Osaka, Nhật Bản, ngày 13 tháng 5 năm 2016 - Vì đây là ngày cuối cùng của mấy ngày thuyết giảng liên tiếp của Ngài ở Osaka, nên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm nay gặp gỡ nhiều nhóm từ phía 2700 khán giả đã tham dự nghe Pháp. Ngài bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ một nhóm gồm một ngàn người - chủ yếu là phụ nữ - đến từ Đài Loan.
Thánh Đức ĐLLM gặp gỡ một nhóm từ Đài Loan đã tham dự cuộc thuyết Pháp tại Osaka, Nhật Bản vào 13 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Một lần nữa Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập nghiên cứu và việc sử dụng tốt trí thông minh của mình. Ngài nói rằng cách tốt nhất để đảm bảo rằng sự giáo dục và trí thông minh của chúng ta được đưa vào sử dụng tích cực chính là phát triển một trái tim nhân hậu. Bình luận rằng các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng xác nhận rằng bản chất cơ bản của con người là tử tế và tốt bụng, Ngài gợi ý rằng nếu chúng ta tìm những phương pháp để nuôi dưỡng những phẩm chất này thì chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình tốt đẹp hơn.
"Là những đệ tử của Đức Phật và truyền thống Nalanda, chúng ta nên sử dụng những gì mà chúng ta đã học hỏi để phát triển một tâm trí điềm tĩnh và phát triển sự an bình nội tâm.
“Tất cả quý vị đều đến từ Đài Loan”, Ngài tiếp tục. “Tôi đã đến thăm Đài Loan nhiều lần và đã rất có ấn tượng về một đất nước ngăn nắp như thế. Quý vị là những người thừa kế một nền văn hóa Trung Quốc cổ đại và đã rất quan tâm đến Phật giáo, điều đó thật là rất tốt. Vì lý do chính trị cho nên trong thời gian gần đây tôi đã không thể trở lại Đài Loan nữa. Ma Ying-jeou đã rất thân thiện khi ông còn là thị trưởng của Đài Bắc, nhưng ông đã trở nên xa cách hơn khi ông đạt được cương vị Chủ tịch. Đó cũng là điều dễ hiểu, và tôi không muốn tạo ra sự bất tiện đối với bất cứ ai. Từ phía tôi, tôi đã sẵn sàng để đến, tuy nhiên tôi không muốn gây khó khăn cho chính phủ”.
Ý kiến ấy của Ngài đã thu hút nhiều tràng pháo tay và nhiều người trong số khán giả đã kêu to ầm ĩ để mong tạo sự chú ý cá nhân với Ngài.
Trở lại trong Hội trường thuyết Pháp hầu như trống rỗng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dành 40 phút để chuẩn bị cho Lễ Quán Đảnh về Đức Văn Thù Sư Lợi mà Ngài sắp truyền. Mọi người dần dần lặng lẽ vào kín cả hội trường trong lúc Ngài chuẩn bị những nghi thức nhập môn cho lễ Quán đảnh. Khi Ngài thực hiện xong, một nhóm Tăng Sĩ Nhật Bản ngồi phía trước mặt Ngài đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Nhật. Sau đó, nhóm Tăng Ni Trung Quốc tụng lại Kinh này bằng tiếng Hoa.
Tăng Ni Trung quốc tụng Bát Nhã Tâm Kinh vào lúc bắt đầu ngày thuyết giảng cuối cùng của Thánh Đức ĐLLM ở Osaka, Nhật Bản vào 13 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại lời trong Kinh rằng, tất cả chư Phật trong quá khứ đã phát triển sự hiểu biết về Tánh Không và tất cả chư Phật và Bồ Tát trong tương lai cũng sẽ làm như vậy. Ngoài ra, Ngài lưu ý từ “cũng” trong đoạn “soi thấy năm uẩn cũng đều là không”. Ngài giải thích rằng ý nghĩa của điều này chỉ được trình bày về tính “Nhân vô ngã” trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên; trong khi đó - trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai - nó cũng còn được đề cập đến như là “Pháp vô ngã” nữa. Ngài giải thích rằng, câu: “sắc tức là không, không tức là sắc” khẳng định rằng “hình trạng bên ngoài” vẫn tồn tại dưới dạng thông thường mặc dù nó không có sự tồn tại cố hữu.
Ngài ôn lại câu thần chú của “Bát Nhã Tâm Kinh”; ‘Tadyata gate gate paragate parasamgate bodhi svaha’. Câu thần chú này tượng trưng cho con đường phát triển tâm linh, khuyến khích hành giả tiến bước qua 5 đạo lộ:
gate - con đường tích luỹ (tư lương đạo);
gate - con đường chuẩn bị (gia hành đạo);
paragate - con đường thấy được tánh Không (kiến đạo);
parasamgate - con đường thiền định (thiền đạo);
bodhi svaha - con đường không còn học hỏi nữa (vô học đạo).
