Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 29 tháng 7 năm 2015 - Tăng xá của Học Viện Pegon Phagspa Nastan Bakula tọa lạc tại chân của mỏm đá có đỉnh cao nhô lên bên cạnh Tu viện Spituk. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tản bộ một đoạn ngắn giữa những cây dương cao lớn đứng bao lấy sảnh đường và một khu đất để chuẩn bị cho Khai mạc Khóa (Tranh biện) Phật giáo Cao đẳng Mùa Hạ.
Phía sau là Tu Viện Spituk, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khai mạc cho khóa Cao cấp Phật Học mùa Hạ tại Học viện Pegon Phagspa Nastan Bakula ở Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 29, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa an tọa, vị tái sanh trẻ của Bakula Rinpoche - Lama trưởng của Tu viện Spituk, đã dâng cúng cho Ngài Mạn đà la và ba biểu tượng của thân, khẩu ý giác ngộ.
Geshe Konchok Wangdu - Giám đốc của Học Viện Biện chứng Phật giáo ở Ladakh đã giới thiệu về sự kiện này. Ông nói rằng Khóa tranh biện mùa Hạ này được dành riêng để nâng cao trình độ giáo dục tôn giáo và thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo ở Ladakh. Trọng tâm của sự tranh biện là Giáo Lý Bát Nhã Ba La Mật; bởi vì Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu được Phật giáo nghĩa là gì, nó có liên quan như thế nào đến xã hội thời nay và làm thế nào để áp dụng nó vào cuộc sống thực tế hàng ngày. Ông thừa nhận rằng nhờ sự hướng dẫn của Ngài mà sự hiểu biết về Phật giáo đã được cải thiện đáng kể trong trong khu vực vào những năm gần đây.
Tiến Sĩ Geshe Thubten Rabgyey, Thầy Giáo Đạo của Ling Rinpoche, đã chào đón Ngài cùng với Ganden Tri Rinpoche, các quan chức của chính quyền Ladakh, Tăng chúng, chư học giả và tất cả các vị khách khác. Ông lưu ý rằng các cuộc tranh biện Mùa Hạ đã được tổ chức vào năm ngoái tại Tu viện Likir đã thiết lập nên một sự gương mẫu tốt cần được thực hiện theo.
Ngài Rinpoche Bakula bé bỏng đang tranh biện trước mặt Thánh Đức ĐLLM trong lễ Khai mạc khóa Cao cấp Phật Học mùa Hạ tại HV Pegon Phagspa Nastan Bakula ở Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 29, tháng 07, 2015. Ảnh Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Tăng sinh của Tu viện Spituk khai mạc cuộc tranh biện với một sự thảo luận sôi nổi về đề tài chúng sanh có sự tồn tại cố hữu hay không. Tiếp theo đó là vị tái sinh trẻ của Bakula Rinpoche - người vẫn còn trong giai đoạn sơ cơ vỡ lòng đối với khóa đào tạo về biện chứng, nhưng vẫn xử lý một cách đầy tự tin, thản nhiên và uyển chuyển đối với các câu hỏi từ “các chủ đề đã được sưu tầm chọn lọc”. Sự tranh biện của Ripoche đã được chào đón bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt. Sau đó, một số cặp học sinh địa phương, nam cũng như nữ, đã tranh biện về các chủ đề cơ bản như Tứ Diệu Đế, sự khác biệt giữa Bồ đề Tâm nguyện và Bồ đề Tâm Hạnh và những phương pháp để phát triển các Bồ Đề Tâm này.
Bộ trưởng của tiểu bang Jamu & Kasmir - Tsering Dorjee đã phát biểu cho đại chúng biết rằng nhờ sự hướng dẫn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mà các tu viện ở địa phương đã rất thành công trong việc đưa vào học tập và nghiên cứu về lĩnh vực triết học Phật giáo và tranh biện. Ông ca ngợi truyền thống của sự tranh biện Mùa Hạ là một phong tục có giá trị còn được duy trì hết sức sinh động. Giám đốc điều hành của Hội đồng Phát triển Miền Núi Tự Trị Ladakh (LAHDC) - ông Rigzin Spalbar - đã nhận xét rằng một số thanh niên Ladakh vẫn còn mơ hồ về giá trị của nền văn hóa và truyền thống địa phương của họ. Ông cho biết, trong quá khứ, các bậc phụ huynh thường dạy dỗ con cái về những điều này; nhưng ngày nay, những người trẻ tuổi có xu hướng ít chú ý đến những lời dạy của cha mẹ. Đó là lý do tại sao nó có giá trị vô cùng đặc biệt khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giúp họ hiểu rõ sự ảnh hưởng liên quan của giáo lý Đức Phật đối với thời hiện đại này.
