Rotterdam, Hà Lan, ngày 11 tháng Năm, 2014 - Ngày thứ hai của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Rotterdam đã bắt đầu với những trận mưa đập vào cửa sổ. Trước khi đến sân vận động Ahoy Ngài trả lời cho ba cuộc phỏng vấn: đầu tiên là Floris Harm van Luyn của Tin tức quốc gia NOS, người hỏi Ngài về cuộc gặp gỡ hôm qua với Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được Bettine Vriesekoop phỏng vấn cho đài phát thanh truyền hình Phật giáo tại Rotterdam,
Hà Lan vào 11 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Jacobine Geel người đại diện cho một chương trình trò chuyện về các vấn đề tôn giáo đã kiên trì trong các câu hỏi của cô ta về sự liên quan của các đền thờ và những cái bẫy truyền thống của tôn giáo, và lý do tại sao Ngài nghĩ rằng mọi người cần phải nghe thông điệp của Ngài.
Ngài nói với cô ta rằng những người lắng nghe Ngài là tất cả đồng loại của con người, họ mong muốn được hạnh phúc và Ngài thường xuyên tư vấn cho họ nếu họ quan tâm để suy nghĩ về những gì Ngài nói. Nếu họ thấy nó hữu ích thì đưa vào áp dụng để thực hiện thi hành, nếu không lợi ích thì hãy quên nó đi. Bettine Vriesekoop làm việc cho đài phát thanh truyền hình Phật giáo đã hỏi Ngài về việc đổi mới sự quan tâm về Phật giáo ở Trung Quốc. Ngài nói với cô ấy rằng so với Tây Tạng, Trung Quốc là bậc đàn anh trong lĩnh vực Phật Giáo, nhưng có bằng chứng rõ ràng về việc nhiều người Trung Quốc đã quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng trong bối cảnh của một sự quan tâm hồi sinh về Phật giáo nói chung.
Về đến sân vận động Ahoy, Ngài đã được một số vị Tiến Sĩ (Geshe) sống ở Hà Lan và các thành viên của các nhóm tổ chức cung đón. Khi Ngài xuất hiện trên sân khấu, tiếng vỗ tay hoan nghênh hò reo vang dội giữa 11.000 khán giả nồng nhiệt.
“Thưa các Pháp Hữu, các Anh chị em tâm linh” Ngài đáp lại, “Tôi rất hạnh phúc khi được ở đây với các vị. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi luôn luôn nói về cách mà tất cả 7 tỷ người chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta cần nhớ rằng tất cả chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại”.
Ngài nói rằng có hai nhóm truyền thống tôn giáo, những người có khái niệm về một Đấng Tạo Hóa, và những người như Phật giáo thì không có khái niệm đó. Phật giáo cũng không chấp nhận sự tồn tại của một cái “ngã” độc lập, một cái “ngã” tách rời khỏi thân và tâm. Ngài đề cập rằng Ngài thích bất cứ khi nào - nếu có thể - thì bắt đầu buổi thuyết giảng bằng sự tụng kinh “Hạnh Phúc” (Mangala) bằng tiếng Pali. Hôm nay, Ngài mời các thành viên của một nhóm Thiền tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Nhật.
Khán giả của hơn 11.000 người tại sân vận động Ahoy nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp tại Rotterdam, Hà Lan vào 11 tháng 5, 2014. Ảnh / Jurjen Donkers |
“Phương pháp của Phật giáo để giải thích về chân lý là sử dụng trí thông minh của chúng ta một cách toàn diện. Ngài Long Thọ và các Luận Sư khác cũng đã sử dụng phương pháp lý luận. Họ vâng theo lời khuyên của Đức Phật không chấp nhận giáo lý của Ngài do đức tin và lòng sùng kính mà phải nghiên cứu tìm hiểu và kiểm nghiệm chúng. Trong kỳ chuyển Pháp Luân lần thứ ba, Đức Phật đã giảng dạy tùy theo căn cơ của các đệ tử mà Ngài đang dạy. Đối với một số người, Ngài dạy về các uẩn tâm-vật lý như là một vật chở - được mang đi bởi cái ngã, như thể chúng là riêng biệt”.