“Hôm nay chúng ta sẽ có cơ hội thọ Bồ Tát Giới”, Ngài giải thích và trích dẫn một khổ thơ từ “Đèn soi Nẻo Giác” của Ngài Atisha cho thấy tại sao trước đó Ngài cũng sẽ truyền giới cư sĩ.
Những người duy trì bất kỳ giới cấm nào
Trong bảy loại giới biệt giải thoát
Sẽ đủ điều kiện được thọ Giới Bồ Tát
Chứ chẳng phải bất cứ người nào khác.
Ngài nêu lên những giới nguyện không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu. Liên quan đến uống rượu, Ngài kể về câu chuyện của Ling Rinpoche khi truyền những giới này đã phải đối mặt với một người Tây Tạng đã lớn tuổi; ông ta nói rằng ông không thể từ bỏ hoàn toàn sự uống rượu. Ngài Rinpoche đã khuyên ông rằng ít nhất ông không nên uống rượu đến say xỉn. Ngài cũng chỉ ra rằng trong khi có một loại giới chỉ thọ trong một ngày cũng tương tự như vậy; nhưng những giới nguyện Cư Sĩ này thì có hiệu lực trong cả một đời.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày thuyết Pháp cuối cùng tại Osaka, Nhật Bản vào 13 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi truyền giới Cư Sĩ xong đã tiếp tục theo trình tự truyền Bồ Tát Giới và sau đó là truyền quán đảnh về Đức Văn Thù Sư Lợi, lời cầu nguyện và thần chú của Đức Văn Thù. Ngài cho biết là Ngài đã nhận những Pháp này từ các Ngài Khunnu Lama Rinpoche, Rinpoche Tagdag, Ling Rinpoche và Trijang Rinpoche. Về lời cầu nguyện, Ngài đã kể lại những câu chuyện mà Khunnu Lama Rinpoche đã kể với Ngài rằng một số học giả ở Ấn Độ đã được giao nhiệm vụ viết một bài Xưng tán Đức Văn Thù Sư Lợi. Khi mỗi người nộp bản viết của mình thì người ta thấy rằng mỗi bài viết đều giống với phần sáng tác của những người khác.
Sau bữa trưa, trong thời gian một giờ đồng hồ dành cho phần câu hỏi và trả lời, Ngài giải thích rằng, rất thích hợp cho các vị Thiên Chúa Giáo nên nghiên cứu các khía cạnh của Phật giáo, vì tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền tải cùng một thông điệp. Tất cả họ đều khen ngợi những phẩm chất như tình yêu thương, sự tha thứ, lòng khoan dung, sự tự kỷ luật... và các phương pháp của một truyền thống có thể giúp cho các tín hữu của truyền thống khác.
Khi được hỏi liệu Ngài có bất kỳ lời đề nghị nào dành cho Đài Loan, nơi mà một Tổng thống mới sẽ sớm được ra mắt, Ngài nói rằng Ngài không đủ thông tin về thực tế trên đất nước ấy để có thể cung cấp bất kỳ lời khuyên cụ thể nào. Tuy nhiên, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng trí thông minh của con người một cách tích cực hơn và nó vô cùng cấp bách để giải quyết xung đột thông qua phương pháp đối thoại hơn là việc sử dụng vũ lực.
Một câu hỏi được đưa ra là liệu sẽ tốt hơn nếu chúng ta chỉ theo duy nhất một truyền thống Phật giáo thôi; bởi vì nếu ta quan tâm đến nhiều tôn giáo thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng bị mơ hồ, nhầm lẫn. Ngài trả lời rằng nó có thể sẽ hữu ích nếu học hỏi được từ nhiều truyền thống, Ngài chỉ ra rằng tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều có nguồn gốc chung từ truyền thống Nalanda. Ngài nói rằng Ngài đã nhận giáo lý từ các bậc thầy thuộc phái Nyingma - Dilgo Khyentse Rinpoche và Trulshik Rinpoche cũng như từ những bậc thầy thuộc phái Sakya. Ngài cũng khẳng định rằng Ngài đã đọc sách của tất cả các truyền thống. Ngài lưu ý rằng những người ủng hộ của Shugden, trong lời cảnh báo những vị thuộc phái Gelugpas thậm chí không nên sờ chạm vào các Kinh điển của phái Nyingma, lời cảnh báo đó đã cố tình khuấy động lên một bầu không khí chia rẽ giáo phái. Ngài nói rằng mặc dù Ngài đã từ bỏ sự thực hành pháp này một thời gian, Ngài đã từ bỏ nó khi nhận ra những nhược điểm của nó.
