Frankfurt, Hesse, Đức, ngày 13 tháng 7 năm 2015 - Về đến Tòa Thị Chính Frankfurt sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được ngài Thị Trưởng, Peter Feldmann, tiếp đón và hộ tống Ngài vào tòa nhà và lên đến văn phòng của ông. Sau một cuộc họp riêng ngắn, họ xuất hiện cho một buổi tiếp tân tại một sảnh đường có các bức tường được gắn giăng hàng các bức chân dung của các vị cựu Hoàng Đế của Đức. Cùng tham gia có các thành viên khác của Chính quyền thành phố, vị Thị trưởng hoan nghênh Ngài đã đến Frankfurt:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với Thị trưởng, Peter Feldmann, đến dự tiệc chiêu đãi tại Tòa Thị Chính ở Frankfurt, Đức vào ngày 13 Tháng Bảy, 2015. Ảnh / Manuel Bauer |
“Thật là một vinh dự lớn lao cho thành phố chúng tôi khi được có Ngài ở đây như là một vị khách quý của chúng tôi, đặc biệt là trong dịp lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Ngài. Frankfurt là một thành phố toàn cầu, là tổ ấm cho người dân của hơn 170 quốc tịch khác nhau, nhưng đó là một thành phố có mong muốn nhiều hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là sự khoan dung, chúng tôi muốn đối thoại”.
Ông đã dâng tặng Ngài một chiếc chén sứ, và ông giả vờ như đang uống từ chiếc chén ấy.
“Đây thực sự là một thành phố toàn cầu bởi vì hơn 200 thứ ngôn ngữ đã được nói ở đây; điều đó đã phản ánh được tất cả thế giới”, Ngài trả lời. “Mặc dù có những khác biệt, nhưng tất cả chúng ta - về cơ bản - cũng đều là những con người như nhau. Chúng ta đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc và tất cả chúng ta đều có quyền để đạt được điều đó. Năm ngoái, tôi đã viếng thăm Viện quốc hội Tây Tạng ở đây, nó cũng có thể đóng góp cho truyền thống phong phú này. Ở đó có những cuốn sách và các giáo viên - những người đang gìn giữ cái mà chúng ta gọi là truyền thống Nalanda, một truyền thống của triết học Phật giáo, logic và nhận thức luận có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại.
“Bạn có thể nghe tiếng la hét của những người biểu tình bên ngoài đang đưa ra một vấn đề mà đã gây tranh cãi trong gần 400 năm qua. Nó liên quan đến việc thờ phụng một vị thần mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã bác bỏ như một ác thần. Do thiếu hiểu biết nên bản thân tôi cũng đã tham gia sự thực hành này từ năm 1950 đến năm 1970, cho đến khi tôi điều tra và phát hiện ra nó không phải là một điều tốt để thực hành. Tôi đã chấm dứt sự thực hành này và giải thích cho người khác về những gì mà tôi đã học được. Những người biểu tình ở đây đã thành lập tổ chức của họ để chống đối lại lời khuyên đó”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tặng vị Thị trưởng một bức tượng của Đức Phật lịch sử và giải thích ngắn gọn cho ông ta biết về Đức Phật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng Ngài Thị Trưởng, Peter Feldmann, một bức tượng Phật trong chuyến viếng thăm của Ngài dến Tòa Thị Chính ở Frankfurt, Đức vào 13 tháng 7, 2015. Ảnh / Manuel Bauer |
“Đức Phật, người sáng lập của Phật giáo, là một nhà tư tưởng vĩ đại và là một triết học gia của Ấn Độ cổ đại. Ngài dạy về sự hiệp nhất của tất cả chúng sinh và tất cả các hiện tượng đều không có sự tồn tại cố hữu như thế nào. Điều quan trọng đặc biệt là Ngài đã nhấn mạnh rằng những người đệ tử của Ngài không nên chấp nhận những gì Ngài dạy đơn giản chỉ vì Ngài đã dạy nó, mà cần phải nên nghiên cứu và suy tư về nó một cách cẩn thận”.
Ngài cũng tặng vị Thị trưởng hai cuốn sách của mình: “Sự gắn bó chân thành của Đức tin” trong đó Ngài đã bàn về những điểm phổ biến chung trong các tôn giáo lớn trên thế giới và cuốn “Vượt lên trên Tôn giáo” có liên quan đến nền đạo đức thế tục.
Tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng gần đó, Ngài đã được chào đón nồng nhiệt bởi một nhóm trẻ em và vị Giám đốc Bảo tàng. Sau đó Ngài đã ngồi cùng với các sinh viên đến từ các trường trung học trong và xung quanh Frankfurt để trả lời câu hỏi của họ.
Câu hỏi đầu tiên là liệu Ngài có phiền không khi được trở thành quá nổi tiếng. Ngài cười và trả lời rằng điều quan trọng là phải sống một cuộc sống có ý nghĩa để có thể mang lại niềm vui cho người khác. Liên quan đến câu hỏi về sự khát vọng duy nhất của nhiều người là để được trở nên giàu có, Ngài nhận xét:
“Tôi đã gặp những tỷ phú, nhưng bạn có cho rằng họ là những người hạnh phúc nhất? Tôi đã gặp những người có tất cả mọi thứ mà họ muốn về vật chất, nhưng họ vẫn không hài lòng. Điều này là bởi vì niềm hạnh phúc thực sự phải được thực hiện liên quan đến tâm thức. Chúng ta trải nghiệm niềm hạnh phúc bền lâu về mặt tinh thần chứ không phải ở cấp độ cảm giác”.
Một sinh viên khác nói rằng nhiều người trẻ đang chán nản và hỏi họ có thể làm những gì. Ngài trả lời rằng nguyên nhân của sự trầm cảm là liên quan chủ yếu đến thái độ tinh thần của chúng ta.
Sinh viên lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời câu hỏi của họ tại Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng ở Frankfurt, Đức vào 13 tháng 7, 2015. Ảnh / Manuel Bauer |
"Khi bạn đang ở trong một tâm trạng xấu và bạn gặp gỡ bạn bè của bạn, bạn không thể tìm được niềm vui trong sự bầu bạn của họ. Khi bạn đang ở trong một tâm trạng tốt, ngay cả khi mọi thứ đều tệ hại, bạn vẫn đối phó được với chúng mà không cảm thấy khó khăn gì. Trầm cảm dường như có liên quan đến sự sợ hãi, tức giận và thất vọng.
Tôi có một người bạn, một chuyên gia tâm thần học người Mỹ, tác giả của một cuốn sách viết về sự chế ngự những cảm xúc phiền não gọi là “Tù nhân của Hận Thù”. Ông ta nói với tôi rằng khi chúng ta nổi giận, chúng ta có xu hướng xem bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai mà chúng ta tức giận đều hoàn toàn là tiêu cực. Nhưng 90% trong số đó là do sự tưởng tượng trong tâm thức của chúng ta, đó là một sự cường điệu quá mức. Mặt khác, nếu chúng ta thực hiện một điểm của sự phát triển lòng từ bi thì nó sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh hơn về nội tâm”.
Khi được hỏi rằng liệu Ngài thực sự không có ý nghĩ xấu về chính phủ Trung Quốc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mô tả về sự kiện vào năm 2008 khi Ngài nghe nói rằng vào ngày 10 tháng Ba người Tây Tạng đang biểu tình tại Lhasa. Ngài đã rất lo lắng về sự đàn áp sẽ diễn ra sau đó dưới hệ thống độc tài toàn trị hiện hành.
“Tôi hình dung được người Trung Quốc sẽ ra lệnh về điều này; và quán tưởng mình đã lấy đi tất cả sự tức giận và hận thù của họ. Sau đó, tôi tưởng tượng ban truyền tất cả những tình cảm của tôi về sự tha thứ cho họ. Phương pháp rèn luyện tâm linh này không giúp được cho vấn đề làm cho tình hình thực tế khác đi; tuy nhiên, nó đã giúp tôi duy trì được sự bình yên trong tâm thức của mình”.
