Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 30 tháng 7 năm 2015 - Không khí buổi sáng sớm trong lành và ánh sáng nhạt đang tỏa chiếu trên các đỉnh núi xa xôi khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu xuất phát từ Tu viện Spituk hôm nay. Ngài và hàng ngàn người khác đang tiến về sân bãi Pháp hội Shiwatsel ở phía bên kia của thung lũng Leh. Khi đến nơi, Ngài chào đón các Vị Lạt ma, các nhà chức sắc và chư quan khách; rồi an tọa trên Pháp tòa để chuẩn bị cho việc truyền lễ Quán đảnh Đức Tara Trắng. Ở dưới phía trước khán đài, các Vị Tăng đang tham gia tranh biện hết sức sôi nổi.
Đường đến sân bãi Pháp hội Shiwatsel, xe ô tô xếp hàng nối đuôi nhau hướng về phía Thánh Đức ĐLLM đang thuyết Pháp tại Leh, Ladakh, J&K, Ấn Độ vào 30 tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Chojeor/VPĐLLM |
Sân bãi - nơi Ngài đã hai lần truyền lễ Quán Đảnh Kalachakra - đều chật kín người. Rốt cuộc là ước tính có khoảng 50.000 người, hầu hết trong số họ đều ngồi dưới những chiếc ô dù để tránh ánh nắng hừng hực của mặt trời.
Sau khi trì tụng theo phong tục những lời xưng tán Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã nói chuyện với đám đông:
“Hôm nay chúng tôi đến đây không phải để tham gia một chuyến dã ngoại, mà là để tìm hiểu phương pháp giúp cho tâm chúng ta được điềm tĩnh và làm thế nào để đạt được sự yên bình của nội tâm. Tất cả 7 tỷ người đang sống hiện nay đều giống nhau trong lĩnh vực mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Tất cả chúng ta đều có cùng một loại não bộ giống nhau, và phần phía sau ót là khu vực những cảm xúc của chúng ta. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng não bộ có khả năng thích ứng theo cách mà nó được sử dụng, và được biết đến như hệ thần kinh. Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ thật cẩn thận về những gì chúng ta làm. Con người có một phẩm chất đặc biệt của trí tuệ và ý thức phân biệt. Chính điều này đã làm tăng sự tiến bộ và phát triển về vật chất mà con người đã đạt được. Loài động vật thì không có khả năng như thế.
“Sự phát triển về vật chất và sự tiến bộ về kỹ thuật công nghệ đã tác động lên tất cả cuộc sống của chúng ta. Ta có sức khỏe tốt hơn, sống thọ hơn và cũng thoải mái hơn trong quá khứ, nhưng vấn đề là liệu chúng ta có thực sự hạnh phúc hơn hay không. Nếu một mình sự phát triển về vật chất có thể thực sự mang lại hạnh phúc lâu dài, thì những người sống ở các quốc gia phát triển cao sẽ được hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng điều này không phải như vậy. Nhiều người trong chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều khổ đau và phiền toái. Một khía cạnh khác của trí tuệ con người chúng ta là khả năng suy nghĩ về chính mình và những người thân của chúng ta, khả năng nhớ về quá khứ và suy đoán tương lai. Kết quả là chúng ta bị vây quanh bởi các mối bận tâm và sự lo lắng đang quấy rầy sự yên bình trong tâm thức của chúng ta”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thuyết Pháp tại sân bãi của Pháp Hội ở Leh, Ladakh, J & K vào 30 tháng 07, 2015
Ảnh/Tenzin Chojeor/ VPĐLLM |
Ngài tiếp tục nói rằng ngày nay, mặc dù trên thế giới có một số lượng của cải rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn có một khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo. Ngài thừa nhận điều này là bởi vì chúng ta suy nghĩ và hành động sai lầm; chúng ta thiếu tình yêu đích thực và lòng từ bi đối với người khác. Đây là một sự sai lầm. Khoa học đã chứng minh rằng những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, giận dữ và lo lắng sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch của chúng ta bị suy giảm, trong khi đó những cảm xúc tích cực như tình yêu thương, lòng từ bi và sự quan tâm đối với người khác sẽ thực sự cải thiện được mặt thể chất và hạnh phúc của chúng ta. Ngài nói:
“Tôi không nói về bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo ở đây cả; mà chỉ đề cập đến những sự liên quan thực tiễn mà chúng ta phải hứng chịu trong cuộc sống hàng ngày của mình. Ngày nay, hệ thống giáo dục của chúng ta quá chú trọng về vấn đề phát triển vật chất mà dành quá ít sự quan tâm đối với những giá trị nội tâm”.