Một thành viên của khán giả hỏi một câu hỏi trong phần cuối cùng của pháp hội Thánh Đức ĐLLM tại Osaka, Nhật Bản vào 13 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Có một sinh viên Mông Cổ muốn hỏi rằng tại sao cô ta cần phải tiếp tục học cao hơn nữa nếu Phật giáo có thể dạy cho cô rất nhiều điều; Ngài trả lời rằng các bậc thầy Nalanda không có kinh nghiệm về máy vi tính và các công nghệ khác rất hữu ích trong thế giới ngày nay. Ngài khuyên cô nên tiếp tục duy trì sự nghiên cứu của mình. Cuối cùng, Ngài đã giải thích rõ là quan tâm đến những người khác không có nghĩa là bạn từ bỏ sự thực hiện cho nhu cầu riêng của bạn, mà là nếu bạn giúp đỡ người khác thì cả hai bên đều sẽ làm lợi ích lẫn nhau.
Hướng về nói chuyện với một nhóm người Tây Tạng trong số khán giả, Ngài cám ơn về đức tin vững chắc của họ. Ngài mô tả cho họ biết về cách sống lưu vong ở Ấn Độ đối với một chính quyền Tây Tạng đã được thành lập từ rất sớm - và nó đã đi theo một mô hình dân chủ. Sự tiến bộ vững chắc của nền dân chủ có nghĩa rằng Ngài đã có thể rút lui một nửa vào năm 2001 và rút lui hoàn toàn vào năm 2011 và ủy quyền trách nhiệm chính trị của mình cho vị lãnh đạo do nhân dân bầu cử lên. Ngài nhấn mạnh rằng sự rút lui của Ngài không hề phản ánh bất kỳ cảm giác bất mãn nào, và rằng Ngài rất hăng say tiếp tục nói về sự nghiệp bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng.
Ngài quan sát thấy rằng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng hầu như rất ít có ai có thể nhìn thấy Ngài, còn bây giờ Ngài có thể đi bất cứ nơi nào trên thế giới và Ngài có bạn bè ở khắp mọi nơi.
"Tôi không nhút nhát," Ngài nói. "Những người Tây Tạng chúng tôi rất sắc bén. Tôi đến từ vùng Domey cũng như Ngài Je Tsongkhapa, và tôi cũng có một đầu óc rất sắc bén. Mặc dù tôi đã khá lười biếng về việc học hành của mình khi tôi còn trẻ, nhưng sự giáo dục và đào tạo mà tôi đã nhận được ở Tây Tạng đã trang bị cho tôi một kiến thức vững vàng đủ để tham gia trong việc thực hiện những cuộc trò chuyện với các nhà khoa học hiện đại trong hơn ba mươi năm qua.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trong ngày thuyết Pháp cuối cùng tại Osaka, Nhật Bản vào 13 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Người ta thường cho rằng Phật giáo Tây Tạng là Lama Giáo, như thể nó không phải là một truyền thống Phật giáo đích thực. Bây giờ chúng tôi tuyên bố rằng mình là người thừa kế của truyền thống Nalanda và là truyền thống Phật giáo toàn diện nhất thế giới hiện nay. Ngoài việc nghiên cứu những luận giải cổ điển như “Căn Bản Trí” của Ngài Long Thọ; “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” của Ngài Di Lặc, chúng tôi có những bản dịch của tất cả bảy tác phẩm của Ngài Pháp Xứng về logic và nhận thức luận. Chúng tôi không những có các bản dịch của những cuốn sách này, mà còn có những bình luận sống động về các nội dung của những tác phẩm ấy.
"Gần đây, khi tôi được điều trị sức khỏe ở Mỹ, tôi nghe nói rằng nhiều người Tây Tạng cùng tụ họp lại để cầu nguyện cho tôi. Tôi muốn cảm ơn quý vị và muốn quý vị hãy an tâm rằng tôi cảm thấy rất tốt. Quý vị không cần phải lo lắng cho tôi. Sự thật sẽ luôn luôn thắng thế. Trung Quốc đang thay đổi. Chúng ta sẽ hội ngộ trở lại. Bây giờ, hãy nghiên cứu và học hỏi những gì quý vị có thể làm được. Hãy cải thiện nền giáo dục của bạn và hãy đón nhận mọi việc một cách dễ dàng.