Ngài nói rằng là những chúng sinh, tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, vì vậy chúng ta cần phải biết cách mà đau khổ và hạnh phúc xảy đến. Ngài trích dẫn lời của Ngài Long Thọ nói rằng đau khổ là kết quả của không có gì khác hơn là hành động của chính chúng ta. Đức Phật nói: “Khổ cần phải được nhận biết, nguồn gốc của khổ cần phải được khắc phục, sự giải thoát cần phải đạt được và con đường thực hành cần phải được phát triển.” Khái niệm Phật Giáo về lý Duyên Khởi thể hiện luật Nhân Quả mà các kết quả phụ thuộc vào nguyên nhân của chúng. Tuy nhiên, một nguyên nhân cũng phụ thuộc vào sự tồn tại của kết quả. Một nguyên nhân là một nguyên nhân bởi vì có một kết quả. Điều này không có nghĩa là một nguyên nhân xuất phát từ một kết quả, nhưng mà là nếu không có kết quả thì nó không phải là một nguyên nhân. Ngài so sánh điều này để giải thích về những thứ vật chất trong Vật lý Lượng tử.
Phái Trung Quán nói rằng mọi thứ không tồn tại một cách khách quan; chúng chỉ tồn tại bằng cách của sự định danh. Chúng ta phải trải nghiệm sự đau khổ bởi vì do vô minh, vì khoảng cách giữa sự xuất hiện bên ngoài và sự thực. Ngài liên hệ điều này với những gì mà Bác sĩ khoa tâm thần người Mỹ - Aaron Beck nói với Ngài, rằng khi chúng ta tức giận về điều gì đó thì đối tượng của sự tức giận của chúng ta dường như hoàn toàn tiêu cực; nhưng thật ra 90% trong số đó là do chính là tâm thức của chúng ta. Điều này cũng phù hợp với lời giải thích của Ngài Long Thọ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói trong buổi thuyết giảng của mình tại Rotterdam, Hà Lan vào 11 tháng 5, 2014. Ảnh / Jeppe Schilder |
“Chúng ta có hai mục tiêu” - Ngài nói, “tái sinh vào cảnh giới cao hơn và giải thoát. Vô minh chính là những gì trói buộc chúng ta trong vòng sinh tử luân hồi. Sự hiểu biết về vô ngã sẽ đưa chúng ta thoát khỏi vòng luân hồi đó. Đức hạnh là nhân của sự tái sinh cao hơn, có thể tìm thấy điểm chung với những truyền thống tâm linh khác, nhưng Duyên khởi chính là chúa tể của lý luận, nó diệt trừ được sự vô minh của việc bám chấp vào sự tồn tại cố hữu bên trong”.
Ngài cho rằng, để đạt được giác ngộ, chúng ta cần một sự hiểu biết về Tánh Không được hỗ trợ bởi tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm và sự thực hành Sáu Ba-la-mật. Để đạt được sự toàn tri, chúng ta cần phải vượt qua những sở tri chướng.
Ba cốt tủy của Đạo Lộ là sự từ bỏ hoặc là sự quyết tâm tự do, Bồ đề tâm hay “nguyện vọng vị tha cho sự giác ngộ” và trí tuệ. Để bắt đầu, chúng ta phát khởi sự kiên định để được tự do. Nới rộng khát vọng này đến với người khác chính là Bồ đề tâm, nhưng nếu không hiểu về Duyên khởi thì sự quyết tâm tự do và Bồ đề tâm sẽ không được hoàn thành. Chúng ta cần phải nhận ra rằng, sự tồn tại phụ thuộc vào các yếu tố khác, các pháp không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện; chúng chỉ tồn tại như sự định danh.
