Irvine, CA, USA, ngày 07 tháng Bảy, 2015 - Trước khi đến UCI vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời phỏng vấn của nữ ký giả Christina Pascucci thuộc chương trình Thời sự KTLA 5. Cô hỏi ai là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với Ngài trong suốt cuộc đời 80 năm của Ngài. Ngài chia sẻ rằng có rất nhiều, nhưng trong số những nhân vật sống gần đây, mặc dù Ngài chưa từng được gặp gỡ Mahatma Gandhi và Martin Luther King Jr nhưng họ đã có ảnh hưởng to lớn đến quan điểm của Ngài. Còn nếu sống ở thời đại xa hơn, Ngài sẽ phải đề cập đến các bậc Đạo sư Phật giáo Ấn Độ cổ đại.
Christina Pascucci của CT Thời sự KTLA 5 phỏng vấn Thánh Đức ĐLLM tại Anaheim, California, Hoa kỳ vào 7, tháng 7, 2015. Ảnh / Sonam Zoksang |
Khi Cô muốn biết về mối đe dọa lớn nhất mà con người phải đối mặt ngày nay; Ngài đã trả lời không chút do dự “Bạo lực”.
Được hỏi về những vật dụng mà Ngài thường mang theo trong chiếc túi bên mình, Ngài nói rằng Ngài có một bức tượng Phật và luôn giữ bên mình kể từ khi Ngài xuất gia lảm Tăng sĩ, ngoài ra còn có vài viên kẹo, mấy cây bút và cái lưỡi trai che nắng để thỉnh thoảng Ngài đội lên để bảo vệ đôi mắt tránh khỏi ánh sáng chói.
Những hạt mưa phùn nhè nhẹ rơi suốt chặng đường đến UCI, nơi dừng chân đầu tiên là Trung tâm Living Peace. Giám đốc Kelly Smith đã cung nghinh Ngài và thỉnh Ngài đến xem mandala cát của Đức Quán Thế Âm vừa mới được thiết lập. Ngài nhấn mạnh giá trị biểu tượng của đức Quán Thế Âm Thiên thủ Thên nhãn. Cầm trên tay chiếc chày kim cang và linh, Ngài dạy rằng chày kim cang biểu trưng cho phương tiện - từ bi và linh biểu trưng cho trí tuệ tính không. Cả hai pháp khí này cần phải đi chung với nhau để ngụ ý về sự cần thiết đối với trí tuệ cần phải được trợ lực bằng tâm từ bi; và sự từ bi phải có trí tuệ soi lối dẫn đường.
Tại Trung tâm Events Bren, khán thính giả lần đầu tiên được xem một video chiếu về cuộc đời và những công hạnh của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, cùng với nhiều lời tán thán từ bạn bè và những người ngưỡng mộ. Người dẫn chương trình cho ngày thứ ba, Ann Curry đã mời Rajiv Mehrotra chia sẻ vài điều về việc hòa nhập với sự thực hành hạnh Từ bi của Ngài. Ông giải thích rằng rèn luyện tâm thức trên nền tảng trí tuệ là thệ nguyện trong đời sống thường nhật của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, điều này xuất phát từ truyền thống Đại học Nalanda. Giáo sư Bob Thurman giải thích sâu hơn về chr đề này, nêu bật sự nhấn mạnh của Ngài về tầm quan trọng của một nền giáo dục cân bằng và toàn diện, nhằm phát triển trí tuệ cũng như nuôi dưỡng một trái tim nhiệt tình nhân hậu. Ann Curry giới thiệu các thành viên của cuộc hội thảo ngày thứ ba đã tham gia cùng với Ngài trên khán đài: Người cùng Hội với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gồm có: Bước đột phá của Niềm tin sáng tạo - Armaan Rowther; Giám đốc Ý tưởng của Google - Jared Cohen; nữ diễn viên Zendaya; Giám đốc Chương trình học giả của Dalai Lama tại UCI - Karina Hamilton; nhà sản xuất phim Justin Nappi; Đại sứ tuổi Teen chương trình STOMP Out Bullying - Danielle Nisim; và đồng sáng lập câu lạc bộ của Trẻ em ECOCLUB - Max Guinn; nữ diễn viên Regina King; người sáng lập Interfaith Youth Core - Eboo Patel; và Native Hawaii Navigator, Nainoa Thompson.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu trong phiên họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Từ Bi toàn cầu tại ĐH California Irvine, California, vào 7 tháng 7, 2015. Ảnh /Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận: “Tôi không được đào tạo trong nền giáo dục hiện đại. Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã nghiên cứu các trước tác của những bậc Luận sư thuộc Đại học Nalanda Ấn Độ cổ đại. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, tôi đã tham gia vào những buổi đối thoại với các nhà khoa học tập trung chủ yếu trong lĩnh vực vũ trụ học, thần kinh học, vật lý học và tâm lý học. Sự đối thoại đã mang lại lợi ích cho cả hai phía. Các nhà khoa học ngày càng quan tâm hơn đến các cấp độ khác nhau của tâm thức. Chẳng hạn như họ bị hấp dẫn bởi các trường hợp của những người dường như đã chết lâm sàng, nhưng cơ thể vẫn duy trì được sự tươi nguyên trong nhiều ngày. Họ không thể luận giải được những gì mình đã quan sát. Theo quan điểm của Phật giáo, dù đã chết lâm sàng nhưng tâm thức ở mức độ vi tế nhất vẫn còn tiếp tục tồn tại”.
