Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, 03 tháng năm, 2016 - Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia vào một cuộc gặp gỡ với các thành viên của cuộc giao lưu với các nhà lãnh đạo trẻ, nam nữ thanh niên từ các nước gặp khó khăn tàn phá thuộc khắp các khu vực Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á, họ đưa ra những cách dàn xếp xung đột bằng phương pháp bất bạo động. Cuộc hội nghị diễn ra dưới sự bảo trợ của Viện Hòa bình Liên Bang (USIP), hoạt động để ngăn chặn, làm giảm thiểu và giải quyết các xung đột trên thế giới. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mời hai nhà lãnh đạo Hồi giáo Ấn Độ cùng tham gia với Ngài trong cuộc hội nghị - Tiến sĩ Syed Zafar Mahmood, một công chức về hưu và cũng là nhà hoạt động xã hội; và Dewan Syed Zainul Abedin, một Tu sĩ Thần giáo và là bậc lãnh đạo tâm linh của đền thờ Ajmer Dargah. Cả hai đều được nổi tiếng vì sự nghiệp của họ đối với việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo.
AMule từ Nam Sudan tự giới thiệu mình với Thánh Đức ĐLLM vào lúc khai mạc Hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ tại Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 03 tháng 05, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Để bắt đầu cuộc Hội nghị, các nhà lãnh đạo trẻ đã tự giới thiệu về mình: Ahmed từ Uganda, aMule từ Nam Sudan, Doaa từ Ai Cập, Didas từ Kenya, Harry từ Miến Điện, Hassan từ Somalia, Hastiar từ Iraq, Ikhlas từ Sudan, Imrana từ Nigeria, Issa từ Iraq , Khadija từ Somalia, Mariam từ Afghanistan, Miriam từ Nigeria, Mahamed từ Sudan, Mouad từ Morocco, Nasro từ Somalia, Nadia từ Tunisia, Noria từ Afghanistan, Rebecca từ Nigeria, Scofield từ Kenya, Shubey từ Uganda, Silvio từ Nam Sudan, Souhir từ Tunisia, Soukaina từ Morocco, Qutaiba từ Syria, Thet từ Miến Điện, Victoria từ Nigeria, Ye Htut từ Miến Điện và Younes từ Libya.
Sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mời Dewan Syed Zainul Abedin tụng lời cầu nguyện để mở đầu cho chương trình, người điều hành Nancy Lindborg, Chủ tịch của USIP đã thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên có lời mở đầu cần chia sẻ. Ngài bắt đầu bằng cách nói rằng Ngài đã rất hạnh phúc khi được gặp rất nhiều người trẻ tuổi. Ngài lưu ý rằng Ấn Độ là một tấm gương điển hình hết sức sống động về khía cạnh mà tất cả các truyền thống tôn giáo đều có thể sống với nhau trong hòa bình và hữu nghị. Ngài tiếp tục:
"Tôi bắt đầu nói về sự hợp nhất của nhân loại trong chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi đến châu Âu vào năm 1973. Sự bày tỏ của tôi về nhu cầu cần thiết đối với trách nhiệm vĩ đại hơn về toàn cầu là điều hết sức tự nhiên. Ngày nay đã có bằng chứng về sự ý thức ngày càng cao của công dân toàn cầu trong giới trẻ nói riêng, điều này đang được khuyến khích bởi vì hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta và chúng ta cần phải sống thật hài hòa với nó.
Dewan Syed Zainul Abedin nhìn Thánh Đức ĐLLM khi Ngài phát biểu khai mạc tại Hội nghị các nhà lãnh đạo tại Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, 03 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Tất cả 7 tỷ người chúng ta đều có một kinh nghiệm chung - đó chính là tất cả chúng ta đều trân trọng tình yêu thương. Chúng ta đều có hạt giống của lòng yêu thương và tình cảm trong mỗi người; và có tiềm năng nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi của mình trở nên mãnh liệt hơn. Nếu chúng ta muốn tạo nên sự hòa bình trên thế giới thi điều đó phải được bắt đầu với trái tim, với sự bình an trong nội tâm của chính chúng ta".
Ngài đã nói về ba khía cạnh của các truyền thống tôn giáo: khía cạnh tôn giáo - chẳng hạn như việc thực hành về lòng yêu thương; khía cạnh triết học - chẳng hạn như quan điểm cho rằng có hay không có một Đấng Tạo Hóa; và khía cạnh văn hóa - như hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ hay ý thức phân biệt đối xử về giới tính trong Phật giáo. Ngài cho rằng, khi các khía cạnh văn hóa như vậy không còn phù hợp nữa thì chúng cần phải được thay đổi.