Ngài đồng ý với một học sinh bày tỏ sự thất vọng về việc khai thác bóc lột các sinh vật khác và thế giới tự nhiên. Ngài nói với cô ấy rằng con người có một bộ não tuyệt vời có thể rất hữu ích khi nó quan tâm đến phúc lợi của tha nhân; nhưng nó sẽ hủy diệt tất cả nếu như nó bị thúc đẩy bởi động cơ tham lam và ích kỷ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời các câu hỏi từ Karin Steinberger, biên tập viên đặc biệt của tờ báo Süddeutsche Zeitung trong cuộc phỏng vấn ở Frankfurt, Đức vào 13 tháng 7, 2015. Ảnh / Manuel Bauer |
Sau bữa trưa, Karin Steinberger, biên tập viên đặc biệt của tờ báo Süddeutsche Zeitung - một tờ báo quốc gia hàng đầu của Đức - đã phỏng vấn Ngài, chủ yếu về viễn cảnh cho sự tái sinh trong tương lai của Ngài. Ngài nói với cô rằng Ngài đã hoàn toàn rút lui khỏi trách nhiệm chính trị, nhưng vẫn giữ vai trò tâm linh của mình. Ngài đã nói về những khu định cư Tây Tạng đã được thiết lập như thế nào ở Ấn Độ và điều đó đã cho phép sự tái thành lập ổn định các tu viện lớn. Kết quả là đã có những học giả có thể tiếp tục duy trì và phát triển các truyền thống tôn giáo. Ngài đề nghị rằng có những thể chế thuộc hệ thống phong kiến cổ xưa cần phải thay đổi. Ngài chỉ ra rằng thể chế của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là không cần thiết cho việc bảo tồn các truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Mỉm cười, Ngài nói thêm rằng, nếu Ngài là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng, thì ít ra là thể chế này sẽ được kết thúc với một người có rất nhiều bạn bè.
Khi Steinberger hỏi liệu những người Tây Tạng sẽ không cảm thấy sợ hãi khi không có Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hay không, Ngài trả lời rằng có thể đã đến lúc cho hệ thống này thay đổi. Ngài nói với cô rằng Ngài đã rất ấn tượng đối với hệ thống Công giáo La Mã về sự bầu chọn bậc lãnh đạo tinh thần của họ.
Ngài nói, dù sao thì chúng ta cũng sẽ có một cuộc họp để quyết định phải làm gì khi tôi 90 tuổi”.
Tại Jahrhunderthalle Frankfurt, Cộng đồng Tây Tạng ở Đức (TCG) đã tổ chức một chương trình để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Ngài với sự tham dự của hơn 2000 người. Lobsang Phuntsok - Chủ tịch của TCG - đã đưa ra một bài phát biểu chào mừng, trong đó ông khẳng định rằng các thành viên của thế hệ cũ đã nỗ lực đặc biệt để dạy về ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng cho những thanh niên Tây Tạng sinh ra tại Đức. Thay mặt cộng đồng Tây Tạng, ông cầu mong Ngài được sống lâu và hoàn thành được mọi tâm nguyện của mình.
Nghệ sĩ đến từ Mông Cổ biểu diễn tại lễ kỷ niệm vinh danh sinh nhật lần thứ 80 của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Jahrhunderthalle ở Frankfurt, Đức vào 13 tháng Bảy, 2015. Ảnh / Manuel Bauer |
Chương trình bắt đầu với bản nhạc từ một nhóm người Mông Cổ đã làm tràn ngập hội trường với những giai điệu man mác buồn gợi lên những bình nguyên bao la của vùng Trung Á. Tiếp theo đó là lời phát biểu của Giáo sư Shwarz-Schilling, một cựu Nghị sĩ của Đức, là một người ủng hộ lâu năm của Tây Tạng. Ông cảm ơn Ngài đã cho ông cơ hội để được tổ chức mừng sinh nhật của Ngài.
Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với việc Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bàn giao trách nhiệm chính trị của mình cho nhà lãnh đạo được dân bầu chọn; ông cho rằng đó là một tấm gương để những người khác nên làm theo. Ông mô tả Ngài như ngọn hải đăng của niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại, ông đề cập đến chủ đề thích hợp của buổi lễ kỷ niệm là “Đền ơn đáp nghĩa”.
Tiếp theo, một bản nhạc đã được trình diễn bởi những thành viên của Viện biểu diễn nghệ thuật Tây Tạng để bày tỏ lòng tri ân đối với đức Từ Mẫn của Ngài, mô tả Ngài như là nguồn hy vọng của Xứ Tuyết. Thomas Mann, thành viên của Nghị viện châu Âu đối với bang Hesse từ năm 1999, đã trích dẫn lời của Ngài rằng, bất kể chúng ta đến từ đâu, tất cả chúng ta cũng đều là con người như nhau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và tự do.