Ngài nói rằng Ngài muốn bắt đầu phần buổi chiều bằng cách nhận câu hỏi từ khán giả. Trong giờ giải lao để dùng cơm trưa, Ngài trả lời phỏng vấn cho vị phóng viên khả kính Floris van Straaten, trong đó Ngài nói về sự phát triển tích cực ở Trung Quốc, bao gồm cả phần chú ý đến nhu cầu của nông dân bình thường nghèo khổ và sự cải cách tư pháp trong Hội nghị lần thứ 3 gần đây. Ngài cũng đề cập đến nhận xét của Tập Cận Bình về người Phật tử phải đảm nhận trách nhiệm để làm phục hưng lại nền văn hóa Trung Quốc, điều mà Ngài cho rằng là một sự quan sát hiếm có đối với một nhà lãnh đạo đảng cộng sản. Ngài cho biết rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng nơi nào nó có thể lãnh đạo, tuy nhiên Ngài lưu ý rằng Tập Cận Bình, cũng giống như Hồ Diệu Bang trước đó, dường như đã chấp nhận sự tiếp cận một cách thực tế hơn.
Erica Terpstra và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được hưởng một khoảnh khắc của tiếng cười trong buổi nói chuyện tại Rotterdam, Hà Lan vào 11 tháng 5, 2014. Ảnh / Jurjen Donkers |
Erica Terpstra, người mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng quen biết trong một thời gian dài, đã giới thiệu phần làm việc buổi chiều. Cô nói đó là một niềm vui thực sự khi được có mặt ở đây trong sự hiện diện của Ngài. Cô nhớ lại một dịp khi Ngài đã được hỏi ai là người mà Ngài coi là bạn bè tâm linh của mình và Ngài đã suy nghĩ trong khoảnh khắc rồi trả lời: “Tất cả mọi người trên thế giới”. Cô ấy yêu cầu khán giả hãy chào đón “Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma của chúng ta!”
Ngài đã bắt đầu như Ngài vẫn thường làm bằng cách thừa nhận rằng tất cả mọi người đều giống nhau, về tinh thần, thể xác và tình cảm. Tất cả đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Ngài nói:
“Nếu chúng ta có thể hiểu rõ được giá trị của việc tất cả mọi người đều là anh chị em thuộc trong cùng một gia đình nhân loại, thì sẽ không có chỗ cho sự xung đột, không có sự phân chia giữa “chúng ta” và “họ”. Sẽ không có bạo lực, không có gian lận hay bóc lột. Những người có liên quan đến nền giáo dục nên suy nghĩ nghiêm túc về việc làm thế nào để giới thiệu các giá trị như thế vào sự giáo dục. Chúng ta là động vật xã hội, như những con ong, không tôn giáo, không pháp luật hay cảnh sát, nhưng chúng đã làm việc cùng nhau cho sự sống còn của chính mình.”
Trả lời những câu hỏi từ khán giả, Ngài gợi ý rằng trong việc giới thiệu Phật giáo cho trẻ em, nếu chúng thuộc về một gia đình Phật giáo thì ý nghĩa của Phật, Pháp và Tăng đoàn có thể được giải thích cho chúng. Nếu không, có thể sẽ dễ dàng hơn khi nói về tâm trí và cảm xúc. Khi được hỏi rằng Ngài thư giãn như thế nào, Ngài trả lời - giấc ngủ. Ngài tiếp tục nói rằng lúc có thời gian rãnh rỗi Ngài thường hay đọc sách, và thông thường thì Ngài đọc các tác phẩm của các bậc thầy Nalanda. Vài người khác muốn biết làm thế nào Ngài đối phó với muỗi - tiếng cười vang rộ lên từ phía khán giả - và Ngài nói rằng mối quan hệ của Ngài đối với chúng không phải là tốt lắm. Ngài nói thêm rằng Ngài tự hỏi kích cỡ nào của bộ não là cần thiết để phát triển sự cảm kích, bởi vì đôi khi Ngài cho phép một con muỗi hút máu của mình, nhưng nó bay đi mà không thể hiện bất kỳ sự cảm kích nào.
