Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ 27 Tháng Năm, 2016 - Vào một buổi sáng rực rỡ, với nhiệt độ khí hậu thoải mái nhất trong năm, những đám đông háo hức - chủ yếu là người Tây Tạng - đã tập trung tại khu vườn của Tsuglagkhang sáng nay để chứng kiến Lễ nhậm chức lần thứ hai của Sikyong Lobsang Sangay.
Thánh Đức ĐLLM được tháp tùng bởi cựu phát ngôn viên Penpa Tsering và Sikyong Lobsang Sangay, đến Tsuglakhang tại Thekchen Chöling ở Dharamsala, Ấn Độ vào 27 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Kalons, cựu Kalons, và các thành viên của Hiệp hội đại biểu nhân dân Tây Tạng (ATPD) và nhân viên Trung tâm hành chính Tây Tạng (CTA) đều an tọa trong đại sảnh bên dưới Chánh Điện, trong khi các thành viên của công chúng thì ngồi ngoài sân. Một cảm giác phấn chấn sôi nổi khởi lên khi cánh cổng dinh thự của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được mở ra và Ngài đã bước ra, cùng tháp tùng với Ngài là Sikyong Lobsang Sangay và Vị cựu phát ngôn viên Penpa Tsering.
Các thành viên của Viện Nghệ thuật âm nhạc Tây Tạng (TIPA) đã mở đầu bằng những bài Quốc ca của Tây Tạng và Ấn Độ. Chư Tăng của Tu viện Namgyal đã tụng những bài kệ Quy Y và cầu nguyện Cát Tường. Các diễn viên chuyên nghiệp của Viện Nghệ thuật âm nhạc Tây Tạng đã cúng dường những ca khúc và vũ điệu trong thời gian trà và cháo sữa được phân phát.
Sikyong được tuyên thệ nhậm chức do vị Ủy viên trưởng của Bộ Tư pháp - ông Kargyu Dhondup - thi hành. Tiếp theo đó, ông, các thành viên của Quốc Hội, Ủy viên trưởng của Bộ Tư pháp, các thành viên của Hiệp hội đại biểu nhân dân Tây Tạng dâng cúng những chiếc khăn lụa truyền thống katags lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Sikyong Lobsang Sangay phát biểu với công chúng tụ hội ở Tsuglagkhang tại Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ vào 27 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong bài phát biểu của mình, đầu tiên ông phát biểu bằng tiếng Tây Tạng và sau đó bằng tiếng Anh, Sikyong đã đề cập đến ân sủng vĩ đại và vô cùng ý nghĩa đối với ông - đó chính là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - người đã vì nhân dân Tây Tạng ở khắp mọi nơi - đặc biệt là ở Tây Tạng - là nguồn hy vọng và là hiện thân của lòng từ bi, đã vui lòng ban bố niềm vinh dự cho sự kiện này. Ông cho biết Tân Quốc Hội sẽ tiếp tục duy trì sự đoàn kết, đổi mới và tự chủ. Ông bác bỏ những sự cáo buộc của nhóm tà thần Dolgyal về việc đối xử phân biệt, tái khẳng định sự tuân thủ triệt để của chính quyền của ông đối với phương pháp Trung Đạo. Ông nhấn mạnh rằng giáo dục là yếu tố ưu tiên hàng đầu của người Tây Tạng ở cả hai nơi - trong đất nước Tây Tạng và những người Tây Tạng lưu vong.
Thể theo lời châm ngôn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là “hy vọng cho điều tốt nhất nhưng vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất” - ông đã tiết lộ về điều mà ông gọi là chính sách 5/50. Ông tái cam kết được nhìn thấy Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về Tây Tạng trong vòng năm năm tới, và kêu gọi người dân Tây Tạng hãy cùng kề vai sát cánh bên nhau theo đuổi mục tiêu đó ngay cả khi phải mất đến 50 năm nữa. Ông bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân Tây Tạng đối với nhân dân và Chính phủ Ấn Độ, cũng như đối với người dân và Chính quyền của tiểu bang Himachal Pradesh. Cuối cùng, ông kết thúc với lời cầu nguyện cho sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho sự thành tựu những tâm nguyện của Ngài và hy vọng rằng nhân dân Tây Tạng có thể sớm được đoàn tụ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu lời phát biểu của mình bằng cách bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các vị quan khách. Ngài nói:
“Tây Tạng được gọi là nóc nhà của thế giới vì độ cao của cao nguyên Tây Tạng, nhưng nếu xét ở góc độ truyền thống tôn giáo phong phú của chúng tôi, chúng tôi có thể nói đó cũng là đỉnh cao của nền văn hóa. Tôi nói điều này không phải vì bất kỳ ý nghĩa nào của niềm tin mù quáng, mà là nó được hỗ trợ bởi sự đánh giá và cảm kích mà tôi đã tìm thấy từ các học giả và các nhà khoa học, cũng như những tín đồ của các truyền thống Phật giáo khác.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại buổi lễ nhậm chức của Sikyong Lobsang Sangay tại Thekchen Chöling ở Dharamsala, Ấn Độ vào 27 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Một trong những nét riêng biệt của truyền thống Nalanda mà Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã truyền đến Tây Tạng và cũng là điều mà chúng ta gìn giữ - đó chính là sự khuyến nghị rằng - chúng ta nên kiểm chứng giáo lý như một người thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng của vàng vậy! Chúng ta chỉ nên chấp nhận những gì mà chúng ta đã đích thân chứng thực thông qua lý trí và kinh nghiệm.
