Osaka, Nhật Bản, 09 Tháng năm 2016 - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe từ Narita đến sân bay Haneda tại Tokyo dưới bầu trời xám xịt để thực hiện chuyến bay đến Osaka. Sau khi bay chậm dần qua đám mây dày, phi cơ đã hạ cánh tại phi trường Itami trong khi trời mưa như trút nước. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe về khách sạn của mình vào giờ cơm trưa. Ngay sau đó Ngài đã có một cuộc phỏng vấn với Makoto Oda và Eisuke Takahashi, phóng viên đài NHK - tổ chức phát sóng công cộng quốc gia của Nhật Bản.
Thánh Đức ĐLLM trả lời phỏng vấn Đài truyền hình NHK tại Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 5, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Họ bắt đầu bằng cách hỏi về tình hình thực tế ở Tây Tạng và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với họ rằng tốt hơn hết là họ nên gửi các nhà báo Nhật Bản đến thăm các thị trấn, làng mạc và các ngôi lều du mục ở đó để tự mình tìm ra những sự thật về tình hình thực tế ấy.
"So với sự kiện của cuộc Cách mạng Văn hóa thì mọi việc ở Tây Tạng và Trung Quốc tương đối tốt hơn; nhưng ở Tây Tạng, các quan chức bảo thủ mà chính sách của họ luôn xem bất cứ điều gì đặc biệt của Tây Tạng - cho dù đó là ngôn ngữ, văn hóa hay đó là truyền thống tôn giáo... đều là tiềm năng của sự ly khai khỏi Trung Quốc. Lo sợ về điều này nên họ đã kiểm soát chặt chẽ hơn bao giờ hết. Việc giảng dạy tiếng Tây Tạng tại các trường học - hoặc bị cấm đoán - hoặc bị hạn chế. Những sinh viên xuất sắc trong sự nghiên cứu của họ về Tây Tạng thì bị cầm hãm, trong khi những người học giỏi tiếng Trung Quốc thì tìm việc làm rất dễ hoặc được đi tiếp lên học đại học. Kể từ những năm giữa thập niên 80, người Tây Tạng đã cảm thấy rằng một cuộc cách mạng bán văn hóa đã được áp đặt. Đây là điều đã làm dấy lên cuộc khủng hoảng vào năm 2008. Bắc Kinh đã phụ thuộc quá nhiều vào chính quyền địa phương - những người có đầu óc hẹp hòi và sử dụng quyền lực đè nén quá căng thẳng.
"Xét về sự phát triển nhà ở và các cửa hàng tại các thành phố thì đã được cải thiện; nhưng mãi cho đến giờ, vấn đề mà Phật giáo Tây Tạng quan tâm, là một sự đào tạo đúng đắn đòi hỏi 20-30 năm nghiên cứu với một người Thầy thích hợp. Đây là điều rất khó tìm thấy ở Tây Tạng. Hầu hết các bậc Thầy thông thái đã trốn sang Ấn Độ hoặc đã bị hại chết trong chốn lao tù. Chỉ còn lại một số rất ít. Trong khi đó số lượng chư Tăng đã giảm đáng kể. Chẳng hạn như ở Tu viện Drepung - nơi mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ II đã từng là Tu Viện Trưởng - đã từng có 8000 Tăng sĩ khi tôi tham dự kỳ thi cuối cùng của mình vào năm 1958-9. Hiện nay chỉ còn có 400 Tăng sĩ. Tu viện thường là nơi dành cho chư Tăng từ khắp nơi trong Tây Tạng hoặc ở xa hơn nữa cũng được đến cư ngụ. Nhưng bây giờ các quan chức lại trả những vị Tăng đến từ những nơi xa xôi phải trở về nhà, những vị Tăng nào được chấp nhận thì phải chịu đi cải tạo chính trị.
“Đảng tuyên bố rằng tất cả là vinh quang, nhưng lại không hề có sự tự do ngôn luận cũng như sự tự do của các phương tiện truyền thông. Chính phủ đã áp đặt kiểm duyệt đè nén và chỉ cho phép thông tin từ một phía mà thôi”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi phỏng vấn của mình dành cho truyền hình NHK tại Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Khi được hỏi về việc hơn 140 trường hợp tự thiêu đã xảy ra kể từ năm 2009, Ngài nói rằng mỗi một người đều đã rất buồn. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lòng can đảm của những người đã thực hiện việc này mà không làm hại bất cứ ai khác. Ngài nhớ lại đã trả lời với BBC về vấn đề này khi những hành động quyết liệt đầu tiên vừa mới bắt đầu; sau đó Ngài nói thêm rằng Ngài nghi ngờ liệu các bước như vậy có thực sự có lợi cho sự nghiệp đại nghĩa của Tây Tạng hay không.