Khán giả xếp hàng để xin hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma những câu hỏi trong buổi nói chuyện của Ngài tại sân vận động Ahoy Rotterdam, Hà Lan vào 11 tháng 5, 2014. Ảnh / Jurjen Donkers |
Về vấn đề an tử, Ngài nói rằng cũng giống như sự phá thai, nói chung tốt hơn hết là nên tránh, nhưng bạn sẽ phải cân nhắc về những ưu và khuyết điểm của từng trường hợp. Bắt đầu buổi nói chuyện về đạo đức thế gian, Ngài nói rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tình yêu, lòng khoan dung, sự tha thứ và tinh thần kỷ luật tự giác. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, có ít nhất 1 tỷ người không có hứng thú đối với tôn giáo, vì vậy cần có một hệ thống đạo đức mà có sức hấp dẫn phổ quát; một hệ thống đạo đức thế tục vượt lên trên những giới hạn của truyền thống tôn giáo này hay tôn giáo khác.
Ngài nói rằng những tác động của sự biến đổi khí hậu và kinh tế toàn cầu đã vươn rộng ra ngoài những ranh giới quốc gia. Để đối phó với các vấn đề như tham nhũng và khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo đòi hỏi phải có một nền đạo đức thế tục. Ngài nói rằng dự án thí điểm đang được tiến hành để soạn thảo một chương trình giảng dạy kết hợp đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục. Ngài không mong đợi để xem kết quả của công việc này, nhưng - nếu thành công - những người thuộc thế hệ thế kỷ 21 có thể nhìn thấy một cách suy nghĩ mới được phát khởi và sẽ đưa đến kết quả là thế kỷ này sẽ thực sự trở thành một thế kỷ của hòa bình.
Ngài trả lời thêm cho nhiều câu hỏi khác từ phía khán giả, Ngài khuyên rằng sự bình yên trong tâm hồn là điều quan trọng nhất đối với những người đang trải qua tiến trình chết, và rằng những gì Đức Phật đã dạy thì quan trọng hơn các tác phẩm nghệ thuật. Ngài giải thích rằng việc giáo lý về không có một cái ngã độc lập không có nghĩa là hoàn toàn không có cái ngã nào cả, mà là cái ngã chỉ được định danh dựa trên cơ sở của thân và tâm.
Liên quan đến vấn đề biểu tình của những người ủng hộ Shugden trên đường phố bên ngoài, Ngài nói:
“Họ hô khẩu hiệu “Đừng nói dối”, nhưng tôi không biết họ đang ám chỉ đến sự nói dối về điều gì. Tôi đã rất thẳng thắn về vấn đề này.”
Một cảnh của khán đài tại sân vận động Ahoy trong buổi nói chuyện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Rotterdam, Hà Lan vào 11 tháng 5, 2014. Ảnh / Jurjen Donkers |
Khi được hỏi rằng - nếu đó là sự thật rằng Ngài sẽ là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng? Ngài nói rằng vào đầu năm 1969, Ngài đã làm rõ ràng rằng liệu nên có hay không một Đạt Lai Lạt Ma khác, điều đó sẽ tùy thuộc vào sự quyết định của nhân dân Tây Tạng.
Cuối cùng, một câu hỏi về sự thay đổi khí hậu, Ngài chỉ ra rằng chúng ta phải tỉnh táo hơn. Trong khi khả năng nhận ra sự bạo lực thì rất rõ ràng khiến chúng ta chùn bước không dám tiếp tục những hành vi bạo lực nữa, nhưng sự thiệt hại đối với môi trường và biến đổi khí hậu diễn ra âm thầm hơn. Chúng ta thường không nhận thức được nó cho đến khi nó đã xảy ra và đến lúc đó thì rất khó để khôi phục lại.
Ban tổ chức đã cám ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hết lời về việc đã quang lâm làm ấm lòng khán giả và những tràng pháo tay reo hò vang lên kéo dài từ phía khán giả khi Ngài rời khỏi sân khấu. Ngày mai Ngài sẽ đến Hague để gặp gỡ các Nghị sĩ và tham gia một cuộc hội thảo về chủ đề “Trái Tim của Sự Giáo Dục”.