Ngài nhắc tới một điểm đặc trưng vô cùng độc đáo của truyền thống Nalanda đang tiếp tục có sức hấp dẫn đến ngày nay; đó là quyền tự do để thách thức và tranh biện về những gì đã được giảng dạy dựa trên cơ sở của lý trí và lô-gic. Ngài cũng lưu ý đến ba phạm trù của văn học Phật giáo, thứ nhất là tập trung vào các vấn đề tôn giáo, phạm trù này chỉ hấp dẫn đối với các Phật tử mà thôi. Kế đến là khoa học và triết học. Hai phạm trù này đã lôi kéo được sự quan tâm của các viện học thuật phổ quát. Ngài đã minh chứng việc sử dụng lý luận phân tích khi chỉ ra rằng tất cả thính chúng đều nhìn thấy Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso đang nói chuyện với họ, nhưng nếu họ hỏi ngài Tenzin Gyatso là ai hoặc ở đâu, có phải Tenzin Gyaltso là tâm thức mà Ngài đang chia sẻ, hay là thân của Ngài, đầu của Ngài, nơi cánh tay hay những ngón tay, ngay khi ấy họ sẽ thấy rất khó định vị được. Ngài chỉ ra rằng do những nhận biết lầm sai, sự bám chấp vào những giả tướng bên ngoài mà không có sự giải thích chính xác về thực tại nên các phiền não và phóng chiếu hư ảo trong tâm luôn phát khởi.
Thính giả đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM nói chuyện tại ĐH California Irvine của Trung tâm Bren, tại Irvine, California, Mỹ vào 07 tháng 7, 2015. Ảnh / Tenzin Choejor/ VPĐLLM |
Khẳng định rằng mình thuộc về thế kỷ 20, một thế kỷ đã trở thành quá khứ, Ngài kêu gọi những người trẻ, những người thuộc về thế hệ của thế kỷ 21, hãy nỗ lực chân thành với tầm nhìn đúng đắn, với cách tiếp cận thực tế, để tạo ra một kỷ nguyên của hòa bình và hạnh phúc. Ngài đã trêu họ khi nói rằng mình không mong đợi được sống tới khi chứng kiến được điều này, bởi khi đó có thể Ngài đã đi đến cảnh giới cực lạc hay đang ở trong một địa ngục nào đó.
“Nhưng”, Ngài đùa, “ngay cả khi đang ở địa ngục, tôi cũng sẽ xin nghỉ phép để trở lại xem các bạn như thế nào. Nếu các bạn không tiến bộ, khi tôi trở lại địa ngục, tôi sẽ đề nghị nó được nới rộng thêm ra”.
Ann Curry mời các thành viên của cuộc hội thảo chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm của mình. Rajiv Mehrotra đã giải thích về pháp thực hành luyện tâm của Phật tử; hoán đổi địa vị của chính mình với tha nhân. Bob Thurman thừa nhận mình là một người học trò kém cỏi của Ngài, tiết lộ rằng, ban đầu không phải do lòng mộ đạo đã hấp dẫn ông đến với Phật giáo Tây Tạng mà chủ yếu là do muốn theo đuổi kiến thức thông qua sự phân tích.
