Riga, Latvia, 06 Tháng 5 năm 2014 - Trước khi bắt đầu buổi thuyết giảng sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp giới Báo chí tại khách sạn của mình. Trong một giới thiệu ngắn Ngài đã nêu ra rằng đây là lần thứ tư Ngài đến Latvia, sự khác biệt lần này là trong những buổi thuyết Pháp của Ngài có sự tham dự của những người dân đến từ Latvia, Lithuania, Estonia và Nga.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các thành viên của báo chí trong chuyến thăm Riga, Latvia vào 06 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tôi rất vui khi được ở đây”, Ngài nói . “Năm ngoái, khi tôi đến đây, bên cạnh sự thỉnh cầu của những người dân địa phương, một thường dân Nga đã nói với tôi rằng thật là khó khăn cho những người như anh ta để đến được Ấn Độ nghe giáo lý của Đức Phật. Tôi tự hỏi có thể sẽ dễ dàng hơn cho người Nga để đến một trong số những nước vùng Baltic. Tôi đã hỏi thăm và được cho biết là điều này sẽ tốt, vì vậy tôi đã quyết định đến đây”.
Sau đó Ngài giải thích về ba cam kết chính của mình, cố gắng mở rộng sự nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của giá trị con người trong việc tìm kiếm hạnh phúc, thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo và việc bảo vệ và bảo tồn ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và môi trường Tây Tạng. Sau đó, Ngài trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Được hỏi về phản ứng của Ngài đối với sự thông báo của chính phủ Na Uy rằng không có thành viên nào sẽ gặp gỡ Ngài, Ngài nói rằng đó không phải là chuyện bất thường. Tuy nhiên, mục đích của chuyến viếng thăm là thúc đẩy ba cam kết của mình, gặp gỡ bạn bè cũ và giao lưu với công chúng. Ngài nói thêm rằng bất cứ nơi nào Ngài đến, Ngài đều không muốn gây ra bất kỳ sự phiền phức nào.
Liên quan đến việc bạo lực đang xảy ra ở một số nơi trên thế giới, Ngài cho rằng, nhiều trường hợp là kết quả của sự sơ suất trong quá khứ. Ngài cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí có thể xuất hiện mang tính quyết định, nhưng sẽ đem lại sự sợ hãi, đó không phải là một giải pháp được ưa chuộng để giải quyết vấn đề. Thế kỷ 20 đã là kỷ nguyên của bạo lực, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm cho thế kỷ 21 trở thành thế kỷ của sự đàm phán và những giải pháp hòa bình cho sự xung đột. Vào thời điểm khi chúng ta cần phải phát huy những nỗ lực đặc biệt để thúc đẩy các giá trị con người, mà đối với điều này người phụ nữ có xu hướng nhạy cảm hơn, do vậy chúng ta cần nhiều phụ nữ để đảm nhận vai trò của sự lãnh đạo.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma họp với các thành viên của báo chí trong chuyến viếng thăm Riga, Latvia vào 06 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Khi được hỏi về sự bất đồng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, Ngài nói đó là một vấn đề chính trị mà Ngài không cảm thấy có đầy đủ thông tin. Bất cứ mục tiêu nào được chọn để xoa dịu cuộc khủng hoảng thì việc sử dụng vũ lực đều sẽ không giúp để thực hiện được điều đó. Ngài chỉ ra rằng sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa không phải là cơ sở cho sự xung đột. Ngài đã dẫn chứng về ví dụ của người nói tiếng Pháp và những người nói tiếng Flemish của Bỉ; và các dân tộc của Ấn Độ đang sống một cách thân thiện với nhau trong sự tự do và dân chủ dưới sự cai trị của pháp luật.