Nói chuyện riêng với một số người Trung Quốc, Ngài quan sát thấy rằng bất cứ nơi nào họ đang sống trên thế giới, thì người Trung Quốc luôn duy trì bản sắc dân tộc của mình và làm việc rất chăm chỉ. Ngài cho biết một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã thay đổi trong 40 năm qua là số lượng người đã một lần nữa cho thấy sự quan tâm đến tôn giáo. Bây giờ Trung Quốc là một quốc gia có số lượng Phật tử lớn nhất trên thế giới. Khi mối quan tâm của dân chúng thay đổi thì hệ thống cũng sẽ phải thay đổi. Ngài nhắc lại rằng Chủ tịch Tập Cận Bình hai năm trước tại Paris đã đề cập rõ ràng đến những đóng góp quan trọng mà Phật giáo đã dành cho văn hóa Trung Quốc. Ông ấy cũng đã lặp đi điều đó ở Delhi, đó là một sự nhận xét khá bất ngờ từ nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Tôi đã sống phần lớn cuộc đời của mình trong hoàn cảnh lưu vong" - Ngài nói với họ - "nhưng sức khỏe và năng lực của tôi vẫn còn rất tốt. Giờ thì tôi đã gần 81 tuổi rồi. Nếu tôi sống đến 90 hoặc 100 tuổi thì tôi hy vọng vẫn còn được phục vụ cho Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Hãy ghi nhớ điều này!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với một nhóm Trung quốc sau ngày thuyết Pháp cuối cùng của Ngài tại Osaka, Nhật Bản vào 13 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Mấy ngày nay tôi đã gặp một vài người Trung Quốc. Một vài năm trước, tôi đã gặp một nhóm người -trong đó có một người nông dân nghèo. Tôi hỏi ông ta về hoàn cảnh trong làng của ông. Ông nói với tôi về những điều rất khó khăn, đó chính là khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo. Những người trong số các bạn hiện giờ có hoàn cảnh khá hơn thì nên cố gắng để giúp đỡ những người đang cần sự giúp đỡ. Tôi rất lo lắng cho vấn đề giáo dục ở các vùng xa xôi của đất nước. Trong khi đó, Tập Cận Bình đang cố gắng để giải quyết vấn đề tham nhũng, đó là một thách thức lớn”.
Trong phần trả lời câu hỏi cho nhóm này, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng Tu viện, Ngài lặp lại lời khuyên của Đức Phật rằng nơi nào mà giới luật được thọ trì thì Giáo Pháp ở đó sẽ phát triển rất mạnh. Ngài nói rằng có những khía cạnh của khoa học Phật giáo và triết học, chẳng hạn như sự hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc, cũng như quan điểm của lý Duyên khởi...; những điều này có thể hữu ích ngay cả đối với những người không quan tâm đến Phật giáo.
Ngài đã bị thử thách về thái độ của Phật giáo Tây Tạng đối với vấn đề ăn thịt. Ngài trả lời rằng có những sự hướng dẫn rõ ràng về điều này, nhưng vì Tu sĩ Phật giáo thường tập trung đi khất thực theo truyền thống nên họ đã phải chấp nhận bất cứ những gì họ được cúng dường. Ngài kể câu chuyện về sự nỗ lực của chính mình để sống như một người ăn chay nhưng Ngài đã bị chứng bệnh vàng da. Bác sĩ của Ngài đã khuyên Ngài thỉnh thoảng nên ăn một ít thịt; vì vậy Ngài đã phải dùng vài lần một tuần. Tuy nhiên, khi vẫn còn ở Tây Tạng, Ngài đã chấm dứt việc sử dụng thức ăn thịt sang trọng trong các bữa tiệc chính thức; và khuyến khích các bếp ăn của Tu viện lưu vong nên chấm dứt việc chuẩn bị thịt. Ngài cười trong khi thừa nhận rằng, Ngài khuyến khích những người khác cần phải ăn chay, nhưng chính mình thì không thể làm được như vậy.
Ngài nhắc lại tầm quan trọng của giáo dục; và rằng vì Ngài nói với người Tây Tạng là tụng “Manis” (Án Ma-ni Bát Di Hồng) là không đủ, nên Ngài cảm thấy cũng nên nói với người Trung Quốc rằng những lời trì tụng Amitabha (A Di Đà Phật) là cũng không đủ. Ngài kết luận bằng cách nói rằng trong sự thực hành của riêng mình, sự nỗ lực để hiểu được tánh Không và nhận ra được Bồ Đề Tâm là điều thực sự có thể tạo ra được sự thay đổi khác biệt trong cuộc đời.
Ngày mai, ngài sẽ rời Osaka để đi Narita, từ nơi đó Ngài sẽ đáp chuyến bay để trở về lại Ấn Độ.