Ngài nói rằng nhiều truyền thống của Ấn Độ cổ đại, bao gồm cả Phật giáo, đã sử dụng việc thực hành để tập trung và phát triển trí tuệ đặc biệt. Do đó, họ đã đạt được kiến thức phong phú về cách vận hành của tâm thức. Nhưng, Ngài nói, thừa nhận hoặc cảm kích không thì chưa đủ; chúng sẽ chỉ có hiệu quả nếu được đưa vào áp dụng cho sự thực hành. Ngài giải thích vì sao Ngài lại thích xem các nội dung của kinh Phật thuộc cả ba lĩnh vực: khoa học, triết học và tôn giáo. Các thể loại tôn giáo chỉ có thể hấp dẫn đối với các Phật tử; nhưng khoa học - đặc biệt là khoa học về tâm thức và triết học - thì có thể hấp dẫn được toàn cầu. Bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu và rút ra lợi ích từ chúng; vì chúng dựa trên logic và sự quan sát có tính khoa học.
Dẫn chứng lời trích dẫn rằng Đức Phật không rửa sạch những hành động bất thiện của chúng sinh bằng nước, cũng không loại bỏ những đau khổ của họ với hai bàn tay của Ngài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng lòng tốt của Đức Phật là truyền đạt chân lý và con đường đưa đến giác ngộ. Ngài lưu ý rằng, nền tảng giáo huấn của Đức Phật là Tứ Diệu Đế, Sự Thật về đau khổ, nguyên nhân của nó, sự chấm dứt nó và con đường đưa đến trạng thái chấm dứt ấy. Trọng tâm của lần Chuyển Pháp Luân thứ II chính là Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật phân tích tỉ mỉ về hai Sự Thật sau cùng: Tập Đế và Đạo Đế. Trong kỳ chuyển Pháp Luân thứ III, Đức Phật dạy về bản chất của tâm là sáng suốt và tỉnh thức. Tâm thức của trí tuệ sáng suốt rõ ràng, ý thức tinh vi nhất trong chúng ta đều được thực hiện trong các Mật chú (tantra).
Một số trong hơn 50.000 người tham dự Pháp hội Thánh Đức ĐLLM tại sân bãi Pháp Hội ở Shiwatsel, Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ vào 30, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Chojeor/VPĐLLM |
“Những phiền toái chủ yếu quấy rầy tâm trí an bình và khiến chúng ta đau khổ đó chính là tam độc hay còn gọi là những cảm xúc phiền não tham, sân và si. Chúng ta phải học cách làm thế nào để giải quyết vấn đề này; và để làm được điều đó chúng ta cần phải sử dụng sự thông minh của mình để phát triển trí tuệ. Những gì chúng ta học được từ sự nghiên cứu hay đọc sách - mà không cần phải phân tích - thì còn rất nông cạn. Nếu chúng ta suy nghĩ và phân tích nó thì sự hiểu biết của chúng ta sẽ trở nên kiên định và vững chắc hơn, rồi sau đó, nếu chúng ta suy tư thiền định về những gì chúng ta đã hiểu rõ, thì ta sẽ đạt được sự tự tin đầy thuyết phục. Một trong những phương pháp hùng mạnh nhất của cách áp dụng sự phân tích - như chúng ta đã nhìn thấy ngày hôm qua và hôm nay - đó chính là phương pháp tranh luận. Phương pháp này được phát triển tại Nalanda, Vikramashila và Odantapuri, nhưng chủ yếu là ở Nalanda và sau đó được bảo quản và duy trì nghiêm ngặt ở Tây Tạng”.
