New Delhi, Ấn Độ, ngày 23 Tháng 3 năm 2014 - Vào buổi sáng cuối cùng của đợt thuyết những chuỗi Giáo lý ngắn, thể theo lời thỉnh cầu của Hội Trách Nhiệm Toàn Cầu, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã truyền lễ Quán đảnh Trang Nghiêm Vương Tam Muội tại Delhi. Tất cả các ghế ngồi trong hội trường đã được lấp đầy khi hơn 300 người ngồi im phăng phắc trong khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang tiến hành các nghi lễ chuẩn bị. Khi đã hoàn tất sẵn sàng, Ngài bắt đầu giải thích:
“Phần Giáo lý hôm nay xuất phát từ Mật Thừa. Nếu chúng ta nhìn lại trong lịch sử, từ lâu đã có một số tranh cãi về tình trạng của cả Đại Thừa và Mật thừa. Ngài Long Thọ đã bảo vệ tính xác thực của Phật giáo Đại thừa, khẳng định rằng nó thực sự là lời dạy của Đức Phật. Ngài Di Lặc, Thanh Biện và sau này là Ngài Tịch Thiên đều khẳng định Đại thừa là giáo huấn đích thực của Đức Phật”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày cuối cùng của đợt thuyết pháp 3 ngày của Ngài tại New Delhi, Ấn Độ vào 23 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài giải thích rằng trong Luật tạng được duy trì trong truyền thống Pali, các nhà sư được dành cho sự tôn kính cao nhất. Nhưng trong Đại thừa của truyền thống tiếng Phạn thì cả nam và nữ Cư sĩ cũng được tôn trọng.
“Ngày nay tại Đài Loan và Trung Quốc cũng còn có một số người vẫn còn nghi ngờ tính xác thực của Đại thừa; và điều này là có thật trong khu vực của các nước theo truyền thống Pali. Mật thừa Hành Động, Mật thừa Thiện Hạnh và Mật thừa Du Già đã được thực hành ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng ở các nước này đã có một sự khuếch tán của truyền thống. Ví dụ, Thiền là tách biệt với truyền thống Kim Cương thừa ở Nhật Bản. Ở Tây Tạng, Luật tạng là cơ sở để thực hành các Pháp hành của Bồ Tát và được thực hiện cùng với việc thực hành Mật tông. Đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng là tất cả ba Thừa đều được kết hợp và thực hành chung với nhau”.
Nhớ lại những nỗi niềm băn khoăn của một học giả phương Tây về tính xác thực của Đại thừa tại một hội nghị ở Delhi; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma báo cáo rằng Ngài đã gợi ý rằng các học giả Ấn Độ như Ngài Long Thọ đã sống vào thời sau Đức Phật chỉ có bốn thế kỷ và đã ở trong một vị trí tốt hơn để nhận xét về điều này. Bằng chứng về những tác phẩm của Ngài cho thấy rằng Long Thọ là một người hoài nghi và đã rất khoa học trong phương pháp tiếp cận của mình về những vấn đề nghi vấn như thế.
Ngài đã đi ra ngoài lề để phải thừa nhận rằng những sự nghiên cứu khoa học của mình đã khiến Ngài từ chối một số học thuyết Phật giáo truyền thống. Mặc dù Ngài đã học thuộc lòng “Kho Tàng Kiến Thức” của Ngài Thế Thân khi Ngài còn trẻ; nhưng bây giờ Ngài không còn tin vào những lời giải thích về vũ trụ được tìm thấy trong Chương 3 liên quan đến sự tồn tại của Núi Tu Di, một trái đất mặt phẳng và các phép đo đạc liên quan đến mặt trời và mặt trăng. Các sự ghi chép của kinh điển không phù hợp với quan sát khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên, Ngài nói rằng lời giải thích của Tứ Diệu Đế và tánh Không là quan trọng hơn nhiều. Liên quan đến sự hiểu biết về các chủ đề này và điểm đến cuối cùng của quả vị Phật; các học giả của các truyền thống Phật giáo Đại thừa và truyền thống tiếng Phạn là vô cùng hữu ích. Ngài nói, việc đọc các tác phẩm của họ đã làm cho bạn cảm thấy rằng sự đạt được Phật quả là điều có thể.
“Những cảm xúc tiêu cực có thể được khắc phục bằng các pháp đối trị có liên quan đến các khía cạnh tương đối thô của tâm thức, nhưng chủng tử của chúng chỉ có thể được loại bỏ bằng tâm tinh tế. Khả năng thực sự có thể làm được điều này được tiết lộ trong những lời giải thích của Mật Thừa Vô thượng Du già về Tịnh quang và thân, khẩu, ý vi tế”.
Các thành viên của khán giả đeo vải bịt mắt tượng trưng trong ngày cuối cùng của đợt thuyết pháp 3 ngày của Thánh Đức ĐLLM tại New Delhi, Ấn Độ vào 23 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài chỉ ra rằng từ “thần chú” có nghĩa là “sự bảo vệ tâm thức”, nền tảng của nó chính là sự hiểu biết về Tánh Không, sự hiểu biết này đã bảo vệ tâm thức khỏi sự vô minh và sự nhận thức thông thường về cách xuất hiện bề ngoài của các pháp. Sự thành tựu được điều này cũng lại cũng liên quan đến tâm vi tế.
Như một ví dụ về cách sử dụng tâm thức vi tế, Ngài trích dẫn trường hợp của Lạt ma Changkya Rolpai Dorje vào thế kỷ 18; ông đã bị giảm thị lực trong những năm cuối đời đến mức ông không còn có thể đọc được nữa. Để khắc phục khó khăn này, ông thường sử dụng cái thân trạng thái mơ của mình để thực hiện việc đọc trong giấc mơ.
Vị Lạt ma ấy cũng được nêu lên trong một câu chuyện khác; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về Đức Tagphu Tenpai Gyaltsen, một Lạt ma rất nổi tiếng về khả năng thấu thị của mình. Changkya Rolpai Dorje quyết định thử nghiệm ông ta bằng cách yêu cầu ông mô tả xem Changkya đã có thứ gì trong túi của ông ấy. Tagphu Rinpoche đã mô tả đúng đó là một xâu chuỗi tràng hạt. Khi Changkya hỏi làm thế nào mà ông biết được; ông trả lời rằng ông sẽ tập trung vào những gì ông muốn biết, thì trước tiên một cái chuông nhỏ sẽ xuất hiện đối với ông; và tiếp theo sau đó là đối tượng mà ông đang khám phá.
Vào đầu lễ Quán đảnh, Ngài yêu cầu Hội chúng cùng tụng chung với Ngài câu thần chú của Bát Nhã Tâm Kinh “Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha” mà Ngài đã giải thích cho họ. Trong quá trình trao Quán đảnh Ngài cũng truyền cho họ Bồ Tát Giới. Cuối cùng Ngài nói:
“Bấy nhiêu đó cho năm nay. Tôi mong được gặp lại quý vị vào năm tới và hy vọng rằng trong thời gian đó quý vị sẽ có một sự tăng trưởng kiên cố về sức mạnh nội tâm”.