Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 30 tháng 3 năm 2015 - Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ ước tính khoảng 1100 người đến từ 56 quốc gia khác nhau ở Châu Á, Châu Úc, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ và Châu Phi. Trong số đó có hơn 100 người Ấn Độ. Đầu tiên Ngài chụp ảnh với họ được sắp xếp thành nhóm theo quốc tịch trước khi Ngài an toạ bên dưới Tsuglagkhang để nói chuyện với họ.
Ngài nói: “Cách đây ít lâu, tôi nghĩ rằng sẽ tốt nếu khi có khá nhiều du khách ở đây, tôi có thể gặp gỡ họ và chia sẻ với họ một số suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi. Vì vậy, quý vị không những có thể nhìn thấy khuôn mặt của tôi, mà còn có thể nghe được những điều mà tôi suy nghĩ.”
Ngài nói rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và chúng ta đều coi trọng tình cảm của nhau. Đó chính là được trải nghiệm về sự chăm sóc và tình cảm (của mẹ) khi chúng ta bắt đầu cuộc sống của mình; điều đó đã trang bị cho chúng ta để khi lớn lên ta có thể thể hiện tình cảm với người khác. Ngài nêu lên rằng các nhà khoa học ngày nay đã phát hiện ra rằng nếu chúng ta thường xuyên tức giận và hận thù thì sẽ có hại cho sức khỏe của mình; trong khi đó - nếu ta thể hiện tình cảm thì lại có lợi cho chúng ta.
Đề cập đến đặc biệt là người Ấn Độ trong buổi tiếp kiến, Ngài nói rằng người Tây Tạng - trong lịch sử - đã coi người Ấn Độ là đạo sư của mình; bởi vì chính vì nhờ từ người Ấn độ mà nhân dân Tây tạng đã có được kiến thức của mình. Ngài đã dẫn lời một vị thầy vĩ đại của Tây Tạng vào thế kỷ 14/15, người đã nói rằng:
Dẫu Tây Tạng là quê hương của Xứ Tuyết
Màu của Tuyết chính là màu thuần tịnh Trắng
Nhưng khi đuốc tuệ xứ Ấn chưa truyền đến,
Tây tạng vẫn chìm trong bóng tối vô minh.
Đức Ngài nói rằng sự nghiên cứu của riêng Ngài về triết học và tâm lý học do các bậc thầy của Đại học Nalanda giảng dạy là cơ sở để Ngài có thể trò chuyện thảo luận với các nhà khoa học hiện đại trong ba mươi năm qua. Đó là sự đối thoại làm lợi lạc lẫn nhau. Ngài bày tỏ sự cảm kích về việc ngày càng có nhiều người Ấn Độ có học thức, những người thể hiện sự quan tâm đến khoa học tâm thức và các khía cạnh khác của kiến thức uyên thâm về Ấn Độ cổ đại, phần lớn điều đó vẫn còn rất phù hợp cho đến ngày nay.
Ngài cũng nói về sự ngưỡng mộ của mình đối với truyền thống thế tục lâu đời của Ấn Độ, sự tôn trọng không thiên vị đối với tất cả các truyền thống tâm linh và thậm chí đối với cả quyền cá nhân không cần phải theo bất cứ tôn giáo nào cả!
“Chúng ta nên áp dụng cách tiếp cận thế tục như vậy đối với các giá trị nội tâm và các nguyên tắc đạo đức, những nguyên tắc này nên được dạy trong trường học, nơi mọi người đều có thể nghe thấy chúng, không chỉ trong các chùa chiền, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo.”
Đức Ngài đã tiếp tục thảo luận về ba khía cạnh của tôn giáo: trước hết là thông điệp về tình yêu thương, tâm từ bi, lòng khoan dung và sự biết đủ mà tất cả các tôn giáo đều có điểm chung. Thứ hai là về khía cạnh triết học mà tất cả các tôn giáo đều khác nhau. Ngài so sánh những truyền thống tin vào một vị thần sáng tạo với những truyền thống tin vào luật nhân quả, ý tưởng rằng hành động tốt dẫn đến hạnh phúc trong khi tâm bất thiện sẽ tạo ra khổ đau. Ngài nói đùa về cách mà mọi người lười biếng thường hay đổ lỗi cho những gì xảy ra với ‘nghiệp’ của họ như thể số phận của họ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ quên rằng ‘nghiệp’ có nghĩa là hành động và họ chính là tác nhân của hành động đó.
Cuối cùng, Ngài đề cập đến các khía cạnh văn hóa của tôn giáo, phong tục tập quán có thể thay đổi. Ngài trích dẫn nguyên tắc chung về cơ hội bình đẳng mà Đức Phật ban cho nam giới và nữ giới, tuy nhiên nam giới vẫn chiếm ưu thế hơn.
“Đã đến lúc điều này phải được thay đổi,” Ngài nói, “Chúng ta nên có sự bình đẳng thực sự hơn. Tương tự như thế, Đức Phật đã bỏ qua hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ; và ngày nay đã đến lúc chấm dứt sự phân biệt đẳng cấp. Đây là một khía cạnh văn hóa của truyền thống tôn giáo mà những người thầy tâm linh nên lên tiếng phản đối”.
Sau cùng, Đức Ngài nhận xét rằng Ngài là người Tây Tạng với mối quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn văn hóa hòa bình, bất bạo động và từ bi của Tây Tạng, đó là những giá trị có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Ngài cũng nói về mối quan tâm của mình để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của Tây Tạng, lưu ý rằng về mặt sông băng, Tây Tạng giống như một Cực thứ ba. Từ những nguồn này, các con sông lớn của Châu Á có vai trò thiết yếu đối với nguồn cung cấp nước cho một tỷ người.
Ở phần cuối của bản phác thảo về ba cam kết của mình: thúc đẩy các giá trị nội tâm như nguồn gốc của hạnh phúc thực sự, thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo, như được minh chứng ở Ấn Độ, và bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa và môi trường của Tây Tạng, Ngài kêu gọi thính giả rằng:
“Nếu bất kỳ điều gì tôi đã nói khiến cho quý vị quan tâm, thì xin hãy suy tư thêm về điều đó và thảo luận với gia đình và bạn bè của quý vị. Xin cảm ơn. Ngày mốt tôi sẽ đi Nhật Bản. Hẹn gặp lại nhé!”