Cuối buổi hội thảo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ sự tôn trọng to lớn lao đối với các truyền thống tôn giáo chính thống khác. Ngài bày tỏ sự kính trọng đặc biệt đối với vị tu sĩ Công giáo Thomas Merton, người đầu tiên chia sẻ giáo lý Công giáo cho Ngài. Ngài cũng đề cập đến sự ngưỡng mộ mà mình đã dành cho những bạn hữu Hồi giáo, và giải thích thuật ngữ “Jihad” không có nghĩa là làm tổn hại người khác. “Thánh chiến” ở đây thực sự ám chỉ đến cuộc chiến đấu với những phiền não bên trong nội tâm của chính mình. Buổi hội thảo kết thúc khi Nainoa Thompson, một người Hawaii bản địa lên cúng dường Ngài một tràng hoa và mời một đồng nghiệp lên ca một bản nhạc tôn kính truyền thống. Ngài rời khán đài trong âm thanh trì tụng trầm tĩnh của thính chúng về “Lời cầu nguyện cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma Trường thọ”.
Nhạc sĩ Michael Franti biểu diễn tại ĐH California Irvine Pacific Ballroom ở Irvine, California, Hoa kỳ vào 07 tháng 7, 2015. Ảnh / Tenzin Choejor/ VPĐLLM |
Bữa cơm trưa được cúng dường tại Ballroom Pacific UCI. Kelly Smith - Giám đốc Trung tâm Living Peace đã cung đón Ngài. Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn cùng lên khán đài, bà thông báo rằng, theo đề xuất của mình, Thượng viện California đã quyết định lấy tháng Bảy là Tháng của Từ tâm. Giám đốc UCI - Howard Gillman đã giới thiệu Ngài trước đại chúng, ông nhớ lại Ngài đã viếng thăm trường nhiều lần và chính tại Irvine vào năm 1989 Ngài nhận được tin mình được trao giải Nobel Hòa bình.
Nhà hoạt động xã hội và nhạc sĩ nhạc rap Michael Franti lên sân khấu và sau khi nói về những kinh nghiệm của mình tại Iraq khi chơi nhạc cho trẻ em tàn phế và binh lính Mỹ, cậu ta đã chơi đàn và hát bài ca về mong muốn tất cả mọi người cần một cái ôm nhau mỗi ngày. Cậu đã khiến cho căn phòng tràn ngập niềm vui và tình bằng hữu.
Thị trưởng Choy của thành phố Irvine, thành phố của sự đổi mới, đã đến dâng lên tặng Ngài một món quà và giấy Chứng Nhận.
Trong lời đáp từ của mình, Ngài cho rằng ngày càng nhiều người quan tâm đến các giá trị tinh thần, đây là điều đáng khích lệ. Ngài nói với Franti rằng những hình xăm lớn trên người của cậu ta, ban đầu đã gây chú ý cho Ngài, và sau đó Ngài thực sự ấn tượng trước năng lực biểu diễn của cậu ta. Trở lại Trung tâm Events Bren, hơn 1 ngàn người Tây Tạng, Mông Cổ và Bhutan đã đợi sẵn để tham dự lễ tôn vinh kỷ niệm sinh nhật cùng với Ngài. Một nhóm thiếu nhi đã hát một bài hát vui nhộn dâng lên cúng dường Ngài, nhưng khi một nhóm người lớn biểu diễn tiếp theo gặp phải trục trặc vì lý do kỹ thuật, Ngài quyết định không đợi nữa mà bắt đầu buổi pháp thoại của mình.
Vài trong số hơn cả nghìn người Tây Tạng, Mông cổ, Bhutan và những người ủng hộ đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM nói chuyện trong buổi gặp gỡ tại ĐH California Irvine, California, Hoa kỳ vào 07 tháng 7, 2015. Ảnh / Tenzin Choejor/ VPĐLLM |
Ngài nói về cách thức mà người Tây Tạng đã bảo trì mạnh mẽ truyền thống Nalanda trong hơn một nghìn năm qua như thế nào. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những điều kiện chính trị nhưng những gì liên kết người dân Tây Tạng với nhau đó chính là ngôn ngữ của họ và cùng chia sẻ bảo trì chung hệ kinh Tạng (Kargyur) và Luận Tạng (Tengyur). Ngài khích lệ họ - tu sĩ lẫn cư sĩ - cần phải đọc và nghiên cứu học hỏi. Không những chỉ đọc nghiên cứu (Các Giai tầng của Hành trình Giác ngộ) mà cả những bản kinh văn như “Ánh đuốc của Lý luận” của Ngài Thanh Biện.
