin đơn giản này là chưa đủ. Những gì mà người Phật Tử của thế kỷ 21 này cần phải làm - đó chính là nghiên cứu; có nghĩa là chúng ta đọc hoặc nghe giáo lý và suy ngẫm về chúng cho đến khi bạn hiểu được chúng. Cả hai nhóm đều đã quan tâm một cách khát khao lời khuyên của Ngài.
Thánh Đức ĐLLM gia vào những lời cầu nguyện mở đầu vào ngày thứ 9 của đợt thuyết giảng của Ngài tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Karnataka, ngày 02 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong ba tập mà Ngài đã đọc, các bản văn “Lời dạy Thiêng liêng của Đức Văn Thù”, “Dòng truyền thừa Lam Rim Phương Nam” và “Con đường Nhanh”, Ngài đã hoàn tất các phần liên quan đến Thiền định nhưng vẫn còn đọc về phần Trí tuệ. Ngài nói rằng trong số ba lần Chuyển Pháp Luân, Giáo lý về Trí Tuệ Ba La Mật - thuộc lần chuyển Pháp Luân thứ hai - là tối thượng. Bát Nhã Tâm Kinh vừa mới được tụng xong, mà Ngài gọi là “25 Vần Kệ của Kinh Trí Tuệ Bát Nhã”, đã mô tả cả Đức Phật và Quán Thế Âm đều đang miên mật trong Thiền định.
Trong những lời dạy đầu tiên của mình, Đức Phật đã giảng về cách mà chúng ta đã bị đẩy vào vòng luân hồi như thế nào, nhưng không có ai là người bị đẩy cả! Bát Nhã Tâm Kinh dạy rằng không những con người là không, mà năm uẩn là cơ sở của con người cũng không. Ngài đã chỉ ra rằng từ “cũng” được tìm thấy trong bản dịch tiếng Tây Tạng của Bát Nhã Tâm Kinh, nhưng không có trong phiên bản tiếng Nhật Bản, phiên bản Hàn Quốc hay Việt Nam, từ “cũng” này ngụ ý rằng vạn pháp cũng như con người đều là không; không có sự tồn tại cố hữu. Kinh trí Tuệ Bát Nhã dạy rằng, không hề có bản chất thật sự trong bất cứ thứ gì, mọi thứ đều rỗng không, không có sự tồn tại cố hữu; và chúng chỉ tồn tại trên danh nghĩa lý thuyết của sự định danh.
“Vì sự thiếu hiểu biết về bản chất của sự vật cho nên chúng ta đã bị ràng buộc trong vòng luân hồi. Bậc Đại Từ Bi đã dẫn dắt chúng sinh bằng những phương tiện khác nhau để đến với sự hiểu biết về điều này. Ngài đã dạy về Duyên Khởi để làm sáng tỏ rằng mọi vật đều không có sự tồn tại cố hữu. Ngài Tsongkhapa - người sáng lập của truyền thống Gelugpa - đã trích dẫn từ những bậc Đạo sư vĩ đại của Ấn Độ như Ngài Long Thọ, đã viết rằng sự hiểu biết về tánh Không là điều cần thiết để khắc phục vô minh và sự đau khổ bắt nguồn tự sự vô minh ấy. Và để hiểu được những gì mà các Ngài đã viết thì chúng ta cần phải nghiên cứu.
“Chúng ta có ba nơi mà logic và nhận thức luận được nghiên cứu một cách sâu sắc. Những vị Kadampa - những người đồ đệ đầu tiên của Ngài Atisha ở Tây Tạng - đã truyền lại ba dòng truyền thừa: truyền thống kinh điển, khẩu truyền và dòng giáo huấn cốt tủy. Ba nơi đặc biệt là phát huy truyền thống kinh điển hay học thuật”.
Các thành viên của khán theo dõi các bản Kinh trong ngày thuyết Pháp thứ 9 của Thánh Đức ĐLLM tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Karnataka, ngày 02 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta có tiềm năng để đạt đến giác ngộ, điều cần thiết cho tiềm năng đó chính là sự hiểu biết về tánh Không. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay, chúng ta có tất cả các loại làm cho ta bị phân tâm, vì vậy, điều chúng ta cần là phải hiểu được cấu trúc chung của các giáo lý.