Ganden Tri Rinpoche nói thêm rằng những phương cách cổ xưa đang thay đổi và người ta đã mất đi sự hứng thú trong những truyền thống đã được thiết lập. Tuy nhiên, Ngài cho biết, nhờ vào những nỗ lực của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho nên sự quan tâm đến vấn đề tìm hiểu về Phật giáo đang được phục hồi. Đó là một truyền thống dựa trên lý trí chứ không phải chỉ đơn thuần là những định kiến; và chỉ có duy nhất truyền thống tâm linh mới có thể giải quyết được nhận thức then chốt về Lý Duyên Khởi.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu trong buổi lễ Khai mạc Khóa Cao Cấp Phật Học Mùa Hạ tại HV Pegon Phagspa Nastan Bakula ở Leh, Ladakh, J&K, India vào 29, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài bắt đầu lời phát biểu của mình bằng cách chào hỏi tất cả các những người đang hiện diện. Ngài cũng lưu ý đến những sự thay đổi đã diễn ra ở Ladakh, không phải tất cả trong số đó đều là tích cực cả. Ngài đề cập đến mối bận tâm của mình khi nghe rằng ở một nơi mà từ trước đến giờ chưa từng có xảy ra trường hợp tự tử nào; thì ngày nay những báo cáo cho biết tình trạng này đang ngày càng gia tăng ở Ladakh. Ngài xem đây là một sự phản ánh của một cuộc khủng hoảng trầm trọng về vấn đề đạo đức đang hoành hành trên thế giới. Nhiều rắc rối mà 7 tỷ người đang sống hôm nay đang phải đối mặt đều là những vấn đề do con người gây ra.
“Chúng ta có thể cầu nguyện cho các giải pháp về những vấn đề này; Ngài cười; nhưng giải pháp thực sự chỉ có thể tìm thấy được khi chính chúng ta phải bắt tay vào để thực hiện những hành động của mình. Các bậc trưởng thượng ở đây đã thuộc về thế kỷ 20, thời gian ấy đã trở thành quá khứ, đó là một kỷ nguyên của sự đổ máu tàn khốc. Thế kỷ 21 này trở nên như thế nào - điều này phụ thuộc vào những người còn rất trẻ của các bạn Nó có thể là một kỷ nguyên của hòa bình và hạnh phúc nếu bạn phụng sự cho lý tưởng đó; nhưng nếu bạn đang sân giận và tham lam thì nó sẽ biến thành một thời kỳ xung đột và đau khổ. Khi người Anh cai trị Ấn Độ, có một điều tích cực mà họ nhấn mạnh đến, đó chính là giá trị của sự giáo dục. Chúng ta cần phải duy trì và giữ vững cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta cần phải kết hợp nó với các giá trị truyền thống đạo đức nội tâm.
“Để làm cho thế kỷ 21 trở thành một kỷ nguyên của hòa bình; chúng ta cần phải tìm hiểu làm thế nào để phát triển sự yên bình của tâm thức và phương pháp để giải quyết những cảm xúc phiền não của mình. Khi cơ thể chúng ta bị bệnh, ta chẩn đoán bệnh và tìm ra biện pháp chữa trị. Cũng như thế, chúng ta cần những phương pháp tương tự để tạo ra một tâm trí lành mạnh. Sử dụng ma túy hay rượu chè say sưa sẽ không đoạn trừ được những cảm xúc phiền não của chúng ta. Ta cần phải áp dụng một loại vệ sinh tình cảm dựa trên sự hiểu biết rõ ràng hơn về thực tại và cách vận hành của tâm thức.
“Tôi sẽ phân biệt sự khác nhau giữa triết học khoa học Phật giáo và tôn giáo. Những người không phải là Phật tử thì không cần phải chú ý đến các khía cạnh tôn giáo của truyền thống, nhưng không có lý gì mà khoa học và triết học không tiếp cận cởi mở đối với bất cứ ai mong muốn được lợi ích từ những lĩnh vực này. Ngày nay, các nhà khoa học lỗi lạc đang quan tâm đến những sự giải thích sâu sắc về thực tại và những sự vận hành của tâm thức được tìm thấy trong các nguồn tài liệu này”.