Về tình trạng của Tây Tạng, Ngài nói:
"Chúng tôi không tìm kiếm sự độc lập. Nhưng sử sách Trung Quốc có ghi lại sự tồn tại của ba đế chế riêng biệt và bình đẳng - Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng - vào các thế kỷ thứ 7, 8 và thứ 9. Tuy nhiên, đó là quá khứ. Bây giờ chúng tôi đang hướng đến tương lai. Tôi ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu, trong đó các thành viên đều phải tán thành với tầm quan trọng vĩ đại hơn đối với lợi ích chung hơn là chủ quyền quốc gia. Chúng tôi cần sự phát triển hơn về cơ sở vật chất ở Tây Tạng và Trung Quốc có thể giúp chúng tôi về điều đó, nhưng hãy để cho chúng tôi có quyền giữ gìn ngôn ngữ và truyền thống của dân tộc mình được sống còn.
"Tây Tạng đã bảo tồn được sự trình bày toàn diện nhất của truyền thống Nalanda bao gồm sự ghi nhớ thuộc lòng, học tập và tranh luận, và thực hành. Sự tồn tại của Phật giáo Tây Tạng là mối quan tâm không những chỉ đối với 6 triệu người Tây Tạng, mà còn là 400 triệu Phật tử Trung Quốc, cũng như Phật tử tại Nhật Bản. Ngày nay, các nhà khoa học cũng đang nhận ra rằng sự bình an nội tâm là rất quan trọng nếu như những cá nhân, gia đình và quốc gia đều được hạnh phúc. Nếu chỉ có công nghệ và sự phát triển vật chất không thôi là không đủ. Hạnh phúc có liên quan đến cảm xúc của chúng ta, vì vậy, cũng giống như khi chúng ta quan sát về sự vệ sinh cơ thể để sống một cuộc sống khỏe mạnh về thể chất; thì để có được một cuộc sống tinh thần khỏe mạnh và hạnh phúc chúng ta cũng cần quan sát về sự vệ sinh tình cảm. Truyền thống Phật giáo Tây Tạng bao gồm một lượng lớn kiến thức về cách đối phó với những cảm xúc của chúng ta. Chúng tôi có quyền để bảo tồn truyền thống này, mà nó cũng chắc chắn có thể có lợi cho những người khác nữa”.
Đối với triển vọng hòa giải với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ lại những cuộc tiếp xúc đã được thiết lập vào những năm 80 sau khi Đặng Tiểu Bình nói với phái viên của Ngài rằng ngoài sự độc lập ra - mọi thứ đều có thể đàm phán. Các cuộc tiếp xúc này đã bị ngừng dứt trong những năm 90. Sau đó nó được thực hiện trở lại trong thời của Giang Trạch Dân, nhưng đã kết thúc vào năm 2010. Ngài nhận xét rằng Ngài mang tên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã đến thăm Bắc Kinh. Trong khi đó, một mặt thì hàng triệu Phật tử Trung Quốc dường như háo hức lắng nghe Ngài thuyết giảng, mặt khác, Tập Cận Bình - một nhà lãnh đạo Cộng sản - đã tuyên bố tại Paris và đã lặp đi ở Delhi rằng Phật giáo có một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Trung Quốc. Ngài cũng đề cập đến cả 1000 hoặc các bài báo gần đây ở Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phương pháp Trung Đạo của nhân dân Tây Tạng và chỉ trích lập trường của chính phủ Trung Quốc.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời phỏng vấn cho Đài truyền hình NHK tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 09 tháng Năm, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài cũng lưu ý rằng việc áp đặt kiểm duyệt đè nén của các chế độ độc tài toàn trị là đã lỗi thời. Cách tiếp cận tự do hơn cần phải được thực hiện trong nhân dân Trung Quốc và mối quan tâm của chính phủ của họ. Ngài cho biết, 1,3 tỷ người Trung Quốc có quyền được biết về sự thật và có khả năng phán xét đúng sai trên cơ sở đó. Trong một bối cảnh kiểm duyệt lừa gạt như thế là vừa sai lầm vừa vô đạo đức. Ngài nắm lấy cơ hội để nói thêm rằng Ngài không có ý muốn nói rằng Ngài phản đối chủ nghĩa Mác như vậy. Ngài hoàn toàn ủng hộ ý tưởng phân phối công bằng về của cải và cơ hội, nhưng Ngài phản đối các biện pháp hà khắc mà Lenin đã giới thiệu vì rốt cuộc nó sẽ làm hư hỏng ý tưởng ấy.