Chào đón những khán giả đang chờ đợi Ngài tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Kipsala, Ngài yêu cầu tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Nga. Ngài trích dẫn câu nói của Đức Phật: “Về phần tôi, tôi sẽ chỉ con đường cho bạn, nhưng chính bạn phải bước đi trên con đường ấy”, và Ngài nói thêm bài kệ sau:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Ngài đã nói về nguyên nhân của sự đau khổ xảy ra bởi vì những hành động bất thiện làm tổn hại đến người khác. Vì vậy, chúng ta nên tránh những việc làm bất thiện. Ngài nhận xét rằng Đức Phật mô tả đau khổ về bản chất dễ đổi thay của những gì mà ta thường cho là hạnh phúc. Mặc dù nó phát sinh từ hành động tốt, nhưng bản chất dễ biến đổi của nó lại là một việc khiến ta không hài lòng. Nguyên nhân của đau khổ là vô minh, nó đối lập với sự thật. Bởi vì vô minh là trái ngược của trí tuệ, chúng ta cần phải hiểu sự thật là gì. Vô minh là yếu tố đầu tiên trong số mười hai mắc xích của Duyên khởi. Đó là sự thiếu hiểu biết về sự thật các pháp tồn tại như thế nào. Chúng ta cần phải hiểu được khoảng cách giữa sự xuất hiện bên ngoài và thực tế. Mọi vật dường như tồn tại bởi chính nó. Chúng dường như tồn tại một cách độc lập, nhưng thật ra chúng chỉ tồn tại bằng sự định danh.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào thính giả vào đầu ngày thứ hai của hai ngày thuyết Pháp của Ngài tại Riga, Latvia vào 06 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài chỉ ra những mức độ khác nhau của sự vô minh; chẳng hạn như - sự vô minh không biết được trong túi xách của Ngài hiện đang có những gì, sẽ thuộc vào cấp bậc khác đối với sự vô minh về trạng thái của các pháp. Vì chúng ta nhìn mọi vật là tốt đẹp một cách khách quan, ta phát triển sự tham đắm đối với chúng. Khi chúng xuất hiện như là một sự tiêu cực, ta phát sinh sự tức giận và hận thù. Sự vô minh củng cố cho các khái niệm méo mó sai lầm làm phát khởi những cảm xúc phiền não. Dưới sự thống trị của các cảm xúc này - như bác sĩ chuyên gia về tâm thần học người Mỹ Aaron Beck đã chỉ ra rằng - ý thức của chúng ta về sự tham đắm hoặc tức giận là 90% do suy nghĩ của chính tâm thức chúng ta tạo ra. Phái Trung Quán nói rằng trong khi mọi vật dường như tồn tại khách quan, chúng chỉ là sự định danh. Chúng không có sự tồn tại khách quan, ngay cả trong những giới hạn thông thường.
Ngài đưa ra ví dụ về ba thời, quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ đã qua đi, tương lai vẫn chưa đến, còn hiện tại thì rất khó để xác định. Giống như vậy, mọi hiện tượng đều không có sự tồn tại cố hữu bên trong của nó.
Ca ngợi phương pháp của Nalanda về sự học tập và điều tra nghiên cứu, Ngài tán dương bốn sự nương dựa như những nguyên tắc chỉ đạo:
Y Pháp, bất y nhân;
Y nghĩa, bất y ngữ;
Y trí, bất y thức;
Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa.
Ngài nói:
“Tôi nói với mọi người rằng là Phật tử thế kỷ 21 chúng ta nên làm theo lời khuyên của Đức Phật sử dụng trí thông minh của mình một cách toàn diện và chuyển hóa những cảm xúc phiền não của mình. Một bậc Đạo Sư Phật Giáo Tây Tạng vĩ đại ở thế kỷ 13 đã khuyên rằng, ngay cả khi bạn biết bạn sẽ chết vào ngày mai, thì việc học ngày hôm nay vẫn có giá trị, bởi vì nó có thể có ảnh hưởng đến đời sau. Về nghiên cứu, Tây Tạng là ngôn ngữ chính xác nhất mà thông qua đó để nghiên cứu truyền thống Nalanda. Các học giả quý trọng các bản dịch Tây Tạng của các bản tiếng Phạn vì độ chính xác trong cách dịch thuật của chúng. Và có một số lượng ngày càng tăng của các bản dịch tiếng Anh từ tiếng Tây Tạng.