Một quang cảnh của khóa Cao cấp Phật Học mùa Hạ tại HV Pegon Phagspa Nastan Bakula ở Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 29, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Đối với các phương thức truyền thống của sự nghiên cứu; Ngài giải thích rằng các bậc thầy tiền bối trong quá khứ của Ấn Độ và Tây Tạng đã chọn phương pháp sáng tác và tranh luận để bác bỏ những quan điểm của ngoại đạo, khẳng định quan điểm của riêng mình và bác bỏ mọi quan điểm là hậu quả của sự chỉ trích.
Ngài nhận xét rằng phương pháp này của Ngài Long Thọ và các đệ tử của Ngài, được thừa kế bởi các Ngài Pháp Xứng, Trần Na; và Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã truyền sang Tây Tạng và đã được duy trì nghiêm ngặt ở đó. Các nhà khoa học đã rất cảm kích và hỏi rằng liệu một phương pháp như thế có thể được áp dụng cho những chủ đề khác hay không. Ngài nói rằng sinh viên trong các trường học và các tu viện Tây Tạng hiện nay đang tranh luận về những vấn đề của khoa học và toán học. Ngài nói thêm rằng theo truyền thống có thể chấp nhận để trích dẫn những nguồn dẫn chứng xác thực hỗ trợ cho quan điểm của bạn, nhưng những sự trích dẫn đó cần phải được hỗ trợ bởi logic, chứ không phải bằng phương pháp ngược lại.
“Một ý nghĩa tích cực của sự cạnh tranh cũng có thể rất hữu ích cho cuộc tranh luận, nhưng chỉ trong bối cảnh là cầu mong cho bạn và đối thủ của bạn cuối cùng đều phải thành công. Có một câu chuyện cuối cùng tôi muốn kể cho quý vị nghe về một vị Lạt ma - người đã giới thiệu phương pháp nghiên cứu và tranh luận cho tu sĩ và cư sĩ ở vùng Kardze, Kham. Cũng có một tu viện của các Hành giả Mật Tông (Ngagpa) ở gần đó và các gia chủ đã thỉnh mời các Hành giả Mật Tông này đến để thực hiện các nghi lễ giúp họ. Chẳng bao lâu các hành giả Mật Tông Ngagpa bắt đầu phàn nàn rằng không nên dạy cho các Cư Sĩ về phương pháp tranh luận, bởi vì khi các Ngagpa đến làm lễ cho họ, họ đã nêu ra tất cả những loại câu hỏi mà các Hành giả Mật tông này không thể trả lời. Tuy nhiên, phương cách nghiên cứu này, bắt đầu với “những chủ đề được sưu tầm và tuyển chọn” và được thực hiện từng bước cho đến giai đoạn Bát Nhã Ba La Mật - là nguồn gốc của sự tiến triển”.
Các thành viên và khách mời của Hội đồng miền núi Ladakh Tự Trị đang tham dự Lễ với Thánh Đức ĐLLM tại thính phòng Sindhu Sanskriti Kendra ở Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 29, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Từ sân bãi tranh luận của Spituk, Ngài đi xe đến Sindhu Sanskriti Kendra, một hội trường và giảng đường gần tháp Hòa bình Shanti. Ông Rigzin Spalbar, Giám đốc điều hành Hội đồng (LAHDC) đã giải thích với khoảng 500 vị khách mời rằng Hội đồng Miền Núi nhiệm kỳ Thứ tư do ông lãnh đạo đã có nhiều thành tích đáng tin cậy về khía cạnh làm sạch môi trường ở Leh, giảm thiểu sự ô nhiễm, cải thiện cơ sở giáo dục và định hình lại sự phát triển đối với sự ảnh hưởng tích cực về cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Ông thông báo rằng cuốn sách “Những thành tựu của Hội đồng Miền Núi nhiệm kỳ Thứ tư” đã được chuẩn bị sẵn sàng và ông thỉnh cầu Ngài công bố cuốn sách ấy và Ngài đã hoan hỷ ban hành.