“Một khi chúng ta có một sự hiểu biết về Phật pháp và cấu trúc của nó, chúng ta sẽ có thể nhận ra bản chất của vòng luân hồi. Trijang Rinpoche đã nói với tôi rằng, khi đối mặt với những sự phiền nhiễu; ông đã coi chúng như những khía cạnh của khổ đau. Đây là cách mà các bậc Thầy cần nên giảng dạy và là cách mà các bậc hành giả cần nên tiếp tục tiến bước. Trên thế giới, những người quan tâm đến Phật giáo đang ngày càng gia tăng. Chúng ta cần phải hỗ trợ các dòng truyền thừa kinh điển của Ấn Độ, mà vấn đề nghiên cứu là rất quan trọng. Bất cứ điều gì phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện đều được xem là không có tự tánh”.
Ngài chuyển sang các bản Lam Rim “Dòng Truyền thừa Lam Rim Phương Nam” và “Con đường Nhanh” và sau đó quay trở lại với “Lời dạy Thiêng liêng của Đức Văn Thù Sư Lợi” khi từng bản giải thích về Tứ Nhiếp Pháp. Ngài đã hoàn tất phần đọc các bản Lam Rim này và sau đó bắt đầu ngay vào việc đọc “Tinh Túy Cam Lồ”, Ngài đọc xong một phần nhỏ của bản Kinh này trước giờ dùng cơm trưa; và sau đó lại tiếp tục. Bản Kinh bắt đầu với phương pháp làm thế nào để tỏ lòng kính trọng đối với các bậc Thầy tâm linh. Khi đọc đến phần này, Ngài nhắc lại rằng, khi lần đầu tiên Ngài nhận được khẩu truyền và sự giải thích về các bản Kinh này, Ngài đã xúc động khi nghĩ về lòng tốt của vị Thầy của mình, bậc Gia sư của mình là Trijang Rinpoche và Ngài đã khóc cả nửa tiếng đồng hồ! Ngài nói, điều quan trọng là thực hiện lời khuyên của Thầy trong sự thực hành, và khi làm như vậy là ta đã làm cho cuộc sống của kiếp làm người này trở nên có ý nghĩa hơn!
Vì những lý do cho sự triển vọng tốt đẹp, sau khi hoàn tất “Tinh Túy Cam Lồ”, Ngài đã tạo một sự khởi đầu vào việc đọc “Luận giải của Ngài Zhamar Pandita về Giai Trình của Đạo Giác ngộ”, nhưng Ngài nói:
“Chúng ta sẽ gặp nhau tại đâu cho lần thuyết Pháp kế tiếp vẫn còn chưa biết được, bởi vì tương lai không thể được nhìn thấy. Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã có thể truyền được những giáo lý này. Tôi không có bất kỳ kinh nghiệm thực hành nào của bản thân mình, nhưng tôi đã có thể trao lại được sự truyền thừa mà tôi đã nhận được”.
Các Tăng sĩ tranh luận trước mặt Thánh Đức ĐLLM vào cuối ngày thứ 9 của đợt thuyết Pháp của Ngài tại Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, Karnataka, ngày 02 tháng 1, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Theo yêu cầu rõ ràng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, giờ cuối cùng của buổi chiều đã được dành riêng để tranh luận. Các nhóm Tăng sĩ đã thể hiện các kỹ năng của mình không chỉ trước mặt Ngài mà còn ở các nơi khác trong sân bãi. Hai vị trả lời ngồi trên nền đất, và một đội gồm sáu vị Tăng đứng lên để thách thức họ. Mỗi cuộc tranh luận bắt đầu một cách lặng lẽ vừa đủ, nhưng, giống như một đốm lửa bắt đầu gầm lên một khi nó đã được bén lửa, mỗi cuộc tranh luận nhanh chóng trở nên ồn ào và tràn đầy năng lượng. Cuối cùng, tất cả những vị đã tham gia tranh luận đều được chụp một bức ảnh với Ngài.
Ngày mai, Ngài sẽ truyền Quán đảnh Quán Thế Âm, Ngài sẽ bắt đầu sự chuẩn bị của mình từ khoảng 06:30. Khi phần thuyết giảng kết thúc, phát ngôn viên của Đại diện Hội đồng nhân dân Tây Tạng - Penpa Tsering; Bộ Văn hóa và Tôn giáo - Kalon; Pema Chinjor và cựu Kalon Tripa, Giáo sư Samdhong Rinpoche sẽ có cuộc nói chuyện với các khán giả.