Ông thông báo về cuộc triển lãm ảnh minh họa về cuộc sống của Ngài trong Nghị viện châu Âu ở Strasbourg vào ngày 06 tháng 7. Ông nói rằng Nhóm Quan Tâm Tây Tạng gần đây đã tổ chức cuộc họp lần thứ 100 của mình. Ông nói thêm rằng họ ủng hộ phương pháp Trung Đạo và đã thông qua nhiều nghị quyết về nhân quyền ở Tây Tạng. Ông nhắc nhở khán giả rằng Nghị viện châu Âu đã từng được cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào những năm 1988, 1996, 2001 và Nhóm Quan Tâm Tây Tạng lại muốn được thỉnh Ngài một lần nữa.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với các nhạc sĩ đến từ Senegal - những người đã biểu diễn tại lễ vinh danh sinh nhật lần thứ 80 của Ngài tại Jahrhunderthalle ở Frankfurt, Đức vào 13 tháng 7, 2015. Ảnh / Manuel Bauer |
Michael Brand, một thành viên của Quốc hội Đức đã cảm ơn Ngài về nguồn cảm hứng mà Ngài đã cho ông và các đồng nghiệp của mình trong thời điểm khó khăn. Ông tái khẳng định lập trường vững chắc của mình bên cạnh nhân dân Tây Tạng bình yên. Một nhóm các nghệ sĩ đến từ Senegal đã tuyên bố rằng châu Phi là sắc tộc của họ trong khi âm nhạc chính là bức thông điệp của họ; họ đã chơi nhạc và hát bản “Tưởng tượng” của John Lennon, được sáng tác phỏng theo lời của bài hát “Hãy tưởng tượng Tây Tạng sẽ được tự do”.
Một họa sĩ Trung Quốc - Meng Huang - đã mô tả lại chuyến đi du lịch đến Tây Tạng và nguồn cảm hứng mà ông đã đạt được từ bức tranh phong cảnh Tây Tạng. Ông cúng dường một bức tranh họa những ngôi chùa và một ngôi tháp Tây Tạng mà ông đặt với tựa đề là “Xin lỗi”.
“Là một người Hán, tôi xin bày tỏ sự chia buồn với những gì mà người dân Tây Tạng đã phải chịu đớn đau”, ông nói.
Một chiếc bánh lớn được đẩy ra ngoài và một nhóm trẻ em đi kèm với các nhạc sĩ người Senegal; các thành viên của khán giả đã hát “Chức mừng Sinh nhật” bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Tạng. Ngài cắt bánh và đã ngậm ba miếng trước khi phát âm “Ngon quá!”. Nói rằng Ngài thích nói chuyện bằng tiếng Tây Tạng, và Ngài đã nói chuyện với các khán giả.
“Nhân dân Tây Tạng từ khắp châu Âu đã tập hợp về đây hôm nay. Lòng tận tụy của quý vị và mối quan hệ tâm linh dành cho tôi là kiên định. Các bạn bè và những người ủng hộ lâu năm đã nói trong dịp này. Chúng ta đã hiểu biết nhau và tin tưởng lẫn nhau trong một thời gian dài. Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn đã ủng hộ Tây Tạng không phải chỉ thiên về phía chúng tôi; mà quý vị là những người đã ủng hộ cho sự thật và công lý. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là sự gia tăng số lượng của các anh chị em Trung Quốc đang ủng hộ chúng tôi. Trong năm năm qua họ đã viết vô số các bài viết ủng hộ phương pháp Trung Đạo và chỉ trích các chính sách của nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc đối với dân tộc thiểu số.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại lễ kỷ niệm vinh dự sinh nhật thứ 80 của mình tại Jahrhunderthalle ở Frankfurt, Đức vào 13 tháng 7, 2015. Ảnh / Manuel Bauer |
“Ngày nay, tại Trung Quốc có ít nhất 300 triệu Phật tử, nhiều người trong số họ là trí thức. Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử Phật giáo; và khi tôi gặp anh chị em Trung Quốc, họ nói với tôi rằng hiện nay con số của họ đã là 400 triệu người. Nhiều người trong số họ muốn tìm hiểu thêm về triết học Phật giáo và đang quan tâm đến truyền thống Nalanda. Vì vậy, ngày nay, khi những thay đổi đang diễn ra ở Trung Quốc, tôi muốn yêu cầu bạn bè của chúng ta ở đây hãy duy trì sự ủng hộ của họ”.
Ngài nói với những người Tây Tạng rằng nếu chỉ có đức tin thôi là chưa đủ, khi nói đến việc bảo tồn truyền thống Nalanda thì điều quan trọng là cần phải có sự hiểu biết nữa. Ngài hứa sẽ làm bất cứ điều gì có thể, trong thời gian Ngài còn sống, để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, và nói thêm rằng khi Ngài nhìn thấy những người bạn đang già đi, thì Ngài nhận ra rằng Ngài cũng đang ngày một già đi.
“Tuy nhiên,” Ngài nói, “mặc dù chúng tôi đang già đi về mặt thể xác, nhưng sự quyết tâm của chúng tôi thì vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.