Ngài cũng nói về sự biện giải dành cho Hồi giáo, đặc biệt là kể từ khi sự kiện ngày 11 tháng 9. Ngài coi những lời chỉ trích rằng đạo Hồi là một tôn giáo mang tính chiến tranh một cách tự nhiên và sự ý kiến nảy sinh cho rằng chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc đụng độ của các nền văn minh - là sự hiểu lầm về tình hình thực tế. Ngài trích dẫn lời của những người bạn Hồi giáo đã nói với Ngài rằng, người mà gây đổ máu của người khác thì không phải là một người Hồi giáo chân chính; và thánh chiến không phải là về cuộc chiến đấu với những người khác mà là cuộc đấu tranh với những cảm xúc phiền não của chính bản thân mình. Ngài cảm ơn các vị đại biểu và ban tổ chức đã quang lâm và làm cho cuộc hội nghị trở nên khả thi.
Dewan Syed Zainul Abedin phát biểu bằng tiếng Hin-ddi (tiếng Ấn Độ), đồng ý với Ngài rằng Ấn Độ là một quốc gia để cho chúng ta noi gương theo vì đây là nơi mà mọi người thuộc các tín ngưỡng khác nhau đã sống hòa thuận bên nhau.
Noria từ Afghanistan chia sẻ những kinh nghiệm tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trẻ tại Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 03 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau khi nghỉ giải lao để dùng trà, cuộc họp đã được mở ra cho các nhà lãnh đạo trẻ, họ được mời lên để chia sẻ kinh nghiệm của mình hoặc đặt câu hỏi để Ngài trả lời. Ngài đề cập rằng trong khi các thành viên của thế hệ thế kỷ 20 - thế hệ mà Ngài đã thuộc về - đã tạo ra tất cả các loại rắc rối trên thế giới; thì các thành viên của thế hệ thế kỷ 21 sẽ là những người giải quyết các vấn đề ấy. Tuy nhiên, Ngài nói rằng, nếu họ bắt đầu từ bây giờ, thì vào cuối thế kỷ này, thế giới có thể sẽ trở thành một nơi hòa bình hơn, hạnh phúc hơn. Yếu tố quan trọng sẽ là nền giáo dục được mở rộng và cải thiện để bao hàm một sự hiểu biết tốt hơn về sự vận hành của tâm thức và cảm xúc. Ngài nhận xét rằng, một cái tâm bình tĩnh điềm đạm sẽ giúp cho việc sử dụng ý thức tình cảm thông thường trở nên dễ dàng hơn.
Trong khi bày tỏ sự sự cảm kích đối với những nỗ lực của các nước đã mở rộng để giúp người tị nạn trốn khỏi chiến tranh và sự tàn phá trong thời gian gần đây, Ngài nhắc lại rằng các giải pháp lâu dài thực sự là khôi phục lại nền hòa bình ở chính quốc gia mà họ đã chạy trốn. Bước đầu tiên hướng tới đó là đạt được một sự ngừng bắn, và theo sau đó là bằng cách khuyến khích các bên đối nghịch bắt đầu đàm phán với nhau.
Ngài nói: "Là một tu sĩ Phật giáo và là học trò của truyền thống Nalanda, tôi đã được đào tạo về cách sử dụng logic và lý luận để sử dụng trí thông minh con người của mình. Phân tích là một phương pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề. Nhà tâm lý học người Mỹ - Aaron Beck - đã nói với tôi rằng, khi chúng ta nổi giận với một điều gì đó hoặc với ai đó thì đối tượng của sự tức giận của ta có vẻ là hoàn toàn tiêu cực. Nhưng 90% cảm giác đó là kết quả của sự phóng tâm của tâm thức chúng ta. Chúng ta đang phải đối mặt với khoảng cách giữa sự xuất hiện bề ngoài và sự thật chân lý. Chúng ta có xu hướng nắm bắt sự xuất hiện bề ngoài thay vì dành sự quan tâm đến sự thật chân lý.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc sự kiện của ngày với lời cảm ơn tất cả những người đã tham gia vào cuộc hội nghị, Ngài nói với họ rằng Ngài đã cảm thấy thực sự được khích lệ bởi những gì Ngài đã nghe nói về sự hoạt động của các nhà lãnh đạo Trẻ trong những trường hợp gặp khó khăn và đầy lo lắng từ những nơi khác nhau trên thế giới. Hội nghị sẽ tiếp tục vào sáng mai.