“Có những truyền thống tôn giáo khác trên thế giới đã từng làm lợi lạc rất lớn cho nhiều người, nhưng họ có xu hướng dựa vào đức tin và chấp nhận lời dạy của Đấng Sáng Tạo như những gì các Đấng ấy nói. Truyền thống Nalanda như đã được bảo tồn ở Tây Tạng là duy nhất trong việc khuyến khích thái độ hoài nghi, lý trí và logic. Phương pháp của nó đối với việc phát triển sự yên bình nội tâm bằng cách học hỏi để đối phó với tâm thức và cảm xúc của mình - đã thu hút được sự quan tâm và tôn trọng của các nhà khoa học hiện đại. Vì vậy, đây là điều mà chúng tôi có thể đóng góp cho thế giới rộng lớn hơn”.
Ngưỡng mộ sự dũng cảm của người dân Tây Tạng ở bên trong đất nước Tây Tạng mà Ngài gọi là “tinh thần kiên định và phi thường của nhân dân Tây Tạng”, Ngài đã chúc mừng họ vì đã kề vai sát cánh bên nhau với tinh thần bất bạo động; và nhận xét rằng những người Tây tạng lưu vong cần phải duy trì một quyết tâm tương tự như thế. Ngài lưu ý rằng sự phát triển vật chất là điều cần thiết, nhưng nếu đó là trọng tâm chính của nền giáo dục thì nó sẽ không đáp ứng được tính hoàn hảo và cũng không phải là giải pháp cho sự thiếu trung thực và tham nhũng. Ngài nói rằng việc quan sát một cách tổng thể về sự thiếu các nguyên tắc đạo đức đã khiến cho Ngài phải thúc đẩy ý tưởng về việc đưa đạo đức thế tục và sự sáp nhập của nó vào nền giáo dục hiện đại.
Ngài cho rằng sự thiếu nguyên tắc luân lý đúng đắn nằm ở sau những mối bất hòa trong khu vực vào thời gian gần đây trong cộng đồng Tây Tạng - điều này đã khiến cho Ngài cảm thấy rất buồn! Ngài cho biết:
Công chúng lắng nghe Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại buổi lễ nhậm chức của Sikyong Lobsang Sangay tại Thekchen Chöling ở Dharamsala, Ấn Độ vào 27 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Sự chân thành và minh bạch sẽ cung cấp cho chúng ta lòng tự tin. Sự chia rẽ trong khu vực bắt nguồn từ tính thiển cận. Trong những thế kỷ thứ 7, 8 và 9, ba tỉnh của Tây Tạng đã được thống nhất. Tây Tạng sử dụng cùng một chữ viết và noi theo những gì đã được giải thích trong Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) được viết bằng ngôn ngữ chung của Tây Tạng. Việc cho phép những sự rạn nứt chia rẽ trong tình đoàn kết của chúng ta là một sai lầm. Nhân dân của cả ba tỉnh cần phải gắn bó với nhau qua suốt những chặng thời gian cả tốt lẫn xấu. Điều này là phù hợp đối với tất cả mọi người từ các bậc lãnh đạo cho đến người dân bình thường.
“Trong số các bạn, những vị Tăng Sĩ, Tiến sĩ Phật Học và các Hành giả cũng nên nhớ rằng, bất cứ truyền thống đặc biệt nào mà quý vị đang thực hành theo, tất cả đều có nguồn gốc từ truyền thống Nalanda. Sự khác biệt giữa chúng ta là tương đối không quan trọng. Tất cả các truyền thống của chúng ta, Nyingma, Sakya, Kagyu, Jonang và Gelug đều đã sản sinh ra các bậc Thầy vĩ đại. Khi nói về Phật Pháp, chúng ta cần phải thành thật với nó trong vấn đề thực hành.
“Nếu quý vị xem tôi như là một người bạn, thì xin hãy lưu tâm đến những gì mà tôi đã nói”.
Khi phóng viên nhà báo đã thực hiện xong việc chụp những bức ảnh, Ngài đã đi bộ để trở về ngang qua khu vườn đến cánh cổng của nơi cư trú của mình, dọc đường Ngài mỉm cười và chào hỏi những người bạn cũ.