Được mời nói chuyện với đại chúng, Ngài nhận xét rằng Ngài luôn luôn tự xem mình chỉ là một trong số 7 tỷ người; Ngài đã quan tâm đến những nền văn minh cổ đại của Ai Cập, Trung Quốc và các thung lũng Ấn Độ, nói rằng rõ ràng là nền văn minh Lưu vực Ấn Độ đã cho ra đời một số lượng rất nhiều các nhà tư tưởng lớn, các triết học gia và các bậc Thầy tâm linh. Hiện nay, tại đây, các khái niệm của Ấn Độ cổ đại như ahimsa, bất bạo động, vẫn còn có ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đến thế kỷ 21 này. Tương tự như vậy, Ấn Độ là tấm gương sáng cho cả thế giới noi theo rằng tất cả các truyền thống tôn giáo của thế giới đều sống bên nhau trong sự hòa hợp - đó là điều có thể khả thi.
Ngài đề cập đến tầm quan trọng trong việc thúc đẩy ý thức đạo đức thế gian đối với thế kỷ 21. Đây là những giá trị khẩn thiết mang tính toàn cầu vì nó không hề có sự thiên vị về bất cứ truyền thống tôn giáo nào cả, mà còn được giáo dục trong bối cảnh tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo và ngay cả những người không theo bất cứ tôn giáo nào. Ngài khuyến khích nên hướng về truyền thống Nalanda với kiến thức sâu sắc của nó về sự vận hành của tâm thức và chức năng của những cảm xúc của chúng ta. Ngài trêu chọc khán giả và nói:
Thánh Đức ĐLLM phát biểu với Đại chúng và khách mời của Hội đồng Miền núi Tự trị Ladakh tại hội trường Sindhu Sanskriti Kendra ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn Độ vào 29 tháng 07, 2015. Ảnh/ Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Cầu nguyện và cúng dường tịnh tài cho các Thầy và các Tu viện không thôi là chưa đủ. Nếu bạn có thể để dành tiền thì nên mua sách đọc. Tôi đã 80 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn còn nghiên cứu học hỏi bất cứ khi nào tôi có thể. Bất cứ khi nào tôi có được cơ hội, tôi đều đọc sách. Như tôi đã nói với tất cả các Phật tử mà tôi đã từng gặp gỡ rằng, nếu quý vị muốn trở thành một người Phật tử của thế kỷ 21, bạn phải hiểu được Phật giáo là gì, điều đó có hiệu quả hơn là việc tụng kinh “Buddham Saranam gacchami” (Con xin quy y Phật). Như tôi đã nói tại một cuộc họp VHP ở Delhi năm ngoái, điều quan trọng là phải tìm cách để kết hợp sự phát triển hiện đại với những giá trị truyền thống. Đầu tiên tôi đến Ladakh vào năm 1966 và kể từ đó đã có sự phát triển rất lớn tại Ladakh cả về cơ sở hạ tầng lẫn hệ thống giáo dục. Tôi hy vọng tôi sẽ có thể tiếp tục đến đây trong vòng 10 năm tới; nhưng một khi tôi đến tuổi 90 rồi thì tôi không biết sẽ ra sao. Ngài cùng với tất cả các vị khách mời cùng dùng cơm trưa tại giảng đường phía sau khán phòng. Khi bữa cơm kết thúc, một phóng viên địa phương làm việc cho Đài Phát Thanh Toàn Ấn Độ hỏi về niềm suy tư của Ngài đối với sự ra đi của cựu Tổng thống APJ Abdul Kalam và Ngài trả lời rằng:
“Khi nghe tin Tiến sĩ Abdul Kalam đã qua đời, tôi rất buồn. Ông là một người rất tốt! một người hết sức đặc biệt! Trước hết, tôi luôn cảm kích những phẩm chất của ông là một con người tốt. Kế đến, tất nhiên, ông là một người Hồi giáo, một nhà khoa học vĩ đại và một người đã vươn lên để trở thành Vị Tổng thống của quốc gia vĩ đại này. Thậm chí sau đó bản chất con người tốt cơ bản của ông vẫn không hề thay đổi. Ông thể hiện sự quan tâm sâu sắc về việc tìm hiểu thêm về những bản văn Phật dạy về lòng từ bi. Ông là một người bạn thân thiết mà tôi sẽ nhớ cho đến khi tôi chết; và tôi muốn bày tỏ lời chia buồn đến gia đình ông. Tôi nghe rằng ông có một người anh đã 99 tuổi rồi. Tôi hy vọng rằng tôi cũng có thể sống thọ như thế”.
Ngày mai, Ngài sẽ ban một buổi Pháp thoại ngắn và truyền lễ quán đảnh Trường thọ. Và một Nghi lễ Chúc Thọ sẽ được dâng lên cúng dường Ngài tại sân bãi Pháp Hội ở Shiwatsel qua khỏi Choglamsar.