Về những người biểu tình ủng hộ Shugden Dolgyal trên đường phố bên ngoài địa điểm tổ chức, Ngài nói rằng:
“Sự hiện diện của họ không tạo nên sự khác biệt nào đối với tôi. Tôi cảm thấy thương họ, bởi do thiếu hiểu biết nên họ đã bị lừa. Từ năm 1951 đến đầu những năm 1970, vì vô minh nên tôi cũng thực hành Dolgyal. Nhưng trong tôi luôn ẩn chứa nhiều nghi vấn nên đã quyết định tìm hiểu kỹ càng. Tôi phát hiện ra rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ V đã viết rằng Tulku Drakpa Gyaltsen không phải là vị Lạt ma thật sự và đã xuất hiện từ một vị ác thần. Đức Dalai Lama đời thứ 5 đã gọi đó là một “ác thần xuất phát từ những lời cầu nguyện sai lầm gây tổn hại đến Phật Pháp và chúng sinh”. “Điều khiến tôi thực sự bận tâm chính là tư tưởng bè phái và chia rẽ liên quan đến sự thực hành này. Một ví dụ điển hình mà tôi đã được nghe là Tu viện Dzing Dzing tại tỉnh Kham. Trong khi các tăng sĩ của Tu viện còn cố chấp trong sự thực hành Dolgyal, thì các tăng sĩ của các tự viện gần đó đều xa lánh họ. Ngay khi họ từ bỏ việc thực hành đó, các tăng sĩ của tất cả 17 tự viện trong khu vực đã trở nên thân thiện và hòa hợp với nhau.
Thánh Đức ĐLLM nói chuyện với cộng đồng người Tây Tạng, Mông Cổ, Bhutan tại ĐH California Irvine, California, Mỹ vào 07 tháng 7, 2015. Ảnh/ Tenzin Choejor/ VPĐLLM |
“Khi tôi còn đang thực hành Dolgyal và lưu trú tại Swarag Ashram, tôi đã có một giấc mơ là mình đã để lại một bản copy của Pema Kathang, một tiểu sử về Đức Liên Hoa Sanh, và bản tiểu sử đã biến mất. Tôi đã nói điều này với Geshe Rabten và ông bảo tôi rằng đó là do hành động của Dolgyal.
Cuốn sách màu Vàng “Những Thánh Ngôn của Từ Phụ” của Zemey Rinpoche, đã kể lại mối quan hệ giữa các vị Lạt ma và các quan chức chính phủ với Dolgyal. Nechung trước đó đã cho tôi biết rằng, những liên quan tới Dolgyal là một sai lầm, và khi ấy tôi đã đề nghị giữ im lặng. Khi cuốn sách này xuất hiện, tôi đã nói với Vị ấy rằng ngài có thể nói bất cứ điều gì mà ngài cần phải nói ra. Dolgyal là một “drekpa” hay một ác thần; sẽ không trở thành vấn đề gì nếu nó không làm tổn hại đến Phật pháp, nhưng thực tế nó đã gây ra chủ nghĩa bè phái nghiêm trọng và đe dọa những người có liên quan. Các Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 1, thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 13, tất cả đều giữ quan điểm bất phân bộ phái trong sự thực hành tâm linh. Là người trì giữ dòng truyền thừa này, điều đúng đắn duy nhất tôi cần làm là cũng noi theo truyền thống của họ.
“Như tôi đã nói, mối bận tâm của tôi là vấn đề bè phái dẫn đến sự chia rẽ trong xã hội phát sanh từ hậu quả của sự thực hành này. Những con người tội nghiệp đang phản đối ngoài kia, họ không có hiểu biết sự thật về nó. Chúng ta cần giúp họ có chính kiến, chẳng có lý do nào để chúng ta phải tức giận, ngăn cấm hay loại trừ họ cả. Ngay bây giờ họ có quyền tự do ngôn luận của mình, mà đó là cũng là điều mà tôi có quyền được làm”. Khi Ngài rời khỏi khán đài, những người dân Tây Tạng cùng nhau trì tụng với giai điệu trầm tĩnh lời cầu nguyện Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma Trường Thọ. Trong ba ngày của Hội Nghị Thượng Đỉnh Lòng Từ Bi Toàn Cầu, các nền tảng truyền thông xã hội đã nhận được hơn 400 triệu lượt truy cập. 5 triệu người kết nối với các sự kiện hầu như thông qua dòng trực tiếp và Facebook video trực tiếp và 1.000.000 thông qua video VPĐLLM. Đã có hơn 1 triệu người xem của video #Với Tâm Từ Bi, hơn 250,00 khán giả đã gởi lời chúc tốt đẹp cho Ngài trên Facebook, trong khi có 100.000 người đã gửi lời chúc mừng sinh nhật Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma qua #Với Tâm Từ Bi. Sáng sớm mai Ngài sẽ rời LA để đi New York.