Sau đó Ngài trở lại với bản Kinh xưng tán do chính Ngài sáng tác để ca ngợi 17 bậc Luận Sư vĩ đại của Nalanda, và Ngài sẽ đọc để ban khẩu truyền. Sau bài kệ xưng tán Đức Phật là bậc đầu tiên dạy Lý Duyên Khởi, tác phẩm đã tiếp tục ca ngợi Ngài Long Thọ, người đã giải thích nó cặn kẽ hơn và thiết lập nên trường phái Trung Đạo. Tác phẩm tiếp tục tán thán những người đệ tử của Ngài Long Thọ là Ngài Thánh Thiên, Phật Hộ, Thanh Biện, Pháp Xứng, Tịch Thiên, Thiện Hài Tịch Hộ và Liên Hoa Giới. Ngài giải thích rằng theo giáo lý Duyên Khởi, tất cả các pháp đều phụ thuộc vào các yếu tố khác và do đó không hề có sự tồn tại độc lập cố hữu nào cả; đó là một Giáo lý mở rộng tâm thức chúng ta đến với thực tại.
Ngài giải thích rằng có hai khía cạnh của con đường Phật giáo, trí tuệ - sự hiểu biết về Duyên sinh và tánh Không của sự tồn tại cố hữu; và phương pháp - bao gồm cả đức hạnh liên quan đến tình yêu thương và lòng từ bi. Các bậc Luận Sư Nalanda thuộc dòng truyền thừa ấy, bao gồm cả Ngài Vô Trước và Thế Thân. Ngài Trần Na và Pháp Xứng cũng được đề cập đến qua những sự đóng góp của họ đối với lĩnh vực logic và nhận thức luận, và các luận giải để làm sáng tỏ tư tưởng giáo lý Bát Nhã Ba La Mật. Ngài Giải Thoát Quân và Sư Tử Hiền với những cống hiến của họ đối với sự am tường về Luật tạng hoặc Thiền môn Quy Cũ; ca ngợi Ngài Đức Quang và Thích Ca Quang. Lời xưng tán cuối cùng được dâng lên cho Ngài Atisha, bậc Minh Sư đã đến Tây Tạng và truyền dạy về trí tuệ và phương tiện sâu sắc và rộng lớn (Bồ Đề Tâm) về các Đạo Lộ tu tập của ba hạng Sĩ Phu.
Cộng đồng địa phương mang phẩm vật cúng dường trong lễ Cúng dường Trường thọ lên Thánh Đức ĐLLM tại sân bãi Pháp Hội Shiwatsel ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn Độ vào 30, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Chojeor/VPĐLLM |
Sau khi kết thúc phần đọc “Soi Sáng Niềm Tin Tam Bảo”, Ngài đọc lướt bài “Tám vần kệ luyện Tâm”. Ngài nói rằng có rất nhiều phương pháp thực hành luyện tâm và phát triển Bồ Đề Tâm, chẳng hạn như việc thực hành hoán đổi (vị trí hoặc hoàn cảnh) của mình với người khác. Phương pháp kỹ thuật để phát triển tâm Bồ Đề có thể được tìm thấy trong các luận thuyết của tất cả 17 bậc Luận Sư Nalanda, nhưng đặc biệt là trong “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên.
Ngài tiếp tục truyền Quán đảnh của Đức Tara Trắng tập trung vào tuổi thọ, trong quá trình đó Ngài đã hướng dẫn đại chúng thực hành một nghi lễ về phát Bồ Đề Tâm Nguyện. Khi lễ quán đảnh hoàn mãn thì nghi thức Cúng dường Trường Thọ được bắt đầu kính dâng lên Ngài. Những vị Lạt Ma nổi bật của địa phương, ngài Ganden Tri Rinpoche, Thiksey Rinpoche, Togden Rinpoche, Bakula Rinpoche và Chöngön Rinpoche đã khởi đầu dâng Mandala lên cúng dường Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đoàn người diễu hành mang những phẩm vật cúng dường là một phần của buổi lễ gồm có 1.100 người dân địa phương, nhiều người đã mặc những bộ trang phục đẹp nhất của mình. Trong số đó cũng có các nhà lãnh đạo và đại diện các cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shia và cộng đồng tín đồ của Kitô Giáo.