Một vài trong số hơn 3.500 người tham dự ngày thứ hai của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến thuyết Pháp hai ngày của Ngài tại Riga, Latvia vào 06 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Để khắc phục những cảm xúc tiêu cực và các sở tri chướng, chúng ta cần trí tuệ hiểu biết Tánh Không được hỗ trợ bởi tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm và Sáu Ba-la-mật”.
Kết thúc sự giải thích của mình về "Bát Nhã Tâm Kinh", Ngài liên hệ đến câu thần chú ở cuối bài Kinh như một tiến trình trên con đường tâm linh, Ngài gợi ý rằng “tayata paragate parasamgate bodhi svaha” có nghĩa là: “Đi, đi, vượt qua, vượt qua hoàn toàn” - đặt nền tảng của sự giác ngộ hoàn toàn. Ngài giải thích rằng cặp đầu tiên của âm tiết gate gate / (đi, đi) ngụ ý cho những con đường tích lũy (tư lương đạo) và con đường chuẩn bị (gia hành đạo) và kinh nghiệm đầu tiên về Tánh Không; paragate / (vượt qua) ngụ ý cho kiến đạo - trí tuệ đầu tiên thấu hiểu về Tánh Không và đạt được quả vị Bồ Tát sơ địa; parasamgate / (vượt qua hoàn toàn) ngụ ý cho thiền đạo và sự chứng ngộ của các Bồ Tát địa tiếp theo, trong khi bodhi svaha biểu lộ nền tảng của sự giác ngộ hoàn toàn.
Trả lời thêm một lần nữa về phần câu hỏi, Ngài bày tỏ sự hoài nghi của mình về chiêm tinh học, Ngài nhớ lại những nhận xét của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 trong cuốn tự truyện của Ngài rằng, Ngài được sinh ra vào một ngày tốt lành, nhưng mà có nhiều con chó cũng được sinh ra trong cùng một ngày đó. Mặt khác, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã báo rằng tử vi của Ngài đã tiên đoán rằng vào năm 25 tuổi, Ngài hoặc là sẽ chết hoặc là sẽ rời khỏi đất nước, và điều này đã được xác minh bằng các sự kiện. Đối với một ý kiến cho rằng nghiệp đã thể hiện một sự định trước; Ngài nói không phải thế; bởi vì cho đến khi nó trổ thành quả, nghiệp vẫn có thể được thay đổi. Ngài đưa ra một ví dụ rằng, mặc dù Ngài đã đặt vé để bay đến Oslo vào ngày mai - nhưng cho đến khi Ngài ngồi ở trên máy bay và cất cánh - một trường hợp khẩn cấp hoặc một hoàn cảnh khác cũng có thể khiến cho Ngài phải thay đổi kế hoạch của mình. Ngài nói rằng nghiệp là sự tạo tác của chính chúng ta cho nên chúng ta cũng có thể thay đổi nó.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với các thành viên của Quốc hội Latvia trong chuyến thăm Riga, Latvia vào 06 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Sau giờ cơm trưa ngày hôm qua, Ngài gặp một nhóm năm thành viên của Quốc hội Nga. Hôm nay, Ngài đã gặp bảy nghị sĩ Latvia và hai ứng cử viên cho Nghị viện châu Âu.
Trở lại khán đài, Ngài mô tả “37 pháp hành của Bồ tát” như một bản kinh về cách thiền định trên cơ sở hàng ngày. Ngài nói rằng Thogmey Zangpo, vị tác giả vào thế kỷ 13/14th, khi Ngài còn tại thế, Ngài đã được khắp nơi công nhận là một vị Bồ Tát. Sự thực hành của Ngài về tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm rất hiệu quả, bất cứ nơi nào Ngài sống đều thắm đượm trong bầu không khí hòa bình.