Đối với câu hỏi về việc ai sẽ là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp, Ngài trả lời: "Ai biết được?" Ngài tiếp tục nói rằng, bản thân Ngài không những chỉ rút khỏi trách nhiệm chính trị mà còn chấm dứt một cách tự hào và tự nguyện đối với sự tham gia truyền thống của các Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong các vấn đề chính trị ngoài vai trò lãnh đạo tâm linh của họ. Do đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tương lai sẽ chỉ là một người thuộc về tôn giáo như Ngài Sakya Trizin và Karmapa. Mặt khác, Ngài nói, sẽ không có vấn đề gì cả nếu không có Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tương lai. Ngài quan sát thấy không hề có hóa thân của Đức Phật hay của Ngài Long Thọ, vậy mà giáo pháp của các Ngài ấy vẫn tiếp tục phát triển qua các thế kỷ sau khi họ đã viên tịch.
Ngài làm rõ rằng bất bạo động không phải là sự ưa thích cá nhân của mình, nhưng đó là cách thích hợp để giải quyết vấn đề. Ngài nói rằng bạn chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra ở Trung Đông để thấy rõ điều ấy, và khẳng định rằng không ai muốn duy trì sự bạo lực và giết chóc.
Ngài cho rằng nền giáo dục hiện đại với sự tập trung vào những mục tiêu vật chất và coi thường các giá trị nội tâm là khiếm khuyết. Cần có nhu cầu để biết về sự hoạt động của tâm trí và cảm xúc của chúng ta. Ngài đề cập đến việc soạn thảo gần đây về một chương trình để giới thiệu đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục phổ thông, Ngài đã đặt niềm hy vọng lớn vào điều đó.
Ngài nói “Tôi sẽ không sống thọ cho đến lúc được nhìn thấy sự xuất hiện của một thế giới từ bi hơn, nhưng nếu chúng ta bắt đầu ngay bây giờ và thực hiện một sự nỗ lực để giáo dục những người trẻ tuổi về các giá trị bên trong, thì họ sẽ thấy được một thế giới khác hòa bình hơn, từ bi hơn trong tương lai. Các vấn đề do con người gây ra thì phải được giải quyết bởi con người. Bản chất của con người cơ bản là từ bi và đây là nguồn hy vọng của chúng tôi.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đùa vui cảm ơn đoàn sau cuộc phỏng vấn dành cho đài NHK ở Osaka, Nhật Bản vào 09 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tình bạn cũng rất quan trọng. Nếu bạn tỏ ra quan tâm cho những người khác và tôn trọng đối với quyền lợi của họ, thì bạn sẽ thiết lập được uy tín; và uy tín chính là cơ sở của tình bạn. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều khi nghe từ BBC rằng con số ngày càng gia tăng về những người trẻ tuổi ngày nay đã coi mình là công dân của toàn cầu. Đây là một sự phát triển tích cực”.
Khi được hỏi suy nghĩ của mình về suy đoán rằng Tổng thống Obama có thể viếng thăm Hiroshima vào cuối tháng này, Ngài trả lời rằng điều đó sẽ rất tuyệt vời. Ngài nói thêm rằng Ngài thường đã ấn tượng như thế nào về Đức và Nhật Bản đã vươn lên từ đống tro tàn của chiến tranh thế giới thứ hai nhưng hiện nay không hề có sự hận thù nào đối với những gì đã xảy ra với họ.
Về cách mọi người cúi đầu trước áp lực của Trung Quốc, có thể khiến cho mọi việc trở nên khó khăn hơn đối với Ngài hay không; Ngài đã trả lời rằng, về lâu dài thì sức mạnh của chân lý sẽ vượt trội hơn sức mạnh của súng đạn. Ngài cho biết nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài - về cơ bản - vẫn có cảm tình với sự nghiệp đại nghĩa của Tây Tạng và nhân dân Tây Tạng thì hoàn toàn cam kết tinh thần bất bạo động. Quan sát rằng bản chất con người về cơ bản là thiện lành, Ngài nói rằng ở tuổi gần 81, Ngài vẫn rất lạc quan.
Ngày mai Ngài sẽ bắt đầu giảng về “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên cho thính chúng của khoảng 2700 người bao gồm cả Trung Quốc, chủ yếu là từ Đài Loan, nhưng có một số từ Đại lục, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nga và Nhật Bản.