Khi buổi lễ hoàn mãn, Ngài lại phát biểu một lần nữa. Trước hết Ngài cho biết rằng Ngài muốn dạy câu thần chú của Đức Văn Thù cho trẻ em và những học sinh hiện diện ở đó, nếu trì tụng thần chú này thì sẽ giúp các cháu nâng cao trí thông minh của mình. Trong bài phát biểu với các thính chúng người Tây Tạng, Ngài đã xin lỗi vì không thể gặp gỡ riêng từng người trong số họ, bởi vì chuyến viếng thăm của Ngài quá ngắn ngủi. Ngài nói với họ rằng mặc dù Ngài đã hoàn toàn rút lui khỏi trách nhiệm chính trị vào năm 2011 để ủng hộ cho sự lãnh đạo được bầu chọn; điều đó không phải là vì Ngài không còn quan tâm đối với Tây Tạng. Ngài nhấn mạnh rằng có rất nhiều người từ bên trong Tây Tạng và những người Tây Tạng lưu vong đang tiếp tục đặt niềm tin và hy vọng nơi Ngài; và Ngài tiếp tục cảm thấy có trách nhiệm đối với họ. Ngài nhận xét rằng tinh thần của người Tây Tạng vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngài cũng đề cập đến giá trị của ngôn ngữ Tây Tạng và tầm quan trọng của việc duy trì cho nó được sống động. Ngài gọi đó là ngôn ngữ chính xác nhất để diễn đạt ý tưởng Phật giáo. Điều này trở nên quan trọng hơn trong quan niệm nhận xét của Tập Cận Bình về vai trò quan trọng của Phật giáo đối với văn hóa Trung Quốc và số lượng ngày càng tăng của Phật Tử Trung quốc.
Khoảng 50.000 người tụ họp đến sân bãi Pháp Hội Shiwatsel để tham dự buổi thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM tại Leh, Ladakh, J&K, Ấn Độ vào 30, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Chojeor/VPĐLLM |
Ngài cho biết là người ta đã nói với Ngài rằng, say rượu là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và đang lan tràn trong xã hội; và Ngài nhận xét rằng nhậu nhẹt say sưa sẽ không giải quyết được gì cả. Một vấn đề hoàn toàn khác đó là các bác sĩ đã mang đến sự chú ý của Ngài về vấn đề hiến tạng - điều mà Ngài muốn khích lệ. Điều đó thực sự mang lại lợi ích cho những người khác, Ngài nói, và nếu có thể thì nên lập di chúc để cho việc trao các bộ phận cơ thể cho những người khác được có hiệu lực. Như một tấm gương truyền thống đầy cảm hứng, Ngài dẫn chứng trường hợp của Khangsar Dorje Chang người đã yêu cầu rõ ràng rằng cơ thể của ông không được hỏa táng mà phải được thiên táng. Ngài nói rằng có thể không có nhiều thịt trên xương của ông, nhưng ít ra thì nó cũng có lợi cho một số chim chóc.
Cuối cùng, Ngài khen ngợi những người dân Ladakh về các bước mà họ đang thực hiện để cải thiện và tham gia vào giáo dục. Ngài nhắc lại sự cần thiết phải thực hiện ba phương pháp đó là: học hỏi, suy tư và thiền định đối với nền giáo dục để có được hiệu quả thực sự. Vào cuối bữa cơm trưa dùng riêng với những người chủ nhà tiếp đón - các Vị Lama bổn xứ và các thành viên của chính quyền địa phương - Ngài nhớ lời đề nghị của mình về việc cúng dường cho Leh Jokhang một Bộ Luận Tạng, một bộ sưu tập các dịch phẩm của những bộ luận giải của các luận sư Ấn Độ. Ngài nói với những vị khách của mình rằng, Ngài muốn cúng tặng bản sao của chính Ngài từ Cung điện của Ngài ở Shiwatsel với hy vọng rằng Jokhang có thể trở thành một thư viện và là một trung tâm nghiên cứu và học thuật.
Ngày mai, Ngài sẽ rời khỏi Leh thật sớm để bay về Delhi.