Vì chủ đề là Bồ đề tâm, cho nên sự kính lễ khi bắt đầu của bản kinh dành cho Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát - hiện thân của lòng từ bi của tất cả chư Phật. Ngài đọc rải rác qua các câu kệ bình luận. Ngài chỉ ra rằng Đức Phật không giác ngộ mà không có nguyên nhân, mà là thông qua việc tạo ra các nguyên nhân và điều kiện cần thiết. Ngài Long Thọ phân biệt hai mục tiêu, những cảnh giới cao và sự thiện lành nhất định, hoặc giải thoát, và Ngài tán thán sự rèn luyện cao thâm của tam Vô Lậu Học - giới, định, tuệ trong sự thành tựu các mục tiêu ấy.
Ngài hướng dẫn các khán giả thông qua việc thực hành hơi thở chín vòng, Ngài nói rằng nó sẽ giúp ổn định năng lượng bên trong của chúng ta và do đó làm lắng dịu tâm trí và làm cho nó thuận lợi hơn cho việc thiền định.
Đề cập đến sự quy y Tam Bảo - Phật, Pháp và Tăng; điều này nhắc Ngài nhớ lại rằng trong khu vực Hy Mã Lạp Sơn có rất nhiều vị thần, “gyalpos” mà có một số người đã cúng dường. Tuy nhiên, nếu bạn đi xa như vậy để quy y họ thì bạn đã đánh mất nơi nương tựa Phật giáo của mình. Ngài nói rằng Ngài đã từng dựa vào Shugden, đó là một vị thần như thế.
Các thông dịch viên tiếng Estonia, Latvia, Nga và tiếng Anh làm việc trong ngày cuối cùng của chuyến thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Riga, Latvia vào 06 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Gia sư của tôi Trijang Rinpoche và Thầy của Ngài là Phabongka Rinpoche, người cũng đã dựa vào Shugden, họ không tìm thấy ông ấy như một nơi nương tựa, vì vậy họ đã không đặt ông ta vào trong Cây Quy Y. Tuy nhiên, nó được ghi lại trong cuốn tiểu sử của Phabongka rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã quở trách cách mà ông đã nương tựa vào nó, Ngài nói rằng điều đó tương đương với việc coi thường sự quy y của mình nơi Tam Bảo.
“Tôi đã thực hành cho đến khi sự điều tra và phân tích cho thấy rằng tốt hơn hết là nên chấm dứt. Kể từ đó tôi cũng đã khuyên những người khác nên từ bỏ nó. Nếu mọi người chọn tiếp tục thực hành pháp ấy thì tôi yêu cầu họ đừng thọ nhận những cam kết và lễ quán đảnh từ tôi. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã thấy Shugden là sự phát sinh từ những lời cầu nguyện méo mó và làm tổn hại đến Phật Pháp và chúng sinh.
“Ngày nay, những người tôn thờ Shugden đã tức giận đối với tôi. Họ đang có kế hoạch để biểu tình chống lại tôi ở Na Uy và ở những nơi khác như họ đã làm hồi đầu năm nay ở Mỹ. Tôi cảm thấy tiếc cho những người này vì họ không hiểu đúng bản chất của Shugden.
“Nơi nương tựa của Phật Tử là Tam Bảo”.
Khi đến bài kệ đề cập đến việc thực hành hoán đổi mình và người khác, Ngài trích dẫn lời của Ngài Tịch Thiên rằng nếu không hoán đổi bản thân mình và những người khác thì không có hạnh phúc nhiều. Những bài kệ tiếp theo liên quan đến sáu Ba-la-mật và bài kệ cuối cùng bày tỏ sự hồi hướng công đức.
Trong số những câu hỏi được đưa ra từ phía khán giả vào lúc gần cuối buổi; có một câu là người mẹ có thể làm gì cho đứa trẻ bị mất sau khi trải qua sự sẩy thai. Đầu tiên Ngài nói rằng, việc loại bỏ một xác chết không phải là điều quan trọng. Ngài nói rằng trong khi nghiệp thuộc về cá nhân, thì có mối quan hệ đặc biệt giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò và v.v. Vì vậy, trong trường hợp như thế, người mẹ có thể làm những điều thiện lành và hồi hướng công đức cho lợi lạc của đứa trẻ. Ngài nói rằng khi mẹ Ngài qua đời, Ngài đã thay mặt Bà trì tụng những thần chú và hồi hướng công đức cho Bà.
Một thành viên của khán giả hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày cuối cùng của chuyến giảng Pháp của Ngài tại Riga, Latvia vào 06 tháng 5, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Một người khác hỏi là một Phật tử nên làm gì nếu đất nước bị một kẻ xâm lược xâm chiếm. Ngài nói với ông rằng ông sẽ phải đánh giá về những gì sẽ mang lại sự lợi ích lớn nhất cho số lượng người dân đông nhất. Nó sẽ phụ thuộc vào từng hoàn cảnh. Ngài đề cập đến câu chuyện “Tiền thân của Đức Phật” đã kể lại cách mà vị Bồ Tát, trong một tiền kiếp trước khi trở thành Đức Phật, là thuyền trưởng của một con tàu. Ngài quyết định tước mạng sống của một người đàn ông có ý định giết chết 499 người khác trên tàu. Làm như vậy, Ngài không những đã cứu được mạng sống của họ, mà còn ngăn chặn được người đàn ông kia không tạo ra nghiệp tiêu cực rất nghiêm trọng.
Khi được hỏi làm thế nào để thực hành theo phương pháp không bè phái; Ngài chỉ ra rằng tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng có nguồn gốc từ truyền thống Nalanda. Ngài nói rằng truyền thống Gelugpas (Hoàng Mạo - Mũ Vàng, DG) có một phương pháp tốt để nghiên cứu, nhưng theo kinh nghiệm của chính Ngài thì pháp Đại Toàn Thiện (Dzogchen) của truyền thống Nyingmas (Cổ Mật) có thể rất hữu ích trong các khía cạnh hiểu biết về Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja), trong khi Bí Mật Tập Hội cũng có thể hữu ích trong việc tìm hiểu Đại Toàn Thiện. Ngài nói đùa rằng về điểm này tốt hơn hết là nên chọn những chiếc mũ có hình dạng khác nhau và màu sắc khác nhau.
Cuối cùng, một phụ nữ đến từ Buryatia đã hỏi liệu Ngài sẽ đến Mông Cổ trong năm nay. Ngài nói với cô rằng đề xuất Lễ Quán Đảnh Kalachakra đã bị hoãn lại, nhưng vẫn còn có một kế hoạch để đến tham dự một cuộc họp của các nhà khoa học. Ngài nói rằng mọi người đã bày tỏ sự cảm kích đối với những buổi thảo luận mà họ đã có trong hai ngày vừa qua và đã yêu cầu Ngài cũng làm như vậy trong năm tới. Các nghị sĩ Latvia cũng đã thể hiện sự cảm kích của họ, vì vậy về mặt cơ bản Ngài đã chấp nhận lời thỉnh cầu này.
Telo Rinpoche đã dâng lời cám ơn đến tất cả những người đã góp sức làm cho sự kiện này có thể thực hiện được, đến những nhà tài trợ, ban tổ chức, các tình nguyện viên và trên hết - đó là Ngài. Ông đã yêu cầu đọc báo cáo chi tiết của các tài khoản. Để kết thúc sự kiện này, ca sĩ Nga - Boris Grebenshchikov đã trình diễn một bản nhạc ngọt ngào êm dịu. Và Ngài đã rời tòa Đại sảnh trong một làn sóng dạt dào cảm xúc mãnh liệt.
Ngày mai Ngài sẽ bay đến Oslo, Na Uy để tham dự một cuộc họp của Hội nghị bàn tròn Nobel.